Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

28/01/2023

Hà Lan, Nhật Bản hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Hà Lan, Nhật Bản tham gia dự án của Mỹ hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc

Hà Lan và Nhật Bản quyết định tham gia dự án của Hoa Kỳ hạn chế xuất khẩu chip cao cấp sang Trung Quốc. Một số nguồn tin gần gũi với hồ sơ này cho báo Anh Financial Times biết thảo thuận ba bên đã đạt được hôm 27/01/2023, sau vòng đàm phán cấp cao cuối cùng tại Nhà Trắng.

chip1

Hình ảnh minh họa chip bán dẫn. © canva

Trả lời báo giới hôm qua, ông Yasutoshi Nishimura, bộ trưởng Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản thông báo "đã thảo luận với Hoa Kỳ và các nước khác về quy chế kiểm soát xuất khẩu", và "sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp nào phù hợp với Luật Ngoại Hối của chúng tôi và thông qua hợp tác quốc tế", nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết. Hiện tại Nhà Trắng, cũng như hai chính phủ Hà Lan và Nhật Bản, từ chối bình luận cụ thể hơn về vấn đề này.

Quyết định hạn chế bán chip bán dẫn cao cấp cho Trung Quốc trước hết nhắm ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc. Trước đó, thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times khẳng định Hà Lan "ủng hộ" việc không nên sử dụng chip cao cấp của phương Tây trong vũ khí của một số quốc gia. Ông cho biết các quốc gia phương Tây và các đối tác Châu Á phải duy trì "lợi thế dẫn đầu" về chip.

Việc khiến Hà Lan và Nhật Bản áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với Trung Quốc là một chiến thắng ngoại giao lớn đối với chính quyền Joe Biden. Thỏa thuận này được đưa ra ba tháng, sau khi Washington đơn phương áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip, cấm các công ty Mỹ bán thiết bị sản xuất linh kiện bán dẫn tiên tiến cho các tập đoàn Trung Quốc. Chính quyền Joe Biden đã đàm phán với các quốc gia đồng minh trong hai năm, nhưng vấp phải sự phản đối vì các nước này lo lắng ảnh hưởng đối với các công ty chế tạo máy công cụ sản xuất chip của quốc gia mình, đặc biệt là công ty ASML của Hà Lan và hai công ty Tokyo Electron và Nikon của Nhật Bản.

Theo hãng tin Bloomberg, chính quyền Hà Lan sẽ buộc công ty ASML hạn chế bán cho Trung Quốc các máy in vi mạch bán dẫn tiên tiến nhất, với phương pháp in thạch bản bằng tia siêu cực tím (deep ultraviolet lithography machines)Nhật Bản cũng sẽ đặt ra các giới hạn tương tự đối với công ty Nikon Corp.

Phản ứng của công ty Hà Lan

Về phản ứng của công ty Hà Lan, báo mạng Hồng Kông South China Morning Post, dẫn phát biểu của chủ tịch kiêm giám đốc điều hành ASML Peter Wennink, hôm 25/01, tỏ ra không mấy tin tưởng vào biện pháp siết chặt xuất khẩu, cảnh báo là nỗ lực do Hoa Kỳ dẫn đầu chống lại Trung Quốc rút cục có thể thúc đẩy Bắc Kinh phát triển thành công công nghệ của riêng mình trong lĩnh vực thiết bị sản xuất chip tiên tiến.

Về phần Nhật Bản, Tokyo hy vọng doanh thu của các công ty liên quan đến chip bị ảnh hưởng sẽ phục hồi nhanh chóng do thị trường thiết bị này đang mở rộng, một quan chức thương mại và công nghiệp chuyên trách lĩnh vực nói trên cho Reuters biết.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 239 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)