Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/02/2023

Điểm tuần báo phương Tây - Ukraine nên tái chiếm Crimea

RFI tiếng Việt

Tướng Mỹ : Ukraine nên tái chiếm Crimea, đàm phán lúc này là sai lầm

Theo tướng về hưu Ben Hodges của Mỹ, nếu Ukraine đàm phán với Nga vào lúc này sẽ là dại dột, vì đang có khả năng tái chiếm Crimea. Moskva không bao giờ chịu trả lại bán đảo quan trọng này, và một khi Crimea còn trong tay Nga, Ukraine khó thể thắng được cuộc chiến. Ông đề nghị phương Tây giúp vũ khí tầm xa, thay vì thúc hối Kiev thương lượng.

kerch1

Lửa khói bốc lên từ chiếc cầu Kerch nối bán đảo Crimea với Nga ngày 08/10/2022, được cho là đòn tấn công của Kiev. Cây cầu là đường tiếp liệu chính cho quân Nga ở miền nam Ukraine. AP

Trang nhất L’Obs tuần này được dành cho "ChatGPT và chúng ta : Trí thông minh nhân tạo đã thay đổi cuộc sống của ta như thế nào ?". L’Express nói về thời sự nước Pháp, chạy tựa "Vì sao tổng thống Macron phải cảnh giác trước bà Le Pen", thủ lãnh đảng cực hữu. Le Point cảnh báo nguy cơ tổ chức Nhà nước Hồi giáo quay lại. Courrier International ra số đầu tiên khởi đầu một tháng đặc biệt mang màu sắc Ukraine, chạy tựa lớn "Chiến tranh sẽ còn đi đến đâu ?"

Với ảnh bìa hai màu xanh vàng – màu cờ Ukraine, chủ đề của Courrier International kỳ này là sự kiện phương Tây quyết định chi viện xe tăng hạng nặng cho Kiev, đối đầu trực diện hơn với Nga, một năm sau khi Putin khởi động cuộc xâm lăng. Từ nay cho đến cuối tháng, dù thời sự các nơi khác vẫn sôi nổi, tuần báo Pháp tập trung cho cuộc chiến tranh ở Ukraine và dành hẳn một đặc san vào tháng Ba.

Bao tang thương chỉ vì sự điên rồ của một con người : Vladimir Putin 

Cách đây một năm, ai có thể nghĩ rằng cuộc chiến này còn kéo dài nhiều tháng trời, và không thể hình dung ra hồi kết ? New York Times lo lắng khi chiến tranh bước vào một giai đoạn dữ dội hơn. Courrier International trích dịch : "Sắp tới, những cánh đồng bùn lầy mênh mông ở Ukraine sẽ lại là chiến trường của những giao thông hào và trận đấu xe tăng". Kiev và đồng minh hy vọng với những vũ khí mới, sẽ có cơ đẩy lùi được quân Nga. Cho đến bao giờ ?

Điều hiếm hoi là tờ báo hướng về người dân Nga : nhân danh họ mà tổng thống Nga tiến hành cuộc chiến khủng khiếp và vô ích này ; con trai, chồng và cha họ bị giết chết, bị thương tật ; cuộc sống họ trở nên bấp bênh trong một Nhà nước bị ngờ vực và thù oán tại nhiều nơi trên thế giới. Tất cả chỉ vì sự điên rồ của một con người : Vladimir Putin ! Những bài diễn văn hùng hồn không thể biện minh cho việc hủy diệt những thành phố, làng mạc, sát nhân, hãm hiếp, cướp bóc, tấn công vào mạng lưới điện nước trên khắp Ukraine.

The Guardian cho rằng việc phương Tây chi viện xe tăng không có nghĩa là chiến tranh sắp kết thúc, mà có thể kéo dài nhiều tháng, nếu không nói là nhiều năm nữa. Nhật báo Anh nhận định sự thay đổi ở đây là phương Tây đã cứng rắn hơn, xe tăng có thể làm nên lợi thế quân sự cho Kiev. Nhưng liệu phương Tây có sẵn sàng đi xa hơn không ? Theo tờ Dziennik Gazeta Prawna được Courrier International trích dẫn, Ba Lan đã bí mật chuyển cho Ukraine nhiều chiến đấu cơ MiG-29 dưới dạng phụ tùng thay thế.

Putin phải hiểu không thể thắng nổi cuộc chiến

L’Express nhấn mạnh "Cần phải cho Putin thấy là ông ta sẽ không thắng được cuộc chiến này". Xe tăng hạng nặng vừa được hứa tặng, giai đoạn mới đã được bàn đến. Đối với Hà Lan, chi viện chiến đấu cơ cho Kiev không còn là điều cấm kỵ, Pháp cũng không loại trừ, và Nhà Trắng cho biết chủ đề này sẽ được thảo luận cẩn thận. Đã hẳn ông Joe Biden mới đây phản đối việc gởi F-16 cho Ukraine, nhưng chủ trương này còn được giữ đến bao giờ ? Những lằn ranh đỏ mà phương Tây tự ấn định vào lúc đầu, lần lượt được vượt qua. Liệu mai đây sẽ đến lượt hỏa tiễn tầm xa ?

Tuy loan báo trên có tác động lớn, nhưng các xe tăng phương Tây khó thể làm thay đổi chiều hướng cuộc chiến. Washington cũng biết rằng cần phải có hơn 31 chiếc Abrams (trong số trên 4.000 chiếc Hoa Kỳ đang có) để đột phá phòng tuyến Nga, cộng thêm cả trăm xe tăng Leopard mà Đức và một số nước Châu Âu sẽ chuyển giao. Khi viện trợ các vũ khí ngày càng tối tân hơn cho Kiev, Mỹ muốn thuyết phục Vladimir Putin rằng ông ta không thể nào chiến thắng được, nếu leo thang cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Nhưng leo thang đã diễn ra rồi, những tháng tới sẽ giao tranh dữ dội, bên nào cũng nghĩ là mình sẽ thắng. Ukraine với sự trợ giúp của phương Tây, Nga qua việc gởi hàng trăm ngàn tân binh - bia đỡ đạn thời hiện đại. Khoác lên huyền thoại Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Putin sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ. Dưới mắt ông ta, mấy chục ngàn nạn nhân có đáng gì so với hàng triệu người Liên Xô ngã xuống trước Đức quốc xã ?

Phương Tây viện trợ thêm nhiều vũ khí cho Kiev

L’Express e ngại phát súng cảnh cáo của Washington không có mấy tác động với ông chủ điện Kremlin. Vì vậy mà các nước Đông Âu như Ba Lan thúc giục viện trợ mạnh mẽ hơn. Nhưng theo Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, Biden muốn "níu tay Ukraine lại để không vói đến đất Nga" bằng vũ khí phương Tây. Joe Biden đang bước đi trên một sợi dây mong manh và ngày càng khó giữ thăng bằng.

Trả lời tuần báo L'Obs, cựu tướng lục quân Olivier Kempf nay là nhà nghiên cứu lưu ý "Chỉ vũ khí không thôi khó thể làm nên chiến thắng". Thách thức đối với phương Tây là duy trì tình liên đới tuyệt vời hiện nay, bất chấp nguy cơ leo thang. Hôm 20/01, đại diện khoảng 50 nước họp tại Ramstein (Đức) đã hứa cho rất nhiều thứ : đại bác, radar, hỏa tiễn, đạn pháo, xe tăng hạng nặng. Tuy không nói ra, nhưng mọi người đều nghĩ "Không thể để cho những người bạn Ukraine thất bại". Quân Nga đang chiếm đóng 15-20% lãnh thổ Ukraine. Theo ông Kempf, có thể hy vọng quay lại với tình trạng trước chiến tranh, thậm chí Ukraine tái chiếm được toàn bộ Donbass, nhưng Nga khó thể hoàn toàn bại trận.

Nhà nghiên cứu về an ninh Châu Âu Pierre Haroche trên L’Express cho rằng Pháp nên gởi các chiến đấu cơ Mirage 2000 cho Kiev. Đã chần chừ không muốn chi viện xe tăng Leclerc, giờ đây Paris không nên để lỡ thêm cơ hội thứ hai. Hơn nữa về mặt kỹ thuật, những chiếc Mirage 2000 sẽ được rút lại dần để nhường chỗ cho Rafale. Trong một cuộc chiến tranh, những dịp tốt thường hiếm hoi, và nghệ thuật của chiến lược gia là biết nắm lấy thời cơ, vì đây còn là một cuộc chiến tranh vì Châu Âu chứ không chỉ vì Ukraine.

Tướng Valeri Zaloujny, người hùng của Ukraine

Riêng về phía nhà cầm quân, L’Express coi tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, Valeri Zaloujnylà "người đã làm nhục Putin". Nếu không có ông, cờ Nga đã phấp phới bay trên thủ đô Kiev. Ngày 23/02/2022, hầu như không có ai trên thế giới hình dung ra chỉ vài giờ sau, Vladimir Putin khởi động cuộc chiến tranh quy mô chưa từng thấy từ sau Đệ nhị Thế chiến. Trừ tình báo Anh-Mỹ, tướng Valeri Zaloujny và ban tham mưu của ông là những người duy nhất chuẩn bị đối phó cuộc xâm lăng, chỉ vì từ tám năm qua họ vẫn chiến đấu ở Donbass, 15.000 chiến binh Ukraine đã hy sinh.

Với tinh thần quyết chiến, kinh nghiệm dồi dào và sự thông tin trên chiến trường, ông đã chặn được quân Nga trong sáu ngày, tặng cho Vladimir Putin một cái tát đau điếng nhất từ trước đến nay. Tướng Zaloujny giăng ra một cái bẫy : để cho quân địch cứ tiến về Kiev, rồi tấn công bằng các lực lượng cơ động theo kiểu du kích. Không thể tiến xa hơn, quân Nga đành rút về phía bắc. Sau đó "vị tướng sắt" còn thắng thêm nhiều trận nữa. Đột phá bất ngờ ở Kharkiv, tái chiếm Kherson là những trận đã đi vào bài bản chiến thuật quân sự.

Tướng Úc Mick Ryan ca ngợi : "Dưới sự chỉ huy của ông ấy, các tướng lãnh Ukraine có thể xây dựng định chế quân sự hiệu quả nhất Trái Đất". Zaloujny vừa là nhà chiến lược, chuyên gia hậu cần vừa là nhà quản trị. Hàng ngày chỉ đạo chiến trường, ông vẫn không quên việc huấn luyện binh sĩ, và duy trì không khí tin cậy với thuộc cấp – trước hết là tham mưu trưởng lục quân Oleksandr Syrsky, người làm nên trận thắng Kharkiv. Trong khi các quân đội chiến thắng thường tạo lập được mối quan hệ tốt đẹp giữa các cấp. Đó là điều trái ngược với tổng tham mưu trưởng Nga Valeri Guerassimov, dù Zaloujny vẫn tôn trọng đối thủ.

Ít được quốc tế biết đến hơn Volodymyr Zelensky, nhưng là người hùng trong nước, tướng Zaloujny ý tứ tránh làm chìm khuất tổng thống. Cuối tháng Giêng, ông càng được cảm tình hơn khi một tỉ phú Mỹ gốc Ukraine tặng 1 triệu đô la, vị tướng liền tặng lại ngay cho quân đội. Ông Mick Ryan ví cặp Zelensky-Zaloujny như tổng thống Franklin Roosevelt với tướng Marshall thời Đệ nhị Thế chiến.

Đàm phán là sai lầm, Nga không bao giờ chịu trả Crimea

Trên The Economist, tướng Mỹ về hưu Ben Hodges nhấn mạnh, Ukraine nên tái chiếm Crimea. Một năm qua, hàng ngàn thường dân vô tội và binh sĩ cả hai bên đã thiệt mạng, khiến có những ý kiến kêu gọi thương lượng với Moskva. Tuy nhiên tướng Hodges nhận định tinh thần chiến đấu của người Ukraine vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sẽ là sai lầm lớn nếu Ukraine đàm phán với Nga vào lúc này. Có nhiều lý do khiến việc ngồi vào bàn thương lượng với Moskva là điều dại dột.

Các thỏa thuận Minsk ký kết sau khi Nga đưa quân vào Ukraine năm 2014 đều dẫn đến một cuộc xung đột đóng băng, và Vladimir Putin làm tan băng vào thời điểm mà ông ta muốn. Nhưng quan trọng nhất là hiện nay Ukraine đang có cơ hội chiếm lại Crimea. Đó là mảnh đất trọng yếu, mang tính quyết định cho cuộc chiến. Kiev biết rằng một khi Moskva còn nắm giữ Crimea, Ukraine sẽ còn dễ tổn thương trước các cuộc tấn công, và không thể gầy dựng lại nền kinh tế. Nga có thể can thiệp vào hoạt động tất cả các cảng của Ukraine, làm gián đoạn việc vận chuyển từ những địa điểm như Odessa, phong tỏa lối vào biển Azov.

Đối với Moskva, Crimea là nơi trú đóng của hạm đội Hắc Hải, phóng đi các drone và những loại vũ khí khác, là trung tâm hậu cần, thương cảng cho các tàu buôn Nga. Vì tính chất quan trọng của Crimea, và vì ngày càng rõ là quân đội Ukraine có thể giải phóng bán đảo, nên Kiev không nên thương lượng lúc này. Nga sẽ không bao giờ chịu nhả Crimea ra. Thay vào đó, Ukraine cần chiến đấu để giành lại.

Cô lập và oanh kích liên tục cho đến khi quân Nga phải bỏ chạy

Trước hết là cô lập Crimea bằng việc phối hợp vũ khí chính xác tầm xa và thiết giáp. Việc này sẽ gây rối loạn, tiếp đến là cắt đứt hai con đường nối Crimea với Nga : cầu Kerch, và cầu đường bộ chạy từ Rostov (Nga) đi qua Mariupol và Melitopol (Ukraine) đến Crimea. Thứ đến, phải tấn công chính xác các mục tiêu quan trọng ở Crimea trong nhiều tháng, cho đến khi nào lục quân, không quân và hải quân Nga không còn có thể đóng tại đây.

Những cuộc oanh kích chính xác vào Sevastopol, Dzhankoi và Saky sẽ khiến các căn cứ quân sự và địa điểm hậu cần trở nên vô dụng với lực lượng Nga. Như vậy thay vì một cuộc tấn công quy ước trực diện, vẫn có thể đuổi được quân Nga ra khỏi Crimea. Theo tướng Ben Hodges, với năng lực và ý chí của mình, Ukraine hoàn toàn có thể thành công, với điều kiện là phương Tây cung cấp những gì cần thiết. Chẳng hạn hỏa tiễn chiến thuật có tầm bắn 300 kilomet, bom loại nhỏ phóng đi từ mặt đất có tầm xa 150 kilomet.

Nếu phương Tây hành động nhanh chóng, Ukraine có thể giải phóng Crimea vào cuối tháng Tám. Về nguy cơ Putin dùng đến vũ khí nguyên tử, ông cho rằng Kremlin cũng biết là không mang lại lợi thế chiến trường : quân đội Ukraine phân tán ở nhiều nơi, Nga không có lực lượng lớn được trang bị để hoạt động ở vùng bị nhiễm xạ. Trên thực tế, vũ khí nguyên tử của Nga chỉ hiệu quả khi không được sử dụng thực sự ! Thay vì thúc đẩy các nhà lãnh đạo Ukraine đến bàn đàm phán, Mỹ và các nước Châu Âu nên giúp chính phủ Kiev giành lại Crimea.

Đông Nam Á không thể khoanh tay nhìn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

Nhìn sang Châu Á, The Economist nhận thấy những láng giềng trên biển của Trung Quốc, tuy lo sợ trước sự hung hăng của Bắc Kinh, nhưng không nhường bước về chủ quyền. Trong số các quốc gia ven Biển Đông, chỉ có Trung Quốc là yêu sách hầu như toàn bộ vùng biển này, nghênh ngang như trong ao nhà của mình. Bắc Kinh quân sự hóa các đảo, dùng lực lượng hải cảnh và dân quân biển hùng hậu hà hiếp ngư dân các nước, ngăn cản việc khai thác tài nguyên.

Tuy nhiên lần đầu tiên kể từ một thập niên, Trung Quốc không còn có thể làm mưa làm gió như trước. Các quốc gia cùng đòi hỏi chủ quyền gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Brunei khẳng định luật pháp quốc tế phải là cơ sở cho các tranh chấp, không công nhận đường lưỡi bò 9 đoạn do Bắc Kinh tự vẽ. Những đề nghị khác nhau của Trung Quốc cho từng nước như cùng đánh cá, khai thác dầu khí đều bị bác. Bắc Kinh cũng không thuyết phục được mười nước ASEAN ký kết Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông theo ý mình.

Malaysia năm 2019 đã phản ứng về thềm lục địa, và nhất là mới đây Việt Nam cùng với Indonesia đã ký một thỏa thuận xác định vùng đặc quyền kinh tế - một mô hình quan trọng để giải quyết các tranh chấp. Việt Nam củng cố các tiền đồn ở Trường Sa, Philippines cho Mỹ sử dụng thêm bốn căn cứ quân sự. Không quốc gia ASEAN nào muốn công khai thách thức Trung Quốc, nhưng họ ngày càng có ý định kháng cự lại mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh.

"Huyền thoại" Trung Hoa 5.000 năm lịch sử

Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhà báo Bill Hayton, chuyên gia về Việt Nam và Biển Đông khẳng định với Le Point, "văn minh Trung Quốc 5.000 năm" chỉ là câu chuyện mới được xây dựng gần đây.  Một huyền thoại được các nhân vật dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa dựng lên, trong đó có Tôn Dật Tiên (Sun Yat Sen), người khai sinh Trung Hoa Dân Quốc năm 1912. Bởi vì trước đó, Trung Hoa không hiện hữu, ngoại trừ… trong đầu của người Châu Âu.

Đầu thế kỷ 20, nhà văn Chương Bỉnh Lân (Zhang Binglin) nêu ra ý tưởng người Hán là hậu duệ của triều đại từ 5.000 năm trước, nhằm củng cố bản sắc Hán, đối chọi với nhà Mãn Thanh. Nhưng 5.000 năm này không hề liên tục, bị cắt rời bởi những cuộc xâm lăng của ngoại bang như Mông Cổ, Mãn Thanh. Nhà Tần (Qin) cách đây 2.200 năm không phải là Trung Hoa, không gồm một số vùng đất ngày nay như Tây Tạng, và cũng không tự gọi là "Trung Hoa".

Nhà Minh trước 1644 chỉ có 15 tỉnh, bị nhà Mãn Thanh lật đổ rồi quân Thanh chiếm tiếp Tân Cương, Tây Tạng, Mông Cổ. Như vậy không phải là đế quốc Hán mà là đế quốc Mãn Thanh. Đến năm 1912 nhà Thanh bị lật, và mãi đến khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949-1950, Tân Cương và Tây Tạng đã độc lập từ bốn thập niên mới bị sáp nhập. Về xuất xứ của "đường lưỡi bò", chuyên gia Bill Hayton cho biết có nguồn gốc từ một loạt những lầm lẫn trong quá khứ.

Khinh khí cầu dọ thám : Trung Quốc mất cơ hội tan băng với Mỹ

Trước sự kiện mới nhất là Mỹ phát hiện khinh khí cầu dọ thám của Trung Quốc, Le Figaro cuối tuần đặt câu hỏi, quả cầu này chú ý đến những gì trên bầu trời xanh lơ của Montana ? Phải chăng là 150 hỏa tiễn nguyên tử liên lục địa đang được dự trữ ở bang miền tây bắc nước Mỹ ?

Rõ ràng chế độ Bắc Kinh đã quá vụng về, để cho bị bắt quả tang. Washington bèn hoãn lại chuyến thăm rất được chờ đợi của ngoại trưởng Antony Blinken nhằm làm dịu bớt căng thẳng giữa đôi bên. Lầu Năm Góc quyết định không phá hủy khinh khí cầu này vì những mảnh vỡ có thể gây thiệt hại cho thường dân, nhưng liệu có để nó ra đi không ? Chưa chắc. Theo tờ báo, dù cuộc chiến tranh ở Ukraine thu hút mọi chú ý, nhưng đối với Washington, đối thủ thực sự không phải là Moskva mà là Bắc Kinh.

Và chiến tranh lạnh có nghĩa là gián điệp. Sự hiếu chiến của Trung Quốc đã quá rõ, khiến phương Tây phải mở mắt. Mỹ từng phát hiện khinh khí cầu dọ thám của Trung Quốc bay trên Hawai hay Guam, nhưng lần này trên lục địa. Khi công bố những hình ảnh ở Montana, Hoa Kỳ ở thế thượng phong, vì Trung Quốc cố gắng ổn định quan hệ song phương và câu giờ để tái thúc đẩy kinh tế, với mục tiêu nuốt chửng Đài Loan vào khoảng năm 2028. Mưu toan này có thể bị trắc trở nếu chiến tranh lạnh trở nên "nóng" do một tính toán sai lầm.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 253 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)