Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/03/2023

Điểm báo Pháp - "Nam bán cầu" quay lưng với phương Tây

RFI tiếng Việt

Chiến tranh Ukraine : Các nước "nam bán cầu" quay lưng với phương Tây

Chủ đề thời sự được các tờ báo lớn của Pháp ra hôm 06/03/2023 phản ánh khá tản mạn. Le Monde đề cập đến cuộc đối đầu giữa Pháp và Đức về lĩnh vực năng lượng nguyên tử và những bất đồng về quốc phòng. Libération Les Echos chú ý tới cuộc đọ sức giữa công đoàn và chính phủ Pháp về cải cách hưu trí vẫn tiếp tục căng thẳng.

nambancau1

Binh sĩ Ukraine bắn pháo Pion về phía quân đội Nga ở gần Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine ngày 16/12/2022. AP - Libkos

Về thời sự quốc tế, đề tài vẫn được các báo theo dõi là cuộc chiến tranh Ukraine. Một cuộc chiến tranh ngày càng làm phân hóa lập trường của các nước vẫn được gọi là những nước "Nam bán cầu" với phương Tây.

Trên mục bình luận thời sự, báo Le Monde có bài viết đáng chú ý đề cập đến "Cuộc xâm lược của Nga nhìn từ Châu Phi" của nhà báo Philippe Bernard.

Theo bài viết, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine được nhìn nhận khác nhau trên thế giới do các lợi ích kinh tế, ngoại giao mỗi nơi mỗi khác, bởi vấn đề địa chính trị hay sự lệ thuộc vào bên ngoài, bởi trải nghiệm lịch sử khác nhau ở mỗi nước. Xu thế này được khẳng định hôm 23/02 vừa rồi khi gần một nửa các nước Châu Phi tại Liên Hiệp Quốc từ chối bỏ phiếu kêu gọi Moskva chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine.

Tác giả đặt câu hỏi : làm sao mà những nước đã từng có thời gian dài sống dưới ách thực dân, trong đó có nhiều quốc gia phải trả giá bằng máu để được giải phóng, lại thể hiện sự đồng cảm vời một cường quốc có lịch sử đế quốc như nước Nga. Từ thời Sa Hoàng qua thời Liên Xô đến Vladimir Putin, đất nước này đã không ngừng đô hộ các nước láng giềng, từ Trung Á đến các quốc gia vùng Baltic, Kavkaz cho đến những "nền dân chủ nhân dân" Châu Âu.

Tác giả nhận thấy những luận điệu "chống đế quốc" của Moskva được nuôi dưỡng trước tiên bởi thái độ oán hận đã tích tụ trong thời thuộc địa. Không có gì ngạc nhiên khi các nước Châu Phi không coi các nước phương Tây là hình mẫu về luật pháp quốc tế, nhất là trong khu vực Sahel và Tây Phi, các nước vẫn đang sống trong hậu quả nặng nề của cuộc can thiệp quân sự 2011 tại Lybia. Cuộc xâm lược Irak năm 2003 là một minh chứng cho thấy những phát biểu về bảo vệ chủ quyền quốc gia chỉ là đạo đức giả.

Trong hoàn cảnh như vậy, Nga đã dấn thêm bước nữa về quân sự cũng như kinh tế, chiếm dần các vùng ảnh hưởng của phương Tây.

Cùng chung chủ đề trên, nhật báo Les Echos có bài : "Ukraine : Những cảm xúc có chọn lọc của thế giới". 

Theo bài báo, trong lần bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc mới đây hôm 23/02, và cũng là lần thứ 3 liên tiếp, các nước vẫn được gọi là thuộc "Nam bán cầu" đã không muốn đứng về bên nào trong cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, do vậy họ đã tự tách rời khỏi phương Tây. Thái độ đó có động cơ từ những oán thù liên quan đến quá khứ thuộc địa và vì thái độ thờ ơ của các nước phương Tây trước những nối đau khổ của các nước Nam bán cầu. Theo tác giả, đó là sự chuyển hướng thực sự đáng lo ngại cho các nước phương Tây.

Hạt nhân – Quốc phòng : Cặp Pháp-Đức lục đục

Liên quan đến thời sự Châu Âu, nhật báo Le Monde chú ý nhiều đến những bất hòa xuất hiện giữa Đức và Pháp, vẫn được cho là cặp đầu tàu của Liên Âu. Le Monde đề cập đến bất đồng về vấn đề năng lượng hạt nhân. Tờ báo cho hay, từ khi quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân, sau thảm họa Nhật Bản Fukushima năm 2011, nước Đức ngày càng tỏ rõ đối lập với Pháp trên vấn đề năng lượng nguyên tử. Những tháng gần đây, sự đối đầu đã chuyển biến theo hướng trực diện hơn. Berlin đã chặn nhiều dự luật lớn về vấn đề năng lượng hạt nhân ở Bruxelles. Trong khi Liên Âu chủ trương đoạn tuyệt với nhiên liệu hóa thạch, Paris nhắm tới phát triển trở lại hạt nhân, trong khi Berlin phản đối cho rằng chủ trương đó sẽ cản trở phát triển năng lượng tái tạo. Hai nước đang tìm cách tập hợp các đồng minh chuẩn bị cho cuộc thương lượng trong phiên họp hôm nay 06/03 tại Bruxelles.

Một bất đồng khác giữa hai nước liên quan đến quốc phòng của Châu Âu cũng được Le Monde đề cập đến trong bài : "Các dự án lá chắn chống tên lửa gây chia rẽ Châu Âu". Theo Le Monde, đây là một trong những chủ đề bất đồng lớn giữa Paris và Berlin kể từ đầu cuộc chiến tranh tại Ukraine. Bốn tháng sáu khi Đức thông báo (10/2022) phát động dự án lá chắn chống tên lửa chung cho Châu Âu có tên gọi European Sky Shiel (ESSI). Đến giờ đã có 17 quốc gia, trong đó 15 thành viên NATO tham gia sáng kiến của Berlin. Sáng kiến này không cùng quan điểm của Pháp về độc lập chiến lược của Châu Âu, chủ trương tự chủ xây dựng hệ thống phòng thủ bằng tiềm lực của Châu Âu. Vì thế, dự án của Berlin, chủ yếu mua trang bị hệ thống của Mỹ và bên ngoài, sẽ gây bất lợi cho một số hãng công nghiệp quân sự của Châu Âu. Dự án của Đức vẫn ở giai đoạn "ngỏ ý định" chưa cụ thể, nhưng các nước ở sườn đông của Châu Âu, như Estonia, Litva, Na Uy, Romania hay Phần Lan, do lo ngại trước cuộc chiến tranh Ukraine, đã ủng hộ nhiệt tình. Trong khi đó, Ba Lan, Tây ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Pháp không đồng ý tham gia dự án.

Trung Quốc tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng

Chuyển qua khu vực Châu Á, thời sự được quân tâm vẫn chủ yếu liên quan đến Trung Quốc. Nhật báo công giáo La Croix chú ý đến sự kiện, ngày 05/03, Quốc hội Trung Quốc mở phiên họp toàn thể tại Bắc Kinh. Chương trình nghị sự chính của Quốc hội là thông qua các chức chủ tịch nước cho ông Tập Cận Bình thêm 5 năm và tân thủ tướng cho ông Lý Cường. Đó là những việc chỉ mang tính hình thức, tất cả đã được quyết định trong Đại hội Đảng hồi cuối năm trước. Tuy nhiên, điều được giới quan sát quan tâm, theo La Croix, Quốc hội Trung Quốc sẽ thông qua các chính sách lớn như mục tiêu tăng trưởng kinh tế đất nước, đặc biệt là ngân sách quốc phòng, dự kiến tiếp tục tăng 7,2% so với năm trước. Như vậy, Trung Quốc sẽ chi khoảng 225 tỷ đô la cho quân sự, tức là một ngân sách lớn thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Hoa Kỳ.

Về sự kiện này, Les Echos ghi nhận qua bài viết : "Tăng trưởng và quốc phòng, chính quyền Trung Quốc thể hiện tham vọng".

Tờ báo nhận thấy : Bắc Kinh biết rõ là các căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ và đồng minh nước này sẽ không dịu xuống. Washington ép các nước như Nhật, Hàn Quốc, Hà Lan phải hạn chế nghiêm ngặt các buôn bán hàng điện tử cao cấp, bán dẫn với Bắc Kinh nhằm ngăn chặn chế độ chuyên quyền này phát triển công nghệ.

Quad lại cảnh cáo nhằm tới Bắc Kinh

Vẫn liên quan đến Trung Quốc, Les Echos có bài : "Các nước Bộ Tứ "Quad" gửi cảnh cáo mới đến Bắc Kinh".

Bài viết cho biết, bên lề hội nghị G20 tại New Delhi, hôm thứ Sáu (04/03), ngoại trưởng nhóm nước Bộ Tứ "Quad" gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã họp với nhau. Theo Les Echos, dù không nêu đích danh Trung Quốc trong thông cáo chung sau cuộc họp, nhưng nhóm nước này đã trực tiếp nhắm tới Bắc Kinh khi "bày tỏ lo ngại trước việc quân sự hóa vùng biển xung quanh Trung Quốc, sử dụng nguy hiểm các tàu tuần duyên và dân quân biển, cũng như trước những hành động nhằm gây rối loạn hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các nước khác".

Những ngôn từ như vậy rõ ràng là nhắm tới Trung Quốc, theo các chuyên gia phân tích được tờ báo trích dẫn. Tuy nhiên ngoại trưởng Mỹ, Anthony Blinken vãn nói là Quad không phải là một liên minh quân sự, mục tiêu của nhóm giới hạn trong các dự án cụ thể, như phân phối vac-xin chống Covid trong vùng. Ngoài Quad ra, điều khiến Bắc Kinh lo ngại, đó là việc tái tạo lại thành phần đối tác an ninh và các liên minh, mà chủ yếu để chống lại Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, tờ báo nhận định.

Thế giới đạt thỏa thuận bảo vệ vùng biển chung

Một sự kiện khác được các báo quan tâm phản ánh là thỏa thuận lịch sử về bảo vệ vùng biển xa bờ. Nhật báo thiên tả Libération loan tin, sau 15 năm đàm phán, hôm thứ Bảy 04/03, Liên Hiệp Quốc đã đạt một thỏa thuận trong tương lai về việc bảo vệ vùng biển nằm cách bờ đất liền 370 km, vẫn được coi là vùng biển quốc tế không thuộc quyền quản lý của các nước và đến nay vẫn chưa có ràng buộc pháp lý nào điều chỉnh các hoạt động. Cho dù thỏa thuận chưa được ký, nhưng dư luận đều cho rằng đây là một bước ngoặt trong việc bảo vệ hệ sinh thái, tài nguyên biển của một vùng chiếm tới 64% diện tích đại dương toàn cầu. Đây mới chỉ là thông qua thỏa thuận, công đoạn tiếp theo sẽ là các nước ký vào văn kiện, rồi tiếp đó từng nước phê chuẩn trước khi thỏa thuận có hiệu lực, từ nay đến đó sẽ còn phải mất nhiều năm nữa.

Pháp : Cải cách hưu trí, cuộc đọ sức thêm quyết liệt

Báo Les Echos chạy tựa chính trang nhất : "Cải cách hưu trí : Thử sức". Tờ báo cho biết, nội dung cải cách hưu trí của chính phủ Pháp đang được thảo luận tại Thượng Viện. Các công đoàn đang dồn tất cả lực lượng vào cuộc đấu với chính phủ. Ngày mai, 07/03, tám công đoàn kêu gọi ngày hành động thứ 6 để chống lại cuộc cải cách hưu trí của chính phủ. Mức độ căng thẳng tăng thêm một nấc khi lần huy động này, công đoàn quyết tâm "làm đình trệ cả nước Pháp" với kêu gọi biểu tình, đình công trong nhiều lĩnh vực. Dự kiến ngày mai sẽ là một ngày "thứ Ba đen tối" của giao thông công cộng, cũng như nhiều hệ thống hậu cần vận tải khác cũng bị phong tỏa. Phòng trào cuộc biểu tình đình công sẽ có khả năng kéo dài nhiều ngày tiếp theo.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ
Read 244 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)