Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/03/2023

Điểm báo Pháp - Anh - Pháp hâm nóng quan hệ song phương

RFI tiếng Việt

Thủ tướng Anh công du Pháp hâm nóng quan hệ song phương

Các tờ báo Pháp hôm 10/03/2023 đặc biệt quan tâm đến chuyến công du Paris của thủ tướng Anh Rishi Sunak. Libération dành trang nhất và bài xã luận nói về cuộc gặp giữa tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Rishi Sunak đánh dấu một bước tiến trong mối quan hệ giữa hai nước. 

anhphap1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp thủ tướng Anh Rishi Sunak tại điện Elysée, Paris, ngày 10/03/2023. AFP – Emmanuel Dunand

Đồng minh hay kẻ thù ? Hội nghị thượng đỉnh Pháp-Anh diễn ra tại Paris vào hôm nay là cuộc gặp song phương chính thức đầu tiên sau 5 năm, và dường như các bên đều tỏ vẻ lạc quan trước cuộc gặp này. Những ngày tháng căng thẳng với Boris Johnson đã qua đi, khoảng thời gian tồi tệ với Liz Truss, người đã không xác định được Pháp là bạn hay kẻ thù, cũng đã đi vào dĩ vãng. Giờ đây là thời kỳ của thủ tướng Rishi Sunak, lần thứ ba gặp tổng thống Emmanuel Macron, sau các hội nghị COP27 và G20. Hai nhà lãnh đạo có rất nhiều điểm tương đồng, họ còn khá trẻ và cả hai đều từng làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và là cựu bộ trưởng Kinh tế hoặc Tài chính. 

Nhật báo thiên tả nhận định rằng chủ đề gây tranh cãi giữa hai nước giờ đây không còn là sự sụp đổ kinh tế thời hậu Brexit, mà là việc Anh Quốc muốn Pháp tăng cường nỗ lực kiểm soát dòng người di cư muốn tràn vào Anh, một chủ đề mà đa số người dân Pháp tỏ vẻ thờ ơ, nhưng đó lại là mối bận tâm chính ở bên kia biển Manche. Ông Sunak thực sự có ít quân cờ trong tay, thủ tướng Anh biết rằng tổng thống Macron không thể chấp nhận việc Luân Đôn đẩy lùi di dân quay ngược về Pháp, do đó ông chỉ có thể thuyết phục Pháp đưa ra những biện pháp giám sát bờ biển ở quy mô lớn hơn và tốn kém hơn cho cả hai nước.

Tuy nhiên, mọi người vẫn mong đợi hai bên sẽ ra một thông cáo chung đầy thiện chí, ít nhất là về mặt ngoại giao. Mặc dù đây không phải là một bước đột phá trong quan hệ song phương, nhưng điều này chắc chắn khả quan hơn so với các cuộc đối thoại căng thẳng giữa hai bên trong những năm gần đây. Và từ ngày 26 đến 29/03, đích thân nhà vua Charles III sẽ thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Pháp kể từ khi lên ngôi. Mặc dù quan hệ giữa hai nước chưa phải thực sự thân tình, nhưng Paris và Luân Đôn đã xích lại gần nhau hơn kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine vào tháng 02/2022. Chính vào những lúc khó khăn như thế này, người ta mới biết ai là kẻ thù, và ai là bạn. 

Anh không thể quay lưng với Pháp 

Le Figaro cũng dành trang nhất và bài xã luận nói về chủ đề tương tự. Nhật báo thiên hữu đánh giá rằng thủ tướng Rishi Sunak tuy không có nhiều kinh nghiệm về nước láng giềng, nhưng ông biết rằng vào đầu thế kỷ 20, nữ hoàng Victoria đã phải thắt chặt quan hệ với Pháp để tránh tình trạng bị "cô lập toàn diện". 

Vì vậy, sau khi những chấn động chính trị do Brexit gây ra dường như đã lắng xuống, thủ tướng Anh quyết định tới Paris, một trong những chuyến công du đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức thủ tướng cách đây 4 tháng. 

Tác động của Brexit đối với nền kinh tế trong nước, cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát lên đến 10% đã khiến Luân Đôn "chao đảo" ít nhiều trong thời gian vừa qua. Vương quốc Anh nhận ra rằng, tuy có thể không còn bị ràng buộc bởi các quy định của Liên Hiệp Châu Âu (EU), nhưng họ thực sự không thể thoát khỏi chính Châu Âu, đối tác quan trọng nhất của Luân Đôn. Anh Quốc vẫn phải duy trì hợp tác với Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng trong vấn đề quốc phòng, từ việc huấn luyện binh lính Ukraine cho đến việc sản xuất vũ khí.

Thương vụ tàu ngầm Aukus vẫn là một chủ đề nhạy cảm giữa hai bên, nhưng các cộng sự thân cận của thủ tướng cho biết rằng "Anh sẽ không đâm sau lưng Pháp" và chuyến thăm Paris sắp tới của nhà vua Charles III có thể đánh dấu một sự khởi đầu mới trong quan hệ giữa hai nước. 

Georgia chịu áp lực từ hai phía, Nga và Liên Âu 

Nhìn sang Đông Âu, nhật báo Le Monde có bài xã luận để nói về tình hình ở Georgia (Gruzia). Bị ảnh hưởng bởi nền dân chủ đang bị suy thoái và hậu quả của cuộc chiến tranh ở Ukraine, Georgia một lần nữa rơi vào tình trạng hỗn loạn. Nước cộng hòa nhỏ bé ở khu vực Nam Caucasus (Caucasus) vốn là một phần của Liên Xô cho đến năm 1991, phải hứng chịu các áp lực từ Nga lẫn Liên Hiệp Châu Âu. Những người thân Châu Âu, thực hiện các cuộc biểu tình lớn, đã thành công trong việc buộc Quốc hội Georgia rút bỏ dự luật phản dân chủ, đàn áp báo chí và các tổ chức bảo vệ nhân quyền. 

Tuy nhiên, quân đội Nga đã chiếm 20% lãnh thổ Georgia kể từ khi họ tiến vào đó hồi năm 2008 với mục đích bảo vệ người Nga thiểu số ở hai vùng lãnh thổ ly khai là Abkhazia và Nam Ossetia. Vào năm 2022, cuộc chiến tranh ở Ukraine đã khiến hàng trăm nghìn người Nga ồ ạt kéo sang Georgia để trốn lệnh động viên của tổng thống Vladimir Putin, điều đã làm đảo lộn cuộc sống ở Georgia, trong bối cảnh vốn đã vô cùng hỗn loạn ở thủ đô Tbilissi. 

Le Monde nhắc lại, đời sống chính trị ở Georgia bị chi phối bởi tỷ phú thân Nga, Bidzina Ivanishvili, người thành lập đảng Giấc mơ Georgia hiện đang cầm quyền và ông ta đang kiểm soát một cách không chính thức đất nước này. 

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của Liên Âu đối với người dân Georgia là không thể phủ nhận. Theo các cuộc thăm dò dư luận, hơn 80% người dân tại đây muốn đất nước họ trở thành thành viên Liên Âu. Georgia đã đệ đơn trở thành thành viên EU cách đây một năm, nhưng Bruxelles đã quyết định không cấp cho Tbilissi tư cách ứng viên như đã làm với Ukraine hay Moldova, đồng thời đặt ra hàng chục điều kiện mà Georgia phải đáp ứng trước khi có thể thực hiện giấc mơ gia nhập khối này. 

Liên Hiệp Quốc lo ngại về tình hình ở Cộng hòa dân chủ Congo 

Nhật báo công giáo La Croix thì dành trang nhất và bài xã luận nói đến bạo lực đang gia tăng ở Kivu. Khu vực này của Cộng hòa dân chủ Congo đã bị đảo lộn trong gần 30 năm qua bởi những thảm kịch bất tận. Vào năm 1994 đã xảy ra cuộc diệt chủng người Tutsi do những kẻ cực đoan người Hutu thực hiện ở nước láng giềng Rwanda. Chiến tranh vẫn tiếp diễn ở bên kia biên giới, tại Cộng hòa dân chủ Congo, nơi dòng người tị nạn ồ ạt kéo đến phá vỡ sự cân bằng dân số. Tình trạng mất an ninh thường trực đã tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ vụ lợi chiếm đoạt các nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú. Các quốc gia láng giềng không ngần ngại khai thác "cửa hàng trang sức ngoài trời", theo cách diễn đạt của người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 2018 Denis Mukwege. 

Tình trạng này đẩy người dân tại đây vào thế đường cùng. Giáo hoàng Francis đã lắng nghe những lời kể đau thương trong chuyến thăm Kinshasa vào cuối tháng Giêng vừa qua. Bạo lực tại Cộng hòa dân chủ Congo không kém so với những gì xảy ra trong một năm qua ở Ukraine. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, tổng cộng đã có 800.000 người thiệt mạng hoặc bị thương tại chiến trường này vào năm 2022. 

Cần phải có một biện pháp mang tính chính trị, nhưng trước tiên phải có một lệnh ngừng bắn được ban hành. Lực lượng nổi dậy M23 sẽ phải "tôn trọng" lệnh ngừng bắn nói trên, cùng với các nước hậu thuẫn cho họ, trong đó có Rwanda. Đất nước này giờ đang sử dụng sức mạnh quân sự để gây ảnh hưởng xung quanh. Chiến lược can thiệp quân sự của Rwanda hoàn toàn vi phạm chủ quyền của nước láng giềng. Vào thời điểm mà phương Tây đang lên án mạnh mẽ mục tiêu bành trướng của Nga ở Ukraine, sẽ thật vô lý nếu những lời lên án tương tự không được thể hiện để mang lại hòa bình cho Cộng hòa dân chủ Congo. Đây là trách nhiệm của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Vào cuối tuần này, một phái đoàn cấp cao của Hội đồng Bảo an sẽ đến thăm khu vực bị ảnh hưởng. 

Vấn nạn trẻ em bị cưỡng hiếp ở Philippines 

Nhìn sang Châu Á, trang nhất nhật báo Le Monde đề cập đến vấn nạn trẻ em ở Philippines bị cưỡng hiếp để kiếm tiền cho gia đình. Bàn tay của những đứa trẻ đã xé nát lớp vỏ những chiếc ghế mà chúng đang ngồi, những miếng xốp màu vàng rải rác trên sàn nhà. Trong suốt một giờ đồng hồ, Diwa, 11 tuổi cùng đứa em nuôi, 8 tuổi và em họ, 6 tuổi đã thuật lại những điều không thể diễn tả bằng lời nói. Cha mẹ các bé đã hãm hiếp chúng, rồi quay phim cho những "khán giả" Châu Âu xem trực tiếp trên Internet. Những "khán giả" này trả tiền để mua lấy sự sỉ nhục mà những đứa trẻ phải hứng chịu đằng sau cánh cửa đóng kín trong một ngôi nhà ở một thành phố trên hòn đảo lớn nhất ở Philippines. Câu chuyện đan xen giữa nước mắt và sự ngập ngừng được thuật bằng tiếng Tagalog - ngôn ngữ địa phương. Tuy vậy, thỉnh thoảng vẫn có vài từ được thốt lên bằng tiếng Anh như "Sex-toy", "Paypal" hay "Daddy Dave". 

Hành vi phạm tội này vẫn còn ít được biết đến ở Pháp, nhưng vấn nạn này đang lan rộng. Cảnh sát Pháp nói về hiện tượng "streaming trực tuyến", một hiện tượng xuất hiện vào năm 2012 bao gồm việc phát sóng qua webcam các video bạo hành tình dục của người lớn với trẻ em. Kẻ chủ mưu thường sẽ vạch ra một kịch bản phù hợp với việc hiện thực hóa trí tưởng tượng của y. Đây là một "ngành nghề" đặc biệt phát triển ở các quốc gia Nam Á, nơi hoạt động này mang tính giải trí thay thế cho sự khốn khổ. Philippines thường mô tả hoạt động này là "khai thác tình dục trẻ em trực tuyến" thay vì sử dụng thuật ngữ "khiêu dâm trẻ em", có thể ngụ ý một sự đồng thuận ở một mức độ nào đó của đứa trẻ đối với hành vi lạm dụng được thực hiện đối với bản thân. 

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 204 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)