Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/03/2023

Điểm báo Pháp - Châu Âu rơi vào lạm phát

RFI tiếng Việt

Giá cả tăng, nguy cơ Châu Âu rơi vào "vòng xoáy lạm phát"

Trong khi giá năng lượng đã có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, lạm phát lại chưa có dấu hiệu suy giảm mà thậm chí, đã lan ra nhiều ngành trong nền kinh tế tại Châu Âu. Đây là chủ đề được nhiều báo Pháp số ra hôm 03/03, quan tâm.

lamphat1

Một người đàn ông tại cuộc biểu tình phản đối chi phí cuộc sống gia tăng ở Lisbon, Bồ Đào Nha, 25/02/2023. Reuters – Pedro Nunes

Trong bài "Trong khu vực đồng euro, xu hướng giảm lạm phát bị chặn lại", báo Les Echos cho biết vào tháng 2, giá thực phẩm đã tăng thêm 15%, giá cả trong ngành dịch vụ cũng tăng thêm 4,8% tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu. Trên thực tế, từ bốn tháng qua, tỷ lệ lạm phát trung bình tại Châu Âu đã có xu hướng giảm, từ 10,6% vào tháng 10/2022 xuống còn 8,5% vào tháng 02/2023. Tuy nhiên tỷ lệ lạm phát vào tháng Hai chỉ giảm 0,1% so với hồi tháng Giêng (8,6%). Điều này cho thấy Châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát (cơ bản) kéo dài, như nhận định của Le Figaro.

Theo nhật báo kinh tế Les Echos, đây là điều mà Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE) muốn tránh, bởi vì nếu tỷ lệ lạm phát ở mức cao trong thời gian dài, thì sớm hay muộn sẽ có những yêu cầu tăng lương mới, và tạo ra một vòng xoáy lạm phát (giá cả tăng-sức mua giảm- tăng lương- lợi nhuận doanh nghiệp giảm).

Vòng xoáy lạm phát 

Tỷ lệ lạm phát cao khiến các lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Châu Âu tin rằng việc tăng lãi suất là cần thiết và đã tăng lãi suất tiền gửi (taux de dépôt) lên 2,5%, ngay cả khi phải đối mặt với việc tăng trưởng bị bóp nghẹt. Vào mùa hè này, có khả năng lãi suất chỉ đạo của BCE sẽ lên đến 4%, trong khi cách nay vài tháng các nhà kinh tế không nghĩ rằng tỷ lệ này có thể vượt quá 3%. Rủi ro lớn nhất có thể xảy ra là không thể kiểm soát được vòng xoáy lạm phát.

Về chủ đề này Le Monde chạy tựa trang nhất "Giá thực phẩm tăng, một rủi ro khác về mặt xã hội". Chỉ vài ngày trước khi cuộc "đại biểu tình" diễn ra vào ngày 07/03 tới, điện Elysée quan ngại về giá thực phẩm tăng cao. Tại Pháp, tỷ lệ lạm phát lên đến 6,2% vào tháng Hai, tăng thêm 0,2% so với tháng Giêng, trong đó lạm phát giá thực phẩm lên đến 14,5%. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Tư đã nhắc đến chủ đề này trong cuộc họp Hội đồng bộ trưởng, ông Macron kêu gọi các nhà bán lẻ lớn cố gắng làm hết sức có thể để đối phó với lạm phát. Le Monde trích dẫn nhận định của nghị sĩ đảng Hồi Sinh (Renaissance) Jean-Philippe Tanguy, chỉ trích chính phủ không có giải pháp cụ thể mà trông chờ vào "lòng tử tế của các doanh nghiệp thực phẩm đa quốc gia". Chủ tịch của đảng Hồi Sinh Guillaume Kasbarian cho rằng muốn lạm phát giảm thì phải giảm chi phí sản xuất cũng như giá năng lượng.

Trong một bài đăng khác cùng hồ sơ, Le Monde cho biết tỷ lệ lạm phát giá thực phẩm có thể lên đến đỉnh điểm vào mùa xuân này. Các nhà sản xuất muốn tăng giá sản phẩm lên khoảng 10% do chi phí sản xuất tăng cao, từ năng lượng, vận chuyển, cho đến nguyên liệu thô. Hiện các nhà sản xuất và nhà phân phối vẫn đang đàm phán căng thẳng.

Thụy Sĩ trung lập hay "hèn nhát" 

Về chiến tranh Ukraine, nếu như Les Echos đề cập đến cuộc họp của khối G20 tại New Delhi, Ấn Độ, một lần nữa bị bao trùm bởi không khí chiến tranh, thì Le Monde quan tâm đến lập trường của Thụy Sĩ, vốn là nước giữ thái độ trung lập từ nhiều năm qua. Với cuộc xâm lăng Ukraine của Nga, Thụy Sĩ đã đi theo các nước Liên Âu, áp dụng các trừng phạt Moskva, nhưng điều này là chưa đủ để thể hiện rõ lập trường. Theo Le Monde, trong khi các nước được biết đến là trung lập như Phần Lan và Thụy Điển cũng đã lần lượt bày tỏ muốn gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương thì thái độ trung lập của Thụy Sĩ lại được xem như là "hèn nhát hay tệ hơn là thỏa hiệp". Các nước láng giềng Châu Âu đã khó chịu khi Thụy Sĩ cấm các nước đã mua vũ khí của mình, chuyển giao chúng cho quân đội Ukraine chống lại Nga.

Lính Ukraine xâm nhập vào lãnh thổ Nga

Le Figaro thì đề cập đến tố cáo của Nga về việc lính Ukraine xâm nhập vào lãnh thổ Nga, hôm thứ Năm, ở vùng Briansk, giáp ranh với Ukraine, mà điện Kremlin gọi đây là một cuộc tấn công khủng bố. Trong bài đăng có tựa "Moskva nhắm vào những kẻ Ukraine phá hoại", Le Figaro trích dẫn tường thuật của thống đốc vùng Alexandre Bogomaz, cho biết hôm thứ Năm, hàng chục người đàn ông có vũ trang, mà kẻ cầm đầu nói tiếng Ukraine, đã tiến vào làng Lyubeshane và Sushany, cách biên giới Ukraine vài trăm mét, nổ súng vào thường dân. Hai người được cho là đã thiệt mạng. Vào tối cùng ngày, Tổng cục an ninh Liên bang Nga cho biết đã đẩy lùi những kẻ "theo chủ nghĩa dân tộc" về phía Ukraine, họ bị một quả đạn pháo tấn công. Thông tin này được các phương tiện truyền thông chính thức của Nga đưa tin, đã tạo ra "một cơn chấn động thực sự trong các bí ẩn an ninh". Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi Nga phát hiện một drone ở Kolomna, cách Moskva khoảng 100 km. Le Figaro cho biết, chưa bao giờ một vụ xâm nhập drone được cho là của Ukraine lại tiến gần thủ đô đến vậy.

Tư tưởng thực dân trong chính phủ Israel 

Về thời sự quốc tế, Le Monde quan tâm đến tình hình tại Israel qua các cuộc biểu tình phản đối cải cách tư pháp vẫn tiếp diễn tại nước này, cũng như số phận của những người Hồi giáo Palestine. Đây cũng là chủ đề được Libération dành hồ sơ lớn, với bài đăng có tựa "Israel : quyền lực bị thực dân hóa". Một trong những nhân vật quyền lực trong chính phủ mới của thủ tướng Benjamin Netanyahu, là bộ trưởng tài chính Balazel Smotrich, một chính trị gia coi người Do Thái là thượng đẳng và có tầm nhìn ủng hộ "thực dân" cũng như có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc, "phục quốc". Điều đáng lo ngại là ông Smotrich vừa được bổ nhiệm là người chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động dân sự ở vùng Cisjordanie (West Bank). Với nhiệm vụ mới này, ông Smotrich sẽ mở ra "Cơ quan quản lý thuộc địa", hướng tới quyền bình đẳng và cải thiện các dịch vụ cho người Israel sống tại khu vực này. Chính quyền có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp phép xây dựng hay mở rộng đường và hợp pháp những khu tiền đồn vốn bất hợp pháp theo luật của Israel, nhưng trên hết là cơ quan này có thể ra lệnh phá huỷ các tòa nhà của người Palestine ở khu vực do Israel quản lý.

Ông Smotrich cũng nhiều lần có những phát ngôn gây sốc trước giới truyền thông, về mục tiêu loại bỏ càng nhiều người Palestine hơn nữa, như lời kêu gọi "san bằng ngôi làng Huwara" ở Cijordanie, nơi người Palestine sinh sống.

Số phận 'thuộc địa' của người Palestine trước tinh thần Do Thái thượng đẳng

Xã luận của Libération đánh giá rằng đây là một điều rất nghiêm trọng. Chính phủ của ông Netanyahu không chỉ đang cố gắng loại bỏ tiếng xấu về tham nhũng mà còn loại bỏ cả nền dân chủ. Libération giải thích một thuộc địa được tạo ra ở Israel như thế nào. Hầu hết các ngọn đồi ở Cisjordanie đều có một đỉnh bằng bê tông, và bị bao quanh bởi tường hoặc dây thép gai, nhô cao hơn những ngôi làng của người Palestine trong khu vực này. Những gia đình di cư (colon) đầu tiên đã cắm cờ Israel ở đó và thành lập một cộng đồng nhỏ, xây trường học đường xá và có quân đội bảo vệ, ngay trên đất của người Palestine. Những người này thường là các gia đình có thu nhập thấp, đến khu vực này để tận dụng giá nhà miễn phí, hoặc là những kẻ cuồng tín, mang vũ khí đi quanh các khu vực có người Palestine và không ngần ngại gây hấn. Libération nhấn mạnh chính phủ mới của Israel, muốn tước quyền kiểm soát của Tòa Án Tối Cao, đã khiến những người Palestine bị đối xử như động vật và có nguy cơ bị tấn công bất cứ lúc nào. Xã luận Libération cho rằng đây không chỉ là mối nguy cho người Palestine mà cả người Israel.

Libération cho biết, việc quản lý Cisjordanie không còn do quân đội thực hiện mà do Cơ quan dân sự đã khiến một số tổ chức nhân quyền của Israel phản ứng, trong đó có Yesh Din, Hiệp hội Quyền công dân ở Israel và Phá vỡ sự im lặng : "Với thay đổi này, Israel thực hiện việc sáp nhập hợp pháp đối với Cijordanie". Nhật báo thiên tả kết luận rằng hiện khu vực này vẫn chưa bị thôn tính hoàn toàn, nhưng có lẽ đây là sự khởi đầu.

Hệ thống đường sắt lạc hậu của Hy Lạp

Vẫn về thời sự Châu Âu, Le Monde La Croix tiếp tục đưa tin về tai nạn tàu hỏa ở Hy Lạp, xảy ra hôm thứ Ba, 28/02, khiến 58 người thiệt mạng. Theo La Croix, một cuộc điều tra đã được mở ra, để tìm hiểu nguyên nhân xảy ra tại nạn, khiến hai con tàu đi ngược chiều có thể đâm vào nhau trên cùng một đường ray. Quản lý của nhà ga Larissa đã nhận lỗi sai phạm trong điều hướng và cho biết hệ thống an ninh không hoạt động. Ông đã bị bắt giữ và có nguy cơ phải đối mặt với 10 năm tù giam vì tội "giết người vì tắc trách". Hai người khác cũng bị liên can.

Le Monde cho biết, từ hệ thống đèn báo hiệu, đến các hệ thống kiểm soát an toàn, đều do ban quản lý nhà ga kiểm tra bằng tay, chứ không tự động. Quản lý của một nhà ga là người bật đèn xanh cho tàu đi qua. Hy Lạp là nước Châu Âu duy nhất vẫn chưa áp dụng công nghệ kiểm soát, giám sát an ninh đường sắt.

Báo chí Hy Lạp gọi đây là tai nạn đường sắt nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại Hy Lạp và đặt câu hỏi, liệu có phải đợi đến khi thảm kịch xảy ra rồi thì mới có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa đường sắt ở Hy Lạp ? Sau vụ việc, bộ trưởng giao thông nước này đã tuyên bố từ chức, đồng thời khẳng định rằng "hệ thống đường sắt của Hy Lạp không tương xứng với thế kỷ 21".

Nhìn lại nền dân chủ ở Đài Loan

Nhìn sang Châu Á, Le Figaro có bài "Tại Đài Loan, xã hội dân sự bảo đảm nền dân chủ". Một năm đánh dấu ngày chiến tranh Ukraine bùng nổ, là dịp để người dân Đài Loan tái khẳng định ủng hộ với cuộc chiến và nêu ra tầm quan trọng của nền dân chủ trước nguy cơ Trung Quốc. Hôm 28/02 vừa qua, Đài Loan đã tổ chức lễ tưởng niệm cuộc đàn áp dân chủ của quân đội Trung Quốc hay còn gọi là "cuộc thảm sát 28 tháng 2" xảy ra vào năm 1947 trên hòn đảo. Thời điểm đó, những người đòi quyền tự do, dân chủ, đã bị cho là những kẻ phản loạn và bị đàn áp một cách bạo lực. Chính những người này, ngày nay lại đang ở vị trí lãnh đạo của hòn đảo. Cuộc đàn áp năm 1947 cũng là thời điểm đánh dấu sự chia rẽ của cư dân Đài Loan, những người Đài bản địa và những người đến từ Hoa Lục.

Ai muốn làm công chức ở Pháp ?

Về thời sự nước Pháp, trang nhất báo Le Figaro đặt câu hỏi Tại sao người Pháp không muốn trở thành công chức ? Trên thực tế, từ 25 năm trở lại đây, số người đăng ký vào các cuộc thi tuyển công chức đã bị giảm đáng kể. Trở thành công chức không còn hấp dẫn giới trẻ bởi vì mức đãi ngộ thấp, không có nhiều thăng tiến trong sự nghiệp. Nhiều nơi gặp khó khăn trong tuyển dụng. Trong khi mà chính phủ chi hàng triệu ngân sách, 50 000 vị trí công chức vẫn còn trống. Theo nhật báo thiên hữu, giới trẻ ngày nay không còn bị thu hút bởi những công việc được bảo đảm có chỗ làm ở đó cả đời, mà thay vào đó chuyển việc và muốn có kinh nghiệm đa dạng cũng như chú trọng đến điều kiện làm việc.

Xã luận của Le Figaro chỉ ra rằng nếu như Pháp muốn đưa việc trở thành công chức được nhìn nhận tốt hơn và thu hút lao động, thì cần phải thay đổi chính sách đãi ngộ, giảm bớt số lượng công chức và tăng lương cũng như mở ra đường thăng tiến trong dịch vụ công.

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 198 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)