Một năm sau tuyên bố tình hữu nghị Nga – Trung là "vô bờ bến", ngày 21/02/2023, trong chuyến thăm Moskva, lãnh đạo cao cấp nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị, phát biểu rằng quan hệ Nga – Trung "vững chắc như bê tông". Sự kiện cho thấy nước cờ đã đảo ngược, Hoa Kỳ giờ đang trong thế "một chọi hai".
Tượng nhỏ bằng giấy được trưng bày tại lễ hội Fallas ở Valencia. Từ trái sang phải : Tổng thống Mỹ Joe Biden, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin. AFP – Jose Jorrdan
Tiến triển và những biến đổi của tam giác chiến lược Nga-Mỹ-Trung luôn được giới quan sát ví như là kim chỉ nam để dự đoán các xu hướng phát triển địa chính trị trên thế giới. Thomas Gomart, viện trưởng Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), trả lời phỏng vấn Policy Center Of The New South năm 2016, từng nhận định, bộ ba chiến lược Nga- Mỹ-Trung là một trong những yếu tố cho cấu trúc toàn cầu hóa và sự tiến triển của hiện tượng này trong trung và ngắn hạn. Vì sao ?
Ông giải thích : "Đó là ba nước có văn hóa chiến lược, nghĩa là, họ có một tham vọng, một ý đồ, một dự án quyền lực trên trường quốc tế. Đây là ba quốc gia thành viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Đó cũng là ba nước có mức chi tiêu quân sự hàng đầu thế giới và nếu chúng ta nhìn sự việc từ quan điểm của Châu Âu, thì Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ đóng góp đến 37% cho nền ngoại thương của Liên Hiệp Châu Âu".
Ván cờ poker 1 : Đài Loan, vật cống phẩm
Một chút lãng mạn, đó giống như một "mối tình tay ba". Nhưng nếu nhìn trên góc độ chiến lược, đây rõ ràng là ván cờ poker với ba tay chơi Nga – Mỹ – Trung, mà mối quan hệ đối tác sẽ thay đổi theo lợi ích của mỗi bên tham gia. Trong ván cờ này, mối quan hệ Nga – Trung luôn là yếu tố mấu chốt cho những lợi ích địa chiến lược của Mỹ và điều này không có gì là mới mẻ.
Người ta còn nhớ năm 1972, tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Bắc Kinh gặp lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông nhằm gieo rắc sự bất đồng giữa hai cường quốc Cộng sản lúc bấy giờ là Trung Quốc và Liên bang Xô Viết. Để chuẩn bị cho cuộc gặp, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Henry Kissinger đã bí mật đến Bắc Kinh. Giáo sư Kinh tế - Chính trị, Glenn Diesen, trường đại học South Eastern Norway, trên đài truyền hình ARTE nhắc lại bối cảnh :
"Hoa Kỳ lúc ấy phải đối mặt với một thách thức quan trọng vào lúc Trung Quốc đã chuyển sang chủ nghĩa cộng sản và đi theo Liên Xô. Mối liên minh này đã cho ra đời một khối hùng mạnh. Washington do vậy đã tìm cách chinh phục lòng tin của Trung Quốc để cản chân Liên Xô. Ý tưởng ở đây là chia rẽ hai nước khi chìa tay với bên yếu nhất là Trung Quốc. Đây chắc chắn là một thành công lớn nhất của Nixon và Kissinger, gây được bất hòa giữa hai ông khổng lồ Á – Âu và thúc đẩy Trung Quốc phần nào chống lại Liên Xô".
Cũng trong chương trình của ARTE, ông Lyle J. Goldstein, biên tập viên cho Defense Priorities cho rằng, để có thể tiếp cận được Mao Trạch Đông, Kissinger và Nixon khi ấy đều hiểu rằng đã đến lúc chấp nhận nguyên tắc "Một nước Trung Hoa duy nhất", theo đó, đảo Đài Loan chính thức thuộc về nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và do vậy, phải hy sinh Đài Loan :
"Tôi biết rằng đại diện của bộ Ngoại Giao Mỹ được cử đến Đài Loan để thông báo tin này đã được người dân đón tiếp bằng cách ném trứng. Nhưng Mỹ cũng phải đợi mất đến 7 năm sau mới thiết lập được quan hệ chính thức. Trung Quốc đưa ra rất nhiều đòi hỏi. Đặc biệt, họ yêu cầu Mỹ rút hết các căn cứ quân sự và quân nhân ra khỏi Đài Loan. Vào thời điểm đó, Mỹ có rất nhiều căn cứ cho oanh tạc cơ và có cả vũ khí hạt nhân trên đảo nữa. Đó là cách duy nhất để tránh một cuộc xâm chiếm đảo. Do vậy, Trung Quốc đòi rút hết các căn cứ của Mỹ. Trung Quốc còn yêu cầu hủy cả hiệp ước phòng thủ mà Hoa Kỳ ký kết với Đài Loan. Tất cả những điều kiện này đều được Mỹ đáp ứng, để có thể thiết lập bang giao chính thức".
Sự chối bỏ thực tế của Mỹ
Rồi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Tam giác chiến lược biến mất. Trung Quốc đang trong tiến trình cải tổ và mở cửa với thế giới bên ngoài. Từ thế lưỡng cực, thế giới rơi vào thế đơn cực dưới sự thống trị của Mỹ. Điều đáng chú ý là, cho đến khi Liên Xô tan rã, Mỹ đã áp dụng thành công quy tắc do cựu ngoại trưởng Kissinger thiết lập, khi muốn rằng Washington luôn ngự trị đỉnh của tam giác và giữ một khoảng cách gần với hai chóp còn lại.
Sau một thời gian vắng bóng, Nga bắt đầu củng cố trở lại vị thế của mình trên trường quốc tế trong những thập niên 2010. Tuy nhiên, với nhịp độ phát triển kinh tế và tiềm năng dân số thấp, Nga biết rằng mình không còn là một đỉnh cố định của bộ ba. Nhưng thế ưu việt về hạt nhân, tính hiệu quả quân sự quy ước và một nền ngoại giao thông minh (nhất là Trung Đông và gần đây là với Châu Phi), lại là những yếu tố chủ chốt giúp Nga duy trì vị trí trong hàng ngũ các đại cường .
Rồi căng thẳng lại dấy lên giữa bộ ba chiến lược. Một ván cờ poker mới lại được hình thành cũng với ba tác nhân quen thuộc. Chỉ có điều lần này, Nga – Trung liên thủ tấn công con mồi Hoa Kỳ. Năm 2019, Dmitry Suslov, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Ngoại giao Moskva, trên trang mạng La Vigie (Văn phòng phân tích chiến lược) đưa ra một giải thích như sau :
"Hiện trạng quan hệ chiến lược hiện nay chỉ là tạm thời, bởi vì điều cốt lõi của cuộc đối đầu Nga – Mỹ là sự điều chỉnh vô cùng đau đớn và đầy khó khăn của Mỹ với một thế giới đang phát triển đi ngược với những giả định về hệ tư tưởng của Mỹ, những câu chuyện lịch sử và các lợi ích quốc gia mà Hoa Kỳ không thể còn xác định hay kiểm soát được nữa. Một phần lớn của tình trạng mới này (nhưng không phải tất cả) có liên quan đến Nga và Trung Quốc, cả hai từ chối phát triển theo các chuẩn của Mỹ trên bình diện đối nội và đã bắt đầu phản đối vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế".
Cũng theo ông Dmitry Suslov, chính sách đối đầu với Nga và Trung Quốc sẽ là một yếu tố chủ đạo cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Vì những lý do ý thức hệ, địa chính trị và lịch sử, Hoa Kỳ cho đến lúc này vẫn chưa thể chấp nhận Nga và Trung Quốc như là những đại cường độc lập chính đáng, và là đồng tác giả, đồng quản trị với hai nước này trật tự thế giới.
Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump xem Trung Quốc như là một đối thủ chiến lược chính chứ không phải là Nga, và ban đầu đã tính đến khả năng xích lại gần Nga một phần trong tư thế chống Trung Quốc. Chính sách này dường như cũng đã chính quyền Biden tiếp tục nhưng bất thành.
Ván cờ poker 2 : Mỹ là con mồi, Ukraine là nạn nhân
Phân tích của Jean de Gliniasty, cựu đại sứ Pháp ở Nga, nhà nghiên cứu thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), cho thấy chính quyền Nga theo dõi sát cuộc khủng hoảng ngoại giao Mỹ - Trung, đồng thời hiểu rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc càng gia tăng, Nga càng rộng đường hành động.
Từ lâu Moskva hiểu rằng không thể trông đợi được gì từ Donald Trump và thái độ thù nghịch sẽ là kéo dài, thậm chí là "có hệ thống". Lợi thế của việc Joe Biden lên cầm quyền là có được một khả năng dự báo tốt hơn và hợp lý hơn về thái độ của Mỹ đối với Nga. Trong một bài viết đăng trên tạp chí có tiêu đề "Song đấu Trung – Mỹ ?", số mùa đông 2020, nhà nghiên cứu này lấy làm tiếc rằng Washington dường như đã đánh giá thấp một mối liên minh thật sự giữa Moskva và Bắc Kinh.
Cảm nhận này giờ được minh chứng rõ qua cuộc chiến xâm lược Ukraine do Nga tiến hành, gây bất ổn cho an ninh Châu Âu, an toàn lương thực, gây khủng hoảng năng lượng và lạm phát trên toàn cầu. Bắc Kinh không ngừng hậu thuẫn chính trị mạnh mẽ Moskva. Trung Quốc không lên án cuộc chiến xâm lược của Nga, mà còn cáo buộc phương Tây và nhất là Mỹ là gốc rễ của mọi điều tồi tệ.
Quan hệ Nga – Trung sẽ có thêm một bước tiến lớn nếu như Bắc Kinh quyết định cung cấp vũ khí sát thương hậu thuẫn cho cuộc tấn công mùa xuân của Nga. Trả lời AFP, giáo sư Alexey Muraviev, chuyên nghiên cứu về chiến lược và an ninh, trường đại học Curtin tại Perth, Úc, nhận định, với quyết định này, Trung Quốc xem như "thiêu rụi những chiếc cầu nối còn lại với Mỹ và phá hủy các mối quan hệ với Châu Âu".
Nhưng viễn cảnh nhìn thấy Nga thua cũng khiến Trung Quốc lo lắng. Trong kịch bản này, Bắc Kinh có nguy cơ bị đơn độc. Nga là đại cường duy nhất ủng hộ Trung Quốc. Ngược lại, một thắng lợi của Nga "sẽ giáng một đòn thất bại chiến lược cho Mỹ", và củng cố hơn nữa lập luận điệu của Tập Cận Bình rằng phương Tây đang hồi suy tàn.
Trong toàn cảnh này, nhà sử học Thomas Gomart trên đài RFI có dự báo cho tương lai tam giác chiến lược Nga – Mỹ – Trung như sau :
"Hơn 50 năm sau, phân khúc yếu lần này là Nga, nghĩa là về cơ bản, bất kể kết cuộc của cuộc chiến ra sao, Nga sẽ ra khỏi chiến dịch Ukraine với một vị thế quốc tế bị suy yếu rất nhiều so với Mỹ và Trung Quốc. Hai nước này sẽ củng cố sức mạnh hơn nữa. Hoa Kỳ vì một lý do khá đơn giản : nhờ khủng hoảng này, họ đang giành lại quyền kiểm soát an ninh Châu Âu. Hoa Kỳ còn thấy có một cơ hội phá hủy một phần kho vũ khí quy ước của Nga, đã công khai thách thức Hoa Kỳ những năm gần đây.
Còn đối với Trung Quốc, chúng ta có cảm giác là sự hỗ trợ về chính trị, có nhiều khả năng hỗ trợ kinh tế và một ngày nào đó rất có thể là hỗ trợ quân sự cho Nga, sẽ bị giới hạn ngay khi điều đó chạm đến các vấn đề hạt nhân. Từ quan điểm này, Trung Quốc thoát khỏi cuộc xung đột trong một thế bất đối xứng, có nhiều lợi thế hơn so với Nga trước khi có cuộc khủng hoảng này".
Một điều chắc chắn, ván cờ poker lần này sẽ căng thẳng và nhiều kịch tích hơn lần trước. Trang mạng CNN ngày 14/02/2023 nhận định : "Chiến đấu với một cuộc Chiến Tranh Lạnh đã đủ tồi tệ. Tiến hành cả hai cùng một lúc sẽ là điều không thể". Nước Mỹ hiện phải đối mặt đồng thời với các cuộc khủng hoảng ngoại giao và an ninh quốc gia, với đối thủ siêu cường của thế kỷ XX là Nga và với đối thủ hàng đầu thế kỷ XXI là Trung Quốc.
Minh Anh