Nga lại ồ ạt tấn công nhiều thành phố và cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine
Thùy Dương, RFI, 10/02/2023
Một ngày sau chuyến công du Châu Âu của tổng thống Ukraine Zelensly, Kiev hôm 10/02/2023 cho biết nhiều thành phố và cơ sở năng lượng thiết yếu lại hứng chịu một loạt vụ tấn công ồ ạt của quân Nga bằng tên lửa và drone phát nổ.
Người dân trú ẩn tại một trạm tàu điện ngầm ở Kiev, khi Nga bắn tên lửa vào thủ đô Ukraine, ngày 10/02/2023. AP - Efrem Lukatsky
Theo Không quân Ukraine, Nga đã phóng 71 tên lửa, trong đó có tên lửa hành trình Kalibr, tên lửa dẫn đường S-300, và drone Shahed nhắm vào các vùng Kiev, Kharkiv và Zaporijjia. Không quân Ukraine khẳng định đã tiêu diệt được 61 tên lửa mà Nga bắn ra. Chính quyền Kiev chưa cho biết các thiệt hại nhân mạng.
Công ty điện Ukraine Ukrenergo sáng nay thông báo nhiều cơ sở hạ tầng điện cao thế tại các vùng miền đông, tây và nam đã bị ảnh hưởng, gây hỏng mạng điện tại một số vùng. Ukrenergo đã buộc phải cắt điện khẩn cấp nhiều nơi để đề phòng mạng lưới điện quốc gia quá tải.
Hội đồng thành phố Zaporijjjia thông báo Zaporijjjia đã hứng chịu 17 vụ oanh kích trong sáng hôm nay, nhiều chưa từng có nếu tính từ đầu chiến tranh đến nay. Một phần thành phố Zaporijjia đã bị cắt điện trong vòng 1 giờ đồng hồ. Tại thành phố Kharkiv, miền đông bắc, sát Nga, thống đốc vùng cho biết nhiều vụ cháy đã nổ ra sau khi trúng tên lửa của quân Nga.
Ngoài ra, Kiev cũng xác nhận 2 tên lửa đã đi qua không phận của Romania, nước thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Bộ quốc phòng Romania ngay sau đó đã bác bỏ thông tin này và cho biết một tên lửa đã bay cách lãnh thổ của Romania 35 km.
AFP nhắc lại từ tháng 10/2022 tới nay, sau nhiều thất bại trên chiến trường, Moskva đã chuyển hướng chiến lược, nhắm mục tiệu tấn công vào các cơ sở năng lượng được xem là thiết yếu của Ukraine, đẩy hàng triệu người dân Ukraine vào cảnh mất điện và không được sưởi ấm trong bối cảnh mùa đông lạnh giá khắc nghiệt.
Thùy Dương
***********************
Nga khoanh vùng chiến sự, tìm chiến thắng chính trị
Thanh Hà, RFI, 09/02/2023
Tổng thống Ukraine đã công du chớp nhoáng Anh, Pháp ngày 08/02/2023 và đến Bruxelles họp thượng đỉnh bất thường với 27 nước Châu Âu ngày 09/02. Tại Luân Đôn, ông Zelensky kêu gọi Anh cung cấp chiến đấu cơ. Còn tại Paris, ông kêu gọi tổng thống Pháp và thủ tướng Đức cung cấp thêm vũ khí, đặc biệt là xe tăng hạng nặng. Theo tổng thống Zelensky, chỉ những loại vũ khí chiến lược đó mới có thể giúp quân đội Ukraine đối phó với cuộc tấn công mùa Xuân mà Nga đang chuẩn bị.
Soledar, vùng Donetsk, Ukraine, thành phố được Nga tuyên bố "giải phóng". Ảnh chụp qua màn ảnh truyền hình ngày 08/01/2023. via Reuters – State Border Guard Service of UKRAINE
Ngày 07/02, đích thân bộ trưởng quốc phòng Nga Serguei Shoigu thông báo những "thành công" trên chiến trường trong những ngày gần đây, nhiều thành phố "được giải phóng" (Sodedar, Klishchiivka, Podgornoe, Krasnopolye, Blagodatnoe, Lobkove và Nikolaevka). Đây là những bước chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn của Nga, mà tổng thống Zelensky dự báo sẽ diễn ra khoảng 24/02, đúng một năm tổng thống Vladimir Putin phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" xâm lược Ukraine.
Hai dấu hiệu quan trọng được nhà phân tích quân sự Sim Tack, công ty Forces Analysis, nêu với trang France 24 đó là số quân nhân và vũ khí được Nga điều ra chiến trường. Thứ nhất, "rất nhiều đơn vị được tái triển khai ở nhiều nơi trên chiến tuyến". Quân nhân được tăng viện chủ yếu là những người nhập ngũ trong đợt động viên một phần vào tháng 09/2022 và được huấn luyện ở Belarus, nhưng số quân này không phải là 500.000 như số liệu mà Ukraine đưa ra. Theo nhà phân tích này, chính quyền Kiev có thể thổi phồng con số đó để thúc các nước phương Tây khẩn trương cung cấp thêm vũ khí.
Dấu hiệu thứ hai là Nga cũng điều thêm pháo binh, xe tăng đời mới ra mặt trận, "chủ yếu là xe tăng T-90 hiện đại, được triển khai ở đa số các khu vực đang giao tranh", từ Kupiansk (vùng Kharkiv) đến Vouhledar (phía nam vùng Donetsk). Đây là khu vực có thành phố Bakhmut, nơi giao tranh đang diễn ra ác liệt và dường như quân Nga đang chiếm được từng tấc đất. Xe tăng T-90 cũng được đưa đến vùng Luhansk lân cận, "nơi tập trung lính dù Nga", một lực lượng tinh nhuệ.
Tuy nhiên, theo ông Sim Tack, "dù có nhiều dấu hiệu cho thấy đúng là Moskva đang củng cố các vị trí", nhưng "rất khó biết được Nga đang chuẩn bị gì". Dường như Moskva không dồn hết các đơn vị mới quanh một thành phố hay một mục tiêu quân sự đặc biệt. Hoạt động của các đơn vị cũng không cho thấy sẽ có một cuộc tấn công tức thì ở khu vực miền nam Zaporijjia, như khả năng được nhiều nhà phân tích nêu trước đó.
Có thể là Moskva không mở một mặt trận mới. Cuộc tấn công mùa Xuân, vẫn được Nga nói úp mở, có thể là "sự tập trung nỗ lực ở nơi mà Moskva tìm cách buộc quân Ukraine phải nhượng bộ". Đây cũng là ý kiến của tướng Dominique Trinquand trên đài RFI hôm 07/02 : "Đó là một cuộc tấn công bị giới hạn", chứ không phải là "một cuộc tấn công làm người ta nghĩ là Nga sẽ chiếm lại Ukraine". Theo cựu trưởng phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc, "có thể Nga sẽ gặm nhấm nhiều địa phương ở vùng Donbass để tổng thống Putin có thể thông báo rằng sau một năm chiến tranh, ông đã bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga ở khu vực lân cận mà ông đã sáp nhập".
Thực ra Nga đã chuẩn bị cuộc tấn công này ngay khi rút khỏi Kherson vào giữa tháng 11/2022 để tập trung lực lượng bảo vệ mục tiêu được điện Kremlin ấn định : "Kiểm soát vùng Donetsk vào mùa xuân". Trong chiến dịch này, Bakhmut trở thành nút quan trọng đối với quân đội Nga. Ông Sim Tack giải thích "chiếm được thành phố này là mở đường xuống phía nam, đến được những địa phương chính của vùng Donetsk mà Nga chưa chiếm được, như những khu vực quanh các thành phố Kramatorsk và Sloviansk".
Nga đang hối hả giành chiến thắng trên chiến trường trước khi quân Ukraine nhận được thêm vũ khí và xe tăng từ phương Tây. Một chiến thắng, dù nhỏ ở miền đông Ukraine, vẫn là một thông điệp chính trị quan trọng để tổng thống Putin ca ngợi trong dịp kỷ niệm một năm phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" để dẹp trừ "phát xít" ở nước láng giềng.
Thu Hằng
*********************
Vụ rớt máy bay MH17 : Một số bằng chứng cho thấy Putin cấp tên lửa cho quân ly khai Ukraine
Trọng Thành, RFI, 09/02/2023
Cuộc điều tra về vụ máy bay số hiệu MH17 bị bắn hạ tại Ukraine năm 2014, khiến 298 hành khách và nhân viên phi hành đoàn thiệt mạng, đã tạm khép lại. Hôm 08/02/2023, trong cuộc họp báo tại La Haye, công tố viên Hà Lan Digna van Boetzelaer, đứng đầu nhóm điều tra, khẳng định có "nhiều chỉ dấu quan trọng" cho thấy tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định cấp cho lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine loại tên lửa Buk, được dùng để bắn hạ máy bay.
Các mảnh vỡ của chiếc máy bay MH17 rơi xuống Donetsk, Ukraine. Ảnh chụp ngày 22/07/2014. Reuters/Maxim Zmeyev/File Photo
Thông tín viên Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles :
Các nhà điều tra đã công bố nhiều đoạn ghi âm các quan chức Nga hoặc các thành phần ly khai tại Ukraine nêu tên tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như đoạn ghi âm một cuộc trò chuyện với chính tổng thống Nga. Những yếu tố mà các nhà điều tra thu thập được chỉ ra rằng chủ nhân của điện Kremlin chịu trách nhiệm quyết định cấp các hệ thống tên lửa địa đối không cho quân ly khai ở tỉnh Donestk.
Đối với các nhà điều tra, có "nhiều chỉ dấu quan trọng" cho thấy ông Putin đã đích thân phê chuẩn việc chuyển giao cho quân ly khai Ukraine các hệ thống tên lửa Buk của Nga, bao gồm cả dàn phóng đã được sử dụng để bắn hạ chuyến bay MH17 vào tháng 7/2014. Đây chỉ là một giả định và dẫu sao thì luật Hà Lan không cho phép truy tố nguyên thủ quốc gia.
Các nhà điều tra đã xác định được dàn phóng tên lửa Buk nói trên và trung đoàn Nga quản lý dàn phóng này, nhưng đã không thể xác định được ai bắn tên lửa này hoặc viên chỉ huy nào đã ra lệnh khai hỏa. Họ không nêu tên của bất kỳ nghi phạm nào khác ngoài những nhân vật đã được biết. Bởi chỉ khi có những lời khai mới thì mới có thể khởi động lại cuộc điều tra".
Cho đến nay, chính quyền Moskva khăng khăng phủ nhận mọi can dự dẫn đến việc chuyến bay MH17 bị tên lửa Nga bắn hạ. Hôm nay, ngoại trưởng Úc và lãnh đạo cơ quan công tố Úc khẳng định Nga đã nhiều lần ngăn cản cuộc điều tra, khiến việc tập hợp các bằng chứng liên quan đến Nga là "không thể". Theo thủ tướng Hà Lan Mark Ruth, cuộc điều tra tìm công lý cho các nạn nhân vụ máy bay MH17 bị bắn rơi "sẽ tiếp tục", và "Liên Bang Nga phải trả giá về vai trò của mình trong thảm kịch này".
Trọng Thành