Nga dùng đội quân "xác minh dữ kiện" để bóp méo sự thật về chiến tranh Ukraine
Thu Hằng, RFI, 16/02/2023
Sau gần một năm phát động chiến tranh tại Ukraine, tổng thống Vladimir Putin dường như vẫn được đông đảo người dân Nga ủng hộ. Chưa bao giờ chủ nhân điện Kremlin lại vận dụng triệt để tinh thần yêu nước và bôi nhọ phương Tây thành ác qủy đến như vậy để bảo vệ mục tiêu của "chiến địch đặc biệt" "giải trừ phát xít" nước láng giềng, đưa Ukraine "về với đất mẹ".
Hình ảnh Marianna Vishegirskaya, một Blogger Ukraine sinh con trong bom đạn ở Mariupol, ngày 09/03/2022, bị Nga tuyên truyền là hình ảnh dàn dựng. AP - Mstyslav Chernov
Trước tiên phải nói đến vai trò quan trọng của những chiến dịch tuyên truyền tại Nga. Ở đất nước mà "chỉ 1/3 người dân có hộ chiếu cho phép ra nước ngoài", thì "càng dễ tưởng tượng ra một phương Tây hiếu chiến vì họ chưa bao giờ nhìn thấy điều đó ngoài các phóng sự trên truyền hình", theo giải thích của giảng viên Anna Colin Lebedev, đại học Paris-Nanterre của Pháp, trong chương trình Tout un monde của đài truyền hình Thụy Sĩ RST ngày 08/02/2023. Ngoài ra, còn phải kể đến chế độ kiểm duyệt thông tin và kiểm soát truyền thông được Nga tăng cường kể từ khi phát động chiến tranh.
Yếu tố thứ hai là lực lượng tự nhận là "xác minh dữ kiện" (fact-checking) nhưng thực chất, theo AFP, là những nhà tuyên truyền thân Nga tìm mọi cách rũ bỏ trách nhiệm của Moskva. "Bộ máy tuyên truyền Nga đã có truyền thống lâu đời về fact-checking", theo ông Martin Innes, giám đốc Viện đổi mới an ninh, tội phạm và tình báo thuộc Đại học Cardiff (Anh), nhưng hiện giờ "fact-checking" trở thành công cụ bóp méo thông tin, trong chiến dịch truyền thông được Nga tiến hành song song với cuộc chiến từ một năm nay.
Rũ tội cho Nga, đổ lỗi cho phương Tây
Nhiệm vụ quan trọng nhất của lực lượng này là vu khống đối thủ, đánh lạc hướng công luận về các tội ác chiến tranh mà quân nhân Nga bị cáo buộc. Ví dụ gần đây nhất là hình ảnh một tòa chung cư tan hoang sau khi bị trúng tên lửa khiến 46 người chết vào tháng 01/2023 và trở thành biểu tượng của một trong những vụ tấn công tang tóc nhất trong cuộc chiến do Nga phát động. Giới chức Ukraine và chuyên gia phương Tây xác định là đó là do "tên lửa hành trình KH-22 của Nga". Tuy nhiên, trang web "War on Fakes" (Cuộc chiến chống tin giả) bị chuyên gia phương Tây coi là trang "tuyên truyền của Nga", khẳng định tòa nhà bị trúng tên lửa của lực lượng phòng không Ukraine.
Trang "War on Fakes" trở thành cỗ máy tuyên truyền, một công cụ bóp méo thông tin hiệu quả của Nhà nước Nga. Theo ông Roman Osadchuk, thuộc Atlantic Council, trang này vẫn thu hút công luận vì một mặt luôn tự nhận là "khách quan", "công minh" và có nhiệm vụ chống lại "cuộc chiến thông tin đánh phá Nga" và mặt khác, là do người sử dụng internet luôn dùng "fact-checking" làm nguồn tìm kiếm "thông tin khách quan". Chương trình "AntiFake" của truyền hình Nhà nước và tài khoản "Fake Cemetery" (Nghĩa địa tin thất thiệt) thân Nga cũng "kiểm chứng chéo thông tin", nhưng là để làm mất uy tín thông tin của truyền thông phương Tây về những thảm kịch chiến tranh, như ở Butcha hay Mariupol.
Tung hỏa mù thông tin cho độc giả
Song song với việc đổ lỗi cho kẻ thù là chiến lược tung hỏa mù, khiến người sử dụng internet ngập trong thông tin. Các nhà phân tích nhấn mạnh đến chiến lược của những thành phần ủng hộ Nga làm bão hòa không gian truyền thông. Cùng một câu chuyện, sự kiện, nhưng có nhiều cách diễn giải khác nhau để sự thật không bao giờ được tiết lộ. Trang "War on Fakes" có "nhiều tuyên bố sai lệch đến nỗi những thông tin kiểm chứng cuối cùng lại hoàn toàn trái ngược nhau", theo giải thích của chuyên gia Jakub Kalensky. Mục đích là "khiến công luận bối rối, ngập trong thông tin".
Bà Madeline Roache, thuộc tổ chức theo dõi thông tin NewsGuard, cho rằng cuộc chiến thông tin này "có nguy cơ làm mất niềm tin vào những cơ quan truyền thông và các đội kiểm chứng sự kiện chân chính". Nguy hiểm hơn, việc đó cũng "có thể làm sai lệch nhận thức về Ukraine và phương Tây và tạo cảm giác là không thể có được sự thật".
Sự thật có lẽ sẽ chỉ đến từ những người lính từ mặt trận trở về, kể với người thân về điều kiện sống trên chiến trường "không vũ khí, không trang bị, hy sinh trong giao tranh". Nhưng hiện giờ, họ "bị cấm nói". Tuy nhiên, bà Anna Colin Lebedev cho rằng những thông tin đó khi đến được tai người dân có thể sẽ làm thay đổi thái độ của công luận, như từng xảy ra với cuộc chiến ở Afghanistan và chiến tranh Chechnya lần thứ nhất.
Thu Hằng
************************
Nga lại oanh kích nhiều địa phương ở Ukraine
Thu Hằng, RFI, 16/02/2023
Trong đêm 16/02/2023, quân Nga đã ồ ạt oanh kích trong suốt hai tiếng vào nhiều địa phương trên khắp Ukraine. Chính quyền Kiev thông báo bắn hạ 16 trên tổng số "32 tên lửa hành trình" Nga phóng từ chiến đấu cơ và một chiến hạm ở Biển Đen. Loạt oanh kích đã khiến một thường dân thiệt mạng, nhiều khu dân cư bị phá hủy.
Một khu dân cư tại Pokrovsk, Ukraine, bị trúng tên lửa của Nga ngày 15/02/2023. AP - Evgeniy Maloletka
Chánh văn phòng tổng thống, ông Andriy Yermak, thông báo trên mạng Telegram : "Có nhiều thiệt hại ở phía bắc và đông bắc, cũng như trong các vùng Dnipropetrovsk và Kirovograd (miền trung)". Còn tại vùng Lviv (phía tây), "một cơ sở hạ tầng thiết yếu" bị trúng tên lửa, nhưng không gây thiệt hại nhân mạng.
Trên mạng Facebook, không quân Ukraine "lấy làm tiếc là nhiều tên lửa hành trình đã trúng mục tiêu, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng trọng yếu. Hiện giờ, (Ukraine) không có vũ khí nào có khả năng phá hủy loại tên lửa này". Chánh văn phòng tổng thống Andriy Yermak cho rằng quân Nga "đã thay đổi chiến lược" tấn công, triển khai "trinh sát" và "mục tiêu giả", nhưng không nêu chi tiết. Theo AFP, quân Nga có thể đang tìm cách vượt qua hệ thống phòng không Ukraine, được tăng cường bằng những vũ khí do phương Tây cung cấp.
Trước đó, báo Financial Times, trích thông tin tình báo được các nước thành viên NATO chia sẻ, cho biết Nga đang tập trung nhiều chiến đấu cơ gần biên giới Ukraine để sẵn sàng hỗ trợ các chiến dịch trên bộ hiện đang bị trì trệ.
Trước vụ bắn tên lửa trong đêm, Nga cũng thả khinh khí cầu để thử phản ứng của hệ thống phòng không ở Kiev ngày 15/02 và qua đó xác định vị trí của chúng. Cơ quan quân sự vùng Kiev cho biết "khoảng 6 vật thể bay đã bị phát hiện trong không phận Kiev" và "phần lớn" đã bị bắn hạ. Đó là những "khinh khí cầu được gắn gương phản chiếu và radar, di chuyển nhờ sức gió".
Mặt trận miền đông Ukraine vẫn rất gay go. Hôm 16/02, chủ nhân công ty lính đánh thuê Wagner nhìn nhận sẽ không thể chiếm được Bakhmut trước "tháng Ba hoặc tháng Tư", với điều kiện phải cắt được mọi ngả đường tiếp viện của Ukraine. Ông Yevgeny Prigozhin chỉ trích tiến độ chậm chạp của Nga là do "tình trạng quan liêu quân sự trầm trọng".
Thu Hằng
*************************
Chiến tranh Ukraine : Nga vẫn không từ bỏ Kherson
Chi Phương, RFI, 16/02/2023
Khoảng một tuần nữa là tròn một năm Nga xâm lược Ukraine, 24/02/2022, các cuộc oanh kích vẫn không ngừng ở Kherson, miền nam Ukraine. Kể từ khi bị lực lượng Ukraine đẩy lùi cách nay 3 tháng, quân Nga tiếp tục gây áp lực ở phía bên kia sông Dniepr, phân cách lực lượng hai bên.
Nhà cửa bị phá hủy sau nhiều tháng bị quân Nga chiếm đóng. Làng Posad-Pokrovske, phía tây bắc thành phố Kherson, Ukraine, ngày 27/01/2023. Reuters – Nacho Doce
Đặc phái viên RFI Anastasia Becchio et Boris Vichith gửi về bài phóng sự :
"Tiếng pháo nổ vang vọng tại quảng trường trung tâm ở Kherson. Đường phố gần như không có ai. Ở bên kia sông Dniepr, Oleksandr Fedunin, phát ngôn viên của lữ đoàn 124 thuộc Lực lượng phòng vệ lãnh thổ Ukraine, cho biết lực lượng Nga tiếp tục pháo kích. Ông Okeksandr nhấn mạnh : "Mỗi ngày, Kherson bị pháo kích ít nhất 20 lần. Họ thường dùng loại súng cối 80 và 120 ly và cả tên lửa nữa. Họ nhắm vào vị trí của chúng tôi, nhưng cũng bắn vào cả các tòa nhà dân sự, cửa hàng, trường học và bệnh viện".
Ở tả ngạn sông Dniepr, các nhóm nhỏ lính Nga thường tìm cách băng qua con sông, nay giống như là tiền tuyến, phân cách lực lượng hai bên. Ông Roman Tchoukhailov, thuộc đơn vị trinh sát bằng drone, được giao trách nhiệm giám sát khu vực nhạy cảm này : "Tại khu vực mà sông đổ ra biển này, vùng Châu thổ giống như là một mạng nhện. Sông bị phân thành nhiều nhánh nên rất dễ bị lạc. Đối với các đơn vị trinh sát, đây là một khu vực rất quan trọng. Chúng tôi hoạt động không ngừng nghỉ, giống như phía Nga, nhưng chúng tôi có một lợi thế lớn, đó là nắm rành địa thế, bởi vì chúng tôi sống ở đây. Tôi lớn lên ở đây, vì thế mọi chuyện dễ dàng hơn nhiều đối với tôi".
Roman phải quay trở lại giám sát dòng sông. Ông chờ đợi là càng gần đến ngày đánh dấu một năm Nga xâm lược Ukraine, quân Nga sẽ gia tăng các hoạt động xâm nhập".
Chi Phương
**********************
Đức và Bồ Đào Nha sẽ giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraine vào cuối tháng 3
Thùy Dương, RFI, 16/02/2023
Chính phủ Đức ngày 15/02/2023 thông báo 17 xe tăng chiến đấu Leopard 2 do Đức chế tạo sẽ được giao cho Ukraine vào cuối tháng 03/2023. Thông báo của bộ trưởng quốc phòng Đức, Boris Pistorius, được đưa ra sau cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng khối NATO tại Bruxelles.
Bộ trưởng quốc phòng Đức Boris Pistorius phát biểu khi đến thăm đơn vị xe tăng Leopard dự kiến sẽ giao cho Ukraine, tại Augustdorf, Đức, ngày 01/02/2023. Reuters – Benjamin Westhoff
Hồi cuối tháng 01/2023, Berlin đã cam kết cùng với các nước đồng minh trong khối NATO viện trợ cho Kiev khoảng 30 xe tăng chiến đấu Leopard 2, nhưng theo AFP, các nước này hiện giờ chưa thể huy động đủ số xe tăng như đã hứa. Trong số 17 xe tăng chiến đấu Leopard 2 dự kiến được giao cho Kiev vào cuối tháng 3, có 14 chiếc Leopard 2 A6 của Đức và 3 chiếc của Bồ Đào Nha.
Cũng trong ngày hôm qua, phó thủ tướng Đức Robert Habeck chỉ trích việc Thụy Sĩ từ chối cung cấp đạn dược cho Kiev. Đây là những loại đạn trang bị cho xe tăng phòng không Guepard mà Đức đã viện trợ cho quân đội Ukraine. Berlin từng giao cho Kiev 30 xe tăng Guepard nhưng không thể cung cấp đủ đạn dược cho loại xe tăng này hoạt động tại Ukraine. Hồi năm 2022, Thụy Sĩ đã 2 lần cấm Đức giao cho Ukraine đạn do Thụy Sĩ sản xuất. Phó thủ tướng Đức hôm qua cho biết đang tiếp tục thảo luận với Genève về chủ đề này.
Về phía Ukraine, theo Reuters, công ty sản xuất vũ khí Ukroboronprom hôm qua thông báo đã bắt đầu phối hợp sản xuất đạn pháo với một nước Trung Âu là thành viên của NATO, nhưng không nói cụ thể đó là nước nào. Công ty của Ukraine cũng dự kiến phát triển và chế tạo nhiều loại vũ khí và thiết bị quân sự khác với các nước đồng minh.
Trong khi đó, theo Le Monde, ngành công nghiệp vũ khí của Cộng hòa Czech đang hoạt động hết công suất để cung cấp vũ khí cho Ukraine. Cộng hòa Czech, một trong những nước đầu tiên giao cho Kiev xe tăng, dàn phóng roc-ket và nhiều tên lửa, đã ghi nhận mức bán vũ khí cao kỷ lục trong năm 2022.
Về phần Israel, dù tổng thống Ukraine Zelensky đã nhiều lần đề nghị, nước này vẫn không cung cấp vũ khí cho Kiev. Hôm nay, ngoại trưởng Israel Eli Cohen đến Kiev gặp đồng nhiệm Ukraine Dmytro Kuleba và tổng thống Zelensky.
Thùy Dương