Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/02/2023

Điểm báo Pháp – Phương Tây giúp Ukraine vũ khí

RFI tiếng Việt

Phương Tây cố giúp Ukraine vũ khí, Trung Quốc ủng hộ Nga nhưng chỉ nói suông

Quân Nga gia tăng áp lực lên Vuhledar ở Donetsk, vẫn với chiến thuật biển người. Các ủy viên Châu Âu đến tận Kiev để họp với chính phủ Ukraine - lần đầu tiên tại một quốc gia đang chiến tranh. Pháp tăng tốc gởi đại pháo Caesar cho Kiev, trong khi xe tăng hiện đại Abrams của Mỹ khó mà có mặt trên chiến trường năm nay. Phía Nga chỉ có thể dựa vào hai ‘Nhà nước côn đồ’ là Iran và Bắc Triều Tiên, Trung Quốc chỉ ủng hộ bằng miệng dù Kremlin khẩn cầu.

vukhi1

Các quân nhân Ukraine chuẩn bị khai hỏa một khẩu pháo Caesar do Pháp viện trợ tại một vị trí gần Avdiivka, Donetsk, ngày 26/12/2022. AP - Libkos

Ukraine : Chiến sự ác liệt tại Vuhledar với thủy quân lục chiến Nga

Liên quan đến Ukraine, Le Figaro có bài phóng sự về "Các cuộc giao tranh ác liệt xung quanh Vuhledar, nơi áp lực quân Nga tăng mạnh". Tại vùng đất ở miền tây nam Donetsk, đôi bên ăn miếng trả miếng, giành giựt từng vị trí. Từ một tuần qua, quân Nga thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến 155 liên tục tấn công thành phố mỏ Vuhledar nhỏ bé. Theo nhiều chuyên gia, Nga tìm cách đẩy lùi các đơn vị pháo của Ukraine đang thường xuyên đánh vào giao lộ đường sắt Volnovakha cách đó khoảng 15 kilomet, gây trở ngại lớn cho việc chuyển quân và thiết bị của Nga giữa Crimée và Donbass.

Lữ đoàn bộ binh cơ giới 72 của Ukraine vẫn giữ được nhiều vị trí. Một sĩ quan nói với đặc phái viên Le Figaro : "Dù tại Bakhmut hay ở đây, chiến lược của Nga luôn luôn là phá hủy, phá hủy và phá hủy, cho đến khi chúng tôi không còn gì để bảo vệ nữa". Những ngày gần đây, các trận đánh ác liệt đến nỗi bộ chỉ huy Ukraine hạn chế tối đa việc luân chuyển giữa hậu cứ và tiền phương.

Hồi tháng 11/2022, họ đã phải rút lui sau những tuần lễ bị dội bom ác liệt, nhưng trước đó đã tiêu diệt phần lớn quân của lữ đoàn 155, đa số là người vùng Viễn Đông. Hôm 06/11, lá thư của những người lính Nga sống sót gởi cho thống đốc Oleg Kozhemyako vong đăng trên nhiều kênh Telegram, cho biết có đến 300 thương vong, đã gây rúng động dư luận. Ba tháng sau, đơn vị thủy quân lục chiến này lại được bổ sung tân binh, quay lại với chiến lược cũ : xe bọc thép Nga đổ quân xuống, lớp lính đầu bị tiêu diệt lại đổ tiếp lớp khác…

Lần đầu tiên ủy viên Châu Âu họp tại một nước đang chiến tranh

Trong bối cảnh đó, "Các ủy viên của Liên Hiệp Châu Âu đến Kiev" hôm nay để họp với các bộ trưởng Ukraine và ngày mai dự hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine. Le Figaro cho biết vì lý do an ninh, danh sách các ủy viên tháp tùng bà Ursula von der Leyen không được thông báo.

Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU) muốn gây ấn tượng khi đến tận Ukraine để hội đàm. Đây là lần thứ tư kể từ đầu cuộc chiến, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đến Kiev, và lần đầu tiên các ủy viên Châu Âu họp tại một đất nước đang chiến tranh. Bà cùng với chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tái khẳng định cam kết ủng hộ Ukraine, nạn nhân cuộc xâm lăng của Nga lâu dài "cho đến chừng nào còn cần thiết". Đồng thời cũng trấn an trước sự nôn nóng của Kiev muốn gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Cho đến nay, EU và các nước thành viên đã hỗ trợ Ukraine gần 60 tỉ đô la trên các mặt tài chánh, nhân đạo, quân sự… Đại diện ngoại giao EU, ông Josep Borrell loan báo sẽ huấn luyện 30.000 quân nhân Ukraine thay vì 15.000 như trước đây.

Chủ tịch quốc hội Ukraine : Không nên sợ hãi Nga

Trả lời phỏng vấn của Le Monde nhân chuyến thăm Paris, chủ tịch quốc hội Ukraine, Ruslan Stefanchuk bày tỏ sự tin tưởng là đất nước ông có thể trở nên thành viên EU vào năm 2024. Ông khẳng định sự cần thiết chi viện xe tăng, phi cơ cho Ukraine, và những tiến bộ mà Kiev đã đạt được trong nỗ lực hội nhập. Về những ý kiến lo sợ đối đầu trực tiếp với Nga, Stefanchuk nhấn mạnh chính Ukraine đang trên tuyến đầu, không chỉ để bảo vệ lãnh thổ nước mình, mà cả các giá trị phổ quát.

Theo chủ tịch quốc hội Ukraine, một cuộc chiến tranh khốc liệt, bất công nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến đang diễn ra, và điều tệ hại nhất chính là nỗi sợ. Quốc hội Ukraine, dù trước đây có nhiều nhóm với chính kiến khác nhau, đã tạm gác bất đồng sang một bên, vẫn họp đều đặn tại trụ sở dù biết rằng một hỏa tiễn Nga có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Các dân biểu vẫn làm bổn phận của mình thay vì nhường bước cho nỗi sợ Nga, và cái chết.

Pháp tăng tốc gởi đại pháo Caesar cho Ukraine

Về phía bộ trưởng Quân lực Pháp Sébastien Lecornu từ hôm thứ Ba đã thông báo gởi thêm 12 khẩu đại pháo Caesar cho Ukraine. Đây là con số đáng kể so với lượng dự trữ của Pháp, cộng với 18 khẩu đã chi viện kể từ đầu cuộc chiến. Những khẩu Caesar mới sẽ được nhà sản xuất Nexter giao thẳng cho Kiev.

Bố trí trên một xe tải, những khẩu đại bác 155 ly của Caesar có thể bắn xa đến 40 kilomet. Đan Mạch vào giữa tháng Giêng cũng đã hứa tặng 19 khẩu Caesar đã đặt mua. Theo Le Monde, công ty Nexter từ nay có thể hoàn thành 4 khẩu đại pháo mỗi tháng thay vì 18 đến 24 tháng hồi trước chiến tranh. Với giá 5 triệu euro/khẩu, đơn đặt hàng cho Ukraine lên đến 60 triệu euro. Bên cạnh đó, đạn 155 ly cũng được giao kèm với Caesar nhờ Úc cung cấp thuốc súng. Trả lời Le Figaro, bộ trưởng Lecornu cho biết dùng cách giao gối đầu các khẩu đại pháo để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của Kiev. Kỹ nghệ Pháp phải chuyển sang kinh tế thời chiến, để có thể tự chủ chiến lược về quốc phòng.

Cho dù cuộc chiến ngưng lại ngay ngày mai, Ukraine cũng như Pháp đều cần tự vệ và răn đe những kẻ xâm lăng tiềm tàng. Những khẩu Crotale đã chi viện cho Kiev sẽ được thay thế bằng loại Mica VL vào năm 2024, và hệ thống phòng không Samp-T cũng sẽ có thế hệ mới. Việc bảo vệ không gian, đáy biển, internet sẽ được chú trọng, riêng lục quân sẽ thay đổi sâu sắc về công nghệ, với những vũ khí mới như drone chẳng hạn. Hiện có bốn loại drone Pháp cần tăng cường : drone chiến thuật Patroller - sẽ được vũ trang, drone tiếp xúc - đã chứng tỏ hiệu quả ở Ukraine, drone tự hủy, và robot tác chiến mặt đất.

Xe tăng Abrams khó thể tham chiến trong năm nay

Cũng về vũ khí, Le Figaro giải thích "Vì sao Hoa Kỳ phải mất nhiều tháng nữa mới giao được các xe tăng Abrams cho Ukraine". Wall Street Journal dẫn lời các viên chức cao cấp Mỹ ước tính những chiếc xe tăng hạng nặng thuộc loại tân tiến nhất thế giới này chỉ có thể hiện diện trên chiến trường kể từ cuối 2023, thậm chí đầu năm 2024. Quá lâu, trong lúc chiến trường luôn nóng bỏng.

Có ba khả năng : rút các xe tăng này từ kho dự trữ quốc gia, yêu cầu các đối tác chuyển giao, hay sản xuất thêm xe mới. Lầu Năm Góc đã bác ngay giải pháp đầu, vì M1A2 có công nghệ nhạy cảm, luật liên bang cấm xuất khẩu. Trong số đó có lớp giáp bằng uranium đã được làm nghèo và hệ thống tương tác đi kèm mà người Mỹ không muốn để rơi vào tay kẻ địch. Nếu dùng những xe hiện có phải thay vỏ giáp mới bằng lớp khác, như vậy không thể xong trước cuối 2023.

Thương lượng với các nước nhập xe tăng Abrams không có công nghệ nhạy cảm (gồm Saudi Arabia, Úc, Ai Cập, Iraq, Kuwait, Morocco, và sắp tới là Ba Lan và Đài Loan) ? Chuyên gia vũ khí Marc Chassillan cho rằng rất phức tạp, vì phải đưa về Mỹ để điều chỉnh, và nhất là không dễ gì các nước này chịu giao, do tình hình biên giới của họ cũng căng thẳng.

Giải pháp thứ ba có vẻ khả thi nhất : sản xuất xe mới, hiện đại hóa xe cũ, chẳng hạn General Dynamics có một số xe tăng Abrams thế hệ đầu. Tuy nhiên, nhà máy này đang bận rộn với nhiều đơn đặt hàng. Và phải đưa những cỗ máy nặng 60 tấn này xuyên Đại Tây Dương rồi chuyển sang xe lửa. Đạn pháo đi kèm không thể dùng uranium mà là tungstène. Tiếp đến phải huấn luyện phía Ukraine… nói chung hết sức rắc rối. Chuyên gia Yann Boivin cho rằng loan báo của Mỹ chỉ có tác động chính trị, hơn nữa tổng thống Volodymyr Zelensky đã cho rằng nếu xe tăng Mỹ không đến nơi trước tháng Tám sẽ "quá trễ".

Palantir, start-up Mỹ mang lại ưu thế công nghệ cho Ukraine

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos đề cập đến Palantir, một tên tuổi lớn chuyên về dữ liệu. Công ty do tỉ phú Peter Thiel thành lập đã vượt mức thu nhập 1 tỉ đô la nhờ giúp Hoa Kỳ và Anh tổ chức về y tế trong đại dịch, và nay càng trở nên cần thiết trong cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Tổng giám đốc Alex Karp cho biết ông không có quyền bình luận về chủ đề này, nhưng đề nghị nhà báo đọc một bài viết trên Washington Post, theo đó Palantir đã mang lại lợi thế công nghệ quyết định cho lực lượng Ukraine. Nhờ một bản đồ tương tác theo thời gian thực cho biết vị trí của quân Nga, quân đội Ukraine có thể gọi pháo tấn công một cách nhanh chóng và cụ thể. Bản đồ này được Palantir lập ra từ các dữ liệu của các vệ tinh thương mại, drone thám thính, cảm biến nhiệt và thông tin tình báo trên thực địa.

Được khai sinh tại Hoa Kỳ sau sự kiện ngày 11 tháng 9, ban đầu Palantir được tài trợ từ In-Q-Tel, quỹ đầu tư của CIA, nhưng nay quỹ này đã rút vốn. Khách hàng của start-up ban đầu chỉ toàn những cơ quan chính phủ như CIA, FBI, NSA, quân đội Mỹ… và từ 2016 có cả DGSI, cơ quan phản gián Pháp. Hiện nay doanh số của Palantir có đến một nửa từ lãnh vực tư nhân. Tuy nhiên, tổng giám đốc Alex Karp từ chối làm việc với Nga và Trung Quốc. Theo ông, trên thực tế thế giới đang trong tình trạng chiến tranh, đang hướng về một sự đối đầu giữa phương Tây và Trung Quốc. Mối đe dọa này còn quan trọng hơn cả biến đổi khí hậu, tuy các chế độ độc tài trên đây hiện đang tập trung vào việc kiểm soát dân chúng nước họ.

"Chiến lang" Trung Quốc gào thét ít hơn để tranh thủ phương Tây

Về Trung Quốc, Le Figaro nhận thấy quốc gia xuất khẩu đứng đầu thế giới không muốn trở thành kẻ chịu thiệt thòi từ cuộc chiến Ukraine. Theo Viện Kiel, các nước Châu Âu và Hoa Kỳ đã viện trợ quân sự và kinh tế khoảng 100 tỉ đô la cho Kiev kể từ đầu cuộc xâm lăng. Phía Nga chỉ có thể dựa vào hai "Nhà nước côn đồ" là Iran và Bắc Triều Tiên. Còn Trung Quốc, nước xuất khẩu sản phẩm kỹ thuật cao số 1 và vũ khí đứng thứ 4 thế giới, lại án binh bất động trước lời khẩn cầu của Kremlin.

Nếu Bắc Kinh đứng về phía Moskva cùng một cách chính thức như phương Tây yểm trợ Kiev, lợi thế có thể nghiêng về phía Nga. Nhưng Trung Quốc không thể tự cho phép bị cô lập, vì đang lệ thuộc nặng nề vào thương mại quốc tế. Đặc biệt, Bắc Kinh từ lâu vẫn cố gắng quyến rũ Châu Âu để làm yếu đi liên minh giữa châu lục này và Hoa Kỳ. Paul Heer, cựu nhân viên CIA được Financial Times trích dẫn, cho rằng "Putin đã trở thành nguồn gây rắc rối cho Tập Cận Bình, nếu không phải là gánh nặng". Trung Quốc đã phải vội vã di tản 6.000 công dân khi cuộc chiến nổ ra, và Tập Cận Bình yêu cầu Vladimir Putin không sử dụng vũ khí nguyên tử.

Để tỏ dấu hiệu hòa dịu với phương Tây, Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), một trong những tiếng nói hung hăng nhất trong số các "chiến lang" đã bị cách chức phát ngôn viên, chỉ còn giữ một vai trò hạng hai trong bộ ngoại giao Trung Quốc. Và những "chiến binh sói" đã bớt gào thét hơn, trừ vấn đề Đài Loan.

Tuy vậy, Châu Âu vẫn hoài nghi vì Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ Putin và từ chối làm áp lực để chấm dứt chiến tranh. Một số nước kêu gọi Trung Quốc đứng ra làm trung gian hòa giải, nhưng theo Le Figaro, việc này là bất khả. Để thuyết phục Bắc Kinh gây sức ép lên Moskva, chính quyền Biden phải hoàn toàn thay đổi chính sách với Trung Quốc. Washington sẽ phải nhẹ tay hơn với một quốc gia đang mưu toan giành lấy vai trò đại cường số một thế giới của mình, một bước đi mà nước Mỹ chưa thể sẵn sàng.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 181 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)