Chuỗi cung ứng : Việt Nam có hưởng lợi ?
VOA, 17/02/2023
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về cáo buộc khinh khí cầu gián điệp bị bắn hạ ở Bắc Mỹ đã khiến một số hiệp hội thương mại hàng đầu đại diện cho các công ty phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc thúc giục các thành viên của họ đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước khác như Việt Nam.
Căng thẳng tăng cao trong quan hệ Mỹ-Trung đang dẫn đến những lo ngại mới cho các công ty phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc, tăng tốc thêm việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các nước khác như Việt Nam.
Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, Hiệp hội Giày dép và May mặc Hoa Kỳ, và Hội đồng Chuyên gia Quản lý Chuỗi cung ứng nói với CNBC rằng căng thẳng gia tăng với Trung Quốc do khinh khí cầu gián điệp đã dẫn đến những lo ngại mới từ các công ty thành viên của họ, vốn đã phải đối phó với thuế quan trong những năm gần đây do Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Joe Biden áp đặt, cũng như việc ngừng hoạt động theo chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc.
Căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc càng tăng cao khi một khinh khí cầu khổng lồ của Trung Quốc bị máy bay chiến đấu F-22 của Hoa Kỳ bắn rơi trên Đại Tây Dương gần bờ biển của bang South Carolina hôm 4/2. Washington khẳng định đó là một khí cầu gián điệp phi pháp, một phần của đội khí cầu tiến hành các hoạt động giám sát bí mật trên 5 lục địa trong vài năm qua. Trong khi đó, Bắc Kinh cho rằng đó là một thiết bị khí tượng "vô tình lạc lối". Washington gọi đây là "sự vi phạm rõ ràng" chủ quyền của Mỹ. Trong những ngày gần đây, thêm ba vật thể bay không xác định đã bị bắn hạ ở Bắc Mỹ.
Tổng thống Joe Biden tuyên bố trong bài phát biểu về Thông điệp Liên bang vào tuần trước rằng "nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền của chúng tôi, chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ đất nước mình". Còn Bắc Kinh đã chuyển từ biện minh là khí cầu bị bay lạc sang phẫn nộ dữ dội khi cáo buộc Mỹ tìm cách "bôi nhọ và kích động đối đầu" đồng thời cũng nói rằng đã phát hiện các khinh khí cầu của Mỹ trong không phận Trung Quốc hơn 10 lần trong năm ngoái dù không đưa ra bằng chứng nào.
Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã trở nên căng thẳng kể từ khi Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc khi áp thuế trị giá hàng trăm tỷ đô la lên nhiều mặt hàng của nước này nhập vào Mỹ. Cuộc thương chiến, bắt đầu từ năm 2018, đã thúc đẩy các công ty xuất khẩu ở Trung Quốc tìm cách đưa dây chuyền sản xuất ra khỏi nước này, sang các nước láng giềng trong khu vực như Việt Nam, để tránh các mức thuế của Mỹ áp lên hàng hóa từ Trung Quốc. Việc dịch chuyển này càng được tăng tốc khi chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào việc sản xuất từ Trung Quốc bị đứt gãy do những hạn chế nghiêm ngặt từ chính sách "Zero Covid" trong thời gian đại dịch virus corona.
Sự xuống cấp thêm một mức mới trong quan hệ Mỹ-Trung vì vụ khinh khí cầu càng làm cho việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc thêm gấp rút.
"Những căng thẳng đang diễn ra với mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung tiếp tục làm nổi bật nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng", Jon Gold, phó chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng và chính sách hải quan của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ nói với CNBC. "Từ thuế quan đến Covid-19 cho đến những thách thức khác, các nhà bán lẻ đang tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa nguồn cung ứng để đảm bảo họ có chuỗi cung ứng linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng".
Dữ liệu mới nhất cho thấy một sự dịch chuyển đáng kể của ngành sản xuất, kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu, sang các quốc gia như Việt Nam và Philippines. Nhiều công ty cũng đang dựa vào thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sửa đổi như một cách để đưa nhiều hoạt động sản xuất trở lại Bắc Mỹ, theo CNBC.
"Các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng đang tìm kiếm rủi ro thấp hơn và phương tiện tốt hơn để phục vụ Hoa Kỳ bằng cách tìm kiếm và chuyển đến Canada và Mexico", Mark Baxa, chủ tịch và giám đốc điều hành của Hội đồng Chuyên gia Quản lý Chuỗi cung ứng nói với CNBC. "Các hoạt động chuyển dịch sang các nước khác mà chúng tôi thấy những công ty khác đang thực hiện là tới các nước thay thế như EU (liên minh Châu Âu), Việt Nam, Hàn Quốc và Ấn Độ".
Việt Nam được xem là nước hưởng lợi nhiều nhất trong việc dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Nhiều công ty, trong đó có Apple, tập đoàn công nghệ lớn nhất của Mỹ, đã chuyển các hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang quốc gia Đông Nam Á, nơi được xem là có lực lượng lao động với tay nghề cao giá rẻ và ở ngay sát Trung Quốc. Từ năm 2020, Apple đã chuyển dây chuyền sản xuất tai nghe không dây Airpod từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Samsung, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc trong những năm qua cũng đã di dời phần lớn dây chuyền sản xuất màn hình máy tính của mình từ Trung Quốc sang nhà máy của họ ở Khu Công nghệ cao Quận 9 ở Thành phố Hồ Chí Minh.
"Chúng tôi thấy sự dịch chuyển của một số chuỗi cung ứng đến các thị trường mới nổi. Việt Nam rõ ràng là nước hưởng lợi nhiều nhất", John Pearson, giám đốc điều hành của DHL Express nói với CNBC.
Việt Nam được cho là đã củng cố vị thế của mình trong thương mại toàn cầu nhờ tốc độ và quy mô tăng trưởng.
"Sự kết hợp này rất hấp dẫn đối với các đối tác thương mại", Steve Altman, nhà nghiên cứu cấp cao và giám đốc Sáng kiến của DHL về Toàn cầu hóa tại NYU Stem nói với CNBC. "Điều đó có nghĩa rằng (Việt Nam) có quy mô để theo kịp tốc độ tăng trưởng của họ".
Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế hơn 8% trong năm qua, cao nhất ở Châu Á, và đang tiếp tục là nơi thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất trong khu vực.
Nguồn : VOA, 17/02/2023
***************************
Mỹ tập trận ở Biển Đông giữa căng thẳng với Trung Quốc
AP, VOA, 14/02/2023
Hải quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đang tổ chức các cuộc tập trận chung ở Biển Đông vào thời điểm căng thẳng gia tăng với Bắc Kinh về vụ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.
Hoạt động trên tàu sân bay USS Nimitz ở Biển Đông hôm 11/2. Ảnh: US Navy
Hạm đội 7 có trụ sở tại Nhật Bản cho biết hôm Chủ nhật rằng nhóm hàng không mẫu hạm tấn công USS Nimitz và Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 13 đã tiến hành "các hoạt động của lực lượng tấn công viễn chinh tổng hợp" ở Biển Đông.
Thông báo cho biết các cuộc tập trận liên quan đến tàu, lực lượng mặt đất và máy bay đã diễn ra vào thứ Bảy nhưng không đưa ra thông tin chi tiết về thời điểm bắt đầu hoặc liệu chúng đã kết thúc hay chưa.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông và phản đối mạnh mẽ hoạt động quân sự của các quốc gia khác trên tuyến đường thủy đang tranh chấp, nơi vận chuyển hàng hóa có trị giá 5 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Hoa Kỳ không có lập trường chính thức nào về chủ quyền ở Biển Đông nhưng cho rằng quyền tự do hàng hải và hàng không phải được bảo vệ. Vài lần trong năm, Mỹ cho tàu đi qua các tiền đồn kiên cố của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, khiến Bắc Kinh phản đối dữ dội.
Hoa Kỳ cũng đang tăng cường liên minh quốc phòng với Philippines, quốc gia đối mặt với tình trạng xâm phạm các đảo và nghề cá của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc và các hạm đội trên danh nghĩa dân sự nhưng do chính phủ hậu thuẫn.
Các cuộc tập trận của quân đội Hoa Kỳ đã được lên kế hoạch trước. Chúng diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh càng trở nên trầm trọng hơn do tranh chấp ngoại giao gây ra bởi quả khinh khí cầu bị bắn rơi vào cuối tuần trước trên không phận Hoa Kỳ, ở ngoài khơi bờ biển South Carolina.
Mỹ nói khinh khí cầu không người lái được trang bị để phát hiện và thu thập tín hiệu tình báo, nhưng Bắc Kinh khẳng định đó chỉ là khí cầu nghiên cứu thời tiết đã vô tình bị thổi bay.
Vụ việc đã khiến Ngoại trưởng Antony Blinken đột ngột hủy chuyến công du tới Bắc Kinh nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai bên vào cuối tuần trước.
Sau lần đầu hiếm hoi bày tỏ hối tiếc về vụ việc, Trung Quốc đã có những lời lẽ cứng rắn hơn, gọi động thái của Hoa Kỳ là phản ứng thái quá và vi phạm các quy tắc quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã từ chối nhận cuộc điện thoại từ Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin để thảo luận về vấn đề này.
Kể từ đó, Hoa Kỳ đã đưa vào danh sách đen sáu thực thể của Trung Quốc mà họ cho là có liên quan đến các chương trình hàng không vũ trụ của Bắc Kinh như một phần trong phản ứng của họ đối với vụ việc.
Hạ viện Mỹ cũng nhất trí bỏ phiếu lên án Trung Quốc vì "sự vi phạm trắng trợn" chủ quyền của Hoa Kỳ và nỗ lực "lừa dối cộng đồng quốc tế thông qua những tuyên bố sai sự thật về các chiến dịch thu thập thông tin tình báo của họ".
Lầu Năm Góc cho biết khinh khí cầu là một phần của chương trình do thám lớn mà Trung Quốc đã tiến hành trong nhiều năm. Hoa Kỳ cho biết những khinh khí cầu của Trung Quốc đã bay qua hàng chục quốc gia trên khắp năm Châu lục trong những năm gần đây, và họ đã biết thêm về chương trình khinh khí cầu sau khi theo dõi chặt chẽ một quả bị bắn rơi gần South Carolina.
Trong thông cáo báo chí, Hạm đội 7 cho biết hoạt động chung đã "thiết lập một sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực, hỗ trợ hòa bình và ổn định".
"Là một lực lượng phản ứng sẵn sàng, chúng tôi củng cố một loạt các nhiệm vụ bao gồm đổ bộ Thủy quân lục chiến lên bờ, cứu trợ thảm họa nhân đạo và ngăn chặn những kẻ thù tiềm tàng thông qua sức mạnh chiến đấu hiện tại và hữu hình", thông cáo cho biết.
AP
Nguồn : VOA, 14/02/2023
*************************
Quan hệ Mỹ - Trung khiến ‘nhiệt độ’ Biển Đông càng lúc càng cao
Trân Văn, VOA, 14/02/2023
Tin mới nhất liên quan đến "nhiệt độ" càng lúc càng cao ở khu vực Đông Á nói chung và Biển Đông nói riêng là hôm chủ nhật, một tàu khảo sát của hải quân Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển thuộc tỉnh Kagoshima của Nhật trong khoảng thời gian từ...
Trong vòng tám ngày vừa qua, Mỹ đã bắn hạ bốn vật thể bay – ba trên lãnh thổ Mỹ (North Carolina, Alaska, Minnesota) và một trên lãnh thổ Canada, đồng thời xác định một trong bốn là phương tiện dọ thám của Trung Quốc (1).
Cuối tuần vừa qua, chính phủ Mỹ loan báo sẽ trừng phạt năm doanh nghiệp và một cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc vì đã "hỗ trợ nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là hỗtrợ các chương trình kiểmsoát khônggian của quân đội TrungQuốc, trong đó có việc phát triển các phương tiện thám không, trong đó có phương tiện xâm nhập lãnh thổ Mỹ" (2).
Cũng vào cuối tuần qua, sau khi có những phỏng đoán rằng Trung Quốc cho khinh khí cầu xâm nhâp lãnh thổ Mỹ nhằm thu thập các thông tin trong liên lạc viễn thông tại Mỹ, hai dân biểu của Hạ viện tiểu bang California đã đệ trình dự luật cấm chính phủ ngoại quốc sở hữu, thuê mướn hoặc tham gia các dự án đầu tư nhằm thu lợi trên bất kỳ tài sản nào nằm trong phạm vi 50 dặm tính từ các căn cứ quân sự của Mỹ trên địa phận California (3).
Lúc đầu, sau khi Mỹ công bố đã phát giác khinh khí cầu của Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Mỹ, Trung Quốc tuyên bố đó là trục trặc ngoài ý muốn và cảm thấy rất tiếc nhưng khi Mỹ bắn hạ khinh khí cầu này ở khu vực duyên hải North Carolina, Trung Quốc đổi giọng, lên án Mỹ "hành xử thái quá, vi phạm chuẩn mực quốc tế". Các dân biểu của Hạ viện Liên bang tại Mỹ đã đáp trả bằng một nghị quyết lên án Trung Quốc "trắng trợn vi phạm chủ quyền của Mỹ và đanglừa dối cộng đồng quốc tế bằng những tuyên bố sai sự thật về các chiến dịch thu thập thông tin tình báo của TrungQuốc".
***
Sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung không chỉ có thế. Ở Biển Đông, hàng không mẫu hạm (HKMH) Nimitz và các chiến hạm trong hải đội hộ tống tiếp tục thực hiện cuộc tập trận theo kế hoạch dự trù từ trước. Sau cuộc tập trận trong phạm vi hải quân, giờ - lực lượng hải quân thuộc Hạm đội 7 đang phối hợp với Trung đoàn Viễn chinh 13 của Thủy quân lục chiến Mỹ thực hiện cuộc tập trận hỗn hợp để gia tăng khả năng phối hợp tấn công cả trên biển, trên không lẫn trên bộ (4).
HKMH Nimitz và hải đội hộ tống vào khu vực Biển Đông từ trung tuần tháng trước để tập trận và không cho biết bao giờ thì hoạt động tập trận kết thúc và Nimitz cũng như hải đội hộ tống sẽ rời khỏi đó. Trong thông cáo báo chí mới nhất, Hạm đội 7 của hải quân Mỹ cho biết, tập trận ở Biển Đông nhằm :Thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ đểhỗ trợ hòa bình và ổn địnhtrong khu vực. Các lực lượng của quân đội Mỹ chuẩn bị để sẵn sàngphản ứng khi cần. Thủy quân lục chiến thựctập đổ bộ, thamgia tiếp cứu nhân đạo khi xảy ra thảm họa và ngăn chặn những đối thù tiềm ẩn thông qua thểhiện sức mạnh mộtcách rõ ràng.
Có một điểm đáng chú ý là để tránh ngộ nhận dẫn tới phản ứng sai khiến xung đột bùng phát, đặc biệt là tại khu vực Biển Đông – nơi Trung Quốc thường xuyên thực hiện các hành vi khiêu khích đối với những chiến hạm và chiến đấu cơ Mỹ băng qua khu vực này nhằm minh định nỗ lực bảo vệ quyền tự do lưu thông - Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý thiết lập một đường dây nóng để giới lãnh đạo quốc phòng có thể đối thoại ngay lập tức khi cần. Tuy nhiên mới đây, khi ông Lloyd Austin (Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ) sử dụng đường dây nóng này để thảo luận với ông Ngụy Phương Hòa (Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc) về việc bắn hạ khinh khí cầu dọ thám của Trung Quốc, phía Trung Quốc đã từ chối tiếp nhận cuộc gọi. Một số viên chức cao cấp trong lĩnh vực quốc phòng của Mỹ đã xem điều này là "dấu hiệu thật sự nguy hiểm" (5).
Tin mới nhất liên quan đến "nhiệt độ" càng lúc càng cao ở khu vực Đông Á nói chung và Biển Đông nói riêng là hôm chủ nhật, một tàu khảo sát của hải quân Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển thuộc tỉnh Kagoshima của Nhật trong khoảng thời gian từ giữa đêm 12/2/2023 đến rạng sáng 13/2/2023. Tính từ tháng 11/2021 đến nay thì đây là lần thứ bảy tàu khảo sát của hải quân Trung Quốc xâm nhập khu vực này và là lần đầu tiên trong năm nay. Tàu khảo sát thường được sử dụng để tiến hành nghiên cứu địa hình bên dưới mặt nước biển để hỗ trợ hoạt động của tàu ngầm (6).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 14/02/2023
Chú thích
(1) https://www.ctvnews.ca/world/u-s-jets-down-4-objects-in-8-days-unprecedented-in-peacetime-1.6271134
(3) https://www.sacbee.com/news/politics-government/capitol-alert/article272347688.html
(4) https://www.stripes.com/branches/navy/2023-02-12/navy-marines-south-china-sea-drills-9117810.html
(5) https://abcnews.go.com/Politics/wireStory/rang-crises-us-china-hotline-unanswered-97025524
(6) https://www.japantimes.co.jp/news/2023/02/12/national/china-ship-japan-waters/
*****************************
Biển Đông, chính trị và thứ gì trên hết ?
Trân Văn, VOA, 14/02/2023
Tuy cùng phải đối phó với yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông và sự hung hăng nhằm hiện thực hóa yêu sách này nhưng cách hành xử của Philippines rất khác với Việt Nam.
Tuần trước, ông Ferdinand Marcos Jr. (Tổng thống Philippines) đến thăm Tokyo và tại đó ông Marcos đã ký thỏa thuận mở rộng hợp tác quân sự với Nhật.
Tuần trước, ông Ferdinand Marcos Jr. (Tổng thống Philippines) đến thăm Tokyo và tại đó ông Marcos đã ký thỏa thuận mở rộng hợp tác quân sự với Nhật. Theo thỏa thuận vừa kể thì quân đội Nhật có thể đến Philipines để tham dự các cuộc tập trận nhằm ứng phó với thiên tai và triển khai những hoạt động cứu trợ nhân đạo trên lãnh thổ Philippines (1).
Tuần này, ông Marcos chính thức loan báo ông đang suy tính về một thỏa thuận khác nhằm cùng Nhật thực hiện kế hoạch "phòng thủ chung", nhờ vậy, Philippines có thể tiếp nhận thiết bị và công nghệ quốc phòng của Nhật và cùng với Nhật, phát triển hợp tác ba bên giữa Philippines với Nhật, Mỹ...
***
Marcos trở thành Tổng thống thứ 17 của Philippines hồi tháng sáu năm ngoái và từ đó đến giờ, Marcos đang lộn ngược chính sách đối ngoại củaTổng thống tiền nhiệm – ông Rodigro Duterte. Ông Duterte cố tình tạo ra khoảng cách trong quan hệ với Mỹ nhằm nhận thêm vốn đầu tư và sự hỗ trợ từ Trung Quốc để phát triển kinh tế Philippines.
Ngoài việc hâm nóng quan hệ với Mỹ, đồng ý để Mỹ sử dụng chín căn cứ quân sự tại Philippines, bố trí vũ khí, quân cụ, phương tiện quân sự trên lãnh thổ Philippines giúp Philippines gia tăng khả năng phòng vệ, ông Marcos còn hướng tới Nhật với cùng mục đích. Lựa chọn ấy rất đáng chú ý và ngẫm nghĩ.
Hồi Thế chiến thứ hai, giống như nhiều quốc gia khác ở khu vực Đông Á, Philippines cũng bị Nhật chiếm đóng và đó là nguyên nhân khiến hơn một triệu người Philippines bị giết, chưa kể gần như toàn bộ các thành phố, thị trấn gắn với lịch sử, văn hóa của Philippines trở thành bình địa. Do hạ tầng bị tàn phá, năm năm liền sau Thế chiến thứ hai, dân số Philippines tiếp tục sụt giảm cả vì thiếu thốn thực phẩm, thuốc men lẫn dịch vụ y tế. Giai đoạn chiếm đóng của Nhật đã biến Philippines – quốc gia trước Thế chiến thứ hai đứng hàng thứ hai về sự giàu mạnh ở Châu Á (chỉ chịu thua Nhật), trở thành một trong những quốc gia nghèo nhất ở Châu Á vì kiệt quệ về mọi mặt (2).
Thế thì tại sao Marcos lại quyết định mở cửa cho quân đội Nhật trở lại Philippines ? Tổng thống thứ 17 của Philippines giải thích :Nếu điều đó giúp Philipines bảo vệ chủ quyền của chúng tôi, bảo vệ lãnh hải của chúng tôi, bảo vệ ngư dân của chúng tôi thì tại sao chúng tôi lại không làm(3) ?
Philipines là quốc gia tứ bề giáp biển nhưng không đủ nội lực tự bảo vệ cả chủ quyền của mình lẫn công dân của mình trên biển. Trước giờ, Trung Quốc vừa hứa giúp Philippines phát triển kinh tế, mời gọi Philippines hợp tác khai thác Biển Đông, vừa săn đuổi ngư dân Philippines ngoài Biển Đông, thậm chí không ngừng quấy nhiễu, khiêu khích cả lực lượng tuần duyên lẫn hải quân của Philippines để minh định "chủ quyền" của Trung Quốc trong vùng biển thuộc Philippines. Cách nay khoảng mươi ngày, chiến hạm Trung Quốc đã chặn đầu Malapascua – một tuần duyên hạm của Philippines ở Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa và chiếu laser vào mặt thủy thủ đoàn của Malapascua (4).
***
Năm 2016, dân chúng Philippines bỏ phiếu chọn Duterte làm Tổng thống thứ 16 của Philippines nhưng cách Duterte điều hành quốc gia cả trong đối nội lẫn đối ngoại khiến họ không hài lòng nên đến năm 2022, họ quyết định chọn Marcos thay Duterte. Trong bối cảnh như đã biết và đang thấy, Tổng thống Philippines là một công việc không dễ dàng.
Xiết tay chặt hơn với Mỹ, Nhật... tham gia tích cực hơn vào các liên minh nhằm nâng cao tính răn đe để kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ đồng bào hữu hiệu hơn chưa đủ. Marcos còn phải cân nhắc đến nhiều yếu tố khác. Theo một số chuyên gia về quan hệ quốc tế, Marcos vẫn phải thận trọng, không thể sổ toẹt quan hệ với Trung Quốc. Philippines cần vốn đầu tư ngoại quốc để phát triển kinh tế, ổn định dân sinh. Trung Quốc vừa cam kết đầu tư 24 tỉ Mỹ kimvào Philippines, trong khi con số này từ Nhật chỉ khoảng 5 tỉ Mỹ kim. Đó có thể là lý do Marcos vẫn phải lưu ý :Philippines không muốn khiêu khích, không muốn căng thẳng.
Song bất kể thế nào thì nền dân chủ ở Philippines cho phép dân chúng Philippines lựa chọn. Muốn sự nghiệp chính trị thăng hoa, Marcos phải đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết. Không bảo vệ được chủ quyền quốc gia, bảo vệ được ngư dân, Marcos phải nhường chỗ cho người khác giống như Duterte nhường chỗ cho ông.
Tuy cùng phải đối phó với yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông và sự hung hăng nhằm hiện thực hóa yêu sách này nhưng cách hành xử của Philippines rất khác với Việt Nam. Ở Philippines không có chính khách nào dám xấc xược vặn lại cử tri khi họ thắc mắc về đối sách với Trung Quốc như ông Nguyễn Phú Trọng :Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không(5) ? Cũng không có viên chức và viên tướng nào dám nhân danh dân chúng để bày tỏ sự biết ơn Trung Quốc và khẳng định không bao giờ quên chuyện Trung Quốc đã"thi ân" (6).
Khi các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam tiếp tục đồng tâm, nhất trí và khăng khăng buộc đồng chí, đồng bào phải chấp nhận những lập luận kiểu như :Việt Nam và Trung Quốc có di sản quý báu là sự tương đồng ý thức hệ, với đặc trưng cùng do đảng Cộng sản lãnh đạo nên tạo ra mối quan hệ đặc biệt, "chi phối cách ứng xử của cả hai, thành ra nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam(7) là định hướng, tiếp tục xiển dương "16 chữ vàng" và "tinh thần bốn tốt" (8) thì làm gì còn chỗ cho chủ quyền, cho ngư dân ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 14/02/2023
Chú thích
(2) https://en.wikipedia.org/wiki/Japan-Philippines_relations
(4) https://edition.cnn.com/2023/02/13/asia/philippines-china-coast-guard-laser-intl-hnk-ml/index.html
(7) http://tuoitre.vn/khong-ai-quen-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-527794.htm