Mỹ lại thông báo bắn rơi một vật thể bay khác trên bầu trời bang Michigan
Thanh Phương, RFI, 13/02/2023
Hôm 12/02/2023, Hoa Kỳ lại thông báo bắn rơi một vật thể bay ở bang Michigan. Đây là vật thể bay thứ ba bị quân đội Mỹ bắn rơi ở Hoa Kỳ và Canada chỉ trong vòng ba ngày.
Hoa Kỳ thông báo bắn rơi một vật thể bay ở bang Michigan.
Theo một quan chức cao cấp của chính quyền Biden, vật thể bay này di chuyển ở độ cao khoảng 6.000 mét. Lầu Năm Góc nói rõ, tuy không bị xem là một "mối đe dọa quân sự", nhưng vật thể bay đã bị một chiếc F-16 bắn rơi, do hành trình và độ cao của nó có thể là một "nguy cơ đối với hàng không dân sự".
Vụ này càng làm gia tăng áp lực đối với chính quyền Biden, vì các nghị sĩ Cộng hòa lẫn Dân chủ đều yêu cầu phải cung cấp thêm thông tin để tránh những lời đồn đoán trong công luận.
Từ Houston, thông tín viên Thomas Harms tường trình :
Một khinh khí cầu Trung Quốc, ba vật thể bay chưa được xác định : đối với các nghị sĩ Cộng hòa, đó là một "hành động gây chiến" của Trung Quốc. Trên đài CBS, dân biểu Michael McCaul, chủ tịch ủy ban ngoại giao Hạ Viện Mỹ, nói :
"Khi tôi nhìn thấy các cơ sở mà những vật thể đó bay ngang qua, đó rõ ràng là một hành động khiêu khích để thu thập các thông tin, dữ liệu về các cơ sở hạt nhân của nước ta. Họ muốn tìm hiểu về khả năng phản ứng của chúng ta trong trường hợp xảy ra xung đột với Đài Loan.
Đối với vị dân biểu bang Texas này, một khinh khí cầu quan sát mặt đất tốt hơn là một vệ tinh. Đây cũng là mối quan ngại của thành viên đảng Dân chủ trong ủy ban tình báo Hạ Viện Jim Himes. Theo ông, chính phủ nên cung cấp thông tin nhiều hơn về các vụ này để tránh lan truyền những lời đồn đoán.
Trên đài NBC, ông nói : "Khi tôi xem các mạng xã hội sáng nay, có rất nhiều đồn đoán nào là người hành tinh tấn công Trái Đất, nào là những hành động mới của Trung Quốc và Nga. Do thiếu thông tin cho nên người ta dễ tin vào những nội dung phi lý. Tôi hy vọng là chính quyền nhanh chóng cung cấp thông tin nhiều hơn để mọi người hiểu rõ chuyện gì đang thật sự diễn ra".
Nhưng đối với Chuck Schumer, lãnh đạo khối nghị sĩ Dân chủ tại Thượng Viện Mỹ, mọi con mắt nên nhìn về phía Trung Quốc, nay bị xem như những kẻ nghiệp dư. Trên đài ABC, ông nói : "Tôi nghĩ là Trung Quốc đã bị làm nhục. Họ đã bị bắt quả tang đang nói dối. Quả là một sự thụt lùi đối với họ".
Liên quan đến vụ khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi ngày 04/02, một quan chức Bộ quốc phòng Hoa Kỳ hôm qua cho biết phía Mỹ cuối cùng đã liên lạc được với phía Trung Quốc, sau khi các yêu cầu của Lầu Năm Góc bị Bắc Kinh từ chối đáp ứng trong những ngày trước. Tuy nhiên, quan chức này không tiết lộ nội dung của cuộc trao đổi.
Ngược lại, hôm nay, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc lại các buộc là các khinh khí cầu của Mỹ đã xâm phạm không phận Trung Quốc hơn 10 lần kể từ đầu năm 2022. Nhà Trắng hôm nay đã bác bỏ cáo buộc này.
Thanh Phương
***********************
Mỹ bắn hạ một vật thể bay thứ 2 trong vòng 24 giờ, lần này trên bầu trời Canada
Thùy Dương, RFI, 12/02/2023
Một chiến đấu cơ của Mỹ chiều 11/02/2023 (giờ địa phương) đã bắn hạ một vật thể bay không xác định phía trên không phận Canada, trong khuôn khổ một chiến dịch có sự phối hợp chung của Mỹ và nước láng giềng Canada, một hôm sau vụ Washington cho bắn hạ một vật thể bay không xác định trên vùng trời Alaska của Mỹ.
Chiến đấu cơ F-22 Raptor của Mỹ đã được sử dụng để bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc bay qua lãnh thổ Hoa Kỳ ngày 04/02/2023 và sau đó là hai vật thể bay không xác định trên không phận Alaska (Hoa Kỳ) và Canada ngày 10 và 11/02/2023. (Photo : AFP)
Theo AFP, hôm 11/02 thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo một vật thể bay không xác định đã bị tên lửa AIM 9X phóng đi từ chiến đấu cơ F-22 của Mỹ bắn hạ khi vật thể này đang bay trên vùng trời miền tây bắc Canada. Bộ trưởng quốc phòng Canada cho báo giới biết là vật thể bay nói trên đã xâm nhập trái phép không phận Canada và có thể là mối đe dọa cho sự an toàn của các chuyến bay dân sự.
Theo giải thích của phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Pat Ryder, tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó đã cho phép một trong các phi cơ của bộ Tư Lệnh Phòng Không Bắc Mỹ NORAD "hợp tác" với Canada. Nguyên thủ hai nước Mỹ - Canada đã phối hợp thông qua việc vô hiệu hóa vật thể bay không xác định nói trên do thận trọng và cũng là theo đề xuất của lực lượng vũ trang hai nước.
Vật thể này bay ở độ cao 12.000m, và bị bắn hạ ở cách biên giới Canada - Mỹ 160km. Vật thể có hình trụ, kích thước nhỏ hơn hơn khinh khí cầu của Trung Quốc bị bắn hạ cách nay vài ngày. Các mảnh vỡ từ vật thể này sẽ được lực lượng vũ trang Canada thu gom và phân tích.
Cũng trong ngày hôm qua, tại Mỹ, quân đội đã điều một chiến đấu cơ bay lên để xác minh "một sóng radar bất thường" trên vùng trời bang Montana, tây bắc đất nước. Dù không xác định được vật thể bay đã phát tín hiệu radar, nhưng bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ vẫn tiếp tục giám sát. Không phận bang Montana đã tạm thời bị đóng để phục vụ cuộc điều tra của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhưng sau đó đã được mở trở lại.
Từ Houston, thông tín viên Thomas Harms cho biết thêm chi tiết :
"Tạm thời, các quan chức Bắc Mỹ từ chối cho biết liệu vật thể hình trụ bị bắn rơi có phải của Trung Quốc, giống như khinh khí cầu bị bắn hạ cách nay một tuần hay không. Vật thể bay có kích thước bằng một chiếc xe hơi nhỏ này đã bay ở tầm hành lang hàng không với vận tốc chậm 30-60km/h và có thể gây rủi ro cho các chuyến bay thương mại.
Đây là lần thứ hai trong vòng 24 tiếng đồng hồ mà quân đội Mỹ bắn hạ một vật thể bay trên không phận Bắc Mỹ. Các mảnh vỡ của thiết bị mới này sẽ được Canada tìm hiểu.
Các nhà khoa học đã phát hiện trong những mảnh vỡ của khinh khí cầu bị bắn hạ hôm 04/02 một thiết bị có khả năng định vị và thu thập thông tin liên lạc và cho rằng đó là một phần của phi đội gián điệp Trung Quốc. Loại khinh khí cầu này đã bay vào không phận Mỹ ít nhất 3 lần dưới thời tổng thống Donald Trump và 2 lần dưới thời ông Joe Biden".
Thùy Dương
*************************
Tiêm kích Mỹ bắn hạ vật thể bay qua Canada
Huyền Lê, VnExpress, 12/02/2023
Tiêm kích F-22 của Mỹ bắn hạ vật thể không xác định trên bầu trời Canada, một ngày sau khi Washington hạ vật thể ở vùng trời bang Alaska.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại cuộc họp báo ở Ottawa, tỉnh bang Ontario tháng 2/2022. Ảnh : AFP.
"Tôi đã ra lệnh bắn hạ một vật thể không xác định xâm phạm không phận Canada. Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) hạ vật thể trên không phận vùng Yukon. Máy bay của Canada, Mỹ xuất kích và một chiếc F-22 của Mỹ đã bắn trúng vật thể", Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo trên Twitter ngày 11/2.
Yukon là vùng lãnh thổ nhỏ nhất và xa nhất của Canada, nằm ở tây bắc đất nước, giáp với bang Alaska của Mỹ. Thủ tướng Trudeau cho biết ông đã trao đổi với Tổng thống Mỹ Joe Biden về sự việc.
"Lực lượng Canada sẽ thu hồi và phân tích mảnh vỡ của vật thể. Cảm ơn NORAD vì đã giám sát khu vực Bắc Mỹ", ông Trudeau cho biết thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand cũng đã trao đổi với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin. "Hai bên tái khẳng định chúng tôi sẽ luôn cùng nhau bảo vệ chủ quyền của mình", bà thông báo trên Twitter.
Trong cuộc họp báo sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anand cho biết vật thể hình trụ, nhỏ hơn khí cầu Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ tuần trước song có hình dáng tương tự. Theo bà, nó đang bay ở độ cao 12 km và gây rủi ro cho giao thông hàng không dân sự khi bị bắn hạ.
"Không có lý do gì để tin rằng tác động của vật thể trên lãnh thổ Canada gây ra mối lo ngại đối với công chúng", bà Anand nói, song từ chối suy đoán nguồn gốc của vật thể này.
Lầu Năm Góc cho hay NORAD phát hiện vật thể này trên bầu trời Alaska tối 10/2. Các chiến đấu cơ Mỹ từ căn cứ Elmendorf-Richardson, Alaska, đã theo dõi khi nó bay vào không phận Canada. Tại đây, các máy bay CF-18 và CP-140 của Canada tham gia nhiệm vụ theo dõi cùng chiến đấu cơ Mỹ.
"Một chiếc F-22 của Mỹ đã bắn hạ vật thể trên lãnh thổ Canada bằng tên lửa AIM 9X sau sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền Mỹ và Canada", người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết.
Sự việc diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ hôm 10/2 lệnh bắn hạ vật thể kích thước bằng chiếc ôtô nhỏ, bay ở độ cao 12 km trên không phận bang Alaska, do giới chức an ninh đánh giá nó là "mối đe dọa đối với an toàn hàng không dân sự".
Không quân Mỹ đã sử dụng tiêm kích, trong đó có F-35, để thu thập thông tin về vật thể bay lạ trong hai ngày 9 và 10/2. Cả hai lần tiếp cận đều chỉ thu được thông tin "hạn chế" về mục tiêu, trong đó có kết luận đây dường như là thiết bị bay không người lái.
Vị trí vùng Yukon của Canada và bang Alaska của Mỹ. Đồ họa : Google Maps.
Đánh giá ban đầu cho thấy vật thể này không có thiết bị do thám, có kích thước nhỏ hơn và mức độ công nghệ thấp hơn khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ tuần trước. Giới chức Mỹ chưa rõ nguồn gốc vật thể, nhưng tin đây không phải là thiết bị của Mỹ.
Một số quan chức tiết lộ vật thể rơi xuống Bắc Băng Dương, gần biên giới Canada, cách bờ biển phía bắc Alaska khoảng 16 km. Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch thu hồi mảnh vỡ của vật thể.
"Hiện chúng tôi không có thêm thông tin chi tiết nào về vật thể, bao gồm khả năng, mục đích hoặc nguồn gốc của nó", NORAD cho biết hôm 11/2, thêm rằng điều kiện thời tiết khó khăn ở Bắc Cực, như gió lạnh, tuyết và ánh sáng ban ngày hạn chế sẽ cản trở nỗ lực tìm kiếm, thu hồi.
Những vụ bắn hạ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Washington - Bắc Kinh tăng nhiệt sau vụ khí cầu Trung Quốc đi vào không phận Mỹ ngày 28/1, di chuyển sang không phận Canada ngày 30/1 và trở lại vùng trời Mỹ một ngày sau đó. Giới chức Mỹ không công khai về sự hiện diện của khí cầu cho đến ngày 2/2.
Không quân Mỹ sau đó điều tiêm kích tàng hình F-22 phóng tên lửa, bắn hạ khí cầu Trung Quốc trên vùng biển ngoài khơi bang Nam Carolina ngày 4/2. Hạ viện Mỹ ngày 9/2 thông qua nghị quyết lên án việc Trung Quốc "sử dụng khí cầu do thám tầm cao trên lãnh thổ Mỹ là hành vi vi phạm trắng trợn chủ quyền" nước này.
Trung Quốc cho biết nước này đã nhiều lần giải thích khí cầu bị bắn hạ được dùng cho mục đích dân sự và vô tình đi vào không phận Mỹ, song bị Washington phớt lờ. Bắc Kinh cáo buộc cách xử lý khí cầu của Washington là "thái quá, sai lầm và vô trách nhiệm".
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)
***************************
Mỹ bắn rơi một vật thể bay trên bầu trời bang Alaska
Thanh Phương, RFI, 11/02/2023
Hôm 10/02/2023, một phát ngôn viên của Nhà Trắng thông báo, theo lệnh của tổng thống Joe Biden, quân đội Hoa Kỳ đã bắn hạ một vật thể bay trên bầu trời bang Alaska.
Một máy bay tiêm kích F-22 Raptor của quân đội Mỹ, ngày 04/02/2023. AP - Airman 1st Class Mikaela Smith
Theo lời ông John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, vật thể bay "có kích thước bằng một chiếc xe hơi nhỏ", bay ở độ cao 12.000 mét, cho nên đe dọa đến an toàn giao thông hàng không. Tuy nhiên, ông không nói rõ vật thể bay đó là gì và xuất xứ từ đâu.
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin gởi về bài tường trình :
"Lần này, tổng thống Biden không chờ đến khi vật thể bay băng ngang qua hết nước Mỹ. Vừa bị phát hiện tối thứ Năm, vật thể bay này đã bị một chiến đấu cơ bắn rơi vào trưa hôm qua, tại một khu vực gần bờ biển bang Alaska.
Từ thứ Bảy tuần trước, phe Cộng Hòa, đặc biệt là các dân biểu của đảng này ở miền tây bắc Hoa Kỳ, đã liên tục lên án điều mà họ xem là thái độ "nhu nhược" của chính quyền Biden. Nhà Trắng thì vẫn biện minh cho một biện pháp cẩn trọng.
ần này, vật thể nói trên đang bay ở độ cao 12.000 mét và như vậy là một mối nguy tiềm tàng cho hàng không dân sự. Vật thể bay đã bị bắn rơi phía trên hải phận nước Mỹ, khu vực mà nước biển hiện đang đóng băng, cho nên rất dễ tìm được các mảnh vỡ để đem về phân tích.
Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn tỏ ra thận trọng. Trước hết, họ không gọi đó là một khinh khí cầu. Tiếp đến, phát ngôn viên đặc trách các vấn đề chiến lược nói rõ là vật thể này, mà nguồn gốc chưa được xác định, có kích thước nhỏ hơn nhiều so với khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi trên vùng biển Đại Tây Dương.
Thái độ thận trọng này càng dễ hiểu vì Washington không muốn làm căng thẳng thêm quan hệ Mỹ-Trung vốn đã bị tổn hại nặng nề trong bối cảnh chung, và nhất là sau vụ đầu tiên".
Sau vụ bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc hôm thứ Bảy tuần trước, hôm qua, Hoa Kỳ đã thêm 6 công ty Trung Quốc vào danh sách đen, cấm các công ty này tiếp cận các công nghệ và tài sản của Mỹ nếu không được phép.
Thanh Phương
************************
Đức cảnh báo về việc Trung Quốc tăng cường hoạt động gián điệp chính trị
Chi Phương, RFI, 11/02/2023
Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên báo Đức hôm 11/02/2023, lãnh đạo Cơ quan Liên bang Bảo vệ Hiến pháp Đức bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc đang mở rộng các hoạt động dọ thám chống lại Berlin. Bắc Kinh đang tăng cường tập trung vào các hoạt động gián điệp chính trị.
Ảnh minh họa : Thủ tướng Đức Olaf Scholz và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 04/12/2022 tại Bắc Kinh,Trung Quốc. © Yao Dawei/Xinhua via AP
Theo hãng tin Reutrs, trả lời thời báo Đức Welt am Sonntag, ông Thomas Haldenwang, lãnh đạo Cơ quan Liên bang Bảo vệ Hiến pháp, một cơ quan an ninh nội địa Đức, khẳng định : "Chúng ta cần phải có phương án chuẩn bị trong những năm tới", trước các hành động gián điệp của Trung Quốc.
Ông Thomas cũng cảnh báo rằng sự phụ thuộc kinh tế có thể được Bắc Kinh sử dụng như là công cụ gây ảnh hưởng về mặt chính trị : "Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược dài hạn để đạt được các mục đích của họ. Giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế - vốn là kết quả của mối quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp Đức và Châu Âu, để thực hiện các mục tiêu chính trị".
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ gia tăng sau khi một khinh khí cầu dọ thám của Trung Quốc "bay lạc" vào lãnh thổ của Hoa Kỳ và sau đó đã bị máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ bắn hạ.
Theo số liệu từ cơ quan thống kê của Đức, được Reuters trích dẫn, trao đổi thương mại giữa Đức và Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục vào năm 2022, khoảng 289 tỷ euro, tăng 21% so với năm 2021. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức trong 7 năm liên tiếp, bất chấp các cảnh báo về việc Berlin phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh, bên cạnh bài học từ dầu khí Nga.
Bộ Kinh Tế Đức đang lên kế hoạch đưa thêm các yêu cầu cho các doanh nghiệp Đức hoạt động tại Trung Quốc và tính đến việc loại bỏ các nhà cung cấp từ những nước độc tài ra khỏi các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng ở Đức.
Chi Phương