Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/01/2023

60 năm hòa giải : Pháp-Đức muốn tiếp tục là đầu tàu của Liên Âu

RFI tổng hợp

Kỷ niệm 60 năm hòa giải, lãnh đạo Pháp-Đức phô trương tình đoàn kết song phương

Trọng Nghĩa, RFI, 23/01/2023

Nhân hội nghị thượng đỉnh Pháp-Đức tại Paris vào hôm 22/01/2023, vào lúc hai nước kỷ niệm 60 năm ngày ký hiệp ước hòa giải giữa hai cựu thù, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cố nêu bật tình đoàn kết hợp tác Pháp-Đức, từng được công nhận là "đầu tầu" thúc đẩy công cuộc xây dựng Châu Âu trong 6 thập niên gần đây.

phapduc1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc họp báo chung tại điện Elysee, Paris, Pháp, ngày 22/01/2023. Reuters – Benoit Tessier

Trong các phát biểu của mình, hai nhà lãnh đạo đã lập đi lập lại các từ ngữ như "tình bạn", "tình huynh đệ" Pháp-Đức, được nêu bật thành chìa khóa của công cuộc "xây dựng Châu Âu".

Trong bài phát biểu tại Đại học Sorbonne, Paris, tổng thống Pháp không ngần ngại khẳng định : "Nhờ đã biết dọn đường cho sự hòa giải, Đức và Pháp phải trở thành những người tiên phong cho việc đặt lại nền móng cho Châu Âu".

Tổng thống Pháp đã ca ngợi sự kiện cách nay 60 năm khi tổng thống Pháp thời đó là Charles de Gaulle đã ký với thủ tướng Đức Konrad Adenauer Hiệp Ước Elysée, "một văn kiện đặt nền tảng" cho "sự hòa giải" giữa hai quốc gia "từng là kẻ thù ác liệt nhất" của nhau, nhưng đã "quyết tâm trở thành đồng minh thân cận nhất của nhau".

Về phần mình, thủ tướng Đức cũng nói : "Tương lai, giống như quá khứ, sẽ dựa trên sự hợp tác giữa hai nước chúng ta…, trong tư cách là đầu tàu của một Châu Âu thống nhất".

Sau cuộc họp của Hội Đồng Bộ Trưởng Pháp-Đức tại điện Elysée, hai nhà lãnh đạo đã nỗ lực cho thấy tất cả các điểm hội tụ giữa hai nước, và loan báo những tiến bộ đặt được trong hồ sơ xây dựng cơ sở hạ tầng khí hydro Châu Âu, với việc kéo dài qua Đức đường ống H2Med đi từ Bồ Đào Nha-Tây Ban Nha đến Pháp.

Theo tổng thống Pháp, hai bên cũng đã xác định một "đường lối chung", ủng bộ việc Châu Âu đề ra một phản ứng "đầy tham vọng và nhanh chóng" nhằm đối phó với các khoản trợ cấp mà Washington dành cho ngành công nghiệp Mỹ trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.

Cả hai ông Macron và Scholz cũng không loại trừ việc giao chiến xa hạng nặng cho Ukraine, nhưng nhấn mạnh rằng điều đó phải được đánh giá "một cách tập thể" giữa các đồng minh.

Tuy nhiên hai nhà lãnh đạo đã không che giấu các bất đồng giữa hai nước, đặc biệt trên dự án lá chắn chống tên lửa của Châu Âu mà Berlin muốn thực hiện với các công nghệ đã có sẵn của Israel và Mỹ, trong khi Paris chủ trương một giải pháp của Châu Âu, trên cơ sở một hệ thống Pháp-Ý. 

Trọng Nghĩa

**************************

Quan hệ Pháp-Đức : Bất đồng vẫn tồn tại bất chấp bề ngoài hòa thuận

Trọng Nghĩa, RFI, 23/01/2023

Vào hôm 22/03/2023, hai lãnh đạo Pháp-Đức là tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Olaf Scholz cố sức phô trương tình đoàn kết giữa hai nước bằng những lời lẽ hoa mỹ và một loạt tín hiệu cho thấy sự đồng thuận. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, bất chấp các dấu hiệu hòa thuận đó, bất đồng giữa hai nước vẫn nghiêm trọng, đe dọa vai trò đầu tàu của Paris và Berlin trong công cuộc xây dựng Châu Âu.

phapduc2

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 22/01/2023. AP - Lewis Joly

Phải nói là cuộc gặp thượng đỉnh Pháp-Đức vào hôm qua cùng lúc với cuộc họp Hội Đồng Bộ Trưởng của cả hai nước rất được mong đợi, sau hai lần bị hoãn kể từ tháng 7 năm ngoái 2022. Đối với hai quốc gia đầu tầu của Châu Âu, đây là dịp lý tưởng để hai bên thống nhất ý kiến, khôi phục khả năng thúc đẩy Châu Âu tiến lên vào lúc nhiều nước Châu Âu đồng minh của Ukraine đang bất bình trước thái độ kiềm chế quân sự tương đối của cả Paris lẫn Berlin trước nước Nga.

Thế nhưng, trên hồ sơ Ukraine, cả Emmanuel Maccron lẫn Olaf Scholz vẫn không thống nhất ý kiến được trên một đối sách chống Nga mạnh mẽ, cụ thể vẫn dè dặt trên yêu cầu chi viện xe tăng hạng nặng cho Kiev vốn được nhiều nước Liên Âu thúc đẩy.

Ngoài ra, cuộc họp đầy mong đợi của Hội Đồng Bộ Trưởng Pháp-Đức cũng không đề ra được bước nhảy vọt thực sự nào trong công cuộc xây dựng Châu Âu, mặc dù ý tưởng củng cố "chủ quyền" của lục địa đều được hai bên bảo vệ trong một thời gian dài trước đây.

Theo ghi nhận của tờ Le Monde ngày 23/01, xem xét kỹ các ý kiến mà hai ông Macron và Scholz nêu lên trước báo giới vào hôm qua, người ta có thể khẳng định rằng trong hai lĩnh vực hợp tác thiết yếu - quốc phòng và năng lượng - Paris và Berlin vẫn đang gặp khó khăn trong việc dung hòa quan điểm.

Về quốc phòng, trong khi ông Macron từ lâu đã hy vọng củng cố "quyền tự chủ chiến lược" của Châu Âu để đảm bảo an ninh cho Châu lục, thì cuộc chiến ở Ukraine lại khiến phe thân NATO được củng cố mạnh thêm. Ba ngày sau khi nổ ra cuộc chiến Ukraine, ông Scholz loan báo quyết định mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ để thay thế phi đội Tornado cũ của mình. Sau đó ông công bố một dự án lá chắn phòng không Châu Âu liên quan đến 14 quốc gia NATO, nhưng không có Pháp hay Ba Lan.

Về dự án này, ông Scholz đã nhắc lại hôm qua rằng cánh cửa vẫn chưa đóng nhưng ý định của ông là "dựa trên những gì đã tồn tại, mà không phải đợi quá lâu để có được một số vũ khí nhất định". Ngược lại, ông Macron lại đề nghị phát triển một "chiến lược chung" với Đức và Ba Lan để "tiến tới chủ quyền tối đa về công nghệ và công nghiệp".

Tại Paris, những quyết định ở Berlin đã gây nghi ngờ về ý chí của chính phủ mới của Đức trong việc tiếp tục phát triển các dự án phòng thủ chung khác như Hệ thống Không chiến trong Tương lai (SCAF) mà Tây Ban Nha cũng tham gia, hoặc là Hệ Thống Chiến Đấu Trên Bộ Chính (SCTP).

Lĩnh vực căng thẳng thứ hai là năng lượng. Giữa Pháp, quốc gia vẫn phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, và Đức, nước từ lâu dựa vào khí đốt của Nga, đã có sự hiểu lầm từ lâu, nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm hiểu lầm đó.

Sau một thời gian dài miễn cưỡng, chính phủ của Olaf Scholz cuối cùng đã đồng ý, vào tháng 12 năm 2022, cùng mua khí đốt ở cấp độ Châu Âu và đồng ý có giá trần. Pháp và Đức đã đồng ý cung cấp khí đốt và điện cho nhau để tránh các vấn đề trong mùa đông này. Nhưng thủ tướng Scholz vẫn tiếp tục từ chối yêu cầu của Pháp về việc cải cách thị trường điện, đặc biệt là khi giá năng lượng lại đang có xu hướng giảm.

Trọng Nghĩa

*************************

Pháp và Đức không loại trừ khả năng cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine

Thanh Hà, RFI, 23/01/2023

Trong cuộc họp báo hôm 22/01/2023 kết thúc lễ kỷ niệm 60 năm hiệp định hữu nghị Pháp - Đức, tổng thống Emmanuel Macron cho biết bộ Quốc Phòng Pháp nghiên cứu khả năng và "không loại trừ bất kỳ giả thuyết nào" về việc cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine. Về phần mình, Đức muốn "phối hợp chặt chẽ với các đồng minh" và sẽ "không chống" việc cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine. Nga đe dọa dọa trả đũa.

phapduc3

Xe tăng Leclerc của Quân đội Pháp tại đại lộ Champs-Elysees, Paris. Ảnh chụp ngày 14/7/2017. Alain Jocard / AFP

Vào lúc lãnh đạo Pháp Đức họp tại Paris đúng ngày kỷ niệm 60 năm ký kết hiệp định hữu nghị, được biết dưới tên gọi là Hiệp Ước Elysée, mọi chú ý vẫn tập trung vào câu hỏi liệu rằng Pháp và nhất là Đức có thỏa mãn đòi hỏi của Ukraine muốn được cung cấp xe tăng hạng nặng để đối phó với quân đội Nga hay không.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố : "Liên quan đến xe tăng lớp Leclerc tôi yêu cầu bộ trưởng Quân Lực tìm hiểu vấn đề". Paris đang cân nhắc "mọi khả năng" và đây sẽ là một quyết định "tập thể". Ngụ ý Pháp phối hợp hành động cùng với các đối tác trong Liên Âu, mà đứng đầu là Đức.

Đây cũng là quan điểm của thủ tướng Đức Olaf Scholz : Phối hợp hành động cùng các đồng minh. Ba Lan và ba nước trong vùng Baltic duy trì áp lực đòi Berlin cho phép chuyển giao xe tăng hạng nặng Leopard 2 do Đức chế tạo cho Ukraine.

Trả lời đài truyền hình Pháp LCI hôm 22/01/2023, ngoại trưởng Annalena Baerbock cho biết là Berlin "không chống" việc cung cấp xe tăng hạng nặng của Đức cho Ukraine, nhưng Ba Lan chưa có đề nghị chính thức : :

"Có những quy định để kiểm soát (việc trao xe tăng của Đức cho một quốc gia). Trước mắt câu hỏi này chưa chính thức được nêu lên với chúng tôi. Nhưng nếu được hỏi, Đức sẽ không chống. Đương nhiêu đây là một quyết định quan trọng. Tôi đã từng đến biên giới giữa Ukraine và Nga, và đã chứng kiến cảnh tên lửa được phóng đi như thế nào. Khi đó thì người ta chỉ có 45 giây để phản ứng với hy vọng mình không bị trúng tên lửa.

Tôi hoàn toàn ý thức được điều mà ngoại trưởng Ukraine Kuleba yêu cầu. Có xe tăng không phải là để diễu hành trên đường phố mà Ukraine cần phương tiện này để tự vệ. Tôi cũng hiểu rõ tầm mức quan trọng của việc có chiến xa để đối phó với tình huống hiện nay. Chúng tôi hoàn toàn ý thức được điều đó. Do vậy Đức đang trong quá trình tham khảo ý kiến các đối tác. Điều mà chúng tôi mong mỏi là giải phóng Ukraine và cứu lấy sinh mạng của người dân nước này". 

Nga dọa trả đũa

Ukraine chưa biết có được cấp xe tăng hạng nặng để tự vệ hay không, chủ tịch Hạ Viện Nga, Vyacheslav Volodin hôm 22/01/2023 đe dọa : những quốc gia nào trang bị thêm vũ khí lợi hại cho Ukraine sẽ bị "tiêu diệt". Mỹ và NATO cấp thêm vũ khí cho Ukraine thì Nga sẽ "trả đũa đích đáng" bằng những vũ khí còn "nguy hiểm hơn".

Thanh Hà

*************************

Pháp–Đức cố gắng thể hiện đoàn kết nhân kỷ niệm 60 năm hiệp định hữu nghị

Thanh Hà, RFI, 22/01/2023

Cố gắng vượt lên trên nhiều bất đồng và căng thẳng, hôm 22/01/2023 tại Paris, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz long trọng kỷ niệm 60 năm ngày Pháp–Đức ký Hiệp ước Elysée. Paris và Berlin khẳng định quyết tâm xây dựng một khối Liên Hiệp Châu Âu vững mạnh hơn cho các thế hệ mai sau. Điều đó không che giấu nổi những bất đồng sâu rộng giữa Pháp và Đức, đặc biệt là kể từ sau chiến tranh Ukraine.

phapduc4

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) bắt tay thủ tướng Đức Olaf Scholz tại đại học Paris-Sorbonne, Pháp ngày 22/01/2023. AFP – Chistophe Ena

Vào lúc 11 giờ sáng nay, lãnh đạo hai nước chủ trì một buổi lễ tại đại học Sorbonne trước khi họp lại tại điện Elysée. Đây là nơi đúng 60 năm trước, ngày 22/01/1963, tướng Charles de Gaulle và thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức, Konrad Adenauer đặt bút ký hiệp định hợp tác song phương được biết dưới tên gọi là hiệp định Elysée. Văn bản này khi đó mang ý nghĩa quan trọng vì cho phép đôi bên vĩnh viễn đẩy lui hai cuộc Thế Chiến vào quá khứ để hướng tới hợp tác trong tương lai, đặc biệt là trong ba lĩnh vực : ngoại giao, quốc phòng và giáo dục. Hơn thế nữa, đây là bước kế tiếp trong nỗ lực của Pháp và Đức xây dựng khối Châu Âu.

60 năm trước, lãnh đạo Pháp–Đức hòa giải sau nhiều năm chiến tranh, 60 năm sau, liệu rằng Paris-Berlin có thể vượt lên trên những bất đồng, đặc biệt là sau gần 1 năm chiến tranh Ukraine hay không ? Đành rằng đôi bên nhấn mạnh đến các mục tiêu chung gồm "xây dựng một khối Liên Âu vững mạnh hơn, tự chủ hơn cho các thế hệ mai sau, đặc biệt là một khối Châu Âu tự chủ về mặt công nghiệp". Pháp và Đức đồng thời tuyên bố phải cùng nhau đối mặt với nhiều thử thách trong bối cảnh tình hình thế giới đang căng thẳng và càng lúc càng phức tạp, chẳng hạn như trên chính sách về năng lượng đang bị chiến tranh Ukraine thách thức. Thế nhưng, ngay cả trên những hồ sơ này, có những khác biệt sâu rộng giữa Paris và Berlin. Chẳng hạn như tới nay, thủ tướng Olaf Scholz vẫn do dự trong việc cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine hay trong chính sách trừng phạt dầu khí của Nga… Về quốc phòng, đôi bên cùng muốn "độc lập" hơn với Mỹ, thế nhưng, chủ yếu ngân sách phòng thủ của Đức được dành để mua vào vũ khí và trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ.

Phát biểu sáng nay, chủ tịch Hạ Viện Đức Barbel Bas tuyên bố kỳ vọng "quan hệ Pháp Đức chóng tìm lại được một lực đẩy mới" vì quyền lợi của mỗi bên cũng như là vì quyền lợi chung của toàn khối Liên Hiệp Châu Âu.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Thanh Hà
Read 267 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)