Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/01/2023

Cuộc chiến sẽ ra sao khi Ukraine được giao chiến xa hạng nặng ?

RFI tổng hợp

Chiến tranh Ukraine : Mỹ cấp xe tăng hạng nặng Abrams cho Kiev

Thanh Hà, RFI, 26/01/2023

Sau nhiều tuần lễ do dự, ngày 25/01/2023, tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ sẽ chuyển giao 31 chiếc xe tăng hạng nặng Abrams cho Ukraine, để giúp Kiev "bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ". Trong một phát biểu ngắn gọn, lãnh đạo Nhà Trắng nhấn mạnh đây không là một hành động "gây hấn với Nga", đồng thời cho biết Washington đã tham khảo ý kiến các đối tác Châu Âu Anh, Pháp, Đức và Ý, trước khi ra quyết định.

chienxa1

Xe tăng chiến đấu Abrams tại ga xe lửa Pabrade gần Vilnius, Litva, ngày 21/10/2019. AP - Mindaugas Kulbis

Tuy nhiên, sẽ phải mất nhiều thời gian cho đến khi quân đội nước này làm chủ được những xe tăng mà Mỹ chuyển giao.

Từ thủ đô Washington, thông tín viên Guillaume Naudin giải thích :

"Abrams M1, mà Mỹ sẽ giao 31 chiếc, là loại xe tăng lợi hại nhất trên thế giới. Tổng thống Hoa Kỳ đã hãnh diện tuyên bố như trên. Lợi hại nhất, nhưng cũng rất khó sử dụng. Sẽ mất nhiều tháng từ nay cho đến khi lính Ukraine sẵn sàng để được trao loại chiến xa này. Họ phải được đào tạo để sử dụng và kể cả bảo trì, bởi đây là những loại thiết bị hết sức phức tạp và không chắc là hoàn toàn thích hợp với địa hình, theo như giải thích của quân đội Mỹ.

Trước mắt, quyết định của Hoa Kỳ đã thuyết phục nhiều quốc gia khác hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự dứt khoát trao xe tăng hạng nặng cho Kiev. Đức sẽ gửi 14 chiếc Leopard 2, có thể là không lợi hại bằng Abrams của Mỹ, nhưng cũng thuộc loại hiện đại nhất và hơn hẳn các kiểu xe tăng của Nga. Leopard 2 của Đức dễ sử dụng hơn và không đòi hỏi quá nhiều thời gian để đưa tới hiện trường. Berlin cũng đã đồng ý cho các quốc gia khác, như Ba Lan hay Tây Ban Nha, cung cấp cho Ukraine xe tăng của Đức mà họ đang có. 

Nhà Trắng cho biết mục tiêu của Washington là cùng với các đối tác Châu Âu nhanh chóng giúp Ukraine có được ít nhất 2 tiểu đoàn để giành chiến thắng trên trận địa. Ngoài mục đích quân sự đó, Washington cũng đang nhắm tới mục tiêu ngoại giao, đó là thể hiện sự đoàn kết với các đối tác Châu Âu trước việc Nga đưa quân xâm chiếm Ukraine.

Tranh cãi xung quanh việc giao xe tăng hạng nặng cho chính quyền Kiev trong những tuần qua có vẻ như đã làm suy yếu mức độ đoàn kết đó, bởi Mỹ lo ngại Nga sẽ coi đây như một hành động leo thang chiến tranh. Do vậy, trong phát biểu hôm qua, Joe Biden đã cố nhấn mạnh đến những nỗ lực của Châu Âu, và đã nêu đích danh tất cả những nước đã viện trợ quân sự cho Ukraine. Tổng thống Biden đặc biệt hoan nghênh thái độ của thủ tướng Đức. Ông cũng không quên nhắc đến vai trò đầu tàu của Mỹ trong liên minh quốc tế này".

Phản ứng của Nga

Moskva hôm qua coi việc phương Tây nhất trí trao xe tăng hạng nặng cho Ukraine là một quyết định "cực kỳ nguy hiểm". Đại sứ Nga tại Berlin Sergueie Netchaev cho rằng "xung đột Ukraine sẽ được đẩy lên một cấp độ mới" và thái độ của Đức và các nước đồng minh cho thấy phương Tây "không muốn giải quyết khủng hoảng Ukraine bằng con đường ngoại giao". Theo ông, các Âu Mỹ "chỉ muốn làm cho tình hình căng thẳng thêm".

Thanh Hà

*************************

Tại sao Pháp do dự trong việc giao chiến xa Leclerc cho Ukraine ?

Trọng Nghĩa, RFI, 26/0/2013

Sau khi Đức loan báo quyết định cung cấp chiến xa hạng nặng Leopard cho Ukraine hôm 25/01/2023, và sau khi Washington thông báo chuyển giao xe tăng Abrams của Mỹ cho Kiev, một câu hỏi đã được nhanh chóng đặt ra : Liệu Paris có sẽ theo chân đồng minh để viện trợ cho Ukraine loại chiến xa Leclerc của Pháp ?

chienxa2

Xe tăng chiến đấu Leclerc của Pháp trong một cuộc tập trận tại Smardan, Rumani, ngày 25/01/2023. © AP / Vadim Ghirda

Về mặt chính thức, Paris không hề loại trừ khả năng chuyển giao xe tăng Leclerc cho Kiev. Vào hôm qua, 25/01, thủ tướng Elisabeth Borne khẳng định rằng chính phủ Pháp vẫn tiếp tục xem xét việc giao loại chiến xa hạng nặng này cho Ukraine. Trước đó, ngày 22/01, chính tổng thống Pháp Macron đã xác nhận Paris “không loại trừ bất kỳ giả thuyết nào” về việc cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine. Theo Điện Elysée, chủ đề này một lần nữa đã được ông Macron nêu lên trong cuộc điện đàm hôm 24/01 với đồng nhiệm Ukraine.

Các quan chức Pháp cũng cho biết đã tiến hành từ nhiều tuần lễ nay “các cuộc thảo luận” với Kiev về khả năng cung cấp xe tăng Leclerc, tuy nhiên, các cuộc thảo luận đó vẫn chưa đạt kết quả. Theo nhật báo Pháp Le Monde ngày 26/01, một nguồn tin chính thức giải thích : “Các cuộc thảo luận giữa chuyên gia Pháp và Ukraine đang tiếp diễn, đặc biệt là để ước tính tỷ lệ chi phí-lợi ích của việc cung cấp như vậy”.

Dẫu sao thì đúng là Pháp rất dè dặt trong việc cung cấp chiến xa Leclerc cho Ukraine, nhưng không phải vì lý do chính trị, như lời khẳng định của một quan chức quốc phòng cao cấp với hãng tin Pháp AFP. Viên chức xin ẩn danh này cho biết : “Không hề có phản đối vì lý do chính trị. Chúng tôi chỉ tự hỏi là liệu chiến xa Leclerc có phải là một món quà tẩm độc hay không, vì mục tiêu nhắm tới là tính hữu dụng và hiệu quả”.

Uy lực của chiến xa Leclerc phải nói rất đáng gờm. vì kết hợp được tính cơ động, khả năng bảo vệ cao nhờ vỏ bọc thép và hỏa lực mạnh với loại súng 120 mm gắn trên xe. Đại tá Alexandre de Féligonde, sĩ quan chỉ huy của đơn vị 13 chiếc Leclerc được Pháp cử sang trấn giữ ở Rumani sau ngày Nga xâm lược Ukraine, cho biết : “ Leclerc có thể di chuyển với tốc độ 80 km/h, tiêu diệt trong lúc di chuyển mục tiêu cách xa tới 4.000 mét, đồng thời bảo vệ đội lính tăng của mình khỏi hỏa lực của kẻ thù”.

Vấn đề là những cỗ xe bọc thép nặng hơn 50 tấn đó lại cần đến một nền tảng bảo trì đáng kể. Theo một nguồn tin quân sự được báo Le Monde trích dẫn, một chiếc xe tăng hiện đại phải được hỗ trợ đầy đủ về mặt hậu cần khi triển khai, vừa để cung ứng nhiên liệu và đạn dược, vừa để bảo trì. Tại Rumani chẳng hạn, Pháp đã phải triển khai một đội ngũ khoảng 200 người cùng với hai xe tăng sửa chữa để phục vụ hơn một chục chiếc Leclerc.

Theo Le Monde, chính vì quên mất điều này mà Moskva đã mất đi hàng chục chiếc xe tăng khi bắt đầu cuộc chiến tranh Ukraine : Tấn công Kiev mà không chú ý đến khâu hậu cần, nhiều chiếc T-72 và T-80 của Nga đã bị đội lái bỏ lại khi rút đi, chỉ vì hết nhiên liệu, hoặc chỉ vì không thể sửa chữa được.

Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu Ukraine có đủ nguồn lực để chăm lo hậu cần cho các chiến xa phương Tây rất khác nhau mà họ sắp tiếp nhận hay không ? Loại xe tăng Leopard 2 của Đức mà Ukraine sắp được trang bị hàng loạt thuộc loại rất phổ biến, được rất nhiều quân đội phương Tây sử dụng, cho nên vấn đề phụ tùng, đạn dược, bảo trì tương đối dễ dàng hơn. Trong khi đó thì ở Châu Âu, chỉ có Quân Đội Pháp là dùng loại Leclerc mà thôi.

Vào lúc Ukraine sẽ phải vật lộn với vấn đề hậu cần cho đội xe Leopard, câu hỏi đặt ra là việc cung cấp thêm cho Kiev loại xe tăng Leclerc cùng tính năng nhưng khó bảo trì hơn có hữu ích hay không. Một nguồn tin từ bộ Quân Lực Pháp xác định : “Không có cấm kỵ [về việc cung cấp Leclerc], nhưng việc này phải có hiệu quả đối với Ukraine”.

Ngoài ra, thái độ do dự trong việc cung cấp chiến xa Leclerc cho Ukraine còn xuất phát từ thực tế là bản thân Pháp cũng không chế tạo nhiều chiếc xe tăng loại này. Theo bộ tổng tham mưu Pháp, Quân Đội Pháp hiện chỉ có 226 chiến xa Leclerc, so với hơn 800 chiến xa vào đầu những năm 2000. Tế nhị hơn nữa là chỉ 60% số xe tăng Leclerc đó là có thể tác chiến ngay, 40% còn lại chỉ được sử dụng cho tập huấn.

Số xe tăng hiện hữu không những rất ít, mà khả năng chế tạo thêm cũng không còn. Theo Le Monde, tập đoàn Nexter làm ra chiếc Leclerc đã ngừng sản xuất loại chiến xa này kể từ năm 2008. Do đó, mỗi chiếc xe tăng được giao cho Ukraine sẽ không thể được thay thế bằng một chiếc mới, trong lúc loại chiến xa MGCS, trên nguyên tắc sẽ thay thế lớp Leclerc, chưa thể xuất hiện trước năm 2040.

Tóm lại, Paris sẽ còn phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn nữa về việc giao xe Leclerc cho Ukraine. Ngày 22/01 vừa qua, tổng thống Pháp Macron đã báo trước : “Không có gì bị loại trừ” khả năng chuyển giao Leclerc cho Ukraine, nhưng việc chuyển giao này sẽ chỉ được thực hiện với điều kiện “không làm suy yếu khả năng phòng thủ của chính nước Pháp”.

Trọng Nghĩa

**************************

Tây Ban Nha thông báo cấp chiến xa Leopard cho Ukraine

Thùy Dương, RFI, 26/01/2023

Sau quyết định của Berlin đồng ý cấp xe tăng chiến đấu hạng nặng Leopard của Đức cho Ukraine chống quân Nga xâm lược, đến lượt Tây Ban Nha thông báo sẽ gửi chiến xa Leopard cho Kiev. Tuy nhiên, chính phủ của thủ tướng Pedro Sanchez hôm 25/01/2023, không nói rõ sẽ cấp cho Ukraine bao nhiêu xe tăng.

chienxa3

Xe tăng Léopard 2 của quân đội Đức trong một cuộc thao dượt tại căn cứ Munster, Đức, ngày 28/09/2011. AP - Michael Sohn

Từ Madrid, thông tín viên François Musseau giải thích về quyết định của chính quyền Sanchez :

"Ngay từ đầu, đảng Xã Hội đã nói rõ rằng họ sẽ bật đèn xanh cho việc cấp xe tăng chiến đấu cho Kiev nếu và chỉ nếu trong trường hợp có một thỏa thuận của Châu Âu được đưa ra trước. Đối với họ, quyết định của Đức là đủ để Tây Ban Nha tham gia vào nhóm các nước tiếp bước ủng hộ. Felix Bolanos, nhân vật số hai trong chính phủ cánh tả, phát biểu : "Tại sao chúng ta lại có thể không hiện diện ở nơi mà các đồng minh cần chúng ta ?". Chính phủ của thủ tướng Sanchez nói rõ rằng nếu các nước Châu Âu không có một lập trường rõ ràng và cứng rắn với Putin, thì Nga có thể không dừng lại ở việc xâm lược Ukraine.

Tây Ban Nha có 168 xe tăng chiến đấu Leopard, một nửa trong số đó là tại Saragosse, tỉnh Aragon. Nhưng theo bộ trưởng quốc phòng, những chiến xa này đang trong tình trạng tồi tệ. Có một khó khăn khác, đó là sự phản đối công khai của đảng cực tả Unidas Podemos, đảng thành viên chính phủ liên minh của thủ tướng Pedro Sanchez. Unidas Podemos cho rằng việc gửi xe tăng có thể gây ra những hậu quả không lường trước được và chủ trương nên ưu tiên con đường ngoại giao với Moskva".

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Trọng Nghĩa, Thùy Dương
Read 371 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)