Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/03/2023

Điểm báo Pháp - Điệu vũ của các bạo chúa

RFI tiếng Việt

Tập Cận Bình và "điệu vũ của các bạo chúa"

Theo Le Figaro, thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Cùng căm ghét phương Tây, Tập Cận Bình và Vladimir Putin siết chặt quan hệ để bước vào một "kỷ nguyên mới", có sự tham gia của của các bạo chúa Iran, Bắc Triều Tiên, và cả Syria. Phải chăng đây là một trật tự quốc tế mới do Bắc Kinh lãnh đạo ? Kêu gọi hòa bình ở Ukraine, nhưng ông Tập dù đã gặp Putin khoảng 40 lần, vẫn chưa hề gọi điện cho tổng thống Zelensky.

luanvu1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin cùng nâng ly trong dạ tiệc ở điện Kremlin, Moskva, Nga, tối 21/03/2023. AP - Pavel Byrkin

Vào vai trung gian hòa giải, Bắc Kinh muốn gì ?

Le Figaro nhận thấy vào đầu cuộc xâm lăng, Pháp đã cố gắng kéo Ukraine và Nga vào bàn đàm phán, sau đó Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất nỗ lực. Nhưng giờ đây Trung Quốc mới vào vai một cường quốc hòa giải, sau khi thành công trong việc giúp Iran (theo Hồi giáo Shia) và Saudi Arabia(theo hệ phái Sunni) bắt tay với nhau.

Bắc Kinh muốn tránh nguy cơ chính quyền Nga sụp đổ, cạnh tranh với phương Tây về ngoại giao, đồng thời trình ra trước các nước phương Nam bộ mặt một nhà trung gian khả tín, một thế lực giúp ổn định trong trật tự thế giới mới. Tuy nhiên "kế hoạch hòa bình" của Tập Cận Bình rất mơ hồ, nhấn mạnh đến toàn vẹn lãnh thổ, nhưng để cho hai bên tự xoay sở. Đóng băng những chiến tuyến hiện nay tất nhiên chỉ có lợi cho Nga mà thôi, và Putin cũng coi đây là "cơ sở cho việc giải quyết xung đột một cách hòa bình".

Tại Paris, người ta lo ngại diễn tiến sẽ không có lợi cho Ukraine lẫn phương Tây. Một số người nghi ngờ ông Tập muốn vận động các nước Châu Phi và Ả Rập ủng hộ tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh và Moskva, vốn thường xuyên phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, tập hợp được đa số nước đứng về phe mình ?

Điệu luân vũ của các nhà độc tài 

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Phe chống dân chủ mà đứng đầu là Trung Quốc và Nga được tăng cường, hai quốc gia độc tài này đã thế chỗ phương Tây tại Châu Phi và Trung Đông. Trong khi một số người trông chờ Bắc Kinh làm áp lực để Putin rút khỏi Ukraine, liên hệ giữa hai chế độ càng chặt chẽ hơn. Tập và Putin đều căm ghét thế giới dân chủ, muốn chấm dứt sự thống trị của phương Tây. Cả hai còn khẳng định mối quan hệ "đặc biệt" của họ đã bước vào một "kỷ nguyên mới".

Iran tham gia qua việc cung cấp drone tác chiến và nhà máy sản xuất loại vũ khí này cho Nga. "Điệu vũ của các bạo chúa", theo cách nói của một nhà ngoại giao, có thêm Bắc Triều Tiên và sự tái xuất của Bachar Al Assad. Cuộc chiến tranh ở Ukraine càng kéo dài thì càng được toàn cầu hóa, với sự can dự của các cường quốc bậc trung muốn thoát khỏi người bảo trợ phương Tây. Thái tử MBS của Saudi Arabia không chỉ xích lại gần Tehran mà cả tổng thống Nga và chủ tịch Trung Quốc - đã đến thăm Riyadh.

Le Monde chú ý đến việc Tập Cận Bình hôm thứ Hai 20/03 chính thức mời các nhà lãnh đạo Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tadjikistan tham dự "thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á" đầu tiên tại Bắc Kinh vào tháng 5, tức ngang nhiên đặt chân vào sân sau của Nga. Trên Le Figaro, giáo sư Alain Bauer cho rằng không nên lẫn lộn hòa bình với hưu chiến, thời kỳ thế giới an bình không còn nữa.

Phương Tây dân chủ nay ở thế thủ, vẫn đoàn kết và ủng hộ Ukraine trên mọi phương diện. Ngoại trưởng Hoa Kỳ cảnh báo thế giới không nên bị đánh lừa bởi thủ đoạn đóng băng cuộc chiến của Nga, được Trung Quốc ủng hộ, theo điều kiện của họ. Phương Tây nhắc lại, các điều kiện hòa bình chỉ có thể được quyết định tại Kiev, bởi người Ukraine. Và cho tới khi báo lên khuôn, Tập Cận Bình vẫn chưa hề gọi điện cho tổng thống Volodymyr Zelensky.

Ukraine : "Hãy cho chúng tôi những đôi cánh"

Về viện trợ quân sự cho Ukraine, từ đầu cuộc chiến nước Pháp thường xuyên bị các đồng minh Châu Âu chỉ trích vì thái độ không rõ ràng với Nga. Nhưng trên thực tế, Le Figaro nhận thấy đã nhiều lần Paris đi tiên phong, như việc chi viện đại pháo Caesar rồi sau đó là xe bọc thép AMX. Chính việc Pháp mạnh dạn viện trợ xe bọc thép, đã mở đường cho các nước chuyển giao xe tăng hạng nặng đặc biệt là Leopard của Đức.

Nay thì Pháp đang huấn luyện các quân nhân Ukraine điều khiển chiến đấu cơ Mirage 2000 do tập đoàn Dassault Aviation chế tạo. Từ một tháng rưỡi qua, khoảng ba chục người được đào tạo cấp tốc tại các căn cứ không quân ở Mont-de-Marsan và Nancy. Theo Bộ Quốc phòng Pháp, đó là các "nhân viên quân sự hàng không", việc tập huấn phi công chưa bắt đầu. Hoa Kỳ cũng huấn luyện về F-16 nhưng vẫn chưa viện trợ loại phi cơ này, còn Pháp không loại trừ việc giao hơn một chục chiếc Mirage cho Kiev.

Sáng kiến của Paris càng hữu ích hơn cho Ukraine - đã mất khoảng 60 chiến đấu cơ - vì nhiều nước nhất là ở Châu Á đã trang bị Mirage 2000. Nhờ Pháp đi bước trước, Ba Lan và Slovakia bèn quyết định chi viện 21 oanh tạc cơ MiG cho Kiev. Đây chưa phải là bước ngoặt chiến lược : Mirage 2000 không còn được sản xuất tại Pháp và thiếu đạn đi kèm, còn số lượng MiG chưa đủ để Ukraine tổ chức phản công. Nhưng số chiến đấu cơ này có thể giúp tránh tuyến lửa Bakhmut bị vỡ, và hỗ trợ tấn công. Từ nhiều tháng qua, các nhà lãnh đạo Ukraine vẫn đòi "những đôi cánh để bảo vệ tự do của chúng tôi", nhưng các nước còn ngần ngại. Giờ đây ngay cả Hà Lan cũng cân nhắc việc giao F-16 cho Kiev.

Trên chiến trường, phóng sự của đặc phái viên Le Figaro mô tả "một Bakhmut khác" mà quân Nga ra sức bao vây, đó là Avdiivka. Những cuộc pháo kích ồ ạt của Nga nhằm tìm cách xuyên thủng phòng tuyến của Ukraine trên chiến tuyến Donbass kéo dài khoảng 260 kilomet. Tại đây những "Thiên thần trắng", một đơn vị đặc biệt của cảnh sát Ukraine chuyên đưa những người dân còn kẹt lại vùng hỏa tuyến ra khỏi nơi nguy hiểm. Le Monde kể lại câu chuyện của anh hùng Ukraine "Da Vinci", hy sinh tại chảo lửa Bakhmut ở tuổi 27, và người tình Alina Mykhailova, nhà chính trị học hiện chỉ huy đơn vị quân y trong cùng tiểu đoàn.

Nga và Trung Quốc, quân đội nào mạnh hơn ?

Cũng trên lãnh vực quân sự, Le Figaro đặt câu hỏi "Liệu quân đội Trung Quốc đã vượt qua quân đội Nga hay chưa ?". "Kỷ nguyên mới" trong quan hệ Nga-Trung khởi đầu một cách mất thăng bằng cả về quân sự lẫn công nghệ, thế mạnh xưa nay của Kremlin giảm dần theo với đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh vào kỹ nghệ quốc phòng. Nhà nghiên cứu Marc Julienne của IFRI cho biết : "Chủ yếu là hải quân và không quân Trung Quốc gia tăng về số lượng". Đô đốc Vandier, tham mưu trưởng hải quân Pháp ước tính cứ mỗi bốn năm Trung Quốc lại có thêm lượng tàu chiến ngang ngửa Pháp và đến 2030 sẽ cao gấp 2,5 lần.

Nga là đối tác lớn truyền thống, nhưng Moskva nhận ra Bắc Kinh mua vũ khí Nga để nghiên cứu rồi cóp theo, chẳng hạn tiêm kích J-11 của Trung Quốc là ăn cắp kiểu SU-27. Sau vụ chiếm Crimea, bị cô lập, Putin đành giảm nhẹ các quy định chuyển giao vũ khí cho Trung Quốc, bán cả hệ thống phòng không S-400. Nhưng cũng theo ông Marc Julienne, Bắc Kinh ngày càng ít mua vũ khí Nga hơn vì đã sản xuất được. Nhà nghiên cứu Léo Péria-Peigné của IFRI lưu ý, động cơ máy bay vẫn là của Nga, nhưng tiêm kích J-20 mới nhất trang bị động cơ nội địa.

Quân đội Nga với 700.000 binh sĩ và ngân sách 61 tỉ đô la không thể so sánh với 2 triệu lính Trung Quốc và 225 tỉ đô la hàng năm. Nhưng để nâng cấp, Bắc Kinh rất cần sự huấn luyện của Nga, chẳng hạn hải quân Trung Quốc hoàn toàn không có kinh nghiệm, phải học hỏi mọi thứ từ đồng nhiệm Nga. Chuyên gia Léo Péria-Peigné nhấn mạnh, vũ khí tốt nhưng chưa chắc người sử dụng đã giỏi. Trung Quốc chưa tham dự một cuộc chiến tranh nào kể từ năm 1979 - Le Figaro ghi chú thêm, "bị bại trận trước Việt Nam".

Một nguồn tin quân sự ghi nhận Bắc Kinh "đổ ra rất nhiều tiền cho những thiết bị quân sự mà chất lượng chưa được thử thách, cho những binh sĩ chưa bao giờ xung trận". Marc Julienne nghi ngờ về tinh thần chiến đấu của quân Trung Quốc trong những cuộc chiến tranh cường độ cao, Léo Péria-Peigné cho rằng bị bất ngờ trước những khó khăn quân Nga gặp phải ở Ukraine, Bắc Kinh thấy không thể chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Như vậy cuộc xâm lăng Ukraine lại giúp Đài Loan sống sót, cho đến khi nào sức mạnh đang tăng dần của Trung Quốc có thể đè bẹp.

Trên 50 đại công ty Mỹ đổ xô vào Việt Nam

Ở vùng Đông Nam Á, Les Echos tìm cách lý giải "Tại sao Hoa Kỳ tiến công thương mại ồ ạt vào Việt Nam". Ít nhất 52 công ty Mỹ trong đó có những tên tuổi toàn cầu như Boeing, Coca Cola, Meta, Space X, Pfizer, Netflix… hôm nay kết thúc chuyến thăm ba ngày trên đất Việt. Hàng năm vẫn có một phái đoàn thương mại Mỹ đến Việt Nam trong khuôn khổ US-ASEAN Business Council, nhưng năm nay đặc biệt chưa bao giờ các đại diện kỹ nghệ và thương mại Mỹ lại đổ xô đến cùng lúc như vậy, cả một kỷ lục !

Đó là vì căng thẳng đang tăng lên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Châu Á, còn quan hệ thương mại Mỹ-Việt hết sức tốt đẹp. Tăng trưởng của Việt Nam ở mức cao nhất kể từ 2011 (8% trong năm 2022). Thương mại song phương tăng 11% trong năm ngoái, đạt con số chưa từng thấy là 123 tỉ đô la, biến Hoa Kỳ thành đối tác thương mại thứ nhì của Hà Nội sau Trung Quốc. Cho dù tăng trưởng của Việt Nam năm nay chậm lại (4-6%), trao đổi vẫn đạt trên 100 tỉ đô la trong ba năm liên tiếp.

Thế nên lần này những tập đoàn nổi tiếng nhất mới đến tận nơi, vừa để nắm tình hình một đất nước vừa có chủ tịch mới, vừa xúc tiến các hoạt động. Tất nhiên Hà Nội rất hoan nghênh, hy vọng thu hút thêm nhiều đầu tư từ Mỹ. Trong một cuộc họp, bộ trưởng Kế hoạch Nguyễn Chí Dũng còn bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư lớn nhất. Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng sẽ tạo điều kiện tối đa cho các công ty Mỹ, và giới thiệu những lãnh vực ưu tiên như giao thông, hàng không.

Châu Âu kết thúc thời kỳ thả lỏng thị trường

Cũng về kinh tế, Les Echos nhận thấy rốt cuộc Châu Âu đã có những chuyển biến trong chính sách kỹ nghệ. Trước đây vẫn chủ trương tự do, nay các nhà nước ngày càng ra tay can thiệp. Cả một cuộc cách mạng ở Bruxelles ! Các nhà lãnh đạo 27 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong cuộc họp thượng đỉnh hôm nay bàn bạc về tính cạnh tranh, nhưng không giống thường lệ. Những tuần lễ vừa qua Bruxelles loan báo một loạt biện pháp bảo hộ nhằm củng cố vị trí Châu Âu trong cuộc chiến toàn cầu về kỹ nghệ "xanh", hiện do Hoa Kỳ và Trung Quốc dẫn đầu.

EU vốn được thành lập trên nguyên tắc một thị trường chung về hàng công nghiệp, nguyên vật liệu và dịch vụ, tự do luân chuyển hàng hóa và tư bản giữa các nước thành viên. Nhắm vào một kỹ nghệ cụ thể để trợ giá như đã thực hiện trong năm ngoái đối với chất bán dẫn và sắp tới là sinh thái, là điều khó hình dung cách đây vài năm. Châu Âu rõ ràng đã bước vào một kỷ nguyên mới.

Nhà nước đã cung cấp vac-xin trong đại dịch Covid. Cũng chính là Nhà nước tiếp sức cho các doanh nghiệp gặp khó khăn vì khủng hoảng năng lượng, hậu quả của cuộc xâm lăng Ukraine. Nhưng đó chỉ là những biện pháp tình thế, từ nay sẽ có "chính sách cạnh tranh lâu dài" và những đạo luật chống cạnh tranh bất chính. Điều trái khoáy là giờ đây EU và Hoa Kỳ cũng hành động như kế hoạch "Made in China 2025" của đối thủ Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh định ra 10 lãnh vực ưu tiên (tự động hóa, không gian, xe điện...). Frans Timmermans, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu nhìn nhận sai lầm của EU : không có chính sách kỹ nghệ, ngỡ rằng thị trường sẽ tự thân vận động.

Macron trước phong trào chống cải cách hưu trí : Tựa chính báo Pháp

Hôm nay là ngày hành động lần thứ 9 chống lại cải cách hưu trí, hình ảnh tổng thống Pháp chiếm trang nhất các báo. Libération đăng chân dung ông Emmanuel Macron với dòng tít "Người tạo mồi lửa lớn" - tờ báo chơi chữ bằng cách dùng từ "tisonnier" gần giống với "Timonier" (Người cầm lái vĩ đại, chỉ Mao Trạch Đông). Les Echos nhận xét "Macron cố nắm lại tình hình", La Croix chạy tựa "Tiếp tục, nhưng làm thế nào ?". Le Figaro coi đây là "Cuộc song đấu từ xa giữa Macron và các nghiệp đoàn". Ở các trang trong, tình hình Ukraine, chuyến thăm Moskva của Tập Cận Bình vẫn là đề tài được quan tâm nhiều nhất.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 255 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)