Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/03/2023

Điểm báo Pháp - Ukraine, cuộc chiến tranh kiểu cũ cuối cùng

RFI tiếng Việt

Ukraine, cuộc chiến tranh kiểu cũ cuối cùng trước khi robot thay thế người lính ?

Phải chăng chiến tranh Ukraine sẽ đi vào sử sách như là cuộc chiến đầu tiên do con người và những cỗ máy hợp tác, nếu không phải là cuộc chiến "cổ điển" cuối cùng, trước khi các robot thay thế cho những người lính trên chiến địa ? Cũng có thể nghĩ rằng nếu trí thông minh nhân tạo nắm quyền ở Moskva thay vì Putin, cuộc xâm lược Ukraine đã không diễn ra.

robot1

Một quân nhân Ukraine phóng đi một drone ở chiến tuyến gần Vuhledar, ngày 22/02/2023. AP - Evgeniy Maloletka

Quân Nga tra tấn người lớn, bắt cóc trẻ em Ukraine vùng tạm chiếm

Tình hình chiến sự Ukraine, vụ ngân hàng SVB phá sản, mười năm lãnh đạo Vatican của Đức giáo hoàng Francis, cuộc đấu tranh chống cải cách chế độ hưu trí tại Pháp là những vấn đề thời sự được chú ý nhất hôm nay.

Libération tố cáo "Tại Kherson, việc tra tấn được lên kế hoạch và tài trợ bởi Moskva". Thành phố 280.000 dân bị quân Nga chiếm đóng 8 tháng, có hơn 20 địa điểm tra tấn. Tổ chức Global Rates Compliance cho biết có trên 1.000 nạn nhân sống sót có thể làm chứng, trong khi hơn 400 người khác đã mất tích. Ở phạm vi toàn quốc, trong báo cáo mới nhất nhiều tổ chức phi chính phủ và các nhà điều tra báo động về số phận của ít nhất trên 16.000 trẻ em Ukraine bị bắt đưa sang Nga.

Trong chiến tranh, trẻ em dễ tổn thương nhất, các em có nguy cơ bị quên lãng hoặc trở thành "chiến lợi phẩm". Có thể coi đây là tội ác chống nhân loại hay diệt chủng. Giữa tháng 2, đại học Yale công bố nghiên cứu 34 trang, với thông tin của ít nhất 6.000 trẻ vị thành niên 4 đến 17 tuổi bị Nga đưa vào các trại hè, trung tâm với các chương trình dạy dỗ thành người Nga, một số ở tận Siberia cách xa Ukraine đến 6.000 kilomet. Đặc biệt Vladimir Putin yêu cầu thay đổi các thủ tục để tạo điều kiện nhận con nuôi.

Tinh thần thép của những chiến binh bảo vệ Bakhmut

Trên chiến địa, đặc phái viên Le Monde mô tả "Tinh thần thép của của Lữ đoàn 80", đơn vị xung kích trên mặt trận khốc liệt Bakhmut. Từ những người lính dày dạn cho đến tân binh đều một lòng tin vào chiến thắng của Ukraine. Vitali, một công nhân xây dựng đã trải qua khóa đào tạo "rút ngắn" còn một tháng thay vì ba tháng, sau khi trình diện tại văn phòng tuyển dụng để đi chiến đấu bảo vệ Bakhmut, tỏ ra lạc quan. Bohdan, một quân nhân 27 tuổi nói rằng "Hầu hết các chiến binh trong lữ đoàn là những người tình nguyện, đến với ánh lửa trong đôi mắt". Trước khi được gởi đến "thành phố tử đạo", đơn vị từng nổi bật trong cuộc phản công giải phóng Kharkiv.

Nhưng người lính trẻ kém lạc quan hơn về tinh thần của những đồng đội đã chiến đấu suốt năm qua không có ngày nghỉ : "Điều khó khăn nhất là khi bạn thấy rằng trong đơn vị của bạn chỉ còn lại hai người, bạn và một người khác". Những chiến binh của lữ đoàn cũng nói về tình trạng khốn khổ của lính Nga. Họ phải sống chung với những xác chết vì nếu thối lui sẽ bị bắn hạ. Tư lệnh lục quân Oleksandr Syrsky cho biết cứ một binh sĩ Ukraine tử trận thì có đến bảy lính Nga thiệt mạng. "Trận chiến này đã có tác động rất lớn đến tinh thần của địch".

Tấn công tầm xa : JDAM tăng uy lực cho vũ khí chính xác

Le Monde cũng cho biết về "thiết bị JDAM của Mỹ, tạo ưu thế cho những cuộc chiến tầm xa". Bộ JDAM có thể biến những quả bom bình thường thành hỏa tiễn có độ chính xác cao, nhờ thêm vào định vị GPS và đôi cánh được cải tiến.

Do Boeing sản xuất, bộ JDAM (Joint Direct Attack Munition) phối hợp được giữa uy lực và tính chính xác, điều mà quân đội Ukraine chưa đạt được. Kiev có giàn phóng rốc-kết đa nòng Himars nổi tiếng nhưng chỉ mang được 90 ký chất nổ, còn bộ JDAM có thể trang bị cho những quả bom nặng đến 900 ký. Nhà nghiên cứu Léo Péria-Peigné nhận định như vậy thiết bị này có thể biến các loại đạn dược thành rốc-kết để phá hủy các boong-ke hay sở chỉ huy dưới lòng đất. Các phi công Ukraine có thể khai hỏa từ xa một cách an toàn, bảo vệ được số chiến đấu cơ ít ỏi. Thiết bị này phù hợp với chiến lược tấn công từ xa mà Kiev chọn lựa từ đầu cuộc chiến, ưu tiên đánh vào hậu cứ quân Nga như kho đạn, trung tâm hậu cần… Đại pháo Caesar có tầm bắn 40 kilomet và nhất là Himars với tầm xa 70 kilomet tạo được ưu thế quý giá trong cuộc chiến, nhưng uy lực sẽ càng tăng lên với sự hiện diện của JDAM.

Ukraine : Khi công nghệ làm thay đổi bộ mặt chiến tranh

Les Echos nhận thấy nhờ tính sáng tạo nhất là về công nghệ, người Ukraine đã khắc phục được thế yếu về quân số trước Nga, giúp họ kháng chiến hết sức hiệu quả.Tác giả bài viết nhắc lại, các phát minh công nghệ luôn đóng vai trò quyết định trong địa chính trị. Từ năm 1453, những khẩu đại bác tầm xa của đế quốc Ottoman đã hạ được thành Constantinople, và năm 1853, những pháo hạm Mỹ của thiếu tướng Perry đã buộc nước Nhật phải mở cửa với thế giới. Gần đây nhất, năm 2020 các drone của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã giúp Azerbaidjan giành phần thắng trước Armenia tại vùng Thượng Karabakh.

Trong thời đại trí thông minh nhân tạo hiện nay, công nghệ càng đóng vai trò chủ chốt. Hôm 24/02/2022 khi quân Nga tiến vào Kiev, lực lượng xâm lăng đông gấp đôi và ngân sách quốc phòng Nga cao gấp mười lần Ukraine. Nhưng một năm sau, Ukraine vẫn đứng vững nhờ tinh thần quyết chiến, viện trợ phương Tây, những yếu kém nội tại của quân đội Nga. Tuy nhiên không thể không nhắc đến yếu tố thứ tư mang tính quyết định : lợi thế công nghệ.

Hai năm trước đó, Ukraine đã lập ra "Bộ chuyển đổi kỹ thuật số" và vài ngày sau cuộc xâm lăng, Kiev đã chuyển tất cả những dữ liệu quan trọng vào "đám mây" (cloud). Ngay cả trong trường hợp hỏa tiễn Nga tiêu hủy tất cả công sở, chính phủ Ukraine vẫn tiếp tục hoạt động được. Người Ukraine biến những chiếc drone giá rẻ trên thị trường thành vũ khí hủy diệt và giám sát đáng gờm. Quân số Ukraine ít hơn nhưng chất lượng cao hơn nhờ cách đánh thông minh, nắm vững công nghệ.

Ukraine, cuộc chiến cổ điển cuối cùng trước khi robot thay thế người lính ?

Phải chăng chiến tranh Ukraine sẽ đi vào sử sách như là cuộc chiến đầu tiên thắng được nhờ sự hợp tác giữa con người và những cỗ máy, nếu không phải là cuộc chiến "cổ điển" cuối cùng, trước khi các robot thay thế cho những người lính trên chiến địa ? Cũng có thể nghĩ rằng nếu trí thông minh nhân tạo nắm quyền ở Moskva thay vì Vladimir Putin, cuộc xâm lược Ukraine đã không diễn ra. "Big Brother" sẽ kết luận rằng chiến tranh không chắc mang lại lợi ích, mà rủi ro thì quá lớn.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 3-4/2023, Eric Schmidt, cựu tổng giám đốc điều hành Google đặt câu hỏi về mối quan hệ mới giữa sáng tạo công nghệ và địa chính trị, không chỉ liên quan đến những tiến bộ trong thiết bị quân sự, từ hỏa tiễn siêu thanh đến các vũ khí siêu nhỏ. Theo ông, sáng tạo đóng góp vào quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm của một quốc gia.

Về các trừng phạt đối với Nga, công nghệ cũng hiệu quả nhất trong dài hạn. Moskva không có công nghệ tân tiến để khai thác khí đốt nằm rất sâu dưới lòng biển ở Nam Cực, và cũng không thể tìm thấy trên thị trường chợ đen. Nga bị mất đi giới tinh hoa vào đầu cuộc chiến, bất lợi hơn bao giờ hết về cơ cấu, và thời gian sẽ đứng về phía Kiev - tất nhiên nếu Ukraine "sống sót". Lớp trẻ Ukraine trong ngành công nghệ nhận thấy họ tiến nhanh hơn hẳn trong một năm qua, chiến tranh chính là lực đẩy.

Nhìn toàn cảnh, đã có những tiến bộ lớn trong lãnh vực trí thông minh nhân tạo. Thế giới đang trở thành lưỡng cực với hai nhân tố chính là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong cuộc cạnh tranh này, nước Nga không hiện hữu, và Châu Âu không đáng kể. Trung Quốc có ưu thế trong lãnh vực an ninh như nhận dạng khuôn mặt, rất cần cho một chế độ độc tài, nhưng đua tranh còn dài. Công nghệ cung cấp những công cụ kiểm soát gắt gao cho các chế độ chuyên chế, nhưng cũng có thể phục vụ cho mục tiêu dân chủ tự do như Ukraine đã chứng minh.

Tập Cận Bình lên giọng thách đố Hoa Kỳ

Nhìn sang Châu Á, Le Figaro chú ý đến việc Tập Cận Bình vừa củng cố xong quyền hành, đã vội thách thức nước Mỹ. Không còn những tuyên bố chung chung tố cáo nước Mỹ "bá quyền" với một nụ cười có vẻ hiền hòa, chủ tịch Trung Quốc nay cao giọng khiêu khích siêu cường số một thế giới. Ông Tập cho rằng Washington áp đặt "những thử thách chưa từng thấy cho sự phát triển của Trung Quốc". 

Trước một loạt trừng phạt nhắm vào những tên tuổi công nghệ Hoa lục như Hoa Vi hay Tiktok, cho đến chất bán dẫn, tăng cường lực lượng ở Châu Á với những căn cứ mới tại Philippines ; nhà độc tài Trung Quốc kêu gọi tự chủ về công nghệ, thực phẩm và quân sự. Khi tái khẳng định chủ trương dân tộc chủ nghĩa và tập quyền, Tập đã dập tắt hy vọng tự do hóa sau khi ra khỏi phong tỏa.

Tuần trước, tân ngoại trưởng Tần Cương cũng đã đe dọa một cuộc "đối đầu" nếu Hoa Kỳ tiếp tục con đường "sai trái". Ông ta nói rằng "thế giới càng hỗn loạn thì quan hệ Nga-Trung càng phải dấn lên", tố cáo Mỹ "vi phạm chủ quyền Trung Quốc". Tần Cương ngang nhiên so sánh với Ukraine : "Tại sao Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan nhưng lại yêu cầu Trung Quốc không cung cấp cho Nga ?"

Hung hăng ngoài mặt, nhưng Bắc Kinh rất muốn hòa hoãn với Mỹ

Les Echos ghi nhận một dấu hiệu khiêu khích khác là Tập Cận Bình đã bổ nhiệm tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), bị Mỹ trừng phạt năm 2018 vì mua vũ khí Nga, làm bộ trưởng quốc phòng. Ông Tập cũng gây ngạc nhiên khi cho các ông Dịch Cương (Yi Gang) tiếp tục làm thống đốc ngân hàng, Lưu Côn (Liu Kun) làm bộ trưởng tài chánh dù đã quá tuổi.

Tuy nhiên theo Le Figaro, thái độ hùng hổ trước ống kính che giấu những lo sợ của các nhà chiến lược phải đối mặt với những thử thách kinh tế và dân số ngày càng cao, trong môi trường đối ngoại đầy biến động. Bắc Kinh đang cần hòa hoãn chiến thuật để có thời gian san bằng khiếm khuyết về công nghệ và quân sự. Nhà nghiên cứu Triệu Thông (Zhao Tong) nhận định, Trung Quốc mong ổn định quan hệ Mỹ-Trung nhằm tập trung phát triển kinh tế, mới có thể so găng về lâu về dài. Khi đe dọa xung đột, Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ xuống giọng, đồng thời là dịp lên gân trước dư luận trong nước. 

Trong bối cảnh đó, bà Thái Anh Văn đã chọn lựa California thay vì Đài Bắc để gặp gỡ ông Kevin McCarthy, chủ tịch Cộng hòa ở Hạ Viện vào tháng 4 với mục đích hạ nhiệt, vào lúc một năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Đài Loan.

Trung Đông và cú đúp của chủ tịch Trung Quốc

Cũng về đối ngoại, Le Monde nhận thấy Trung Quốc đã trở thành "nhân tố chính trị mới" ở Trung Đông. Tập Cận Bình thực hiện được một "cú đúp" đẹp mắt : cả 2.952 đại biểu Quốc hội – không ai dám vắng mặt – đều bỏ phiếu nhất trí để ông ngồi tiếp nhiệm kỳ thứ ba, và cùng ngày, Saudi Arabia nối lại quan hệ với Iran. Các cuộc đàm phán bí mật giữa đôi bên đã diễn ra dưới sự bảo trợ của Trung Quốc.

Từ lâu chỉ là khách hàng mua dầu lửa của vùng Vịnh, Bắc Kinh đã trở thành đối tác chiến lược của các nước trong khu vực, cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Trung Đông. Giữa Saudi Arabia theo đạo Hồi thân Mỹ, và Trung Quốc cộng sản đang đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, mọi việc không hề dễ dàng. Nhưng Tập Cận Bình tận dụng vị thế đang lên của Mohammed Ben Salman (MBS) để thủ lợi. Trung Quốc luôn tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Riyadh, Tehran và kể cả Israel.

Thỏa thuận ba bên đạt được hôm thứ Sáu giúp Bắc Kinh khẳng định Sáng kiến ​​An ninh Toàn cu (Global Security Initiative - GSI) ca mình được chú ý. Vương Ngh khoe rng đây là "chiến thắng của đối thoại và hòa bình", đóng vai phát ngôn viên của các nước phương Nam, chỉ trích Hoa Kỳ và Châu Âu chỉ tập trung cho Ukraine. Kể từ năm 2002, Trung Quốc đã cố gắng làm trung gian hòa giải cho khoảng 15 cuộc xung đột. Mặc dù kết quả không đáng kể, nhưng đều nằm trong kế hoạch của Bắc Kinh để trở thành "đại cường hàng đầu thế giới" vào năm 2049.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 250 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)