Mối nguy hiểm mang tên TikTok
Mạng xã hội TikTok và tình hình tại Ukraine là những chủ đề chính được các tờ báo Pháp quan tâm hôm 02/03/2023.
Logo của mạng Tik Tok trên điện thoại, bên cạnh logo của ByteDance, tập đoàn Trung Quốc là chủ nhân của mạng này. Ảnh chụp ngày 27/11/2019. Reuters - Dado Ruvic
Nhật báo thiên tả Libération dành trang nhất và bài xã luận nói về mối nguy tiềm tàng của mạng xã hội TikTok. Vụ TikTok thoạt nhìn có vẻ không có gì đặc biệt. Suy cho cùng, rất nhiều người sử dụng mạng xã hội hàng ngày, trong cuộc sống riêng tư và trong công việc của mình, và đăng tải rất nhiều dữ liệu cá nhân lên mạng. Hãy nhớ lại vụ bê bối của Cambridge Analytica, công ty đã ăn cắp một phần dữ liệu người dùng Facebook vào năm 2014 để phục vụ cuộc bầu cử của Donald Trump hai năm sau đó. Hay những "trò chơi nguy hiểm" của Elon Musk trên Twitter.
Phân tích kỹ hơn, vụ TikTok khiến cho nhiều nước lo lắng như vậy phản ánh sự nguội lạnh giữa Trung Quốc và các nước phương Tây. Thậm chí trong thời gian gần đây, quan hệ giữa hai bên đang trở nên cực kỳ căng thẳng hay thậm chí gần như là Chiến Tranh Lạnh. Trong vài tuần qua, mọi người đã chứng kiến vụ Trung Quốc thả khinh khí cầu bay qua lãnh thổ Hoa Kỳ dẫn tới việc chuyến thăm quan trọng tới Bắc Kinh của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bị hủy bỏ, khiến chính quyền Trung Quốc rất khó chịu.
Sau đó, tin đồn về việc quan hệ Trung-Nga tăng cường có thể đi xa đến mức Bắc Kinh chuyển giao vũ khí cho Moskva, một thảm họa đối với Ukraine. Và giờ đây, TikTok bị coi là Hoa Vi (Huawei), tập đoàn viễn thông Trung Quốc bị cáo buộc cung cấp cho chính quyền Bắc Kinh vô số những thông tin thu thập được ở phương Tây.
Do vậy, đây thực sự là một mối đe dọa và cảnh báo từ Nghị Viện Châu Âu không hề thái quá, nhất là đối với những thanh thiếu niên có xu hướng suốt đời chỉ biết có TikTok. Bản thân Emmanuel Macron, người đã sử dụng rộng rãi mạng xã hội này để tương tác với những thanh niên trẻ tuổi, cũng lo lắng về sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với TikTok. Giờ đây, tổng thống Pháp sẽ phải làm gương cho 4 triệu người theo dõi trên TikTok.
Nội dung "nguy hiểm" của TikTok
Vẫn về chủ đề TikTok, nhật báo công giáo La Croix dành trang nhất và bài xã luận để nói về những nội dung "nguy hiểm" được đăng trên mạng xã hội. Sau khi Hoa Kỳ xem xét cấm hoàn toàn ứng dụng để bảo đảm "an ninh quốc gia", Ủy Ban Châu Âu và sau đó là Nghị Viện Châu Âu yêu cầu tất cả nhân viên xóa TikTok khỏi các thiết bị công vụ để bảo mật dữ liệu, đây không phải là mối đe dọa duy nhất do mạng xã hội này gây ra.
Cơ quan An toàn Dược phẩm Quốc gia (ANSM) vừa cảnh báo mọi người không lạm dụng thuốc điều trị tiểu đường Ozempic để giảm cân. Ozempic được quảng bá trên TikTok bởi những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội và các video về loại thuốc này đã được hơn 500 triệu lượt xem. Ngoài việc có thể gây thiếu hụt thuốc trên thị trường do nhu cầu người dùng quá cao, ANSM còn chỉ ra những tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng thuốc không đúng cách.
Những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội dường như không biết gì về "bê bối Mediator", vụ việc hiện đang được xét xử tại tòa phúc thẩm Paris. Loại thuốc điều trị tiểu đường này được kê đơn rộng rãi như một loại thuốc "chống đói" cho đến năm 2009, và đây là nguồn gốc của vụ bê bối dược phẩm lớn nhất Pháp cho đến nay, gây ra cái chết của hàng ngàn người và gây ra nhiều di chứng tàn tật cho những người khác. Do vậy, quảng bá Ozempic để thuyết phục các thiếu nữ trẻ giảm cân nhanh có thể là một hành động vô ý thức, và là tội ác.
Thanh niên Đài Loan sang chiến đấu ở Ukraine
Về tình hình tại Ukraine, Libération có bài viết nói về phong trào thanh niên Đài Loan sang Ukraine chiến đấu với binh sĩ nước này chống lại điện Kremlin. Kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, đã có hàng chục người Đài Loan quyết định sang Ukraine để đánh Nga, như trường hợp của Jonathan Tseng, người đã tử trận ở tuổi 25 vào tháng 11 vừa qua. Đối với những tình nguyện quân này, tình hình ở Ukraine giống với tình hình ở Đài Loan, khi hòn đảo luôn bị Trung Quốc đe dọa xâm lược.
Trong một căn lều nhỏ ở gần đường sắt, mọi thứ không có gì thay đổi. Trên giá có treo bộ quân phục của Jonathan Tseng và những khẩu súng hơi nén vẫn còn đó. Ở giữa căn phòng, mẹ anh xúc động đến nỗi bà quên rằng sinh nhật của mình trùng với ngày bà trả lời phỏng vấn : "Bình thường nó sẽ gọi điện cho tôi. Nó tặng tôi một bông hoa hồng mỗi năm vì nó thấy tên của tôi nghe giống từ "rose" trong tiếng Anh". Vào tháng 11, Jonathan đã bỏ mạng ở mặt trận Ukraine, cách hòn đảo quê hương mình 8.000 km. Trước đó trong một đoạn video ngắn được quay ở mặt trận, Jonathan đã thẳng thắn giải thích lý do anh ra đi : "Tôi đến đây nhằm tích lũy kinh nghiệm để có thể bảo vệ Đài Loan, bởi Trung Quốc muốn xâm lược chúng tôi", Jonathan nói trong đoạn phim, tay cầm khẩu súng trường và chỉ vào một mảnh cờ Đài Loan được gắn trên quân phục.
Giống như nhiều thanh niên tại đây, Jonathan đã gia nhập hàng ngũ quân đội Đài Loan ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông. Trên các mạng xã hội, những bài đăng của Jonathan thể hiện anh là một thanh niên lo lắng về khả năng phòng vệ của Đài Loan trước sự hiện đại hóa nhanh chóng của Quân đội Trung Quốc và cho thấy anh là một thanh niên tự hào về bản sắc của hòn đảo. Sau 5 năm phục vụ trong quân đội, anh đã xuất ngũ hai tháng trước khi Nga xâm lược Ukraine. Mẹ Jonathan thuật tiếp : "Vào tháng 2, nó nói với tôi là muốn sang Ukraine. Tôi thấy thật khó hiểu, tôi nói với nó rằng chiến tranh xảy ra ở bên kia thế giới không liên quan gì tới nó. Nó cho tôi xem những hình ảnh về các cuộc oanh kích của Nga nhắm vào thường dân Ukraine. Sau này tôi mới hiểu rằng nó đang liên tưởng đến những gì có thể xảy ra với Đài Loan".
Ra đi mà không có sự chấp thuận của gia đình vào tháng 6, Jonathan gia nhập Binh đoàn Quốc tế Ukraine do tổng thống Zelensky thành lập. Sau một vài tuần huấn luyện, anh ấy nói với mẹ rằng muốn ra tiền tuyến "để học cách sử dụng các loại vũ khí vốn bị cấm ở Đài Loan" và để có thể "dạy cách sử dụng chúng cho binh lính Đài Loan khi trở về". Vào đầu tháng 11, Jonathan tử thương vì một quả đạn pháo của Nga. Anh là tình nguyện quân Châu Á đầu tiên chết ở Ukraine. "Không lâu trước khi qua đời, nó phấn khởi nói với tôi rằng những người bạn Ukraine đã hứa sẽ đến giúp chúng ta trong trường hợp Trung Quốc tiến hành xâm lược, nhưng nó phải giúp họ trước để ngăn chặn cuộc chiến khốc liệt này", mẹ Jonathan than thở.
Đề xuất hòa bình 12 điểm của Trung Quốc có lợi cho ai ?
Nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài phỏng vấn cựu đại sứ Pháp tại Nga Jean de Gliniasty với nhận định rằng đề xuất hòa bình 12 điểm của Trung Quốc là phản ứng mang tính bước ngoặt đầu tiên của Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh Ukraine. Bản thân đề xuất này vốn có lợi cho Nga, vì nó kêu gọi chấm dứt chiến sự (ngầm hiểu là ngừng chiến đấu tại các chiến tuyến hiện tại và Nga sẽ bảo toàn được 1/5 lãnh thổ đã chiếm được từ Ukraine trước khi bắt đầu tổ chức đàm phán), cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng kêu gọi tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, tự do xuất khẩu ngũ cốc, hay từ bỏ mọi mối đe dọa hạt nhân, tức là những yếu tố thuận lợi hơn cho Ukraine. Kiev bày tỏ sự hài lòng khi thấy Trung Quốc cố gắng làm trung gian, nhưng có giữ khoảng cách phần nào với quan điểm của Nga.
Kinh tế Trung Quốc phục hồi trở lại
Nhật báo kinh tế Les Echos dành trang nhất nói về đà phục hồi kinh tế tại Trung Quốc đang rõ hơn bao giờ hết, sau một năm 2022 bị khó khăn bởi chính sách "zero-Covid" khắc nghiệt. Dường như đà phục hồi cũng nhanh hơn dự đoán của các nhà kinh tế học.
Theo dữ liệu chính thức được công bố hôm 01/03, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đang ở mức 52,6 trong tháng 2 so với 50,1 một tháng trước đó. Đây là mức PMI hàng tháng cao nhất trong hơn một thập kỷ qua khi nhân viên tại các nhà máy sản xuất đã đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, hỗ trợ thêm cho sự phục hồi kinh tế vốn chủ yếu dựa vào ngành thương mại và dịch vụ bán lẻ.
Ông Triệu Thanh Hà, thuộc Cục Thống kê Quốc gia, cho biết : "Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi trong tháng 2 nhờ hoạt động kinh tế tăng trưởng và nhờ nối lại sản xuất khi tác động của làn sóng Covid đã giảm bớt. Các biện pháp ổn định tăng trưởng trong nước cũng bắt đầu có hiệu lực".
Sau nhiều tháng khủng hoảng, lĩnh vực bất động sản dường như cũng đang ổn định trở lại. Lần đầu tiên sau 20 tháng, doanh số bán nhà của 100 công ty bất động sản lớn nhất nước đã tăng 14,9% vào tháng 2, báo hiệu nhu cầu đang phục hồi sau quyết định của Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ cho lĩnh vực này, theo dữ liệu sơ bộ từ công ty thông tin bất động sản Trung Quốc
Trung Quốc bất ngờ quay lưng với chính sách "zero-Covid" vào đầu tháng 12, khiến làn sóng dịch bệnh bùng lên dữ dội. Trung Quốc qua được đỉnh dịch nhanh hơn dự kiến vào tháng 1, sự phục hồi kinh tế mà nhiều nhà quan sát kỳ vọng vào cuối quý 1 đã diễn ra sớm hơn. Sau khi GDP của Trung Quốc tăng ở mức 3% vào năm 2022, Bắc Kinh đã cam kết ưu tiên cho tăng trưởng trong năm nay, đặc biệt nhấn mạnh mức cầu trong nước chính là động lực phục hồi.
Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ trình bày chi tiết các mục tiêu kinh tế chính trong năm 2023 vào Chủ nhật tới 05/03, nhân dịp khai mạc kỳ họp quốc hội thường niên. Giới quan sát dự đoán Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% hoặc 5,5%.
Phan Minh