Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/06/2017

Điểm tin báo chí Pháp - "Với Donald Trump, Hoa Kỳ còn khổ sở"

RFI tiếng Việt

Giải Nobel Kinh tế Joseph Stiglitz : "Với Donald Trump, Hoa Kỳ còn khổ sở"

Từ khi vào Nhà Trắng đến nay mới chưa được nửa năm, tổng thống Donald Trump đã khiến dư luận báo chí tốn không ít giấy mực về những tác phong, phát ngôn đến đường lối chính trị. Ông Trump không những là nỗi thất vọng của những ai vốn vẫn quen nhìn Hoa Kỳ như là cường quốc lãnh đạo thế giới mà sẽ còn làm cho nước Mỹ khổ sở.

Donald Trump1

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington DC, ngày 14/06/2017. REUTERS/Kevin Lamarque

Nhật báo kinh tế Les Echos ngày 15/06/2017 có bài viết của Joseph E. Stiglitz, giải thưởng Nobel Kinh Tế và hiện là giáo sư Đại học Columbia, New York. Bài báo lấy tựa đề : "Đã đến lúc hành động chống lại Donald Trump".

Mở đầu bài viết, nhà kinh tế Mỹ khẳng định : "Donald Trump đã ném quả bom vào cấu trúc kinh tế thế giới được xây dựng với muôn vàn khó khăn từ sau Thế Chiến Thứ II". Theo tác giả thì việc tổng thống Trump quyết định "rút Hoa Kỳ ra khỏi Thỏa thuận về khí hậu Paris vừa qua chỉ là màn mới nhất tấn công vào nền tảng giá trị của chúng ta, vào các thể chế của chúng ta".

Giải Nobel Kinh Tế đã vạch ra tất cả những cách nghĩ, cách làm của ông Donald Trump đều phủ nhận tất cả những gì đã có, phục vụ lợi ích riêng chứ không hề vì quyền lợi chung của nước Mỹ, dân Mỹ. Tác giả Joseph Stiglitz viết : "Việc phủ nhận khoa học của ông ta, đặc biệt trong lĩnh vực khí hậu đang đe dọa những tiến bộ công nghệ… Ông Trump đang đe dọa sự vận hành của xã hội Mỹ và nền kinh tế Mỹ".

Theo giải Nobel Kinh Tế, ông Trump đã lợi dụng nỗi bất bình trong người dân Mỹ về kinh tế trì trệ trong nhiều năm qua.Thế nhưng, chương trình thuế khóa và bảo hiểm y tế cho thấy thực chất mục tiêu của ông, đó là : "Làm giàu cho bản thân, tạo đặc quyền đặc lợi cho những người đã ủng hộ ông". Dẫn chứng là : "Trong một đất nước tuổi thọ giảm, cải cách bảo hiểm y tế của ông ta đã để mặc thêm 23 triệu người khánh kiệt trước bệnh tật ". Tác giả nhận định : "Với Trump, nước Mỹ sẽ còn phải khổ sở".

Trump chấm dứt vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ

Trong những điều kiện như vậy, tác giả đặt câu hỏi, "phải làm gì trước một loại bạo chúa tính khí thất thường muốn tất cả thuộc về mình ? Thế giới có thể hành động thế nào trước một nước Mỹ đang trở thành Nhà nước lưu manh ?"

Tác giả nhận thấy, riêng vấn đề khí hậu toàn cầu, "bây giờ chúng ta đã biết thế giới không thể tin vào Hoa Kỳ để đối mặt với những đe dọa hiện hữu của quá trình khí hậu ấm lên. Châu Âu và Trung Quốc đã đúng khi khẳng định cam kết ủng hộ một tương lai biết tôn trọng môi trường. Đó là sự lựa chọn tốt cho hành tinh và cho cả kinh tế… Châu Âu và Châu Á rồi sẽ bỏ cách xa Hoa Kỳ trên lĩnh vực công nghệ xanh. Các nước còn lại của thế giới không nên ngần ngại đánh thuế các-bon vào những hàng xuất khẩu Mỹ không tôn trọng chuẩn mực thế giới".

Cuối cùng tác giả kết luận : "Đối với ông Trump, rõ ràng là một cuộc tranh luận có lý lẽ không làm ông ta thay đổi ý. Đã đến lúc phải hành động".

Các đảng chính trị truyền thống : nguy cơ phá sản cả chính trị lẫn kinh tế

Nước Pháp đang ở giữa hai vòng bầu cử Quốc hội. Báo Le Monde trở lại với thất bại của hai đảng chính trị truyền thống tả - hữu của Pháp, nhưng trên khía cạnh tài chính.

Sau thất bại ở cuộc bầu cử tổng thống và nay đến bầu cử Quốc hội, Đảng Xã Hội (PS) bên cánh tả và đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa ( LR) không chỉ bị đặt trước nguy cơ phá sản về chính trị mà sẽ còn phải điêu đứng về tài chính. Bởi vì phần lớn những chu cấp tài chính của Nhà nước cho các đảng chính trị phụ thuộc vào số lượng các nghị sĩ trúng cử và số phiếu thu được trong bầu cử.

Theo Le Monde, cứ mỗi nghị sĩ trúng cử sẽ mang lại cho đảng mình 37.280 euro. Thêm vào đó, mỗi phiếu thu được ở vòng 1 sẽ được ngân sách Nhà nước trợ cấp cho 1,42 euro. Theo như ước tính kết quả vòng 1, Đảng Xã Hội có thể mất 245 đại biểu, đảng LR mất từ 80 đến 150 đại biểu. Như vậy con số thất thoát tài chính của hai đảng này sẽ phải lên tới hàng triệu euro. Hai đảng truyền thống thay nhau lãnh đạo nhiều thập kỷ qua sắp tới sẽ phải vật lộn với nguồn kinh phí cạn kiệt để sinh tồn dưới thời Macron.

Đảng Xã Hội còn đứng trước thực tế nghiệt ngã khác, đó là số lượng đảng viên giảm sút tới một nửa từ hơn 250 nghìn xuống còn khoảng 120 nghìn người. Đây cũng là một nguồn góp quỹ đáng kể cho đảng. Vì thế, sau vòng 2 tới đây, PS sẽ phải tính toán và có thể sẽ phải bán trụ sở hoành tráng của mình ở trung tâm thủ đô để tồn tại.

Với đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, dù về thứ nhì ở vòng một, nhưng đảng này cũng dự báo sẽ mất khoảng 100 đại biểu. Như vậy nguồn thu sẽ bị giảm ít nhất gần 4 triệu euro trong khi đảng này trong những năm qua đang bị thâm hụt chi tiêu hàng chục triệu euro do các chiến dịch tuyển cử tốn kém. Thêm vào đó, Những Người Cộng Hòa đang gánh món nợ tới 55 triệu euro. LR đang phải chuẩn bị cho những ngày tháng thắt lưng buộc bụng.

Một kịch bản thất thu khác cũng xảy ra với đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (FN). Đảng này trong vòng 1 vừa qua chỉ thu được 2.990 454 phiếu, tức giảm 538.209 phiếu so với kỳ bầu cử năm 2012 và như thế FN thất thu khoảng 764 nghìn euro.

Thế mới thấy, ở Pháp, thất bại trong tuyển cử của một đảng phái không đơn thuần là chính trị mà còn là tổn thất kinh tế trực tiếp. Và tổn thất này cũng không hề nhỏ.

Phải giảm nhẹ gánh nặng cho Hy Lạp !

Chuyển qua nhật báo Libération. Chủ đề chính của tờ báo là Hy Lạp. Trang nhất Libération chạy tựa lớn : "Ông Macron, hãy chìa tay ra với nhân dân Hy Lạp !".

Lý do có lời kêu gọi đó là hôm nay, 15/06/2017, nhóm nước khu vực đồng euro (Eurogroupe) gặp nhau để quyết định số phận con nợ Hy Lạp. Xã luận của Libération, nhân dịp này kêu gọi nước Pháp hãy cân nhắc ủng hộ giải pháp xóa cho Hy Lạp ít ra là một phần nợ khiến người dân đất nước này đang phải è cổ ra trả nợ trong bao nhiêu năm qua.

Libération nhắc lại : "Dưới sự lãnh đạo can đảm của thủ tướng Alexis Tsipras, đất nước Hy Lạp đã phải chấp nhận chịu đựng phi thường để tôn trọng các cam kết vay nợ. Ủy Ban Châu Âu cũng thừa nhận kể từ đầu cuộc khủng hoảng chưa bao giờ có một lãnh đạo Hy Lạp đáng tin cậy như ông Tsipras. Những hy sinh đã tác động nghiệt ngã đến xã hội Hy Lạp. (…) Rõ ràng là dưới con mắt của tất cả các chuyên gia có thiện ý, giờ đây không chỉ giảm nhẹ càng nhiều càng tốt gánh nợ của nước này, mà phải có biện pháp cụ thể xóa bớt khoản nợ nay đã chiếm gần 180% GDP đang đè nặng lên nền kinh tế của Hy Lạp…".

Libération kêu gọi tổng thống Pháp : "Ông tổng thống, trong thành phần chính phủ trước, ông đã tỏ sự ân cần với Hy Lạp. Giờ đây ở vị thế mạnh, ông có dịp để đóng vai trò quyết định trong lịch sử của Liên Hiệp Châu Âu. Ông sẽ làm như vậy chứ ?"

Đi cùng với bài xã luận trên, Libération còn dành nhiều trang bài điểm lại tình hình nợ công của Hy Lạp để cho thấy suốt từ năm 2009, người dân ở quốc gia thành viên nhỏ bé của Liên Hiệp Châu Âu này đã phải gồng mình sống trong kham khổ cũng chỉ để được vay tiền, và gánh nợ lớn thì vẫn ngày thêm chồng chất.

Trung Quốc : Bùng nổ phẫu thuật thẩm mỹ trong giới trẻ

Liên quan đến Châu Á, báo Le Figaro có bài phóng sự về đề tài xã hội với hàng tựa khá thú vị : "Cuộc đua dao kéo của giới trẻ Trung Quốc". Bài phóng sự điều tra của Le Figaro nói về một hiện tượng xã hội đang rất phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc hiện nay.

Với hy vọng trở nên nổi tiếng để làm giàu nhanh nhờ vào sự bùng nổ phát video trực tiếp trên internet, ngày càng đông các cô gái trẻ ở Trung Quốc nhờ cậy đến dao kéo để thay đổi diện mạo. Họ sẵn sàng bỏ những khoản tiền lớn để phẫu thuật thẩm mỹ, để rồi kết quả là họ đều có những khuôn mặt giống nhau, rập khuôn với những nhân vật trong truyện tranh hay phim hoạt hình. Mục đích là trở nên nổi tiếng để dễ dàng kiếm tiền trong thời đại internet. Xu hướng này trong giới trẻ đang làm bùng nổ thị trường thẩm mỹ ở đất nước hơn 1,2 tỷ người.

Tại Bắc Kinh, tác giả bài báo đã gặp một cô gái chân quê, đến từ tỉnh Sơn Đông. Cô đã xoay xở để có được 9.000 euro, một tài sản lớn với nhiều người Trung Quốc, để làm lại khuôn mặt, mà theo cô đó là cách đầu tư tuyệt vời. Với một khuôn mặt khả ái nhờ phẫu thuật thẩm mỹ, cô xuất hiện trên các video phát trực tiếp trên các mạng xã hội để bán hàng qua mạng, và cô đã thu hút được rất nhiều fan theo dõi. Kết quả đó giúp công việc làm ăn của cô tiến triển tốt. Cô gái này cho biết, chỉ sau 6 tháng, mỗi tháng cô đã có thể kiếm được từ 8-10 nghìn euro. Trường hợp của cô gái trẻ này giờ không còn là cá biệt mà đang thành một trào lưu trong giới trẻ Trung Quốc, những người muốn kiếm tiền dễ mà không phải lao động vất vả.

Nhiều năm gần đây, trên mạng xã hội ở Trung Quốc đã bùng nổ các trang cá nhân phát video trực tiếp của các cô gái trẻ mong muốn trở thành người nổi tiếng nhanh chóng trên internet. Họ ý thức được thu nhập của họ liên quan trực tiếp đến diện mạo và sự nổi tiếng. Điểm hẹn của thành công trước tiên phải là các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ. Theo thống kê của một hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc, trong năm 2014 có 7 triệu người nhờ đến dao kéo để tân trang lại khuôn mặt. Thị trường này ước tích giá trị khoảng 52 tỷ euro trong năm 2015 và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2019. Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn thứ 3 trong lĩnh vực này, sau Mỹ và Brazil.

Thế nhưng ở Trung Quốc, thị trường này không được quản lý chặt. Cả nước chỉ có 3.000 bệnh viện tư được cấp phép hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ. Trong khi đó vẫn có khoảng từ 50 nghìn đến 100 nghìn salon làm đẹp, không có chuyên môn, giấy phép nhưng vẫn tiến hành các hình thức phẫu thuật thẩm mỹ khác nhau.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ
Read 772 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)