Điều trần tại tân Ủy ban Hạ viện Mỹ chuyên về Trung Quốc
Reuters, VOA, 01/03/2023
Ứng phó với Đảng cộng sản Trung Quốc là ‘cuộc đấu tranh sinh tồn’
Một ủy ban chuyên trách mới của quốc hội Hoa Kỳ về cạnh tranh với Trung Quốc vừa tổ chức phiên điều trần đầu tiên tập trung vào nhân quyền hôm 28/2, trong bối cảnh quan hệ song phương căng thẳng nhiều tuần sau khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua Bắc Mỹ bị bắn hạ, theo Reuters.
Dân biểu đảng Cộng hòa Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Chuyên trách của Hạ viện ứng phó với Đảng cộng sản Trung Quốc, phát biểu khai mạc phiên điều trần : "Đây không phải là một trận đấu quần vợt giao hữu. Đây là một cuộc đấu tranh sinh tồn về cuộc sống sẽ như thế nào trong thế kỷ 21 - và những quyền tự do cơ bản nhất đang bị đe dọa".
Các nhà lãnh đạo của ủy ban xem phiên điều trần này, phiên điều trần đầu tiên trong số những phiên dự kiến sẽ diễn ra trong hai năm tới khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện, như một phần trong nỗ lực thuyết phục người dân Mỹ tại sao họ nên quan tâm đến việc cạnh tranh với Trung Quốc và "tách rời một cách chọn lọc" nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Dân biểu Raja Krishnamoorthi, thủ lãnh phái Dân chủ trong ủy ban, phát biểu : "Trong ba thập kỷ qua, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều đánh giá chưa đúng mức về Đảng cộng sản Trung Quốc, và cho rằng thương mại và đầu tư chắc chắn sẽ phát triển dân chủ và an ninh hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương... Thay vào đó, điều ngược lại đã diễn ra".
Ngoài ra, các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc cũng tham dự phiên điều trần. Trong vài ngày qua, Dân biểu Gallagher và các ủy viên khác đã tổ chức một số sự kiện để thu hút sự chú ý đến các vấn đề nhân quyền, bao gồm một cuộc tập họp hôm thứ Bảy (25/2) bên ngoài nơi mà các quan chức Hoa Kỳ gọi là "đồn công an" bất hợp pháp của Đảng cộng sản Trung Quốc ở New York.
Ông Gallagher đã gửi một văn thư cho Cục Điều tra Liên bang (FBI) vào tuần trước để tìm kiếm thông tin về các đồn công an như bị cáo buộc.
Trung Quốc phủ nhận đặt các "đồn công an" trên đất Mỹ
Phiên điều trần hôm 28/2 có bốn nhân chứng, bao gồm ông H.R. McMaster, một trung tướng quân đội đã nghỉ hưu, từng là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump, và ông Matt Pottinger, một người bảo thủ chống Trung Quốc lâu năm, từng là phó cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump.
Ông McMaster cho biết Hoa Kỳ phải ưu tiên đẩy nhanh việc chuyển giao hàng tỷ đôla vũ khí và đạn dược mà Đài Loan đã mua. "Như chúng ta có thể đã học được từ kinh nghiệm của Ukraine, việc ngăn chặn một cuộc chiến rẻ hơn nhiều so với chiến tranh", ông McMaster nói trong cuộc điều trần.
Đồng tình với những lo ngại ngày càng tăng của Hoa Kỳ về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với công nghệ, ông Pottinger cho biết chính phủ Hoa Kỳ nên hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ bị cấm ở Trung Quốc và tìm cách để người dân ở Trung Quốc vượt qua sự kiểm duyệt Internet nghiêm ngặt của nhà nước Trung Quốc.
"Tôi nghĩ quý vị có thể xuyên thủng Vạn lý Hoả thành của Trung Quốc", ông Pottinger nói.
Trong phần điều trần, ông Pottinger viết rằng ủy ban này phải bảo vệ quyền của người Mỹ gốc Hoa bằng cách "đứng lên chống lại sự cố chấp và phân biệt đối xử tại đất nước này".
Ông Pottinger nói : "Đồng thời, hãy bảo vệ công dân Trung Quốc đang học tập và làm việc tại Hoa Kỳ để họ có thể tận hưởng các quyền tự do giúp phân biệt rõ ràng lối sống của người Mỹ với bầu không khí ngày càng ngột ngạt ở Trung Quốc ngày nay".
Mặc dù là ủy ban lưỡng đảng, nhưng một số nhà lập pháp Dân chủ đã lên tiếng lo ngại rằng nó có thể thúc đẩy tâm lý bài người gốc Á ở Hoa Kỳ. Trong bài phát biểu, ông Krishnamoorthi đề cập đến những mối quan ngại như vậy, và sự cần thiết của chế độ lưỡng đảng.
Tại phiên điều trần còn có bà Tong Yi, một nhà bất đồng chính kiến đã bị bỏ tù ở Trung Quốc hơn hai năm, và ông Scott Paul, chủ tịch của Liên minh Sản xuất Hoa Kỳ (Alliance for American Manufacturing).
Bà Tong, nay đã nhập quốc tịch Mỹ, kể lại thời gian của bà trong trại lao động Trung Quốc sau khi bà bị kết tội gây rối trật tự xã hội vì có quan hệ với các nhà hoạt động dân chủ vào những năm 1990.
Ông Paul kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào sản xuất của Trung Quốc.
Mong muốn có một đường lối cứng rắn trong giao dịch với Bắc Kinh là một trong số ít quan điểm lưỡng đảng thực sự trong Quốc hội bị chia rẽ sâu sắc của Hoa Kỳ, với cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden đều kêu gọi tăng cường nỗ lực chống lại ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.
Gần đây, căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đặc biệt tăng cao trước việc Bắc Kinh có những hành động quân sự ngày càng hung hăng đối với Đài Loan, những tin nói Trung Quốc có thể đang hỗ trợ cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, và việc Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu Trung Quốc bị nghi do thám lãnh thổ Hoa Kỳ vào ngày 4/2.
Bắc Kinh phủ nhận khinh khí cầu là tàu do thám của chính phủ.
Ủy ban chuyên trách này có 13 thành viên Đảng Cộng hòa và 11 thành viên Đảng Dân chủ. Ủy ban sẽ không soạn thảo luật, nhưng sẽ thu hút sự chú ý đến sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên nhiều mặt và đưa ra các khuyến nghị chính sách.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 01/03/2023
*************************
Thấy gì từ việc Hạ viện Mỹ lập ủy ban đối phó Đảng cộng sản Trung Quốc ?
Giới chuyên gia về quan hệ quốc tế và người Việt tại Mỹ nói với VOA rằng việc Hạ viện Hoa Kỳ vừa thông qua một dự luật lưỡng đảng với đa số đồng thuận để thành lập một ủy ban chuyên trách nhằm ứng phó với Đảng cộng sản Trung Quốc báo hiệu một xu thế đối đầu mới ngày càng khốc liệt giữa Washington và Bắc Kinh, và Đảng cộng sản Việt Nam – "người đồng chí láng giềng" của Đảng cộng sản Trung Quốc, cũng sẽ không khỏi bận tâm về động thái mới này.
Hạ viện mới do đảng Cộng hòa chiếm đa số hôm 10/1 bỏ phiếu áp đảo để thành lập một ủy ban chuyên trách với tỷ lệ 365/65 ủng hộ. Nghị quyết thông qua việc thành lập ủy ban có tên đầy đủ "Ủy ban Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Đảng cộng sản Trung Quốc".
Ủy ban mới này sẽ giải quyết hàng loạt các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, từ thương mại, quốc phòng, đến chính sách đối ngoại, công nghệ và cả nhân quyền.
Sức mạnh lưỡng đảng ứng phó với Bắc Kinh
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Hoàng Việt, chuyên gia luật quốc tế và an ninh khu vực, nêu nhận định với VOA :
"Ở đây cho thấy rằng cả lưỡng đảng – đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa – đều thống nhất với nhau về việc đặt Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất.
"Gần đây Bộ Ngoại giao Mỹ đã lập ban chuyên trách Trung Quốc gọi là China House. Đến bây giờ Hạ viện lại cho thêm một ủy ban chuyên trách về Trung Quốc. Điều này cho thấy Mỹ có một sự tập trung rất lớn và sự thống nhất cao từ Chính quyền cho tới Quốc hội mà lưỡng đảng đều thống nhất việc này.
"Điều này báo hiệu trong thời gian sắp tới mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có nhiều căng thẳng và sự căng thẳng này sẽ khó mà giảm bớt được".
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden, giống như chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump, đã chỉ ra rằng Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài đáng kể nhất đối với an ninh của Hoa Kỳ.
Ông Lý Phong, cựu cố vấn cấp cao của cựu Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal ở bang California, nêu nhận định với VOA :
"Trong hai năm qua, chính quyền Tổng thống Biden đã có nhiều chính sách cứng rắn nhắm vào Trung Quốc từ kinh tế cho đến Biển Đông, Đài Loan, Tân Cương, v.v., vì vậy, nếu ủy ban mới này của Hạ Viện thực sự làm việc theo tinh thần lưỡng đảng thì những dự luật sẽ được đưa ra và nếu có sự chấp thuận của Thượng Viện, sẽ giúp chính quyền Tổng thống Biden có thêm công cụ để đối phó với các chính sách của Đảng cộng sản Trung Quốc".
Đảng cộng sản Trung Quốc là mục tiêu
Cũng từ California, Tiến sĩ Lê Minh Nguyên, một chuyên gia về Trung Quốc, chia sẻ nhận định của ông về tên gọi của ủy ban mới này :
"Họ dùng tên là Ủy ban Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Đảng cộng sản Trung Quốc, chứ không phải là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chúng ta để ý thì thấy một sự khác biệt rõ ràng : Hoa Kỳ xác nhận rằng toàn dân Trung Quốc không phải là kẻ thù của Hoa Kỳ, mà chính là Đảng cộng sản Trung Quốc, là kẻ đang cai trị tại Trung Quốc, là mối đe dọa cho người dân Trung Quốc, cũng như cho hòa bình thế giới".
Ủy ban chuyên trách Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Đảng cộng sản Trung Quốc, do Dân biểu Mike Gallagher làm chủ tịch, sẽ tập trung vào sự trỗi dậy về kinh tế, công nghệ và an ninh của Đảng cộng sản Trung Quốc cũng như sự cạnh tranh chiến lược giữa Bắc Kinh và Washington.
Ông Gallagher nói với trang Politico trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước rằng sau khi được thành lập, ủy ban Trung Quốc này sẽ nhằm mục đích cân bằng giữa sự tập trung vào sự sẵn sàng quân sự ngắn hạn ở Đông Á với sự cạnh tranh kinh tế dài hạn do Trung Quốc gây ra.
Ông nói : "Chúng tôi sẽ tìm kiếm một mục tiêu lớn. Những việc trước mắt chúng ta cần làm để ngăn chặn Thế chiến III bùng nổ ở Đài Loan là gì ? Và kế đó, đâu là những khoản đầu tư dài hạn mà chúng ta cần thực hiện để giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới này với Đảng cộng sản Trung Quốc".
Ủy ban này sẽ bao gồm 7 thành viên đảng Cộng hòa và 5 thành viên đảng Dân chủ - có thẩm quyền tổ chức các phiên điều trần công khai, theo trang The Hill.
"Tôi đã nghe các đồng nghiệp của mình ở cả hai đảng nói rằng mối đe dọa do Đảng cộng sản Trung Quốc gây ra là rất nghiêm trọng. Tôi hoàn toàn đồng ý", Dân biểu Kevin McCarthy, Chủ tịch Hạ viện, phát biểu trong cuộc thảo luận tại Hạ viện hôm 10/1. "Đây là một vấn đề vượt qua các đảng phái chính trị. Và việc thành lập một ủy ban chuyên trách về Trung Quốc này là con đường tốt nhất của chúng tôi để giải quyết vấn đề này", trang The Hill dẫn lời ông McCarthy nói.
Đảng cộng sản Việt Nam có dè chừng ?
Ông Lê Minh Nguyên phân tích về mối quan hệ khắng khích giữa hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam mà theo ông giới lãnh đạo Hà Nội không thể không bận tâm về sự sự ra đời của ủy ban chống Đảng cộng sản Trung Quốc ở Hạ viện Mỹ.
"Một cách thực tế mà ai cũng thấy là Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cộng sản đàn em của Đảng cộng sản Trung Quốc. Trong khi Việt Nam vì vấn đề Biển Đông mà muốn nhờ Hoa Kỳ để kìm chế Trung Quốc, nhưng để bảo vệ chế độ thì họ vẫn một mực vẫn trung kiên với bên Trung Quốc.
"Hai đảng Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam kết hợp chặt chẽ, chống lưng cho nhau. Với việc ủy ban này cạnh tranh với Đảng cộng sản Trung Quốc thì dĩ nhiên Đảng cộng sản Việt Nam phải chú ý trong vấn đề này và phải trông chừng lại thái độ của Hoa Kỳ".
Truyền thông Việt Nam dường như loan tin một cách thận trọng về việc thành lập ủy ban này với việc không dùng tên gọi ủy ban một cách chính xác. Thông Tấn Xã Việt Nam viết : "Với tỷ lệ 365 phiếu thuận và 65 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 10/1/2023 đã thông qua nghị quyết thành lập "Ủy ban đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc".
Với việc Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trở thành vị khách nước ngoài đầu tiên thăm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11/2022 ngay sau khi ông Tập đắc cử nhiệm kỳ 3, càng làm sâu sắc thêm "bầu không khí tôn trọng lẫn nhau mang hàm ý chiến lược" khi mà ông Tập nói với ông Trọng rằng Việt Nam, Trung Quốc và hai đảng cộng sản cầm quyền của hai nước nên đứng vững trước sự can thiệp của nước ngoài (hàm ý nói Hoa Kỳ).
Người Việt tại Mỹ ủng hộ
Ông Nhất Nguyên ở Houston, Texas, bày tỏ sự đồng tình với việc ra đời ủy ban cạnh tranh với Đảng cộng sản Trung Quốc :
"Tôi rất đồng tình và hoan nghênh vấn đề này, trước mắt nó gióng lên một tiếng chuông cảnh báo cho toàn thể người dân Hoa Kỳ về sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Vấn đề Trung Quốc ảnh hưởng đến rất nhiều người… Sự ảnh hưởng của Đảng cộng sản Trung Quốc làm cho đất nước chúng ta suy yếu.
"Về mặt kinh tế, ủy ban này giúp đề xuất các chính sách đưa công ăn việc làm từ Trung Quốc về lại Mỹ. Điều này đem lại kinh tế cho Hoa Kỳ mạnh hơn nên chúng tôi đồng tình và ủng hộ".
Theo các nhà lập pháp Mỹ, Ủy ban đặc biệt này sẽ giải quyết các vấn đề như đưa việc làm từ Trung Quốc trở lại Mỹ, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, đưa các chuỗi cung ứng trở lại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy phát biểu khi bỏ phiếu thành lập ủy ban : "Một trong những quan ngại lớn nhất về tương lai là chúng ta tụt hậu so với Trung Quốc Cộng sản". Ông nói thêm : "Chúng tôi đã dành nhiều thập kỷ để thông qua các chính sách chào đón Trung Quốc vào hệ thống toàn cầu. Đổi lại, Trung Quốc đã xuất khẩu sự áp bức, xâm lược, chủ nghĩa bài Mỹ".
Trước đó, ông McCarthy cho biết ông sẽ thành lập ủy ban "để vạch trần và đấu tranh chống lại các mối đe dọa về mạng, thương mại và quân sự của Đảng cộng sản Trung Quốc đối với Hoa Kỳ".
Dân biểu Mike Gallagher, Chủ tịch ủy ban Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Đảng cộng sản Trung Quốc có 16 thành viên, cho biết chương trình nghị sự của ủy ban này bao gồm xem xét các cách tăng cường vị thế quân sự của Hoa Kỳ, chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng, hạn chế hành vi trộm cắp sản phẩm trí tuệ của Hoa Kỳ và nêu bật các vi phạm của chế độc tài Bắc Kinh.
"Đã đến lúc phải hiểu tính cấp bách của mối đe dọa. Đã đến lúc giành lại sự độc lập về kinh tế của chúng ta trong các lĩnh vực quan trọng", ông Gallagher nói. "Ủy ban chuyên trách này sẽ vạch trần chiến lược phối hợp toàn xã hội của [Đảng cộng sản Trung Quốc] nhằm làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ và chủ quyền của Mỹ trong khi làm việc trên cơ sở lưỡng đảng...".
Tuy nhiên, một liên minh gồm các nhà lập pháp cấp tiến, bao gồm Dân biểu Grace Meng (bang New York), Jerry Nadler (bang New York) và Pramila Jayapal (bang Washington), bỏ phiếu chống lại việc thành lập ủy ban chuyên trách này vì lo ngại rằng những những quan điểm của đảng Cộng hòa dẫn đến sự gia tăng sự thù hận bài người Châu Á trong những năm gần đây, họ cho biết trong một tuyên bố cũng thúc giục ủy ban này đảm bảo "những tiếng nói ủng hộ ngoại giao và người Mỹ gốc Á mạnh mẽ được phản ánh rõ ràng" trong ủy ban mới.
Ngoài ra, một số dân biểu đảng Dân chủ bày tỏ lo ngại rằng ủy bản mới này có thể hướng tới một "Cuộc chiến tranh Lạnh mới".
Dân biểu Jayapal cho biết trong một tuyên bố : "Ủy ban này không nên hướng đến việc chiến thắng trong "Chiến tranh Lạnh mới" như Chủ tịch Ủy ban được chỉ định đã tuyên bố trước đây. Nước Mỹ có thể và phải hướng tới các mục tiêu cạnh tranh kinh tế và chiến lược mà không có "Chiến tranh Lạnh mới" và không có sự đàn áp, phân biệt đối xử, hận thù, sợ hãi, thoái hóa thể chế chính trị của chúng ta và vi phạm các quyền công dân mà một "Chiến tranh Lạnh" như vậy có thể sẽ gây ra.
Lên tiếng trước việc ủy ban mới này được thành lập, Bắc Kinh hôm 11/1 kêu gọi tôn trọng lẫn nhau, theo Reuters.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh: "Chúng tôi hy vọng rằng những người ở phía Hoa Kỳ sẽ nhìn nhận Trung Quốc và quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc một cách khách quan và hợp lý, hành động vì lợi ích của chính Hoa Kỳ và lợi ích chung với Trung Quốc, thu hẹp bất đồng và thúc đẩy quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, hòa bình cùng tồn tại và hợp tác cùng có lợi giữa hai nước".
Trang Thời báo Hoàn cầu của Đảng cộng sản Trung Quốc hôm 12/1 dẫn lời các nhà bình luận bênh vực đảng này cảnh báo rằng chính quyền Trung Quốc nên "cảnh giác với chủ nghĩa phiêu lưu hung hăng hơn và hành vi phá hoại Trung Quốc của các chính trị gia Hoa Kỳ".
Trang này viết : "Ủy ban này có thể được ban cho khả năng nâng cao tiếng nói của dư luận chống Trung Quốc, và thậm chí có thể cử các thành viên của mình đến thăm Đài Loan để khiêu khích, và âm mưu với các lực lượng bí mật tham gia lật đổ chính phủ Trung Quốc để phá hoại hệ thống chính trị Trung Quốc".
(Reuters)
Nguồn : VOA, 12/01/2023