Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/03/2023

Điểm báo Pháp - Ba Lan là nước tiền tiêu của phương Tây

RFI tiếng Việt

Nga xâm lăng Ukraine, Ba Lan thành nước tiền tiêu của phương Tây

Le Monde nhận thấy Ba Lan, điểm trung chuyển viện trợ quân sự và nhân đạo đồng thời là nơi lãnh đạo các nước đến thăm Kiev đều phải đi qua, đã chiếm vị trí quan trọng đối với phương Tây trong việc chống lại cuộc xâm lược của Nga. La Croix cho rằng vài năm nữa, lục quân Ba Lan sẽ hùng hậu nhất Châu Âu.

balan1

Một quân nhân Ba Lan bên cạnh các chiến xa Leopard 2 trong cuộc tập luyện do Liên Hiệp Châu Âu tổ chức để trợ giúp Ukraine, tại một căn cứ quân sự ở Swietoszow ngày 13/02/2023. AP - Michal Dyjuk

Ba Lan, cửa ngõ bắt buộc để vào Ukraine

Theo Le Monde, lâu nay bị đứng bên lề vì chính sách mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa, nay Ba Lan trở thành nhân tố quan trọng trong chiến lược phương Tây - một hệ quả của chiến tranh Ukraine.

Biểu tượng cho vị trí mới của Ba Lan là sân bay Rzeszow-Jasionka, nằm ở cực đông nam, cách biên giới Ukraine khoảng 100 kilomet. Trước chiến tranh chỉ có các hãng hàng không giá rẻ đưa khách du lịch đến, nay phi trường này là ngõ vào của trên 80% viện trợ quân sự và nhân đạo của phương Tây cho Kiev. Những phi cơ vận tải lớn không ngừng đến và đi, đôi khi từ rất xa như Úc hay New Zealand, hàng viện trợ sau đó được đưa bằng xe lửa hoặc xe tải sang tiền tuyến ở Ukraine.

Các nhà lãnh đạo ngoại quốc muốn đến Kiev cũng phải đi xe lửa từ Ba Lan, do không phận Ukraine đã đóng. Tổng thống Pháp cùng với hai thủ tướng Đức, Ý đã cùng đến thăm ông Zelensky lần đầu tiên hồi tháng 6/2022 bằng đường này. Tương tự đối với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, hay tổng thống Mỹ Joe Biden.

Sau chuyến viếng thăm lịch sử Kiev hôm 20/02, chính tại Warszawa mà ông chủ Nhà Trắng kết thúc hoạt động mang tính biểu tượng kỷ niệm một năm cuộc xâm lăng, trước một cử tọa nhiệt thành. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cổ vũ các nước Châu Âu và NATO viện trợ quân sự cho Kiev, nhấn mạnh không còn có thể giao du với Nga : "Ở nơi máu đổ, người tử tế không thủ lợi". Đây cũng là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đến Ba Lan hai lần trong năm.

Ba Lan là quốc gia EU trợ giúp Ukraine nhiệt tình nhất

Nhờ vị trí địa lý, Ba Lan trở thành trung tâm hậu cần, quân sự và chính trị của chiến dịch phương Tây ủng hộ Ukraine.Các hỏa tiễn Nga rơi xuống cách biên giới Ba Lan chỉ vài chục cây số, thủ đô Warszawa nằm cách Belarus, trạm tiền phương của quân Nga chỉ 140 kilomet. Có thể so sánh với Tây Đức trong chiến tranh lạnh : một đồng minh của thế giới tự do trên tuyến đầu. Nếu Nga và NATO đối đầu trực diện, Ba Lan sẽ trở thành chiến trường chính.

Warszawa trở thành nhà vô địch trong việc ủng hộ Kiev, viện trợ đến 11,9 tỉ euro (1,9% GDP), chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Anh về viện trợ quân sự. Ngược với đa số nước, vũ khí chi viện cho Kiev được lấy thẳng từ số đang hoạt động chứ không phải trong kho dự trữ. Chỉ riêng xe tăng, Ba Lan đã giao cho Ukraine gần 300 chiếc, nhiều hơn cả số lượng quân đội Pháp đang có. Nhà nước và xã hội dân sự cùng chung tay đón tiếp trên 1,5 triệu người tị nạn Ukraine, nên đại sứ Mỹ ở Warszawa, Mark Brzezinski gọi là "siêu cường nhân đạo". Ngân sách quân sự năm nay từ 12 tỉ được nâng lên 21 tỉ euro, chiếm đến 4% GDP.

Giờ đây Ba Lan đóng vai trò đối trọng với cặp Pháp-Đức, mà thái độ kềm chế trước Nga thường xuyên bị chỉ trích. Chính quyền của đảng PiS, lâu nay bị EU phê phán vì vi phạm nguyên tắc Nhà nước pháp quyền, chứng tỏ đã đúng khi nhận ra ý đồ bành trướng của Moskva. Cũng nhờ Ba Lan hai lần khẳng định sẽ giao chiến xa Leopard cho Kiev dù Berlin có đồng ý hay không, nên rốt cuộc Đức phải nhượng bộ. Đây không phải lần đầu Warszawa gây ngạc nhiên. Hôm 08/03/2022, chưa đầy hai tuần sau cuộc xâm lăng, bộ ngoại giao Ba Lan tuyên bố sẵn sàng chuyển giao chiến đấu cơ Mig-29, khiến ban đầu người Mỹ cứ tưởng trang web của bộ này bị tin tặc xâm nhập.

Nhưng bên cạnh đó, Warszawa cũng gây bối rối hồi mùa thu 2022 khi đòi Đức bồi thường 1.300 tỉ euro vì đã chiếm đóng nước này từ 1939-1945. Rồi ngày 27/07/2022, Ba Lan bất ngờ tuyên bố đã ký hợp đồng mua vũ khí của Hàn Quốc đến 15 tỉ euro, mà không hề tham khảo các đồng minh NATO, và muốn tăng quân số từ 115.000 lên 300.000 binh sĩ. Le Monde nhận thấy Ba Lan đang trong chiến dịch tranh cử dài và quyết liệt nhất trong lịch sử, được cho là quan trọng nhất từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền của thủ tướng Jaroslaw Kaczynski hy vọng một chiến thắng thứ ba.

Quân đội Ba Lan sắp trở nên mạnh nhất Châu Âu ?

Cũng về quân sự, đặc phái viên La Croix mô tả "Ba Lan hiện đại hóa quân đội như thế nào". Trong vòng bốn năm tới, lục quân nước này có thể trở thành đội quân mạnh nhất Châu Âu. Từ mùa thu năm ngoái, đã có trên 11.000 người tham gia các chương trình huấn luyện quân sự dành cho mọi công dân Ba Lan từ 15 đến 65 tuổi. Và kể từ đầu năm nay, mỗi ngày thứ Bảy lữ đoàn thiết giáp số 1 của Warszawa lại tiếp đón mấy trăm người tình nguyện trong 8 tiếng đồng hồ, dạy cho họ cách sử dụng bản đồ, tiếp đạn cho xe tăng. Từng nhóm 10 người học cách ứng xử khi báo động bom, tập băng bó vết thương, tháo lắp súng...

Cuộc xâm lăng Ukraine là cú sốc khiến người dân thêm ý thức tham gia bảo vệ tổ quốc. Hai tháng sau khi quân Nga tràn sang Ukraine, chiến dịch "Trở thành một người lính Ba Lan" đã thu hút được gần 16.000 người, tự nguyện đi quân dịch một năm và có lương. Một kỷ lục kể từ năm 2008, sau khi nghĩa vụ quân sự không còn bị bắt buộc. Sau khi học căn bản một tháng, họ được huấn luyện chuyên môn 11 tháng, và kết thúc khóa học có thể trở thành quân nhân chuyên nghiệp hay dự bị. Có ít nhất 6.300 binh sĩ đã được tuyển mộ bằng cách này.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng Ba Lan không cần một quân đội lên đến 300.000 người. Một số người như Roman Kuzniar, cựu cố vấn của tổng thống Bronislaw Komorowski, chỉ trích "vụ shopping quy mô ở Hàn Quốc, gây bất lợi cho kỹ nghệ quốc phòng Ba Lan và Châu Âu". Quân đội tuyển được nhiều lính nhưng lại không giữ được người lâu, nhất là trong lực lượng đặc biệt, hậu cần, pháo binh, không quân, hải quân. Trong số lý do có lương thấp, vấn đề nhà ở, thăng tiến không rõ ràng.

Ngân sách thâm thủng vì cấm vận, Nga đánh thêm thuế

Về phía Nga, một tác động thấy rõ từ cuộc xâm lăng Ukraine : Les Echos cho biết điện Kremlin muốn tăng thuế, vì ngân sách Nhà nước đã bị sụt giảm mất 42% so với cùng kỳ năm ngoái do bị trừng phạt. Vladimir Putin trong cuộc gặp giới chủ và vài nhà tài phiệt mới đây, đã kêu gọi các doanh nghiệp đặt lòng yêu nước lên trên lợi nhuận, và "hành động ngay từ bây giờ". Mục tiêu là huy động được 300 tỉ rúp (3,6 tỉ euro) dưới dạng thuế đặc biệt 5% đánh vào lợi nhuận tăng thêm, nhằm thích ứng với việc phương Tây áp đặt mức giá trần 60 đô la/thùng.

Số liệu hải quan cho thấy các công ty dầu khí quốc gia đã né được trừng phạt trên một lượng lớn dầu xuất khẩu, nhờ bán qua trung gian hay dùng tài khoản bên ngoài nước Nga. Nhà nước dự định sẽ thu thuế đối với số bán "vượt trần" này. Do chiến tranh, Nga không còn thặng dư ngân sách hàng năm mà năm nay tổng sản phẩm nội địa (GDP) có thể bị thâm hụt 3,5%. Hiện thời vẫn có thể chịu đựng được nhờ Quỹ Tài nguyên quốc gia, nhưng quỹ này từ nay đến 2024 chỉ còn chiếm 3,7% GDP thay vì 10,4% trước cuộc xâm lăng.

Pháp tăng cường hiện diện tại Ấn Độ-Thái Bình Dương 

Trên bình diện địa chính trị, Le Figaro đặt câu hỏi "Chiến lược của Pháp tại Ấn Độ-Thái Bình Dương là gì ?". Có đến 90% vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Pháp nằm tại khu vực này, nên Paris cần bảo vệ lợi ích của mình. Nước Pháp có ưu thế là sở hữu EEZ rộng thứ nhì thế giới, chiếm 10 triệu kilomet vuông (chỉ sau Hoa Kỳ với 11 triệu kilomet vuông), hầu hết tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, có 1,6 triệu dân sinh sống. Chiến lược của Paris là thu hút tối đa các chiến hạm Châu Âu đến để giữ ổn định khu vực này, vì đồng minh Mỹ ở xa.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, thế giới có được hai thập niên yên bình trên biển, nhưng thời kỳ này đã kết thúc với sự bành trướng của Bắc Kinh. Hạm đội Trung Quốc tăng lên theo cấp số nhân gây sợ hãi cho tất cả láng giềng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Cụ thể từ 2000 đến 2030, số chiến hạm Trung Quốc từ 100 tăng vọt lên 500, tàu tuần duyên từ 140 lên 750 chiếc, thường xuyên hà hiếp ngư dân Việt Nam và Philippines. Dù Tập Cận Bình trong chuyến thăm Washington năm 2015 long trọng hứa không quân sự hóa Biển Đông, Bắc Kinh đã chiếm hơn một chục đảo nhỏ, bố trí các oanh tạc cơ chiến lược và hỏa tiễn.

Trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 10/03/2023 tại Élysée, Pháp và Anh đã quyết định phối hợp với nhau để tăng sức mạnh. Hàng không mẫu hạm Charles de Gaulles đi đến tận cảng Goa của Ấn Độ, ba chiếc Rafale trên tàu bay sang Singapore, được tiếp nhiên liệu trên không bằng một chiếc Airbus 330 MRTT cất cánh từ Abu Dhabi - nơi quân đội Pháp có một căn cứ trong sa mạc - rồi tập luyện với các chiến đấu cơ F-15 và F-16 của Singapore.

Pháp sở hữu sáu tàu ngầm tấn công nguyên tử, từng điều chiếc Éméraude sang Biển Đông và dự kiến sẽ có những hoạt động thường xuyên hơn. Paris không tìm cách tham gia Bộ Tứ, nhưng có thể giúp các đối tác Châu Á phương tiện giám sát bằng vệ tinh và thiết lập cáp ngầm. Tuy nhiên Le Figaro cho rằng trò đi dây thăng bằng trước cuộc đối đầu Mỹ-Trung là rất khó khăn.

Hưu trí, môi trường : Bạo động không thể là giải pháp

Phong trào chống cải cách hưu trí ngày càng bạo lực là mối quan tâm chính của các báo Pháp hôm nay. La Croix chạy tựa "Thách thức duy trì trật tự", Libération tố cáo "Cảnh sát leo thang đàn áp", Le Figaro nhấn mạnh "Macron muốn đại diện cho trật tự trước bạo lực". Le Monde ra từ hôm trước nhận định "Hưu trí : Macron bị cô lập, phe đa số lo âu".

La Croix kêu gọi "khẩn cấp hòa dịu". Như đã đoán trước, cuộc tập hợp tại khu vực hồ chứa nước thuộc vùng Deux-Sèvres đã biến thành bạo động làm khoảng 250 người bị thương ở cả hai phía, một người biểu tình đang thập tử nhất sinh. Nhật báo công giáo cho rằng không nên bao che những phần tử cực đoan, nhưng việc duy trì trật tự cần bắt đầu bằng đối thoại. Tờ báo thiên tả Libération tố cáo bạo lực cảnh sát : đành rằng "black-bloc" - những nhóm bạo động vô chính phủ - lại tái xuất trong các cuộc biểu tình với quyết tâm phá hoại, nhưng cảnh sát đã được đào tạo để đối phó cơ mà ?

Ngược lại nhật báo cánh hữu Le Figaro cực lực lên án bạo động. Theo tờ báo, tuần lễ vừa qua, đông đảo côn đồ cực tả trên toàn Châu Ấu đã kéo sang Pháp. Số này tập luyện theo kiểu dân quân, được trang bị tận răng, thi nhau phá hoại nhiều khu trung tâm, rồi tấn công ác liệt vào lực lượng an ninh ở Sainte-Soline, như khán giả truyền hình đã thấy. Khoảng 1.000 kẻ mang khiên tự tạo, những túi đựng gạch đá, gậy gộc… tiến hành nhiều đợt xung phong bằng moọc-chê, bom xăng ; quân đội và cảnh sát phải dùng đến 4.000 quả lựu đạn cay và loại chuyên dùng để giải tán đám đông.

Tại bất kỳ nước dân chủ nào, những hình ảnh gây sốc này đều gây phẫn nộ nhưng ở Pháp, lại có những chính khách cố tìm kiếm lý lẽ để bênh vực, như phe sinh thái cực đoan và đảng cực tả. Le Monde tỏ ý tiếc vì bạo loạn khiến tổng thống Macron không thể tiếp đón quốc vương Charles III, trong khi tân vương Anh đã dành chuyến thăm đầu tiên cho nước Pháp thay vì một quốc gia thuộc khối Thịnh vượng chung. Những câu khẩu hiệu được hô trong các cuộc biểu tình khiến Élysée khiếp vía, còn báo chí Anh quốc run sợ : "Louis XVI, chúng tôi đã trảm, và có thể tái diễn, Macron ạ".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 292 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)