Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

30/01/2023

NATO vận động cung cấp vũ khí cho Ukraine

RFI tổng hợp

NATO đề nghị Seoul tăng viện trợ quân sự cho Ukraine

Thùy Dương, RFI, 30/01/2023

Công du Hàn Quốc, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm 30/01/2023 đề nghị Seoul tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine và gợi ý Hàn Quốc điều chỉnh chính sách không cung cấp vũ khí cho các nước đang có chiến tranh.

vukhi1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi Hàn Quốc tăng viện trợ quân sự cho Ukraine. Ảnh tư liệu chụp ngày 12/10/2022 tại trụ sở Bruxelles. AFP – Kenzo Tribouillard

Phát biểu tại Viện Chey ở Seoul, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 30/01/2023 kêu gọi Seoul hành động nhiều hơn nữa để hỗ trợ Kiev. Theo ông Stoltenberg, nếu tin vào tự do, dân chủ, nếu không muốn các nước dân chủ bị các chế độ độc tài và toàn trị phá hủy, thì cần cung cấp thêm vũ khí cho các nước dân chủ. Tổng thư ký NATO khẳng định điều cực kỳ quan trọng là không để tổng thống Nga Putin thắng lợi trong cuộc chiến, nếu không thì thông điệp gửi đến các nhà lãnh đạo độc tài khác trên thể giới, trong đó có chế độ Bắc Kinh, là hãy sử dụng vũ trang làm phương tiện đạt được những gì họ muốn.

Trên thực tế, Hàn Quốc là một trong những nước xuất khẩu ngày càng nhiều vũ khí ra thế giới. Mới đây Seoul cũng đã ký nhiều hợp đồng bán hàng trăm xe tăng cho các nước Châu Âu, trong đó có Ba Lan, thành viên NATO. Tuy nhiên, theo luật định của Hàn Quốc, Seoul không được bán vũ khí cho các nước đang có chiến tranh. Điều này khiến việc chuyển vũ khí cho Ukraine gặp khó khăn cho dù Seoul vẫn viện trợ nhân đạo và cung cấp các trang thiết bị không gây sát thương để hỗ trợ Ukraine.

Theo AFP, tổng thư ký NATO lưu ý Kiev có nhu cầu khẩn cấp về đạn dược và nhấn mạnh một số nước như Đức và Na Uy, có những luật định tương tự như Hàn Quốc về xuất khẩu vũ khí, đã điều chỉnh chính sách để viện trợ Kiev.

Sau chặng dừng ở Hàn Quốc, tổng thư ký NATO sang Nhật Bản. Vòng công du Hàn - Nhật nhằm thắt chặt quan hệ giữa Liên Minh Bắc Đại Tây Dương với hai nước đồng minh Châu Á của Mỹ, trong bối cảnh chiến tranh Ukraine và cạnh tranh với Trung Quốc gia tăng.

Thùy Dương

************************

Thủ tướng Đức khẳng định Berlin không cấp chiến đấu cơ cho Ukraine

Trọng Thành, RFI, 30/01/2023

Các đồng minh của Ukraine bị chia rẽ trong vấn đề cấp chiến đấu cơ cho Ukraine, theo yêu cầu của Kiev. Hôm 29/01/2023, thủ tướng Đức Olaf Sholz tuyên bố Berlin sẽ không viện trợ chiến đấu cơ cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh sẽ không cho phép "căng thẳng leo thang" và "giữa NATO và Nga không có chiến tranh". 

vukhi2

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) phát biểu tại Quốc hội Liên Bang Đức Bundestag, Berlin, Đức, ngày 25/01/2023. AP - Markus Schreiber

Theo AFP, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Đức Tagesspiege, thủ tướng Đức khẳng định : "Vấn đề phi cơ chiến đấu không được đặt ra". Ông Olaf Sholz chỉ trích mạnh mẽ các áp lực buộc chính quyền Đức phản nhân nhượng trong việc cấp phi cơ chiến đấu cho Kiev : "ngay khi một quyết định được đưa ra (tức việc Đức quyết định viện trợ xe tăng Leopard 2 cho Ukraine), lại có thêm một cuộc tranh luận mới bắt đầu tại Đức" về viện trợ quân sự, và "đây là điều không nghiêm túc, làm suy giảm niềm tin của công dân Đức vào các quyết định của chính phủ". Olaf Cholz cũng nhắc lại là Đức hậu thuẫn Ukraine về nhiều mặt, từ tài chính, nhân đạo đến vũ khí, như nhiều nước khác, và "không có quốc gia nào ủng hộ Ukraine hơn Đức".

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn nói trên, thủ tướng Olaf Sholz cho biết "cần" tiếp tục đối thoại với tổng thống Nga Vladimir Putin, ông cam kết sẽ tiếp tục điện đàm với nguyên thủ Nga, nhưng không cho biết thời điểm cụ thể. Lần điện đàm cuối cùng giữa hai lãnh đạo Nga – Đức là vào đầu tháng 12/2022. Thông điệp mà thủ tướng Đức gửi đến chủ nhân điện Kremlin trong bài phỏng vấn hôm qua là : "nếu Nga tiếp tục cuộc xâm lăng Ukraine thì tình hình sẽ không thay đổi".

Vấn đề cung cấp chiếu đấu cơ cho Ukraine đang gây chia rẽ các đồng minh của Kiev. Trong những ngày gần đây, theo Le Monde hôm nay, nhiều giới chức Mỹ và Châu Âu cho biết là không loại trừ việc cấp phi cơ chiến đấu F-16, do Mỹ sản xuất cho Ukraine. Hà Lan là một trong số các nước ủng hộ biện pháp này. 

Brazil, Argentina và Chile từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine

Phát biểu của thủ tướng Đức được đưa ra trong chặng công du tại Chile. Tổng thống Chile Grabriel Boric hôm qua cam kết "đóng góp một cách đa phương cho hòa bình" tại Ukraine. Ngày hôm nay, thủ tướng Đức đến Brazil, chặng cuối trong vòng công du Nam Mỹ.

Trước cuộc hội kiến giữa hai lãnh đạo Đức – Brazil, Le Monde dẫn lại thông tin trên báo chí Brazil cho hay, tân tổng thống Brazil Lula da Silva bác bỏ yêu cầu của Đức, cung cấp cho Ukraine đạn dược được dùng cho xe tăng Lepoard-2. Theo tổng thống Brazil, "không nên khiêu khích Nga". Argentina cũng có quan điểm tương tự. Hai quốc gia Nam Mỹ Brazil và Argentina đều bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraine, nhưng không muốn hậu thuẫn Ukraine về quân sự.

Trọng Thành

***********************

Ukraine khẳng định đang ráo riết đàm phán để được cung cấp tên lửa tầm xa

Trọng Nghĩa, 29/01/2023

Cố vấn cao cấp của tổng thống Ukraine ngày hôm 28/01/2023 khẳng định : Kiev đang tích cực đàm phán với các đồng minh để được cung cấp loại tên lửa tầm xa, mà nước này đang cần để ngăn không cho Nga ''phá hủy các thành phố Ukraine''.

vukhi3

Một cuộc tập trận với tên lửa tầm xa Himars tại Mỹ, ở Yakima, bang Washington, ngày 04/11/2022. AP - Emree Weaver

Trên kênh truyền hình Freedom của Ukraine, ông Mikhailo Podolyak, cố vấn của tổng thống Volodymir Zelensky tuyên bố : "Để giảm được đáng kể lượng vũ khí chủ lực của quân đội Nga – các loại đạn pháo mà họ hiện đang sử dụng ở tiền tuyến - chúng ta cần tên lửa để phá hủy các kho chứa của họ". Theo nhân vật này, hơn 100 kho pháo hiện nằm ở vùng Crimée bị Nga chiếm đóng.

Ông Poldolyak tiết lô rằng các cuộc đàm phán với đồng minh Phương Tây đã được tiến hành và "đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng", nhưng không cho biết thêm chi tiết. Về phần mình, trong một video được công bố vào buổi tối, chính tổng thống Ukraine Zelensky đã xác định một lần nữa nhu cầu cấp thiết về tên lửa tầm xa, để ngăn chặn các cuộc tấn công tới đây của Nga vào thường dân Ukraine.

Theo hãng tin Anh Reuters, Kiev muốn được cung cấp loại tên lửa Atacms do Mỹ sản xuất với tầm bắn 297 km. Cho đến nay Washington vẫn từ chối viện trợ cho Ukraine loại vũ khí này.

Đàm phán cũng diễn ra về việc cung cấp chiến đấu cơ

Kiev đã thành công trong việc yêu cầu các đồng minh cung cấp cho mình hơn 300 chiến xa hạng nặng, và hiện đang tìm cách có được máy bay chiến đấu để đẩy lùi các cuộc tấn công của Quân đội Nga và các lực lượng thân Nga trên lãnh thổ Ukraine.

Theo Reuters, vào hôm 28/01, Không quân Ukraine đã phủ nhận thông tin từ tờ El Pais (Tây Ban Nha) theo đó Kiev có ý định mua 24 chiến đấu cơ, chủ yếu là loại F-16 do Mỹ chế tạo – từ các đồng minh. Trên kênh truyền thông trên mạng Babel của Ukraine, phát ngôn viên Không quân Ukraine cho biết là Kiev chỉ mới ở giai đoạn đàm phán về chiến đấu cơ, còn số lượng và loại máy bay nào chưa được xác định.

Hãng chế tạo vũ khí Đức Rheinmetall sẵn sàng tăng sản xuất

Trong bối cảnh các nước NATO ồ ạt cam kết cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine, chủ yếu là loại chiến xa Leopard 2 của Đức, tập đoàn chế tạo vũ khí Rheinmetall sản xuất loại đại bác 120 mm dùng trên chiếc Leopard 2 cho biết sẽ tăng cường đáng kể sản lượng.

Trả lời hãng Reuters ngày 28/01/2023, ông Armin Papperger, lãnh đạo tập đoàn vũ khí Đức cho biết đã sẵn sàng tăng mạnh mức sản xuất thiết bị dùng cho xe tăng, và đạn pháo để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ ở Ukraine và cũng như tại các nước Phương Tây.

Ngoài ra, Rheinmetall cũng đang đàm phán với tập đoàn Mỹ Lockheed Martin về việc sản xuất hệ thống pháo phản lực Himars, tầm bắn dưới 70 km, vốn đang được lực lượng Ukraine sử dụng rất nhiều.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương, Trọng Thành, Trọng Nghĩa
Read 197 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)