Tổng thống Putin : Nga sẽ tăng cường kho vũ khí nguyên tử
Thu Hằng, RFI, 23/02/2023
Ngày 23/02/2023, chỉ một ngày sau khi thông báo "ngừng tham gia" hiệp ước New Sart về giải trừ vũ khí nguyên tử với Hoa Kỳ, tổng thống Vladimir Putin cho biết quân đội Nga sẽ tăng cường lực lượng hạt nhân.
Phi cơ MiG-31K của Không quân Nga mang tên lửa hành trình siêu thanh Kinzhal. Ảnh do Bộ quốc phòng Nga cung cấp ngày 19/02/2022, trong lúc tổng thống Nga chuẩn bị giám sát một cuộc tập trận phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa hành trình. AP
Theo phát biểu của tổng thống Putin được điện Kremlin công bố sáng sớm hôm nay và được AP trích dẫn, Nga "sẽ gia tăng chú ý tăng cường bộ ba nguyên tử", ý muốn nói đến những tên lửa hạt nhân được triển khai trên đất liền, trên biển và trên không. Lần đầu tiên, các tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat - có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân - sẽ được triển khai ngay trong năm nay. Nguyên thủ quốc gia Nga cũng khẳng định : "Chúng ta sẽ tiếp tục sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu thanh Kinzhal và sẽ cung cấp hàng loạt tên lửa siêu thanh trên biển Zircon".
Quyết định của Nga "ngừng tham gia" hiệp ước New Start đã bị tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích là "một sai lầm nghiêm trọng". Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình ABC News tại Ba Lan trước khi lên đường về Mỹ, ông Joe Biden cũng cho biết là "chưa có" những yếu tố cho thấy tổng thống Nga "đang suy tính về việc sử dụng vũ khí nguyên tử hoặc việc gì đó tương tự".
Mỹ sẽ hỗ trợ quân sự cho đến khi Nga rút khỏi Ukraine
Tổng thống Mỹ đã kết thúc chuyến công du Ukraine và Ba Lan kéo dài bốn ngày. Trong cuộc họp ngày 22/02 tại Warszawa với lãnh đạo 9 nước thuộc nhóm "Bucharest Nine" (gồm Bulgari, Cộng Hòa Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Rumani và Slovakia), ông Joe Biden nhấn mạnh đến vai trò "phòng thủ tập thể trên tuyến đầu" của những nước nằm dọc sườn đông NATO. Tổng thống Biden nhắc lại sự ủng hộ "không lay chuyển" của Mỹ để đẩy lùi quân Nga khỏi lãnh thổ Ukraine, vì theo ông, "thách thức của cuộc xung đột này không chỉ là đối với riêng Ukraine mà còn đối với cả tự do của các nền dân chủ khắp Châu Âu và trên thế giới".
Trong cuộc họp, tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO Jens Stoltenberg đã nhắc lại những hành động của Nga ở Gruzia và Ukraine, và tuyên bố : "Chúng ta không thể cho phép Nga tiếp tục làm suy yếu an ninh Châu Âu. Chúng ta phải phá vỡ vòng xâm lược của Nga".
Thu Hằng
*************************
Chiến tranh Ukraine : Trung Quốc giúp Nga vũ khí, mối lo của phương Tây
Anh Vũ, RFI, 23/02/2023
Vào lúc cuộc chiến tranh tại Ukraine sắp bước sang năm thứ 2, từ đầu tuần này Washington tố cáo Bắc Kinh dự định cung cấp vũ khí cho Moskva, Trung Quốc phủ nhận. Theo các chuyên gia, nếu điều đó xảy ra, chiến tranh Ukraine sẽ chuyển sang bước ngoặt mới.
Tên lửa chiến thuật Trung Quốc trong lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa 01/10/2019. AP - Ng Han Guan
Từ đầu cuộc chiến tranh Ukraine, Trung Quốc vẫn dành cho Nga sự ủng hộ về tài chính cũng như ngoại giao, nhưng vẫn cố gắng tránh can dự quân sự hay cung cấp vũ khí cho Nga. Để theo đuổi cuộc chiến tại Ukraine, theo nhiều nguồn tin Mỹ, Nga đã mua các loại vũ khí như drone của Iran, tên lửa, đạn pháo của Bắc Triều Tiên. Các trợ giúp quân sự của Trung Quốc với Nga hầu như chưa bao giờ được đề cập đến.
Hôm Chủ nhật vừa qua, trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo, "trên cơ sở những thông tin chúng tôi có, Trung Quốc dự định cung cấp vũ khí sát thương" cho Nga. Mặc dù ngay lập tức Bắc Kinh đã phủ nhận tố cáo của Mỹ là "thông tin giả", giới quan sát đều nhận thấy mối lo ngại của Hoa Kỳ và đồng minh phương Tây. Hôm thứ Hai (21/02), lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Joseph Borrell tại Bruxelles đã lên tiếng cảnh cáo việc Trung Quốc trợ giúp quân sự để hỗ trợ Nga trong cuộc xâm lược Ukraine sẽ là "lằn ranh đỏ" đối với Liên Âu.
Nếu như Trung Quốc quyết định chuyển vũ khí cho Nga, cục diện chiến trường tại Ukraine sẽ thay đổi lớn, như nhận định với AFP của Mick Ryan, cựu tướng Úc. Chiến lược gia quân sự này khẳng định, " đó là cuộc chiến của hệ thống công nghiệp (quân sự). Hiện tại Nga đang chậm hơn so với phương Tây. Nếu Trung Quốc can dự vào, toàn bộ ưu thế mà Ukraine đang có nhờ vào khả năng công nghiệp quân sự của phương Tây ngay lập tức sẽ biến mất".
Từ đầu cuộc chiến, Nga đã gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, vũ khí, đạn dược, khiến cho các chiến dịch tấn công của họ bị sa lầy trên nhiều chiến trường tại Ukraine. Thực tế này đã khiến ông Vladimir Putin phải phát động các đợt động viên ạt, huy động các nhóm lính đánh thuê và tìm kiếm nguồn cung ứng vũ khí đang cạn dần.
Trong một thời gian nhất định, Ukraine đã thành công trong việc cản được đà tiến của quân Nga, thậm chí có lúc áp đảo nhờ vào hỏa lực do phương Tây cung cấp. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cuộc chiến giờ đang bước vào giai đoạn quyết định, mỗi bên đều tìm cách tập trung nguồn lực, hy vọng giành lợi thế trên chiến trường khi mùa xuân tới.
Nhà bình luận quân sự tại Trung Quốc Tống Trung Bình khẳng định Bắc Kinh sẽ không chuyển vũ khí cho Nga, nhưng ông cũng nhấn mạnh : " Trung Quốc sẽ không nghe theo đòi hỏi của Mỹ. Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác với Nga phù hợp với quyền lợi quốc gia và những quan tâm trong lĩnh vực an ninh quốc gia".
Theo Alexey Muraviv, giáo sư nghiên cứu chiến lược và an ninh tại Đại học Curtin, Perth, Úc , "cuộc chiến tranh tại Ukraine đang ở vào thời điểm gay cấn đối với môi trường an ninh quốc tế, đối với trật tự thế giới" . Một quyết định xuất vũ khí cho Nga sẽ là một " bước đi cực lớn" với Bắc Kinh, vì như vậy Trung Quốc sẽ bị các trừng phạt ồ ạt của phương Tây, cắt đứt những quan hệ còn lại với Washington cũng như với Châu Âu. Thế nhưng, có một nghịch lý, theo chuyên gia Muriev : viễn cảnh Nga bị thua trong cuộc chiến này cũng làm Trung Quốc lo lắng, vì khi đó Bắc Kinh sẽ trở nên cô đơn vì Nga là cường quốc duy nhất ủng hộ Trung Quốc. Ngược lại, nếu Nga giành chiến thắng thì có nghĩa là Hoa Kỳ thất bại chiến lược.
Điều này càng củng cố cho lập luận của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình rằng phương Tây đang suy tàn. Bắc Kinh đang chuẩn bị một chiến lược chống Mỹ công khai, đồng thời lại muốn thể hiện là một cường quốc có trách nhiệm, đóng vai trò lớn trong giải quyết khủng hoảng thế giới. Từ đầu cuộc chiến tranh Ukraine, Trung Quốc đã cố gắng giữ thế thăng bằng. Vì thế việc cung cấp vũ khí trực tiếp cho Nga sẽ không phải là một quyết định khôn ngoan của Bắc Kinh. Rất có thể việc làm đó sẽ được tiến hành kín đáo thông qua trung gian là các công ty nhà nước kiểm soát, hay thậm chí qua ngả Bắc Triều Tiên, theo nhận định của chuyên gia Muraviev.
Anh Vũ
***************************
Chiến tranh Ukraine : Công ty Wagner gây áp lực buộc quân đội Nga cấp đủ vũ khí
Chi Phương, RFI, 23/02/2023
Hôm 22/02/2023, lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã kêu gọi dân Nga gây áp lực để quân đội tiếp tục cấp đủ vũ khí cho đội quân lính đánh thuê Wagner ở chiến trường Ukraine. Trước đó, chủ nhân của Wagner đã không ngần ngại lên án các lãnh đạo quân sự cấp cao của Nga là "những kẻ phản bội".
Yevgeny Prigozhin, chủ tập đoàn Wagner, dự lễ tang của Dmitry Menshikov, một chiến binh của Wagner tử trận, tại nghĩa trang Beloostrovskoye, ngoại ô Saint Petersburg, Nga, 24/12/2022. © AP
AFP trích phát biểu của lãnh đạo Wagner : "Đạn pháo Nga có, nhưng phải cần đến những chính trị gia vô đạo đức, khốn nạn, lũ rác rưởi ký tên vào thì đạn mới được gửi đến". Những phát ngôn trên phản ánh căng thẳng gia tăng giữa tập đoàn Wagner và quân đội Nga, đang tranh giành ảnh hưởng trên chiến trường Ukraine. Cụ thể là tại Bakhmut, hai lực lượng - quân đội Nga và lính đánh thuê Wagner - đều đang cố gắng chiếm được thành phố này, hai bên đôi khi đưa ra những tuyên bố mâu thuẫn nhau.
Thông tín viên Anissa el Jabri từ Moskva cho biết thêm thông tin :
"Hàng chục thi thể nằm chật cứng trên tuyết bẩn. Một số mặt dính đầy máu, một số khác thì không mặc quần áo, và đa số mặc quân phục. Bên cạnh hình ảnh tàn bạo và dã man đó, được đăng tải trên Telegram, Yevgeny Prigozhin còn đăng thêm một hình ảnh khác, là một trang bảng biểu với hai cột : một bên là nhu cầu về đạn dược, và bên kia là những gì đã nhận được. Nhu cầu số 1 trong vòng 10 ngày là 105 566 viên đạn, và đã nhận được 3 600, chỉ khoảng 3% so với nhu cầu.
Trong một tin nhắn vào hộp thoại, lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Wagner nói thêm : "Đó là những người lính đã chết hôm qua. Lý do là vì thiếu đạn pháo. Những bà mẹ, bà vợ, những đứa con sẽ nhận các thi thể này. Ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của họ ? Hãy quy lỗi cho những ai đáng lẽ ra phải cung cấp đủ đạn dược cho chúng tôi. Đó là Gerasimov và Shoigu". Đó là tên của tổng tham mưu trưởng quân đội và bộ trưởng quốc phòng.
Yevgeny Prigozhin đã từng cười nhạo và buông lời mỉa mai khi Hoa Kỳ xếp tổ chức Wagner của ông vào diện khủng bố. Là một thủ lĩnh mà cấp dưới rất e sợ, chủ nhân của Wagner xem những người dưới trướng ông nay giống như những kẻ ăn xin và chỉ nhận được thái độ khinh miệt từ phía quân đội. Trước đó, cùng ngày, bộ quốc phòng Nga ra thông cáo bảo đảm với những người có "tinh thần đầy nhiệt huyết" rằng sẽ gửi đến họ tất cả những gì đã hứa".
Chi Phương