Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/02/2023

Điểm báo Pháp - "Tạo" tin giả, thao túng công luận

RFI tiếng Việt

"Tạo" tin giả, thao túng công luận : Hoạt động thu về bạc triệu

Ngành tình báo và các cơ quan tuyên truyền không còn độc quyền "phao tin thất thiệt" thao túng công luận. Trong khuôn khổ tổ hợp điều tra Forbidden Stories, nhật báo Le Monde cùng với nhiều phương tiện truyền thông khác trên thế giới tiết lộ bí quyết của một "lò" chuyên cung cấp tin giả, ảnh hưởng tiếp đến đời sống chính trị và kinh tế nhiều một quốc gia.

tingia1

Ảnh chụp màn hình : Trang chủ của nhóm các nhà báo điều tra "Forbidden Stories". © Capture d'écran/"Forbidden Stories"

Vào lúc một bộ phận người lao động tại Pháp tiếp tục xuống đường trong đợt thứ 5 để phản đối kế hoạch cải tổ hưu bổng, Le Monde số ra ngày 16/02/2023 dành hồ sơ lớn cho cuộc điều tra về "đội ngũ những người lính đánh thuê" trên mặt trận thông tin. Số này có nhiệm vụ đánh lạc hướng công luận.

Một lĩnh vực bất hợp pháp nhưng thu về bạc triệu 

Điều tra của tổ hợp Forbidden Stories tập trung vào trường hợp của Team Jorge, một công ty khá "kín đáo" có trụ sở tại Israel.

Team Jorge có thể giúp một công ty bị cạnh tranh muốn giành lại thị phần. Hãng này cũng có thể giúp một ứng cử viên tổng thống bị đối thủ bắt kịp trong cuộc thăm dò dư luận, hay hỗ trợ một cá nhân hay thực thể nào đó bị kiện vì tham nhũng cần hủy hoại uy tín của các nhà điều tra.

Forbidden Stories giả vờ là khách hàng liên lạc với Team Jorge và nhờ vậy đã biết được là hãng do một cựu nhân viên trong quân đội Israel lập ra từng can thiệp vào khoảng 30 cuộc bầu cử tổng thống trên thế giới, phần lớn là tại Châu Phi. Team Jorge "lập nhiều chiến công" ở nhiều nơi từ "Châu Phi đến Châu Âu, Đông Nam Á và Châu Mỹ La-tinh". Công ty có trụ sở tại Tel Aviv này "khoe thành tích" : can thiệp vào chiến dịch thao túng công luận trên hồ sơ năng lượng hạt nhân tại bang California, Hoa Kỳ ; can thiệp vào cuộc vận động tranh cử tổng thống Mali hồi 2019 giúp ông Macky Sall tái đắc cử, hay nhúng tay vào chiến dịch bôi nhọ Xavier Justo, người đã phơi bày ra ánh sáng vụ tham nhũng 1MDB liên quan đến thủ tướng Malaysia Najib Razak.

Vậy Team Jorge hoạt động như thế nào, với mục đích gì và đòi thân chủ bao nhiêu tiền, để đối lấy "những dịch vụ" cần thiết đó ? Le Monde trả lời : Giá phải trả dao động từ vài trăm ngàn đô la đến 15 triệu đôla, nếu để "làm thay đổi kết quả một cuộc bầu cử tổng thống". Nhà cung cấp dịch vụ thông tin giả này của Israel muốn rằng khi thanh toán, các thân chủ kín đáo chừng nào thì tốt chừng nấy.

Biên giới rất mỏng với bên tình báo, quân đội ?

Các chiến dịch khuynh đảo công luận đó có đạt mục tiêu hay không ? Theo các nhà điều tra, tuy không bách chiến bách thắng, nhưng "tất cả các chiến dịch nói trên đều gây hoang mang" trong công luận. Mục tiêu sau cùng là đẩy một doanh nghiệp, một định chế vào thế bị động. Họ cũng có thể thổi phồng một vụ tai tiếng nào đó vì các mục đích chính trị, tung tin giả xúi giục đầu tư vào một dự án vô bổ để giúp chủ nhân dự án đó làm giàu…

Về cung cách hoạt động, Team Jorge tìm mọi cách "moi thông tin" cần thiết, khi thì đột nhập vào hộp thư điện tử của các đối tượng cần nhắm tới, lúc thì tống tiền nạn nhân… Le Monde nêu rõ trường hợp Team Jorge đã từng "lục lọi" hộp thư Gmail của một doanh nhân Indonesia, hay một bộ trưởng Mozambique, thăm dò tài khoản trên Telegram của một quan chức Kenya… 

Đó là những hành vi "bất hợp pháp". Mạng xã hội, các phương tiện truyền thông digital, dọ thám qua internet, "tạo ảnh hưởng" trong công luận… là vũ khí, là sân chơi, của đội ngũ lính đánh thuê trên mặt trận thông tin.

Để phổ biến tin giả, các toán lính đánh thuê trên mặt trận thông tin này sử dụng công cụ mang tên AIMS. Đây là một cổng vào tập trung từ những bài báo giả, đến thông tin cá nhân "ma" về những "người ma" để mở "tài khoản ma" trên các mạng xã hội .

Một điểm đáng chú ý khác là Tal Hanan, ông chủ Team Jorge, từng phục vụ trong quân đội Israel và là sáng lập viên một cơ quan trong lĩnh vực "an ninh chống khủng bố và dọ thám kinh tế". Một trong số các cộng tác viên thân cận nhất của ông này từng là nhân viên mật vụ Israel. Điều tra trên báo Le Monde ghi nhận "một thân một mình các toán lính đánh thuê thông tin này chẳng đạt được nhiều kết quả (…), do vậy mà Team Jorge đã dựa vào hệ thống an ninh của Israel, nơi mà hãng này có những đầu mối liên lạc quý giá" để tìm kiếm thêm hợp đồng.

Đừng quên rằng "sản xuất tin giả" và thao túng công luận là một lĩnh vực càng luc càng có nhiều đối tượng muốn tham gia và đây là một thị trường mới có tính cạnh tranh rất cao. Các đối thủ của Team Jorge đang khá năng động tại Cận Đông, Châu Phi và kể cả tại các nước phương Tây.

Thế giới lao vào cuộc chạy đua vũ trang

Một ngày trước Hội nghị An ninh ở Munich, Đức, Les Echos chú ý đến báo cáo mới nhất mà Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS vừa công bố : Ngân sách quốc phòng trên thế giới năm 2022 vượt ngưỡng 2.000 tỷ đô la tăng 4% so với 2021. Mỹ vẫn dẫn đầu bảng, với 767 tỷ đô la. Về thứ nhì là Trung Quốc với gần 250 tỷ. Nga đứng hạng ba với 88 tỷ đô la. Mặc dù chiến tranh Ukraine đang là tâm điểm thời sự, nhưng IISS lưu ý "Trung Quốc mới là mối quan tâm hàng đầu của Mỹ" và theo Washington từ 2 năm nay, đội ngũ máy bay vận tải, máy bay tiếp liệu của Trung Quốc đã "tăng lên đáng kể". Hải quân nước này cũng vừa trang bị thêm một thế hệ tàu ngầm đời mới có tầm hoạt động "xa hơn".

Le Monde đặc biệt dành nhiều bài vở về các khoản chi tiêu quân sự. Tờ báo trở lại với cuộc họp hôm 14/02/2023 giữa bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. NATO thảo luận về những mục tiêu trong tương lai của chính sách phòng thủ. Năm 2014, các bên đề ra mục tiêu đến năm 2024 các thành viên phải dành 2% GDP cho các chi phí quân sự. Một năm trước hạn định này và trong bối cảnh chiến tranh Ukraine hiện nay, ngoài Mỹ, Anh và Hy Lạp, đã có thêm 7 thành viên NATO đạt đến đích. Đa phần là các quốc gia sát cạnh với Nga. Ba nước trong vùng Baltic và Ba Lan thì đã vượt chỉ tiêu 2%. Pháp thì chưa. Còn riêng Đức, cho dù Berlin thông báo bơm thêm 100 tỷ euro cho quân đội, nhưng ngân sách quốc phòng của Đức còn lâu mới đạt ngưỡng 2% GDP.

Báo động Châu Âu hết đạn

Vào lúc chiến tranh đang diễn ra ngay trên lãnh thổ Châu Âu, NATO báo động châu lục này thiếu đạn dược. Sylvie Kauffmann không khoan nhượng đặt câu hỏi : Tại sao từ khi chiến tranh Ukraine khai mào, ai cũng biết rằng mỗi ngày Ukraine tiêu thụ từ 5.000 đến 6.000 đầu đạn, chỉ bằng một phần tư so với phía Nga. Vậy mà phải đợi đến hôm 13/02/2023, tổng thư ký NATO mới báo động rằng các thành viên sản xuất không kịp để cung cấp đạn dược cho Kiev. Tại sao các nhà máy của Châu Âu không hoạt động hết công suất gần một năm sau ngày Vladimir Putin đưa quân xâm chiếm Ukraine ?

Trên nguyên tắc lẽ ra lãnh đạo Châu Âu phải thay đổi chiến thuật 180 độ để lắp đầy các kho đạn khi thấy rằng Nga có thể "nuốt chửng" Ukraine. Nhưng cho đến giờ các nhà sản xuất Châu Âu vẫn "đang khoanh tay đợi đơn đặt hàng". Mãi đến tuần trước, Estonia mới đề nghị Liên Âu cùng nhau đặt mua đạn dược để viện trợ cho Ukraine. Làm thế nào giải thích sự chậm trễ đó khi mà ý tưởng này đã được đề xuất từ tháng 3/2022 trong khuôn khổ thượng đỉnh Liên Âu ở Versailles ?

Pháp : Vở diễn đã nhàm của NUPES

Trở lại với thời sự Pháp : sự kiện trong ngày đương nhiên là đợt xuống đường lần thứ 5 để phản đối kế hoạch kéo dài tuổi lao động. Libération vẫn tập trung vào con số người tham gia các cuộc xuống đường chiều nay. Trái lại các báo Les Echos, Le Figaro Le Monde mệt mỏi trước những cảnh tượng "hỗn loạn" ở Hạ Viện. Các tờ báo này phân tích về "chiến thuật phá rối" của Liên minh cánh tả NUPES, đứng đầu là đảng cựu tả Nước Pháp Bất Khuất. 

Le Figaro trong bài xã luận trên trang nhất châm biếm đổi tên đảng Nước Pháp Bất Khuất, La France Insoumise thành La France Indécente Nước Pháp Sỗ Sàng. Các dân biểu của đảng này và liên minh cách tả NUPES làm tê liệt các cuộc tranh luận ở Quốc hội, biến Hạ Viện thành một "cái chợ" để cãi nhau, để thóa mạ một số bộ trưởng. Hậu quả kèm theo là một ngày trước khi kết thúc các cuộc thảo luận ở Hạ Viện về dự luật cải tổ hưu bổng, các bên vẫn chưa tiến gần đến được điều khoản số 7, tâm điểm của chương trình cải tổ. Điều khoản này quy định kéo dài tuổi lao động đang từ 62 lên thành 64.

Les Echos trong bài xã luận quy tránh nhiệm nhiều hơn cho đảng Những Người Cộng Hòa LR làm khó dễ cho chính phủ để rồi "nối giáo cho giặc", tạo cơ hội tốt cho NUPES làm tê liệt mọi tranh cãi về nội dung cốt lõi của đạo luật. Xã luận báo Le Monde cũng đã hết kiên nhẫn với trò hề mà các dân biểu La France Insoumise diễn đi diễn lại từ nhiều ngày qua ở Hạ Viện. Chiến thuật "gây hỗn loạn trong cuộc tranh luận và càng lúc càng sử dụng những từ ngữ thô bạo" của đảng Nước Pháp Bất Khuất phản tác dụng. Đảng cực tả này đang tạo cái cớ để chính phủ danh chính ngôn thuận thông qua luật cải tổ chế độ hưu bổng mà không có thời gian để tranh luận, đàm phán với các tổ chức công đoàn.

Nguồn gốc các thành kiến

Trước khi đóng lại các tờ báo trong ngày, mục giới thiệu sách của Libération có bài viết ngắn về cuốn sách mới ra mắt độc giả nói đến những thành kiến. Do đâu người ta đã "in vào đầu" rằng người Hoa thì xảo quyệt, người Pháp thì kiêu ngạo và vô lễ, phụ nữ luôn trong trạng thái rối loạn thần kinh, còn những người không ăn thịt thì luôn buồn rầu, ủ rũ ?

Histoire des préjugés (Lịch sử những thành kiến) do khoảng 40 nhà sử học tập hợp lại qua nhiều thời đại khác nhau. Trong hơn 400 trang, các tác giả tìm cách trả lời các câu hỏi tại sao người ta thường có thành kiến rằng "người Ả Rập bạo tàn", "người Do Thái thì keo kiệt", "người đồng tính nam thì luôn ẻo lả như phụ nữ" ? Tại sao một phần lớn công luận tin rằng vào thời tiền sử, con người sống như súc vật, hay đàn ông không bao giờ được khóc ? Tìm hiểu về nguồn gốc những thành kiến đó, theo Libération, là "một thứ thuốc giải độc hóa giải những hiềm khích" nhất là vào lúc mà những thuyết âm mưu, fake news đang nở rộ và bất luận phải trái, đúng hay sai, chúng liên tục bị khai thác cho những ý đồ chính trị, và trở thành những công cụ thổi bùng lên ngọn lửa hận thù giữa các cộng đồng trong xã hội, giữa các dân tộc và màu da…

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 231 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)