Phương Tây trang bị vũ khí cho Ukraine đến chừng nào cho đủ ?
Thời sự thu hút nhiều sự chú ý của các báo Pháp ra hôm 10/02/2023 chuyến công du Châu Âu của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, chủ yếu hối thúc các đồng minh ở Châu Âu cung cấp thêm vũ khí hạng nặng để Ukraine có thể chống lại các cuộc tấn công của Nga.
Các xe chiến đấu bộ binh Bradley tại bến tàu Bắc Charleston, S.C, Hoa Kỳ trước khi được vận chuyển đến Ukraine, ngày 25/01/2023. AP - Oz Suguitan
Nhật báo Le Monde chạy tựa rõ ràng : "Zelensky thúc ép các đồng minh cung cấp máy bay". Chuyến đi thứ 2 của tổng thống Zelensky ra nước ngoài từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược của Nga (cách đây gần một tròn một năm) lần này bắt đầu từ Luân Đôn, hôm 08/02 qua Paris và đến Bruxelles ngày 09/02. Đi đến đâu, tổng thống Ukraine cũng kêu gọi các lãnh đạo Châu Âu hậu thuẫn mạnh mẽ hơn nữa. Ông Zelensky dùng đủ ngôn từ cố gắng thuyết phục các nước cung cấp cho Ukraine chiến đấu cơ và vũ khí hạng nặng tầm xa "càng sớm càng tốt" để quân đội Ukraine chống đỡ với đợt tấn công sắp tới của Nga và để giành chiến thắng cuối cùng.
Lãnh đạo và chính giới Anh, Pháp, Đức và các nước khác trong Liên Âu, đã tiếp đón tổng thống Zelensky nồng nhiệt nhất cùng với những cam kết ủng hộ Ukraine không hề thay đổi. Tuy nhiên, các nước vẫn để ngỏ khả năng cung cấp chiến đấu cơ cũng như các loại vũ khí tầm xa cho quân đội Ukraine, như theo yêu cầu của tổng thống Zelensky.
Nhật báo Le Figaro ghi nhận : "Tổng thống Ukraine đã được đón tiếp như người hùng ở Bruxelles nhưng không một nước thành viên Liên Âu nào cam kết chắc chắn đáp ứng tất cả những đòi hỏi của ông" cho dù ông Zelensky đã nhấn mạnh trước khi tham dự cuộc họp thượng đỉnh với Liên Âu rằng "tôi không thể đơn giản trở về nhà mà không mang được kết quả nào".
Kết quả, theo Le Figaro, vẫn dừng lại ở lời hứa của Luân Đôn sẽ đào tạo phi công chiến đấu cho Ukraine, còn các nước Liên Âu vẫn khẳng định sự ủng hộ không suy chuyển đối với cuộc chiến đấu chống xâm lược của nhân dân Ukraine.
Le Figaro cũng nhận thấy, trong lúc ông Zelensky kêu gọi đòi hỏi được các nước Châu Âu cung cấp thêm vũ khí để bảo vệ đất nước, quân đội Nga đang dồn mọi nguồn lực trên chiến trường và đang chiếm dần dần thêm đất ở vùng Donbass tạo thêm ưu thế chiến trường những ngày qua. Nhiều dấu hiệu cho thấy quân Nga đang chuẩn bị đợt tấn công lớn sắp tới hy vọng đè bẹp quân đội Ukraine trước khi vũ khí hạng nặng của phương Tây tới tay Kiev. Nga hiểu rõ, quân đội Ukraine phụ thuộc hoàn toàn vào sự hậu thuẫn của các nước phương Tây.
Vũ khí cho Ukraine bao nhiều thì đủ ?
Trong cảnh hiện nay, khi mà phương Tây cam kết hậu thuẫn về quân sự lâu dài cho Ukraine, nhưng vẫn dè dặt cung cấp chiến đấu cơ, mục tranh luận của báo La Croix đặt câu hỏi lớn : "Cần phải vũ trang đến mức nào cho Ukraine ?"
Vấn đề đặt ra là làm sao để ngăn không cho Nga giành chiến thắng mà phương Tây vẫn không phải đối đầu trực diện với Moskva. Tờ báo đăng ý kiến phân tích của ông Michel Goya, nhà sử học, cựu đại tá quân đội Pháp, cho thấy phương Tây đang ở thế khó : làm sao để tránh không bị Nga coi bên "đồng tham chiến". Nếu tiếp tục đi xa hơn nữa, đáp ứng mọi đòi hỏi về quân sự của Kiev, phương Tây sẽ rơi vào đối đầu trực diện với Moskva. Theo chuyên gia Michel Goya, "sau những đầu tư lớn cho Ukraine, đến giờ một thất bại của Ukraine sẽ cũng là thất bại lớn cho vị thế của các nước phương Tây trên thế giới và cũng là thất bại của luật pháp quốc tế. Mối đe dọa Nga có thể sẽ yếu đi vào một lúc nào đó vì nỗ lực chiến tranh, hoặc có thể bị cuốn vào cuộc chiến tranh du kích không hồi kết ở Ukraine, nhưng mối đe dọa này sẽ còn lâu dài đối với Châu Âu, giờ đã bị Nga coi là đối thủ. Tiếp tục giúp Ukraine, ồ ạt nhất có thể sẽ tốt hơn nếu ta muốn có kết quả quyết định trong thời gian không quá lâu".
Trên trang tranh luận của La Croix cũng đăng ý kiến của Philippe Folliot, thượng nghị sĩ vùng Tarne của Pháp. Ông khẳng định quân đội Ukraine sẽ không thể chống chọi được với Nga nếu không có hậu thuẫn của phương Tây, "sự hỗ trợ ồ ạt của phương Tây lúc này sẽ là cách tốt nhất để thúc đẩy Vladimir Putin ngồi vào bàn đàm phán".
ChatGPT mối lo mới cho giới giáo dục Pháp
Trở lại với nhật báo Le Figaro. Hồ sơ chính của tờ báo hôm nay đề cập đến ChatGPT, hiện tượng công nghệ đang hấp dẫn người sử dụng internet trên cả thế giới những ngày gần đây.
Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : "Giới giáo dục đang tìm cách chống đỡ với ChatGPT". Theo tờ báo, mới được phổ cập trong công chúng chưa được bao lâu, công cụ mới của trí tuệ nhân tạo này có nguy cơ trở thành công cụ để các học sinh sinh viên gian lận sao chép kiến thức.
"Đây là một thế giới mới. Vĩnh biệt bài tập về nhà", tuyên bố đầy khiêu khích trên của tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập của công ty khởi nghiệp tạo ra ChatGPT không làm các nhà giáo cười được, Le Figaro nhận xét. Từ khi chương trình hội thoại tự động này được tung lên mạng Internet hồi tháng 11 với thành công toàn cầu, các giáo sư, hiệu trưởng các cơ sở dạy học đang phải đối mặt với các hiện tượng gian lận mới trong việc làm bài tập và kiểm tra kiến thức của các học sinh sinh viên. Cấm hay cho phép sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo đang làm đảo lộn cuộc sống hàng ngày của mọi người là một vấn đề làm đau đầu giáo giới ở Pháp. Ngành giáo dục đang cố gắng tìm ra các biện pháp để ngăn chặn ứng dụng tiêu cực của ChatGPT. Nhưng vấn đề chính và khó khăn nhất là làm sao để chứng minh được các học sinh sinh viên đã nhờ cậy vào công cụ trí tuệ nhân tạo trong các bài tập, bài viết của mình.
Cuộc chiến trí tuệ nhân tạo của những người khổng lồ
Tờ báo kinh tế, Les Echos chạy tựa chính trang nhất : Microsoft – Google : "Trận chiến mới về trí tuệ nhân tạo". Les Echos dành nhiều trang bài cho thấy Microsoft bắt đầu mở cuộc tấn công Google bằng cách đưa ChatGP vào trong công cụ tìm kiếm trên Internet.
Tờ báo cho biết, "khả năng của trí tuệ nhân tạo đang làm xáo trộn công cụ tìm kiếm thông tin trên internet, một thị trường quảng cáo có trị giá 186 tỷ đô la". Những ngày qua, thị trường cổ phiếu bùng nổ với những công ty đang nhằm vào phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI).
Les Echos cho hay, hiện tại các tập đoàn Microsoft, Google và cả Baidu của Trung Quốc đang lao vào cuộc đua phát triển robot hội thoại, tìm cách cài các chương trình trí tuệ nhân tạo vào thanh công cụ tìm kiếm thông tin trên Internet. Một "môi trường tìm kiếm thông tin trên mạng đang chuẩn bị cho cuộc cách mạng ChatGPT", tờ báo nhận định. Cách thức và nhu cầu tìm kiếm thông tin của người sử dụng internet trong thời gian tới đây sẽ có bước thay đổi căn bản. Hiện tại Microsoft với ưu thế của Chatbot sẵn sàng đối đầu trực tiếp trên mặt trận công cụ tìm kiếm thông tin với người khổng lồ Google, hiện đang gần như độc quyền chiếm 84% thị phần tìm kiếm dữ liệu trên mạng internet.
Trước thách thức Microsoft đưa ChatGPT vào công cụ tìm kiếm thông tin trên mạng, Google cũng sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh. Mới đây nhà vô địch trong lĩnh vực tìm kiếm trên mạng đã giới thiệu một loạt các cải tiến liên quan đến các chức năng vốn có của Google như dịch thuật ngôn ngữ, tìm kiếm bằng hình ảnh hay định vị địa lý sẽ có sự tham gia của Trí tuệ nhân tạo. Theo Les Echos, chẳng hạn người ta có thể đưa ảnh một chiếc xe đạp hỏng và hỏi làm thế nào để chữa, Google có thể cho câu trả lời chi tiết. Hay như hệ thống bản đồ Google Map sắp tới sẽ tích hợp các hình ảnh thực để có thể cho biết cả môi trường thực của địa điểm tìm kiếm… Tất cả đều nhờ vào trí tuệ nhân tạo.
Trong khi việc sử dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo còn đang ở giai đoạn khai hoang, thì thị trường của AI đang được nhiều hãng công nghệ đổ xô vào. Hệ quả là giá trị tài sản chứng khoán của các công ty liên quan đó cũng tăng vọt thời gian gần đây. Theo Les Echos, thị trường trí tuệ nhân tạo, được các nhà phân tích của tập đoàn tài chính UBS ước tính khoảng 1000 tỷ đô la.
Ngắm sao để hiểu thêm về trái đất
Cuối cùng xin được đến với nhật báo Libération. Nhân sự kiện "Đêm sao mùa đông" được tổ chức tại Pháp năm nay từ ngày 09 đến 12/02, tờ báo ra số đặc biệt dành hơn 2/3 các trang báo cho sự kiện với tiêu đề chính "Libé của các vì sao".
Cùng với 100 sự kiện được các hiệp hội thiên văn tổ chức ở khắp nước Pháp như quan sát, tìm hiểu trình diễn về thiên văn học, báo Libération dành rất nhiều bài viết để giúp độc giả tìm hiểu thêm về vũ trụ bên ngoài trái đất của chúng ta, hiểu thêm những vấn đề về hệ sinh thái môi trường liên quan thế nào đến trái đất và bầu trời của chúng ta. Bài viết "Môi trường sinh thái trên quỹ đạo trái đất" đề cập đến việc với tiến bộ khoa học ngày cành nhanh chóng, trên bầu trời bao la hiện nay, các vệ tinh xuất hiện như nấm đang đặt ra những vấn đề nghiêm túc. Đó là nguy cơ các vệ tinh va chạm với nhau, những vệ tinh cũ hỏng, những mảnh vỡ của tên lửa trôi nổi trong không gian. Trước tình trạng đó, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo và kêu gọi phải có biện pháp chấm dứt tình trạng biến không gian thành bãi rác khổng lồ.
Một bài viết khác của tờ báo mang tựa đề : "Chiến tranh giữa các vì sao không như bạn nghĩ", giúp độc giả hiểu rằng với khả năng giám sát, truyền tin và di chuyển… các hệ thống vệ tinh giờ đây đóng vai trò trung tâm cho các hoạt động con người dưới mặt đất. Hệ thống vệ tinh có thể biến thành những mục tiêu tấn công trong trường hợp xảy ra xung đột. Quỹ đạo trái đất giờ đây cũng là nơi diễn ra các cuộc đọ sức tranh giành địa chính trị sau thời kỳ chiến tranh lạnh.
Bên cạnh đó Libération cũng có bài viết về những thành công của con người trong công cuộc chinh phục không gian.
Anh Vũ