Bom "bay" GLSBD : Vũ khí lợi hại mà Mỹ sẽ cấp cho Ukraine
Dù tựa lớn trên trang nhất hoàn toàn khác nhau, nhưng trọng tâm chú ý của các nhật báo lớn ra tại Pháp vào hôm 03/02/2023 có lẽ vẫn là Ukraine, với vô số trang và bài phân tích tình hình dưới các góc độ khác nhau. Một trong những bài đáng chú ý được thấy trên tờ Les Echos, giải thích lý do vì sao mà loại bom GLSBD mà Mỹ sắp cung cấp cho Ukraine có thể giúp Kiev thay đổi cục diện trong cuộc chiến chống Nga.
Bom "bay" GLSDB © boeing.co.kr
Trong bài viết mang tựa đề "Khoản viện trợ quân sự mới mang tính quyết định của Hoa Kỳ cho Ukraine", nhật báo kinh tế Pháp nhắc đến gói viện trợ quân sự mới hơn 2 tỷ đô la mà Washington đã quyết định dành cho Kiev, trong đó có loại vũ khí mang một cái tên rất lạ lùng GLSDB (Ground Launched Small Diameter Bomb), tức bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất.
Theo Les Echos, dù không phải là loại vũ khí tối thượng, nhưng GLSBD, có thể gọi nôm na là "bom lượn" hay "bom bay", sẽ thay đổi đáng kể cục diện trên chiến trường theo chiều hướng có lợi cho Ukraine.
Tầm bắn tăng gấp đôi
Ưu điểm quan trọng nhất của loại bom GLSDB, theo nhà sử học Michel Goya, một cựu đại tá thủy quân lục chiến Pháp, là tầm bắn của nó lên đến gần 150 km, tức là một tầm hoạt động lớn hơn gấp đôi các khẩu đội pháo tối tân được cung cấp cho Kiev cho đến nay, bao gồm cả hệ thống pháo phản lực Himars của Mỹ.
Quả bom được phóng lên độ cao 40 km này có thể được hướng dẫn bay lơ lửng đến mục tiêu với độ chính xác khoảng vài mét có thể tấn công bất kỳ mục tiêu cố định nào, kho đạn dược hoặc nhiên liệu cũng như các căn cứ của Nga nằm trên lãnh thổ Ukraine, ngoại trừ khu vực phía nam của bán đảo Crimea, nằm quá xa. Tuy nhiên, theo chuyên gia Goya, tính năng đó cũng "đủ sức tàn phá".
Trong thời gian qua, Quân đội Nga có xu hướng di dời các cơ sở "cố định" ra xa khỏi mặt trận khi thấy chúng bị lọt vào tầm bắn của pháo binh Ukraine. Đây là điều Nga đã làm sau khi Ukraine triển khai các hệ thống phóng pháo phản lực Himars khét tiếng của Mỹ, với tầm bắn 80 km.
Một khi các dàn phóng bom GLSDB được tung vào chiến trường, cách đường chiến tuyến khoảng 30 km chẳng hạn, nằm ngoài tầm bắn của địch thủ, điều đó sẽ buộc các căn cứ của Nga phải lui xa hơn, cách đó ít nhất 120 km. Hậu quả tất yếu là các chiến dịch của Nga sẽ bị cản trở đáng kể, đặc biệt là các hoạt động vận chuyển nhiên liệu, đạn dược và phương tiện khác cho các đơn vị tham gia chiến đấu bị kéo dài vì đoạn đường xa hơn gấp bội.
Dễ sử dụng, giá rẻ
Đặc điểm thứ hai của GLSDB là giá sản xuất rất thấp, chỉ khoảng 40.000 đô la so với 1 triệu đô la cho các tên lửa ATACMS mạnh hơn mà Kiev yêu cầu nhưng Washington không muốn cung cấp vì thực sự sẽ giúp Ukraine tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga, một điều cấm kỵ đối với người phương Tây vì nó có thể được hiểu là sự leo thang rõ ràng của cuộc xung đột.
Ưu điểm cuối cùng của GLSDB : loại bom bay này được chế tạo trên cơ sở hai thành tố chính : Bom GBU 39 và tên lửa M26, hiện có rất nhiều trong kho của Mỹ, trái ngược hẳn với nhiều loại vũ khí hạng nặng khác đã hứa cung cấp cho Ukraine.
Cũng liên quan đến vấn đề vũ khí cho Ukraine, trong bài phân tích "Liên Hiệp Châu Âu, đối tác an ninh và thương mại quan trọng của Ukraine", Les Echos ghi nhận là cho đến nay Liên Âu đã cung cấp vũ khí và đạn dược cho Kiev ba lần ít hơn so với Hoa Kỳ. Thế nhưng tổng viện trợ của EU kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột đã vượt quá số viện trợ của Washington nhờ các khoản hỗ trợ kinh tế và nhân đạo.
Ukraine giữa giấc mơ Châu Âu và ác mộng tham nhũng
Ngoài vấn đề vũ khí, khả năng Ukraine gia nhập Liên Hiệp Châu Âu cũng được nhắc đến với Hội nghị Thượng đỉnh EU-Ukraine mở ra hôm nay tại Kiev.
Trong bài "Con đường dài mà Ukraine phải đi qua để vào Liên Hiệp Châu Âu", Le Monde nêu bật sự kiện là ngày 01/02 vừa qua, với hàng loạt hình ảnh được công bố, chính quyền Ukraine đã phát động một chiến dịch truy quét tham nhũng nhằm cố gắng xóa bỏ hình ảnh không mấy đẹp của đất nước này. Lý do chính của động thái đó, theo tờ báo Pháp, xuất phát từ việc đấu tranh chống tham nhũng là một điều kiện trung tâm mà EU đặt ra để kết nạp Ukraine.
Đối với Le Monde, chiến dịch truy quét tham nhũng mà chính quyền Zelensky rầm rộ quảng bá là "một thông điệp gửi tới các nhà lãnh đạo Châu Âu để chứng minh với họ rằng Ukraine đã coi cuộc chiến chống tham nhũng trầm kha là một trong những ưu tiên chính" của mình.
Trong khi nhấn mạnh "tính chất trọng tâm" của cuộc chiến chống tham nhũng trong các điều kiện để Ukraine một ngày nào đó có thể gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, tờ báo Pháp cũng cảnh báo rằng những cải cách kinh tế và chính trị sẽ được thực hiện ở Ukraine là điều "rất quan trọng".
Vấn đề đối với Kiev hiện nay lại là việc họ "đang mất điểm về việc cải cách Tòa án Hiến pháp và về thủ tục bổ nhiệm thẩm phán".
Châu Âu tăng lãi suất chỉ đạo để chống lạm phát
Như nói ở trên, chủ đề trang nhất các báo Pháp ra ngày hôm nay rất đa dạng. Nhật báo kinh tế Les Echos nêu bật trong tựa lớn trang nhất sự kiện: "Lãi suất tại Châu Âu cao nhất từ năm 2008".
Tờ báo ghi nhận là Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã tăng lãi suất chỉ đạo lên thành 2,5%, một mức cao chưa từng thấy từ gần 15 năm nay. Tình hình đó, theo Les Echos, dẫn đến hai hệ quả : Các ngân hàng trên khắp Châu Âu đang siết chặt các điều kiện cho vay, trong lúc Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã có kế hoạch tăng lãi suất một lần nữa vào tháng Ba tới đây để đối phó với nguy cơ lạm phát.
Pháp vất vả đấu tranh với Hồi giáo cực đoan
Về phần mình, nhật báo thiên hữu Le Figaro đã tập trung sự chú ý vào cuộc đấu tranh chống Hồi giáo cực đoan tại Pháp qua hàng tựa lớn : "Pháp trước thách thức của việc trục xuất các phần tử Hồi giáo cực đoan"
Theo tờ báo, dưới áp lực của tình hình, chính phủ Pháp muốn đẩy nhanh tốc độ trục xuất các phần tử Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, những trở ngại pháp lý tiếp tục gây trở ngại.
Le Figaro tiết lộ : Kể từ ngày 01/01/2017 đến nay, hơn 700 người nhập cư bất hợp pháp nằm trong danh mục mang tên FSPRT của những người có biểu hiện cực đoan hóa tới mức có thể trở thành khủng bố, đã bị gởi trả về nước xuất xứ của họ. Tất cả đều là đối tượng của một biện pháp chống quay trở lại Pháp, đặc biệt là bị một lệnh cấm hành chính - và vĩnh viễn – không được cư trú tại Pháp, kèm theo việc bị ghi tên vào dãnh sách những người bị truy nã.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, các thủ tục trục xuất vẫn còn kéo dài và đầy chông gai : Trở ngại về hậu cần, hành chính, ngoại giao, kỹ thuật cản trở từ phía người bị trục xuất…
Cho đến nay, 256 người nhập cư bất hợp pháp theo xu hướng Hồi giáo cực đoan, dù bị lệnh trục xuất, vẫn còn ở lại trên lãnh thổ Pháp.
Một biện pháp khác cũng được áp dụng : Tước bỏ quốc tịch. Theo Le Monde, kể từ năm 2014, đã có 21 cá nhân bị kết tội khủng bố đã bị tước quốc tịch trong đó có 19 người kể từ năm 2019.
Giới trẻ Pháp vẫn phân biệt giới tính
Trong lãnh vực xã hội, trên trang nhất của mình, nhật báo công giáo La Croix nêu bật một thực tế ít ai ngờ tới trong hàng tựa lớn : "Giới trẻ Pháp vẫn phân biệt giới tính".
Tờ báo đã trích dẫn kết quả cuộc điều tra thường niên thứ hai về tình trạng phân biệt giới tính do Hội đồng cấp cao về bình dẳng (Haut conseil à l’égalité) công bố hôm 23/01/2023, cho thấy là nhiều định kiến coi thường nữ giới vẫn còn tồn tại trong lớp thanh niên Pháp dưới 35 tuổi, thậm chí còn nặng nề hơn so với lớp đàn anh.
Một cách cụ thể, trong số nam giới tuổi từ 25 đến 34, 20% cho rằng "để được tôn trọng như một người đàn ông trong xã hội, cần phải khoe khoang thành tích tình dục của mình với bạn bè", trong lúc mức trung bình là chỉ là 8%. Tệ hại hơn là có đến 23% tin rằng "phải dùng bạo lực để được tôn trọng", một tỷ lệ cao hơn gấp đôi mức trung bình 11%...
Đối với La Croix, đây là một phát hiện rất đáng ngạc nhiên trong bối cảnh phụ nữ ngày nay, đặc biệt là trong giới trẻ đã có được quyền tự do ngôn luận chưa từng thấy. Theo tờ báo, dĩ nhiên là không ai tin vào chuyện tâm lý phân biệt giới tính, hay nói cách khác là trọng nam khinh nữ, sẽ biến mất cùng với sự xuất hiện của phong trào giải phóng quyền tự do ngôn luận của phụ nữ #MeToo, thế nhưng vì sao xã hội Pháp vẫn còn rất phân biệt giới tính, và vì sao trên một số vấn đề, những người trong lớp 25-34 tuổi lại nặng định kiến coi thường phụ nữ hơn những người lớn tuổi hơn.
Theo bà Maïder Beffa, phó giám đốc viện thăm dò dư luận Viavoice, cơ quan đã thực hiện bản nghiên cứu : "Thế hệ trẻ gắn bó nhiều hơn với những khuôn sáo "nam tính" mà họ cho là có tác dụng tôn cao giá trị đánh giá bản thân, trong khi những người lớn tuổi vẫn có suy nghĩ bảo thủ về vai trò của phụ nữ và nam giới".
Theo nhà nghiên cứu này, hiện tượng phân biệt giới tính bao trùm mọi tầng lớp xã hội, nhưng có dấu hiệu nặng nề hơn một chút nơi những thanh niên có xu hướng chính trị hữu khuynh hoặc tự nhận mình thuộc một tôn giáo nào đó.
Thách thức của việc chỉ dùng điện năng tại Pháp
Trang nhất Le Monde được dành cho lãnh vực năng lượng với hàng tựa lớn "Ở Pháp, thách thức chóng mặt của việc chỉ dùng điện năng".
Theo tờ báo, nhu cầu giảm mạnh mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên lãnh thổ Pháp đòi hỏi một kế hoạch điện khí hóa ồ ạt và nhanh chóng.
Đây là một thách thức cực kỳ to lớn vì mọi lĩnh vực – từ hạt nhân, năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng – đều phải tăng tốc đáng kể để hấp thụ cú sốc đến từ việc thay thế nhiên liệu hóa thạch được tiêu thụ trên lãnh thổ.
Le Monde đặc biệt giới thiệu một tác nhân quan trọng trong quá trình chuyển đổi đó : Tập đoàn RTE, quản lý 106.000 km đường dây điện cao thế tại Pháp.
Trọng Nghĩa