Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

21/01/2023

Cuộc chiến tại Ukraine bước vào giai đoạn sử dụng vũ khí hạng nặng

RFI tổng hợp

Chiến tranh Ukraine : Đức không đồng ý giao xe tăng Leopard 2 cho Kiev

Anh Vũ, RFI, 21/01/2023

Cuộc họp bộ trưởng quốc phòng các nước hậu thuẫn cho Ukraine ngày 20/01/2023, tại căn cứ Ramstein, đã không đạt được thỏa thuận nào về việc chuyển giao chiến xa hạng nặng Leopard 2 do Đức chế tạo cho Kiev. Chưa có sự đồng ý của Berlin, Ba Lan và nhiều nước Châu Âu khác dù sẵn sàng những cũng không thể chuyển Kiev các xe tăng Leopard mà họ đang có.

xetang1

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đứng trước một chiếc xe tăng Leopard 2 phát biểu với binh sĩ tại Ostenholz, Đức, ngày 17/10/2022. AP - Moritz Frankenberg

Tại cuộc họp đại diện các nước đều đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về sự cấp thiết phải tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của việc cung cấp các trang thiết bị quân sự mới cho Ukraine, trước viễn cảnh quân đội Nga đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công lớn vào mùa xuân.

Ukraine trông đợi rất nhiều vào cuộc họp của các đồng minh tại Ramstein hôm qua. Kiev không khỏi thất vọng trước quyết định của Berlin về việc chuyển giao chiến xa Leopard 2.

Thông tín viên Stéphane Siohan, tại Kiev tường trình :

Tối thứ Sáu, các phản ứng từ Ukraine là rất cay đắng sau những tuyên bố hoa mỹ của các lãnh đạo Đức về khả năng giao chiến xa hạng nặng Leopard 2 cho Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelensky mặt tươi tỉnh nhắc lại rằng các cuộc trao đổi ở Ramstein phải được giữ bí mật.

Nhiều quan chức cho rằng áp lực của nhiều nước Châu Âu như Ba Lan, các nước vùng Baltic hay Cộng hòa Czech sẽ khiến Đức nhượng bộ. Nhưng thực tế là người Ukraine đã giận nước Đức, đặc biệt là thủ tướng Olaf Scholz, ngay cả khi họ biết về phương diện hỗ trợ tài chính nước Đức vẫn ở bên cạnh Ukraine.

Giờ đây người Ukraine đã có đủ thông tin về các vấn đề quân sự để hiểu rằng Đức, nước sản xuất chủ yếu xe tăng tấn công ở Châu Âu trong nhiều thập kỷ nay, đang nắm giữ chìa khóa của trận chiến trong vùng bình nguyên Ukraine.

Với nhiều người ở Kiev, vấn là để xem liệu cho dù cảm thấy có lỗi về những hành động trên mặt trận phía đông hồi Thế chiến thứ 2, nước Đức của năm 2023 này, với sức mạnh chính trị, có khả năng lựa chọn mang tính đạo đức giữa một cường quốc đi xâm chiếm và một đất nước tự vệ trước xâm lăng hay không.

Anh Vũ

**********************

Ba Lan vẫn hy vọng đạt thỏa thuận giao xe tăng Leopard cho Ukraine

Thùy Dương, RFI, 21/01/2023

Trong cuộc họp ở căn cứ quân sự Mỹ ở Ramstein, miền tây nước Đức, ngày 20/01/2023, các nước đã có những tuyên bố về việc cung cấp nhiều thiết bị cho Ukraine, nhưng trong số đó không có chiếc Leopard nào, do Đức, nước sản xuất loại chiến xa này, không đồng ý. Ba Lan đã gây nhiều sức ép với thủ tướng Đức Olaf Scholz từ đầu năm để Kiev được cấp xe tăng Leopard. Warszawa vẫn hy vọng đạt thỏa thuận với Berlin để có thể sớm giao cho Ukraine xe tăng Leopard.

xetang2

Xe tăng Leopard 2 của quân đội Estonia, ngày 19/01/2023, tại căn cứ quân sự Tapa. Nhiều nước Châu Âu sẵn sàng chuyển giao xe tăng Leopard đang có cho Ukraine ngay khi Đức đồng ý. AP - Pavel Golovkin

Từ Warszawa, thông tín viên Martin Chabal giải thích :

"Warszawa sẽ phải tiếp tục đàm phán để cấp xe tăng Leopard của mình cho Ukraine. Trong khi Ba Lan hy vọng Đức đưa ra một quyết định mạnh mẽ trong cuộc họp Ramstein, thì chủ đề này đã bộc lộ một số sự chia rẽ trong nội bộ NATO.

Thế nhưng, tình hình đã được làm sáng tỏ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã không bật đèn xanh để giao cho Ukraine những chiếc xe tăng Leopard, loại xe tăng mà theo nhiều nhà phân tích, là sẽ có thể mang lại lợi thế đáng kể cho quân đội Ukraine.

Nhưng dù gì thì 15 nước sở hữu xe tăng Leopard, trong đó có Đức, cũng đang thảo luận để tìm ra một giải pháp phù hợp hơn. Một cuộc họp cũng được dự kiến sẽ diễn ra trong vài ngày tới.

Dẫu sao đi chăng nữa, Ba Lan cũng hy vọng có thể nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc trong khuôn khổ liên minh này, bởi vì chính phủ Ba Lan đã dọa sẽ chuyển xe tăng cho Ukraine mà không cần có sự đồng ý của Đức.

Các tín hiệu đang có lợi cho Ba Lan. Tại cuộc họp Ramstein, nhiều quyết định đã được đưa ra để viện trợ quân sự cho Ukraine. Bởi nếu Đức sợ sẽ đơn thương độc mã khi cho phép cấp xe tăng Loepard cho Ukraine, thì có nhiều nước đã tiến bước trước và như vậy, thủ tướng Olaf Scholz có thể nối bước".

Về phía Mỹ, bộ trưởng quốc phòng, Lloyd Austin, hôm qua khẳng định Đức vẫn là một đồng mình đáng tin cậy và "chúng tôi có thể sẽ làm thêm mọi điều" để hỗ trợ Kiev.

Thùy Dương

***************************

Các đồng minh Ukraine họp tại Ramstein, Đức đặt điều kiện giao xe tăng Leopard

Minh Anh, RFI, 20/01/2023

Hôm 20/01/2023, những nước hậu thuẫn quân sự cho Ukraine có cuộc họp quan trọng, mang tính quyết định, tại căn cứ quân sự Mỹ ở Ramstein, miền tây nước Đức : Đó là thảo  luận về việc cung cấp các loại vũ khí hạng nặng mà Ukraine đã đề nghị từ nhiều tháng qua như các hệ thống tên lửa tầm xa hay xe tăng hạng nặng. Vấn đề này vốn gây chia rẽ phương Tây, một phần vì nước Đức do dự.  

xetang3

Xe tăng Leopard 2 của quân đội Đức trong một lần huấn luyện tại căn cứ Munster, Đức ngày 28/09/2011. AP - Michael Sohn

Từ Berlin, thông tín viên đài RFI Nathalie Versieux giải thích : 

"Đích thân tân bộ trưởng quốc phòng, Boris Pistorius, một chuyên gia về an ninh nội địa chứ không phải là quân sự, sẽ là người dẫn đầu phái đoàn Đức. Nhất là, ông mới nhậm chức từ hôm qua (19/01), do vậy, phạm vi hành động của ông sẽ rất hạn hẹp. Pistorius sẽ áp dụng từng chữ một những hướng dẫn mà ông nhận được từ phủ thủ tướng.  

Hơn bao giờ hết, chính Olaf Scholz là người có trong tay bộ hồ sơ về việc cung cấp các vũ khí tấn công cho Ukraine. Đảng Xanh trong liên minh cầm quyền tỏ ra ủng hộ. Scholz dường như có chút thay đổi về hồ sơ này. Giờ ông sẵn sàng giao xe tăng Leopard như Kiev đòi hỏi, nhưng với điều kiện Mỹ phải giao xe tăng Abrams. 

Thế nhưng, Hoa Kỳ chưa mấy sẵn lòng cung cấp cho Ukraine loại xe tăng chiến đấu có hỏa lực mạnh này. Có hai lý do giải thích cho sự miễn cưỡng này của Đức : Mối lo cuộc xung đột sa lầy nhưng còn có nỗi sợ Nga sẽ chiếm được một trong số những thiết bị cực kỳ tinh vi đó".  

AFP cho biết, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, sau cuộc gặp với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tại Kiev hôm 19/01/2023 tuyên bố, "chiến xa phải được gởi đến cho Ukraine". Theo ông, "Liên Hiệp Châu Âu thấu hiểu thông điệp của Ukraine, rằng đất nước cần nhiều hơn nữa các hệ thống phòng không và đại pháo, cũng như là đạn dược". Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu khẳng định, phương Tây "ý thức" được rằng "những tuần sắp tới sẽ mang tính quyết định cho bước tiếp theo" trong cuộc chiến chống Nga. 

Minh Anh

***************************

11 nước Châu Âu kêu gọi tăng viện trợ quân sự giúp Ukraine đánh đuổi quân xâm lược Nga

Trọng Thành, RFI, 20/01/2023

Hôm 19/01/2023, 11 quốc gia Châu Âu ra "Cam kết Tallinn", thông báo nhiều khoản viện trợ quân sự mới giúp Ukraine, và kêu gọi đẩy mạnh hỗ trợ quốc phòng giúp Kiev sớm đánh bật quân xâm lược Nga. "Cam kết Tallinn" được đưa ra một ngày trước cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng khoảng 50 quốc gia họp tại Đức hôm nay 20/01, để bàn việc tăng cường hỗ trợ Kiev.

xetang4

Bộ trưởng quốc phòng Estonia Hanno Pevkur tại doanh trại quân sự Tapa, Estonia ngày 19/01/2023. AP - Pavel Golovkin

Bộ trưởng quốc phòng Estonia, Anh, Ba Lan, Latvia và Litva, cùng đại diện các nước Đan Mạch, Cộng hòa Czech, Hà Lan và Slovakia họp tại Tallinn, thủ đô Estonia ngày hôm qua. Sau cuộc họp, đại diện 9 quốc gia nói trên cùng Đức và Tây Ban Nha đã ra bản "Cam kết Tallinn". Hỗ trợ Ukraine "chuyển từ kháng cự sang trục xuất các lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine" là mục tiêu chính.

Cam kết Tallinn nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu này, cần huy động "các viện trợ chưa từng có, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực, pháo hạng nặng, hệ thống phòng không, đạn dược và xe chiến đấu bộ binh" cho Ukraine. Bẩy trong số 11 quốc gia ký tên đã nêu ra các đóng góp cụ thể.

Anh đưa ra nhiều cam kết, trong đó có việc cung cấp cho Kiev một chi đội xe tăng hạng nặng Challenger 2, pháo tự hành AS90 155 ly, hàng trăm xe bọc thép, hàng chục máy bay không người lái, hàng trăm hỏa tiễn tối tân bao gồm tên lửa GMLRS, 100.000 đạn pháo. Estonia hỗ trợ pháo 155 ly H-70 và 122 ly D-30, súng chống tăng Carl-Gustaf M2. Ba Lan tặng Ukraine 42 xe chiến đấu bộ binh cùng lựu pháo 155 mm KRAB...

Cho đến nay, các nước đồng minh vẫn ngần ngại trong việc cung cấp cho Kiev các hệ thống tên lửa có tầm bắn xa hơn 100 km, giúp Ukraine có thể tấn công các hệ thống hậu cần quân sự của Nga, đặc biệt là các kho đạn. Theo AFP, ngày hôm qua, điện Kremlin một lần nữa tuyên bố, việc cung cấp các vũ khí tầm xa hơn cho Ukraine "sẽ khiến xung đột leo thang".

Trọng Thành

**************************

Mỹ : Thêm một khoản chi viện quân sự mới cho Ukraine

Minh Anh, RFI, 20/01/2023

Hoa Kỳ ngày 19/01/2023 thông báo một gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine, trị giá 2,5 tỷ đô la, chủ yếu bao gồm hàng trăm xe bọc thép các loại khác nhau, nhưng không có xe tăng hạng nặng Abrams. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 20/01/2023 lên tiếng cảm ơn Hoa Kỳ, nguồn hậu thuẫn quân sự hàng đầu cho Kiev trong cuộc chiến chống quân Nga xâm lược. 

xetang5

Xe tăng Bradley của Hoa Kỳ được triển khai ở Garkalne, Latvia ngày 08/02/2017. Reuters - Ints Kalnins

Khoản viện trợ mới này bao gồm 59 xe tăng Bradley, bổ sung cho đợt cung cấp 50 xe bọc thép hạng nhẹ đã được thông báo ngày 06/01, và 90 xe bọc thép chở quân Stryker. Trong thông cáo, bộ quốc phòng Mỹ nêu rõ, đợt chi viện mới này sẽ "trang bị cho Ukraine có được hai lữ đoàn xe thiết giáp". 

Quân đội Mỹ sẽ cung cấp thêm cho Ukraine 53 xe bọc thép chống mìn (MRAP) và 350 loại xe chở quân Humvee nổi tiếng M998.

Cho đến nay, Mỹ vẫn viện dẫn vấn đề bảo trì và đào tạo, để từ chối cung cấp cho Ukraine xe tăng hạng nặng Abrams.

Ngoài ra, Washington cũng sẽ cung cấp tên lửa cho các hệ thống phòng không NASAMS và HIMARS đã giao cho Ukraine và 8 hệ thống phòng không tầm ngắn Avenger – những loại vũ khí được lắp đặt trên những phương tiện di chuyển cùng nhịp với bộ binh – và hàng ngàn loại đạn dược khác nhau. 

Theo AFP, với gói chi viện bổ sung này, tính đến nay Hoa Kỳ đã hỗ trợ tổng cộng 26,7 tỷ đô la quân sự cho Ukraine kể từ khi chiến tranh bùng nổ ngày 24/02/2022. 

Thông báo được đưa ra một ngày trước khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, dẫn đầu một phái đoàn đến Ramstein họp bàn với các đồng minh trong việc tiếp tục phối hợp hỗ trợ quân sự cho Ukraine. 

Minh Anh

***************************

Giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraine : Đức bị áp lực ngày càng lớn của các đồng minh

Anh Vũ, RFI, 18/01/2023

Ít ngày trước cuộc họp quan trọng dành cho vấn đề quốc phòng của Ukraine, ngày 20/01 tới, Kiev và các đồng minh tăng cường áp lực đối với Đức để chính phủ nước này đồng ý giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Đây là hồ sơ bộ trưởng quốc phòng Đức ngay sau khi được bổ nhiệm đã nâng lên thành một ưu tiên.

xetang6

Xe tăng Léopard 2 của quân đội Đức trong một lần huấn luyện tại căn cứ Minster, Đức, ngày 16/03/2022. AP - Philipp Schulze

Đây cũng là một trong những chủ đề chính trong các cuộc thảo luận giữa các nước hậu thuẫn cho Ukraine. Vấn đề giao các loại chiến xa hạng nặng được tổng thống Volodymyr Zelensky đòi hỏi từ nhiều tháng nay sẽ nằm trong chương trình nghị sự chính của phiên họp thứ ba Nhóm tiếp xúc về quốc phòng của Ukraine, diễn ra vào ngày 20 tháng Giêng 2023 tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức.

Cuộc họp cấp cao này, theo sáng kiến của Hoa Kỳ, quy tụ khoảng năm chục nước, mở ra trong bối cảnh mang tính sống còn đối với Ukraine. Còn vài tuần nữa mùa đông sẽ qua và trong lúc này, Nga đang huy động lực lượng chuẩn bị cho cuộc tấn công mùa xuân, Kiev lại cao giọng kêu gọi các đồng minh cung cấp các loại xe tăng hạng nặng của phương Tây cho họ.

Tuần này, Anh Quốc đã hứa chuyển một đại đội gồm 14 chiến xa loại Challenger 2 cho Ukraine. Như vậy là Anh trở thành cường quốc phương Tây đầu tiên quyết định gửi chiến xa chủ lực cho Kiev.

Thông báo của Luân Đôn càng làm gia tăng áp lực cho Berlin. Là quốc gia chế tạo xe tăng Leopard 2, được trang bị phổ biến ở Châu Âu, Đức đến giờ vẫn chưa đồng ý giao cho Ukraine loại chiến xa quý giá của mình cho Ukraine, cho dù các đồng minh năn nỉ. Hôm thứ Hai đầu tuần này, bộ trưởng quốc phòng Đức, người bị chỉ trích rất nhiều vì cách xử lý hồ sơ Ukraine, đã bất ngờ từ chức, để lại cho người kế nhiệm Boris Pistorius (thuộc đảng Xã hội Dân chủ) hồ sơ nóng này.

Trận chiến vũ khí hạng nặng

Sự thay đổi bất ngờ trên tại Đức xảy ra vào thời điểm cực kỳ nhạy cảm đối với các đồng minh của Ukraine, trong khi tranh luận về cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev đang lên đến cao trào.

Trong những tuần qua, các nước thành viên khối NATO đã bắt đầu huy động để gửi cho Ukraine các loại vũ khí tấn công mà cho đến giờ họ vẫn từ chối cung cấp vì ngại khiêu khích Moskva.

Đầu tháng Giêng, Pháp đã trở thành cường quốc đầu tiên trên thế giới đáp ứng những lời kêu gọi lặp đi lặp lại của Kiev để được cấp các loại xe bọc thép chiến đấu hạng nhẹ loại AMX/10 RC. Dù được trang bị hỏa lực mạnh, nhưng loại xe bọc thép bánh lốp không phải bánh xích này không được coi là chiến xa. Được thiết kế chế tạo chủ yếu cho nhiệm vụ trinh sát, loại xe trên không thích ứng được với địa hình bùn lầy và khó khăn khác.

Theo sau Pháp, Hoa Kỳ và Đức đã lần lượt thông báo cung cấp khoảng năm chục xe bọc thép chiến đấu loại Bradley và năm chục xe loại Marder. Đó là các loại xe bọc thép chạy bánh xích, tiện lợi cho việc chuyển quân nhưng lại không được trang bị hỏa lực mạnh của các loại xe tăng tấn công như đòi hỏi của Kiev.

Trong bối cảnh như vậy, việc Luân Đôn hôm thứ Bảy vừa qua thông báo cung cấp xe tăng Challenger 2, loại chiến xa đầu tiên do phương Tây chế tạo, đánh dấu một bước ngoặt. Tuy nhiên nhiều chuyên gia quân sự ghi nhận việc giao một đại đội 14 chiếc xe như vậy không để thay đổi đáng kể cục diện chiến trường ở Ukraine.

Ông Shashank Joshi, chuyên gia quốc phòng của tuần báo Anh The Economist đồng thời là nhà nghiên cứu tại Kings College Luân Đôn nhận định "Quân đội Ukraine cần có một đội xe tăng lâu dài. Cung cấp một số lượng nhỏ Challenger 2 là hành động biểu tượng, không phải là giải pháp lâu bền" và "thực chất vấn đề là các loại xe tăng Leopard, đang có khắp Châu Âu".

Berlin ở tâm điểm cuộc chơi

Chiến xa Leopard 2, được trang bị lần đầu tiên năm 1979 và được nâng cấp qua nhiều mẫu từ đó đến giờ và đang được quân đội 13 nước Châu Âu sử dụng gồm Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Hungary, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng số các nước này có "hơn 2000 chiến xa loại này với các chủng loại khác nhau", theo thẩm định của Hội đồng Đối ngoại Châu Âu ( CFR). "Càng nhiều nước tặng chiến xa, việc chia sẻ gánh nặng của họ đối với Ukraine càng dễ dàng hơn", ECFR nhấn mạnh trong một báo cáo hồi tháng 9/2022. Việc chia sẻ chuyển xe tăng Leopard 2 cho Ukraine cũng giúp phân chia huấn luyện sử dụng được tốt hơn, theo giải thích của Rod Thornton, nhà nghiên cứu thuộc khoa Quốc phòng tại Kings College Luân Đôn. Bởi nếu như quân đội Ukraine hiện có các kỹ năng cần thiết để sử dụng các loại xe tăng chế tạo từ thời Liên Xô, thì họ cần phải mất thêm 2 tháng đào tạo để có thể làm chủ được các xe tăng trong hệ thống của NATO, chuyên gia này nhận định. 

Cuối cùng, việc chuyển các xe tăng Leopard 2 sẽ thuận lợi về mặt hậu cần. Thực tế, một số lượng lớn các đơn vị xe tăng này hiện có mặt ở Châu Âu, việc cung cấp các loại xe hỗ trợ cần thiết và đạn dược cùng trang thiết bị sửa chữa xe cũng sẽ dễ dàng hơn.

Trong hoàn cảnh như vậy, một số nước như Tây Ban Nha hay Ba Lan đã đề xuất cung cấp trực tiếp cho Ukraine một số lượng xe tăng Leopard của mình. Cách làm này gọi là tái xuất nhưng vẫn cần có sự đồng ý của Berlin. Đến giờ chính phủ Đức vẫn ngần ngại sợ bị nhìn nhận là tham gia leo thang quân sự và có thể bị Nga coi là khiêu khích.

Mũ sắt thay vì chiến xa

Khi cuộc chiến tranh khởi phát hôm 24/02/2022, nước Đức đã được đánh giá như là mắt xích yếu trong chuỗi phản ứng của phương Tây đối với cuộc xâm lược của Nga. Lý do là vì Đức lệ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga và nước Đức đã có cam kết hòa bình sau chiến tranh thế giới thứ 2.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz khi mới lên nắm quyền đã hứa hẹn một bước ngoặt quyết định, đối đầu trực diện với Vladimir Putin, thông báo tăng ồ ạt chi tiêu quốc phòng. Một năm sau, các chỉ trích lại đổ lên đầu lãnh đạo Đức, ông bị tố đã không giữ lời hứa và làm quá ít, quá muộn. Trên tuyến đầu, bà cựu bộ trưởng quốc phòng Christine Lambrecht từng bị dư luận đông đảo chế nhạo việc đã gửi 5000 mũ sắt cho Ukraine, trong khi quân đội nước này đang cố chặn đà tiến của các chiến xa Nga về thủ đô.

Việc bà bất ngờ từ chức, thay vào đó là ông Boris Pistorius, vài ngày trước cuộc họp ở Ramstein làm dấy lên nhiều câu hỏi. Hành động ngay sau khi nhậm chức, tân bộ trưởng quốc phòng Đức phải gặp đồng nhiệm Mỹ Lloyd Austin, trước cuộc họp ngày thứ Sáu tới, tại căn cứ không quân của Mỹ.

Sau thông báo chuyển xe tăng của Anh cho Ukraine, Đức, đối mặt với áp lực ngày càng lớn của các đồng minh, không thể im lặng, theo nhận định của chuyên gia Rod Thornton. Chuyên gia này e rằng sự thay đổi vội vàng bộ trưởng ở Berlin làm suy yếu sự đoàn kết của phương Tây trong việc quyết định các cam kết mạnh mẽ. "Sẽ có việc gia tăng hỗ trợ cho Ukraine, nhưng có thể làm dưới nhiều hình thức, có lẽ sẽ không ở dưới dạng các chiến xa như Kiev mong chờ", chuyên gia Rod Thornton kết luận.

(Theo France24.com)

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Thùy Dương, Minh Anh, Trọng Thành,
Read 447 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)