Từ ngày 05-07/04/2023, tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chuyến công du cấp nhà nước tại Bắc Kinh. Trong ngày hội đàm đầu tiên với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, còn có sự tham dự của chủ tịch Ủy ban Châu Âu, bà Ursula Von Der Leyen. Tuy nhiên, các phát biểu sau cuộc hội đàm từ ba nhà lãnh đạo cho thấy giữa Mỹ và Châu Âu có một sự khác biệt trong cách tiếp cận về các hồ sơ Ukraine và Đài Loan đối với Trung Quốc.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và chủ tịch UBCA Ursula von de Leyen tới dự cuộc hội đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh, ngày 06/04/2023. AP - Ludovic Marin
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken từng cho rằng Hoa Kỳ và Châu Âu có chung quan điểm về nhiều vấn đề toàn cầu từ cuộc chiến Ukraine cho đến hồ sơ Đài Loan đi qua cả cuộc cạnh tranh chip bán dẫn. Quả thật Liên Hiệp Châu Âu gần như đồng lòng hiệp sức với Mỹ hỗ trợ vũ khí, tài chính cho Ukraine cũng như là trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga.
Tháng 3/2023, Liên Hiệp Châu Âu đã công bố một thỏa thuận tạm thời áp đặt các hình phạt thương mại đối với quốc gia nào cố gắng ép buộc Châu Âu về kinh tế. Và nhất là trong cuộc chiến chip bán dẫn, Hoa Kỳ cũng đã thuyết phục thành công một nước thành viên của Liên Âu là Hà Lan, hạn chế bán một số máy công cụ để chế tạo chip bán dẫn cho Trung Quốc.
Dù vậy, theo quan sát của Edward Wrong, thông tín viên về đối ngoại trên tờ New York Times, tại Châu Âu, cuộc tranh luận về cách tiếp cận đúng đắn với Trung Quốc nhằm cân bằng các vấn đề an ninh và thương mại đang diễn ra gay gắt.
Trong hồ sơ Ukraine, Hoa Kỳ không ngừng tố cáo mối liên minh Nga – Trung, và tỏ ra hoài nghi về vai trò trung gian hòa giải của Bắc Kinh, khi cho đấy là một tấm màn khói để tổng thống Nga tiếp tục các hành động tàn sát. Về điểm này, Liên Hiệp Châu Âu, thông qua lời chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen và lãnh đạo ngoại giao Josep Borrell, có những phát biểu cứng rắn hơn, gần gũi với lập trường của Mỹ. Nhưng quan điểm này không được Paris đồng chia sẻ.
Trang mạng Responsible Statecraft, dẫn lời một nhà ngoại giao Pháp xin ẩn danh, trả lời New York Times trước chuyến công du của ông Macron cho rằng có nhiều lợi ích tiềm tàng rất đáng để nỗ lực khi đưa ra lập luận "chỉ có Trung Quốc mới có thể tác động thay đổi cuộc chơi". Tuy biết rõ Bắc Kinh không lên án cuộc chiến xâm lược của Moskva, nhưng Paris cũng nỗ lực hoạt động "tìm cách làm việc với Trung Quốc nhằm tìm kiếm một giải pháp có lợi cho Ukraine".
Trên bình diện kinh tế, nếu như Hoa Kỳ nóng lòng "tách rời" Trung Quốc, thì các đối tác Châu Âu tỏ ra không mấy hào hứng chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế của mình để phục vụ cho một cuộc chiến tranh lạnh mới. Bà Ursula Von Der Leyen mong muốn một cách tiếp cận thận trọng "giảm rủi ro" trong quan hệ giữa EU và Trung Quốc, dù rằng tổng thống Pháp không tán thành ý tưởng này.
Theo đánh giá của trang mạng Responsible Statecraft, thì nếu việc ông Macron dẫn theo một phái đoàn gồm 50 chủ doanh nghiệp khiến ít ai nghi ngờ lý do chính của chuyến công du là vì kinh tế, thì đây cũng là một tín hiệu tốt : Mối quan hệ kinh tế Trung Quốc – Liên Âu có thể làm cho thông điệp của nguyên thủ Pháp về Ukraine mang tính thuyết phục hơn. Bắc Kinh có thể cần đến sự giúp đỡ của Liên Âu để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng.
Cuối cùng, trong hồ sơ Đài Loan, nhà báo Edward Wrong khẳng định Đài Loan không chiếm vai trò trung tâm trong mối quan hệ giữa EU với Trung Quốc như là đối với Mỹ. Điều này được thể hiện rõ qua phát biểu một cách sơ sài của bà Von Der Leyen về hồ sơ.
Nhà báo Mỹ dẫn lời ông Elbridge Colby, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc trong chính quyền Trump, nhận định Mỹ không nên ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo Châu Âu đến Bắc Kinh tuần qua. Đây là một tín hiệu công khai khá rõ ràng : "Châu Âu không sẵn sàng tiến hành chiến tranh kinh tế chống lại Trung Quốc."
Một cách dễ hiểu là "Châu Âu muốn có một lập trường rõ ràng hơn đối với Trung Quốc vượt ngoài khuôn khổ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương", theo như phân tích của Tara Varma, giám đốc tổ chức tư vấn Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu, cộng tác viên cho Viện Brooking ở Washington.
Minh Anh