Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/02/2023

Vụ khinh khí cầu : Mỹ - Trung thả bong bóng

RFI tiếng Việt

Vì sao Trung Quốc triển khai chương trình khinh khí cầu do thám ?

Anh Vũ, RFI, 16/02/2023

Washington đã quả quyết kinh khí cầu do thám Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ là một phần của chương trình quy mô lớn của Bắc Kinh, được triển khai trên khắp địa cầu. Nhưng trong thời đại công nghệ vệ tinh phát triển như ngày nay, vì sao Trung Quốc vẫn sử dụng thiết bị do thám đơn giản như khinh khí cầu ?

ballon1

Ảnh minh họa cho khinh khí cầu Trung Quốc trên bầu trời Hoa Kỳ. Reuters – Dado Ruvic

Một tuần sau khi quả bóng bí ẩn Trung Quốc xuất hiện trên các radar quân sự và phương tiện truyền thông, chính quyền Mỹ hôm 09/02/2023 khẳng định đó không đơn thuần là một công cụ gián điệp, mà còn là một chương trình khí cầu do thám quy mô rộng khắp của Trung Quốc.

Vật thể bay bị bắn hạ hôm 05/02 đã bắt đầu cho biết những bí mật. Các quan chức Mỹ đã giải thích tại cuộc họp báo, trong số các mảnh được thu lại và được phân tích tại trụ sở của FBI ở Quantico, có các ăng- ten, bộ cảm biến và cả những tấm pin mặt trời để cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của các thiết bị điện tử mang theo.

Những chi tiết như thế cũng đủ làm suy yếu lập trường của Bắc Kinh tiếp tục khăng khăng cho rằng đó là khinh khí cầu thăm dò khí tượng. Nhưng Washington không chỉ dừng lại ở phát hiện một khinh khí cầu do thám. Các nhà điều tra Mỹ còn cho biết : "Trung Quốc có một đội khinh khí cầu như vậy để do thám khoảng bốn chục quốc gia". Bắc Kinh có thể đã đưa các "gián điệp bay" đó đến Nhật Bản, Philippines, Bắc và Nam Mỹ và cả Châu Âu. Một số nước trong số đó đã quyết định tiến hành điều tra để làm rõ những sự kiện gần đây. Hôm thứ Năm tuần trước, Nhật Bản thông báo đã xem lại những sự cố đã xảy ra từ hồi tháng 02/2020 và hồi tháng 09/2021 mà họ cho rằng có liên quan đến bóng thám không gián điệp.

Nếu nghi ngờ được khẳng định thì "Trung Quốc là nước duy nhất có một chương trình do thám trên không, trong đó có phần sử dụng khinh khí cầu", theo lời ông Frank Ledwidge, chuyên gia về chiến tranh trên không thuộc Đại học Portsmouth, Anh Quốc.

Duy nhất nhưng không phải là đầu tiên. Trong lịch sử, theo chuyên gia Frank Ledwidge, "bộ phận trinh sát quân đội đầu tiên đã được kỹ sư Jean-Marie-Joseph Coutelle thành lập gồm các khinh khí cầu do thám phục vụ cho Napoléon trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ cuối thế kỷ 18".

Các khinh khí cầu như vậy đã được sử dụng trong hai cuộc chiến tranh thế giới để làm các nhiệm vụ như Ukraine làm trong cuộc chiến với Nga hiện nay : Thu thập thông tin, phát hiện mục tiêu cho pháo binh.

Cho đến thời chiến tranh lạnh, người ta đã chứng kiến việc sử dụng khinh khí cầu gián điệp mang tính chiến lược hơn từ Moskva cũng như Washington và mục đích không chỉ là trinh sát trên chiến trường.

Chuyên gia Frank Ledwidge cho biết, chẳng hạn "dự án Moby Dick do CIA điều hành nhằm đưa hàng trăm quả khí cầu do thám đến bầu trời Liên Xô từ cuối những năm 1950".

Hoạt động do thám từ trên không được Bắc Kinh đang tiến hành có lẽ cũng là kế thừa quá khứ đó. Phần đông các nước giờ thích tập trung các vệ tinh hơn vì "bóng thám không có độ tin cậy không cao, có thể đi chệch hướng khi có gió lớn và khó kiểm soát hơn", như nhận xét của Ho Ting "Bosco" Hung, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc International Team for the Study of Security de Vérone (ITSS Verona).

Những bất lợi như vậy tuy nhiên không cản được Trung Quốc. Mặc dù đã có một đội gồm khoảng 300 vệ tinh theo dõi, Trung Quốc vẫn triển khai một đơn vị gồm hàng chục khí cầu do thám, theo chuyên gia Frank Ledwidge.

Chuyên gia Ho Ting "Bosco" Hung quả quyết rằng "đó là bằng chứng cho thấy tham vọng trong lĩnh vực do thám của Trung Quốc. Họ dùng mọi phương tiện có thể để mở rộng mạng lưới do thám". Có lẽ họ sẽ sai lầm khi bỏ qua bóng thám không, vì theo ông Ho Ting "Bosco" Hung, "các radar hiện đại không được hiệu chỉnh để nhận biết khinh khí cầu do thám nên thường xếp khí cầu vào loại vật thể bay không xác định".

Khi cầu có thể bay tĩnh bên trên mục tiêu, trong khi các vệ tinh luôn phải chuyển động. Đây là lợi thế cho phép khinh khí cầu, được trang bị máy ảnh, chụp ảnh chi tiết hơn và rõ nét hơn vệ tinh.

"Khinh khí cầu cũng có thể được trang bị các cảm biến để thu thập, ví dụ, tần số của các radar trong khu vực hoặc thậm chí của các thành phần có thể có trong không khí. Do đó, chúng có thể phát hiện thậm chí cả phóng xạ. Ưu thế khác là chi phí cho các quả khinh khí cầu rất nhỏ so với giá thành chế tạo và phóng vệ tinh".

Tuy nhiên, các khinh khi cầu không tiến hành chiến dịch riêng. "Hoạt động của chúng nằm trong một chương trình phối hợp do thám", chuyên gia Frank Ledwidge nhận định. Nói một cách khác, quân đội và Bộ An Ninh Trung Quốc (tương đương với Cơ quan phản gián Pháp DGSE hay CIA của Mỹ) ấn định các hoạt động và phân chia nhiệm vụ giữa các hoạt động gián điệp mạng, do thám vệ tinh và khinh khí cầu do thám. 

Quả bóng Trung Quốc bị phát hiện và sau đó bị bắn hạ trên bầu trời Montana vừa rồi tham gia vào một nhiệm vụ rộng hơn nhằm thu thập các thông tin về ba cơ sở đặt tên lửa hạt nhân của Mỹ. "Những hình ảnh về cơ sở này có thể sẽ rất hữu ích cho Trung Quốc, vì nước này cũng đang xây dựng những cơ sở cho tên lửa đạn đạo", chuyên gian Frank Ledwidge nhấn mạnh.

Căn cứ của các khinh khí cầu này cũng phản ánh các ưu tiên của chương trình giám sát trên không của Bắc Kinh. Chúng được cất giữ và thả đi từ Hải Nam, một tỉnh đảo phía nam Trung Quốc, các quan chức Hoa Kỳ cho biết.

"Đó là địa điểm lý tưởng để tiến hành các nhiệm vụ do thám tại Đông Nam Á, nơi mà Trung Quốc đang muốn áp đặt ảnh hưởng của họ", chuyên gia Ho Ting "Bosco" Hung khẳng định. Các mục tiêu chiến lược với Bắc Kinh như Đài Loan, Philippines, Việt Nam hay Úc đều nằm cách không xa bờ đảo Hải Nam.

Rất khó để đánh giá mức độ thất bại của Bắc Kinh trong việc Washington phát hiện ra chương trình khinh khí cầu do thám bí mật này. Nhưng chắc chắn nó có nguy cơ làm suy yếu một trong những trụ cột của chương trình do thám trên không của Trung Quốc. Frank Ledwidge nhận định : "Rõ ràng là vụ này sẽ thúc đẩy phương Tây để mắt nhiều hơn đến loại phương tiện gián điệp trên không này".

Có thể Trung Quốc sẽ buộc phải tạm ngừng hoạt động bóng thám không này một thời gian. "Tất cả phụ thuộc vào việc Hoa Kỳ sẽ biết được gì khi phân tích các mảnh vỡ của quả khí cầu bị bắn rơi", chuyên gia Ho Ting "Bosco" Hung nhận định. Nếu các thông tin thu thập được giúp Washington hiểu được cụ thể về cách thức gián điệp Trung Quốc thu thập và truyền dữ liệu, Bắc Kinh sẽ phải xem lại các phương pháp để thích ứng với hoàn cảnh mới.

Trong kịch bản đó, toàn bộ chương trình do thám có thể bị ảnh hưởng, vì bóng thám không là một phần trong của chương trình do thám. Sau đó, sẽ cần phải xác định lại nhiệm vụ của các vệ tinh và gián điệp mạng. Một công việc có thể làm chậm lại các hoạt động gián điệp của Trung Quốc.

Hành trình của quả khí cầu cũng thể hiện thành công về mặt hình ảnh đối với các gián điệp Trung Quốc. Frank Ledwidge nhận định rằng họ đã thể hiện "sự sáng tạo của mình bằng cách kết hợp một phương pháp cũ với các công nghệ giám sát hiện đại". Đối với Washington thì đó là chiến dịch tồi tệ " bởi vì một khinh khí cầu đơn giản có thể tiếp cận một trong những địa điểm quân sự nhạy cảm nhất của họ và Mỹ gặp khó khăn để có cách phản ứng với mối đe dọa này", chuyên gia này nói thêm.

Như thế cũng đủ để gợi ý cho các quốc gia khác ? Ho Ting "Bosco" Hung ước tính, một trong những hậu quả của câu chuyện này có thể là các quốc gia "cũng quyết định bổ sung các khinh khí cầu do thám được tăng cường công nghệ trí tuệ nhân tạo hiện đại để cải thiện chất lượng hình ảnh".

(Theo france24.com)

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 16/02/2023

************************

Bắc Kinh dọa trả đũa Mỹ về vụ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc

Thùy Dương, RFI, 16/02/2023

Trong cuộc họp thường nhật, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 16/02/2023 cho biết Bắc Kinh sẽ tiến hành những biện pháp trả đủa các thực thể của Mỹ có liên quan đến vụ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển phía đông nước Mỹ, vì vụ này đã "làm suy yếu chủ quyền và an ninh của Trung Quốc".

ballon2

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13/02/2023. AP - Liu Zheng

Theo hãng tin AP, ông Uông Văn Bân nhấn mạnh Trung Quốc sẽ "kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, các quyền hợp pháp và các lợi ích của mình", nhưng không cho biết chi tiết về các biện pháp đáp trả. Cũng trong cuộc họp báo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định các khinh khí cầu của Mỹ đã bay qua vùng trời Tân Cương, Tây Tạng và một số tỉnh khác ít nhất 10 lần.

Mặc dù Trung Quốc phủ nhận khinh khí cầu là của quân đội, nhưng họ vẫn chưa nói cơ quan chính phủ hay công ty nào phải chịu trách nhiệm về vụ khinh khí cầu xâm phạm không phận Mỹ. Trong khi đó, theo Reuters, một quan chức Mỹ ẩn danh hôm 15/02 cho biết khinh khí cầu Trung Quốc ban đầu bay về hướng đảo Guam và Hawaii, nhưng gió đã làm chệch hướng bay.

Trong khi đó Tokyo dự định xem xét lại quy trình xử lý khi có các vật thể bay xâm nhập trái phép vào không phận Nhật Bản. Hãng tin Kyodo nhắc lại là hiện giờ vũ khí chỉ được sử dụng để bắn hạ nếu các vật thể bay bị xem là một mối đe dọa trực tiếp và ngay tức thời.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Thùy Dương
Read 231 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)