Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/02/2023

Mỹ nói khinh khí cầu Trung Quốc bay trên bầu trời Việt Nam

Thu Phương - Ngọc Linh Lan

Việt Nam bị khinh khí cầu Trung Quốc do thám nhưng "chưa phát hiện khinh khí cầu lạ"

Thu Phương, Thoibao.de, 13/02/2023

Ngày 10/2, BBC tiếng Việt loan tin, một tờ báo Mỹ nêu tên các nước bị Trung Quốc do thám bằng khinh khí cầu, gồm Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines và đảo Đài Loan. Đó là mới tính riêng ở châu Á.

dotham1

Một báo cáo năm 2019 được kênh quân sự của đài truyền hình nhà nước CCTV cho thấy cảnh quay một quả bóng bay cất cánh nhằm thử nghiệm mô hình "máy bay tầm rộng".

Theo bài báo, trong cuộc họp báo hôm 08/02, quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói, họ tin rằng, các khinh khí cầu do thám của Trung Quốc thả từ đảo Hải Nam đã hoạt động ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Đông Nam Á, Đông Á và châu Âu.

Chuẩn tướng General Pat Ryder, người phát ngôn của Ngũ Giác Đài cho biết, Hoa Kỳ đã "học được rất nhiều về các khinh khí cầu này, cùng cách truy tìm chúng".

Hải quân Mỹ đã tháo gỡ các bộ phận điện tử ở chiếc khinh khí cầu bị bắn hạ ngoài khơi Nam Carolina hôm 04/02. BBC cho hay.

Trước đó, tờ Washington Post được các quan chức ẩn danh của Hoa Kỳ chia sẻ tin tức mà họ cho là về hoạt động của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA), dùng khinh khí cầu để thu thập thông tin tình báo từ trên không cho mục tiêu quân sự.

Theo BBC, kết quả sơ bộ của việc điều tra những mảnh vỡ tại một phòng thí nghiệm ở Virginia cho thấy "khinh khí cầu có thể chụp hình với độ phân giải cao" cho mục tiêu do thám.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken nói "nước Mỹ không phải là mục tiêu duy nhất của các khinh khí cầu Trung Quốc".

Tuy Việt Nam nằm trong số những nước bị do thám, nhưng Việt Nam lại tuyên bố "chưa phát hiện khinh khí cầu lạ trên không phận".

Ngày 9/2, báo Lao Động cho biết, Việt Nam chưa phát hiện khinh khí cầu lạ trên không phận. Các lực lượng chức năng của Việt Nam có đầy đủ khả năng để đảm bảo an toàn cho vùng trời, vùng biển cũng như lãnh thổ của Việt Nam.

Theo đó, tờ báo này dẫn lời ông Đoàn Khắc Việt, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, cho biết, cho đến nay, ông "chưa nhận được bất cứ thông tin nào của các cơ quan liên quan cũng như của báo chí và người dân phản ánh về việc có khinh khí cầu lạ trên không phận của Việt Nam".

"Tôi tin chắc rằng các lực lượng chức năng của Việt Nam có đầy đủ khả năng để đảm bảo an toàn cho vùng trời, vùng biển cũng như lãnh thổ của Việt Nam", ông Đoàn Khắc Việt khẳng định.

Ngày 6/2, báo Lao Động đặt câu hỏi "Vì sao phải do thám bằng khinh khí cầu trong khi có vệ tinh và UAV ?".

Tờ báo này dẫn lời ông Michael Clarke, giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King’s College London, cho hay, chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, quân đội mới chú ý trở lại với khinh khí cầu, bởi vì, khinh khí cầu có thể bay cao hơn tầm hoạt động của hầu hết các máy bay và tốc độ chậm của khinh khí cầu, đồng nghĩa với việc không phải lúc nào radar cũng phát hiện ra khinh khí cầu.

Tờ Lao Động cũng dẫn lời ông James Rogers, học giả tại Đại học Nam Đan Mạch và Đại học Cornell, người hiện tư vấn cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về mối đe dọa xuyên quốc gia của máy bay không người lái, cho biết :

"Khinh khí cầu mang lại một số lợi thế so với việc sử dụng vệ tinh hoặc máy bay không người lái. Chúng không chỉ rẻ hơn so với phóng vệ tinh mà thông qua hoạt động trong giới hạn bầu khí quyển của Trái đất, gần bề mặt hơn, khinh khí cầu có thể thu được hình ảnh chất lượng tốt hơn".

Sự kiện khinh khí cầu Trung Quốc bắt đầu ngày 4/2/2023, sau khi Không quân Mỹ bắn tan chiếc khinh khí cầu của Trung Quốc ngoài khơi, trên lãnh hải của Hoa Kỳ.

Giới chức Mỹ tin rằng, các khinh khí cầu Trung Quốc đã bay vào "hoạt động trên không phận Mỹ ít nhất bốn lần", nhưng Tướng Ryder từ chối nói về các vụ việc trước đó trong cuộc họp báo ngày 8/2.

Hoa Kỳ tin là Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hợp tác với một công ty bán dân sự để thả các khinh khí cầu ở độ cao trên cả tầng bay của phi cơ dân sự, nhằm thực hiện việc do thám, từ 2018. BBC đưa tin.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn phủ nhận các cáo buộc của Hoa Kỳ và nói hai khinh khí cầu dân sự để thu thập thông tin thời tiết của họ đúng là đã bay vào Bắc và Trung Mỹ, nhưng là do bị lạc hướng.

Thu Phương (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 13/02/2023

***************************

Việt Nam vẫn ỡm ờ

Ngọc Linh Lan, VNTB, 10/02/2023

Ngày 9/2, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, phóng viên đã đặt câu hỏi về quan điểm của Việt Nam trước thông tin vừa qua khinh khí cầu Trung Quốc đi vào không phận của Mỹ và bị bắn hạ.

dotham2

Việt Nam vẫn ỡm ờ không rõ là ‘trung lập’ hay ‘phản đối’ hoặc ‘bênh vực’ ông bạn hàng xóm…

Về việc này, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt khẳng định : "Quan điểm của Việt Nam là mong muốn hai nước Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại và trên cơ sở Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế ; đóng góp cho hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới".

Trả lời câu hỏi của phóng viên hãng thông tấn nước ngoài, Phó Phát ngôn Đoàn Khắc Việt cho biết đến nay ông chưa nhận được bất cứ thông tin nào của các cơ quan liên quan, báo chí và người dân phản ánh về khinh khí cầu lạ ở không phận Việt Nam. Ông tin chắc rằng các lực lượng chức năng của Việt Nam có đầy đủ khả năng bảo đảm an toàn vùng trời, vùng biển cũng như lãnh thổ Việt Nam.

Nhật Bản ngày 9/2 cho biết đang phối hợp với Mỹ để thu thập và phân tích thông tin liên quan đến các vật thể bay không xác định được phát hiện trên không phận của họ.

"Chúng tôi đang liên lạc với Mỹ nhưng chúng tôi sẽ không bình luận về những trao đổi ngoại giao" – người phát ngôn chính phủ Nhật Bản Hirokazu Matsuno chia sẻ trong buổi họp báo ngày 9/2.

"Chúng tôi đang phân tích những vật thể được phát hiện trên bầu trời Nhật Bản hồi tháng 6/2020 và tháng 9/2021" – ông Hirokazu nói tiếp, đồng thời khẳng định Tokyo muốn tìm hiểu xem liệu có vụ việc nào tương tự vụ việc vừa xảy ra ở Mỹ hay không.

Thông tin trên được chia sẻ không lâu sau khi Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc bị nghi hoạt động gián điệp ở bang Nam Carolina. Bắc Kinh khẳng định khí cầu của họ phục vụ mục đích dân sự và vô tình bay lạc vào không phận Mỹ.

Tin tức trên báo chí Việt ngữ cũng cho biết Phát ngôn viên Matsuno còn tiết lộ "chính phủ Nhật Bản phát hiện những khinh khí cầu tương tự", bao gồm quả được phát hiện vào tháng 1/2022 ở miền Tây Nam của quốc gia này. "Chúng tôi tiếp tục nỗ lực thu thập và phân tích thông tin cùng đồng minh" – ông Matsuno khẳng định.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản hồi đầu tuần này cho biết họ đã "giám sát không phận Nhật Bản 24 giờ, 365 ngày". Tuy nhiên, cơ quan này từ chối xác nhận liệu họ có phát hiện những vật thể bay giống như quả khinh khí cầu bị Mỹ bắn hạ hay không ?

Không quân Việt Nam liệu có đang đặt trong tình trạng tương tự như Nhật Bản ?

Nhớ lại vụ mà báo chí Việt Nam từng đăng về "không tặc Lý Tống". Ông Lý Tống (tên thật là Lê Văn Tống, 1946 – 2019) là một phi công của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông chuyên lái máy bay ném bom A37, máy bay do thám và máy bay hướng dẫn oanh kích, trinh sát chỉ điểm. Ông tham chiến ở các chiến trường Vùng I, II, III và Vùng IV. Trong đó chủ yếu hoạt động tại chiến trường Tây Nguyên (Vùng II).

Ngày 7/11/2000, Lý Tống thuê một chiếc máy bay nhỏ tại Thái Lan bay vào mũi Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh, thả hơn 50.000 tờ truyền đơn và bay về Thái Lan an toàn, không bị lực lượng phòng không của quân đội Việt Nam phát hiện.

Lúc trở về Thái Lan, ông bị bắt giữ và bị tòa án Thái Lan kết án 7 năm tù. Tòa án Thái Lan từ chối dẫn độ Lý Tống về Việt Nam với lý do ông không gây hại cho an ninh Thái Lan.

Nhắc lại câu chuyện trên để thấy giả dụ có khinh khí cầu của "nước lạ" trên bầu trời Việt Nam đi nữa, thì bên cạnh chuyện cần có chính kiến rõ ràng từ phía Bộ Ngoại giao, ở đây khả năng ứng phó tức thời ra sao từ phía không quân Việt Nam cũng là điều cần quan tâm ; nhất là vừa qua những bê bối tham nhũng trong quân đội dần được lôi ra ánh sáng.

Ngọc Linh Lan

Nguồn : VNTB, 10/02/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Phương, Ngọc Linh Lan
Read 204 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)