Đối thoại kinh tế với Trung Quốc, thông điệp Liên Âu gửi tới Mỹ
Thanh Hà, RFI, 11/04/2023
Hơn ba năm sau đại dịch Covid, Liên Âu vẫn loay hoay đi tìm chiến lược giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Hai tuần sau khi công bố chiến lược công nghiệp, Bruxelles đưa ra khái niệm de risking - giảm thiểu rủi ro trước một quốc gia vừa là "đối tác, một nguồn cạnh tranh và một đối thủ có hệ thống". Nói dễ hơn làm và có thể là cả Trung Quốc lẫn Liên Hiệp Châu Âu thực ra cùng muốn nhắm tới Hoa Kỳ.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen họp báo tại văn phòng đại diện của Liên Âu tại Bắc Kinh, trong chuyến công du Trung Quốc ngày 06/04/2023. AP - Andy Wong
"Trung Quốc vẫn là một địa điểm tiêu thụ lớn hàng của các hãng Châu Âu. Thị trường chung của Liên Hiệp Châu Âu là một thị trường sống còn của các nhà sản xuất Trung Quốc. Nếu như vì một lý do này hay một lý do khác, Liên Âu hạn chế hoặc đóng cửa với hàng Trung Quốc, lập tức tăng trưởng của Trung Quốc bị tác động, GDP sụt giảm từ 4 đến 5 điểm và chúng ta biết, đây sẽ là một tai họa".
Ủy viên Châu Âu Thierry Breton, đặc trách về Thị trường Nội địa Liên Âu, đã phát biểu như trên hôm 03/04/2023 hai ngày trước khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu công du Trung Quốc, và trước cuộc hội đàm tay ba giữa chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula Von der Leyen, nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Bruxelles nhắc khéo nước chủ nhà về trọng lượng thương mại của 27 nước thành viên trong khối đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Kết thúc ba ngày công du Trung Quốc, phái đoàn hơn 50 doanh nhân Pháp tháp tùng ông Macron ra về với nhiều hợp đồng : tập đoàn chế tạo máy bay Châu Âu Airbus thông báo mở thêm một nhà máy lắp ráp thứ nhì tại Thiên Tân. Cơ sở mới sẽ bắt đầu hoạt động từ 2025 và cho phép "nhân lên gấp đôi" khả năng sản xuất tại Hoa Lục. Công ty điện lực quốc gia Pháp EDF và CHN Energy cùng SPIC hợp tác trong một dự án lắp đặt quạt chế tạo năng lượng gió trên biển và trên đất liền.
Trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, đôi bên ký kết tổng cộng 15 hợp đồng cho phép "đẩy mạnh xuất khẩu của Pháp sang Trung Quốc". Trái với thông lệ, cả phía chính phủ lẫn các doanh nghiệp Pháp không ồn ào thông báo về những thành tích nói trên và đã tránh công bố trị giá các hợp đồng thu hoạch được sau chuyến đi của tổng thống Emmanuel Macron lần này.
Nhà báo Baptiste Fallevoz đài truyền hình France 24 ghi nhận dù từng là đầu tàu thúc đẩy Liên Âu bớt lệ thuộc vào Bắc Kinh, nhưng tựa như đối với thủ tướng Đức, Olaf Scholz hồi mùa thu năm ngoái, kinh tế và thương mại vẫn là một ưu tiên trong đối thoại giữa Emmanuel Macron với Tập Cận Bình :
"Từ 2019 chính tổng thống Macron là người đã thúc đẩy Liên Âu phải có những quy định rõ ràng để giám sát chặt chẽ hơn các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Liên Hiệp Châu Âu và tổng thống Pháp đã phải nỗ lực thuyết phục Berlin chia sẻ quan điểm này, bởi Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Đức. Thành thử tôi không nghĩ Emmanuel Macron ngây thơ. Song lần này tổng thống Pháp mời một phái đoàn hơn 50 doanh nhân tháp tùng ông sang Trung Quốc. Dù muốn hay không thì đây cũng là một thị trường lớn, mà các doanh nghiệp Pháp không thể bỏ qua".
Mùa thu năm ngoái, báo chí Berlin cũng khá kín đáo về những thành tựu kinh tế của các doanh nghiệp Đức sau chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông Scholz. Theo giới phân tích, đây là dấu hiệu các nước trong Liên Âu lúng túng trong chiến lược về kinh tế, thương mại và đầu tư với Bắc Kinh.
Ảo tưởng "đàm phán lại" quan hệ với Bắc Kinh ?
Một tuần trước khi đến Bắc Kinh chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula Von der Leyen chủ trương một khối Liên Âu "tự chủ hơn" "mạnh dạn hơn" trước ông khổng lồ Trung Quốc đang xích lại gần với Nga. Với nhiệm kỳ tổng bí thư đảng Cộng Sản thứ ba, ông Tập Cận Bình không còn úp mở về quyết tâm kiến tạo một trật tự thế giới mới đe dọa "đến lợi ích của Liên Âu". Vào lúc Trung Quốc vừa là "đối tác vừa là một đối thủ cạnh tranh, vừa là một đối thủ có hệ thống" hơn bao giờ hết, Liên Hiệp Châu Âu cần tăng cường khả năng "tự vệ" qua chiến lược mà bà Von der Leyen gọi là de-risking giảm thiểu rủi ro lệ thuộc quá nhiều vào một đối tác. Baptiste Fallevoz giải thích khác biệt giữa chủ trương decoupling của Mỹ với de-risking của Liên Âu
"Mỹ chủ trương tách rời khỏi Trung Quốc có nghĩa là làm thế nào để kinh tế ít bị chi phối nhất, ít lệ thuộc nhất vào những quyết định từ Bắc Kinh. Liên Âu thì theo đuổi mục tiêu giảm thiểu rủi ro đối với Trung Quốc. Qua đó giảm bớt nguy cơ kinh tế của khối này ‘bị động’ vì đối tác Trung Quốc. Cụ thể là giảm thiểu rủi ro trong một số lĩnh vực như đầu tư của Trung Quốc vào Liên Âu, đầu tư của Châu Âu tại Hoa Lục với vấn đề chuyển giao công nghệ. Trong chiến lược giảm thiểu rủi ro này bao hàm luôn cả việc giảm nguy cơ các cơ quan nghiên cứu của Châu Âu, các chuyên gia Châu Âu bị kiểm duyệt, bị trừng phạt. Nói cách khác Châu Âu tự vệ, tránh để rơi vào khủng hoảng, trong lúc mà Mỹ thì có những biện pháp mạnh tay hơn".
Đối tác thương mại số 1 nhưng không có trọng lượng về địa chính trị
Trên đài truyền hình Pháp Đức Arte, chuyên gia Marc Julienne, đặc trách về Trung Quốc Trung Tâm Châu Á thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, IFRI nhắc lại mức độ quan trọng về kinh tế giữa Liên Hiệp Châu Âu và Hoa lục :
"Liên Hiệp Châu Âu là đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc, không phải là Mỹ. Từ 2-3 năm trở lại đây Bruxelles định hướng lại chiến lược hành động đối với Trung Quốc và đã quyết định là đàm phán lại với Bắc Kinh trên một số điểm. Chúng ta có thể hiểu rằng, Liên Âu nêu lên vế thương mại để nhắc nhở về trọng lượng của toàn khối đối với Trung Quốc qua đó Bruxelles muốn gia tăng áp lực với Trung Quốc trên vấn đề Ukraine. Châu Âu cũng tỏ rõ lập trường là khác với Mỹ, khối này tránh áp dụng các biện pháp bảo hộ. Bruxelles tiếp tục mở cửa thị trường chung toàn khối, nhưng với một chính sách về thương mại và công nghiệp cứng rắn hơn".
Tách rời khỏi Trung Quốc : điều không tưởng
Dù vậy không một ai tin rằng, Pháp hay Liên Hiệp Châu Âu dại dột mang lá bài thương mại ra để mặc cả với Bắc Kinh hay chỉ với hy vọng thuyết phục Trung Quốc bỏ rơi nước Nga của Vladimir Putin để chấm dứt chiến tranh Ukraine. Nhà nghiên cứu Marc Julienne :
"Ursula Von der Leyen ngày 01/04/2022 đã nhắc lại trong khuôn khổ đối thoại giữa Liên Âu và Trung Quốc là mỗi ngày tổng trao đổi mậu dịch hai chiều lên tới 2 tỷ euro, trong lúc giao dịch giữa Bắc Kinh với Nga là 300 triệu euro. Đó là những con số hồi mùa xuân năm ngoái. Đây là cách nhắc khéo Trung Quốc rằng về thương mại, kinh tế, Trung Quốc chủ yếu giao dịch với ai".
Kinh nghiệm cho thấy, Châu Âu chỉ mới phụ thuộc vào dầu khí, than đá của Nga, mà đã mất hơn một năm trời vẫn chưa tự chủ được về vấn đề năng lượng. Huống chi là với Trung Quốc khi mà đúng 20 năm trước Bruxelles đã xem Bắc Kinh là "đối tác chiến lược toàn diện".
Trên thực tế, đối với Liên Hiệp Châu Âu -và kể cả là với Hoa Kỳ, rất khó để chóng "tách rời" hay giảm rủi ro lệ thuộc vào hàng rẻ Trung Quốc. Chuyên gia viện IFRI phân tích :
"Trong một số lĩnh vực, rất khó để tìm nguồn thay thế bởi vì Trung Quốc chiếm một vị trí mang tính sống còn. Trái lại đối với một số khác, thì Châu Âu hoàn toàn có thể giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc. Đấy là tất cả mục tiêu mà chiến lược De risking bà Ursula Von der Leyen đã nhắc đến hôm 30/03/2023. Liên Hiệp Châu Âu không thể bỏ tất cả trứng vào một giỏ mà cần đi tìm các nguồn cung cấp khác, cần tìm các đối tác thương mại khác ngoài Trung Quốc. Những giải pháp thay thế có thể đang được đặt ở Châu Á, Châu Phi".
Trong bối cảnh đó giới quan sát đưa ra một số nhận định chính như sau về đối thoại giữa Châu Âu với Trung Quốc trên địa hạt kinh tế và thương mại. Thứ nhất, sau bài học với Nga và sau kinh nghiệm Covid làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, Liên Âu tìm mọi cách giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào chế độ ở Bắc Kinh.
Thứ hai là có lẽ Bắc Kinh và Bruxelles dù "nói chuyện" với nhau về thương mại và kinh tế nhưng cả hai đều chỉ chú trọng đến phản ứng của Hoa Kỳ.
Tương tự như Mỹ, Trung Quốc, chỉ xem Washington mới là đối thủ xứng tầm cỡ với mình. Giáo sư Samuel Furfari trường cao đẳng thương mại Paris phân tích trên tạp chí Conflits (ngày 11/04/2023) : "Về mặt địa chính trị, Trung Quốc không coi Liên Âu là một đối tác có trọng lượng". Chẳng qua là, ở vào thời điểm đang bị Mỹ bao vây về công nghệ cao, về thương mại, thì các công ty Trung Quốc cần công nghệ của Châu Âu, cần một số kỹ thuật của Châu Âu như là "bí quyết" chế tạo động cơ máy bay của Airbus chẳng hạn. Ngoài những tính toán thuần túy về kinh tế thì như thường lệ Bắc Kinh ít khi bỏ lỡ cơ hội khai thác những rạn nứt trong khối các nền dân chủ phương Tây, hay áp dụng chính sách "chia để trị" miễn sao có lợi cho mình. Thuyết phục được Liên Hiệp Châu Âu "giữ khoảng cách với Mỹ" về công nghệ chẳng hạn sẽ là một thắng lợi lớn đối với Bắc Kinh.
Còn về phía Châu Âu, Bruxelles đang bực mình vì luật chống lạm phát (Inflation Reduction Acte – IRA) của Mỹ, một công cụ bảo hộ trá hình để Washington thu hút đầu tư nước ngoài và cạnh tranh bất bình đẳng, phá hoại chính sách vực dậy ngành công nghiệp của Liên Hiệp Châu Âu. Bruxelles muốn Nhà Trắng hiểu rằng, Mỹ cần nương nhẹ "đồng minh" Châu Âu khi Washington muốn dùng cả đòn kinh tế và thương mại, đầu tư kềm tỏa đối thủ nguy hiểm nhất là Trung Quốc.
Có lẽ cũng vì ý thức được thế trên đe dưới búa giữa hai siêu cường thế giới là Mỹ và Trung Quốc và nhất là trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang lao vào một cuộc đối đầu về mọi mặt, mà trên đường từ Bắc Kinh trở lại Paris, tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đã nhấn mạnh đến sự "tự chủ về mặt chiến lược", tránh để Liên Âu bị lệ thuộc vào "nguyên tắc ngoài lãnh thổ của đồng đô la", Liên Âu phải là "một cực thứ ba giữa Mỹ và Trung Quốc".
Sau Bắc Kinh, tổng thống Pháp hôm 11/04/2023 tại Amsterdam tiếp tục quảng bá chiến lược "tự chủ kinh tế", để Liên Âu không phụ thuộc vào bất kỳ một đối tác nào trong những lĩnh vực mang tính sống còn đối với an ninh, kinh tế của 27 thành viên.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 11/04/2023
****************************
Đằng sau cuộc hội đàm giữa ông Tập Cận Bình và ông Macron ở Quảng Châu
Minh Đức, Người Đưa Tin, 08/04/2023
Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày vào ngày 7/4, chính phủ hai nước đã đưa ra một tuyên bố chung ủng hộ các nỗ lực hòa bình và phản đối các cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân ở Ukraine.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hội đàm không chính thức ở Quảng Đông, ngày 7/4/2023. Ảnh : Getty Images
Tuyên bố cho biết, Trung Quốc và Pháp "ủng hộ mọi nỗ lực khôi phục hòa bình ở Ukraine trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc".
Hai bên tán thành các nỗ lực của cơ quan hạt nhân Liên Hợp Quốc (IAEA) nhằm thúc đẩy an ninh của "các cơ sở hạt nhân hòa bình", bao gồm cả nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine, nơi đã nhiều lần bị pháo kích trong cuộc chiến kéo dài hơn một năm qua.
Tuyên bố do chính phủ Pháp đưa ra kêu gọi "tất cả các bên trong cuộc xung đột tuân thủ nghiêm ngặt luật nhân đạo quốc tế" và "cung cấp khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo an toàn, nhanh chóng và không bị cản trở".
Quan tâm phát triển quan hệ với Pháp
Ông Macron và ông Tập đã đến thăm thành phố Quảng Châu ở miền Nam Trung Quốc hôm 7/4, chuyển sự chú ý sang các mối quan hệ kinh tế của hai nước.
Hai bên đồng ý nối lại các cuộc đàm phán cấp cao về chiến lược, kinh tế và văn hóa trong năm nay, đồng thời tăng cường hợp tác để đối phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có cuộc khủng hoảng Ukraine.
Rất hiếm khi ông Tập gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước ngoài bên ngoài thủ đô Bắc Kinh. Do đó, cuộc hội đàm không chính thức ở Quảng Châu nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm của ông Macron trong bối cảnh quan hệ của Trung Quốc với Mỹ ngày càng xấu đi. Những căng thẳng đó đã gia tăng trong tuần này khi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy ở California hôm 5/4.
"Việc ông Tập đến Quảng Châu để gặp ông Macron một lần nữa cho thấy Trung Quốc rất quan tâm đến việc phát triển mối quan hệ hợp tác và ổn định với Pháp", ông Li Mingjiang, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết.
"Bắc Kinh hy vọng rằng ông Macron cũng có thể đóng một vai trò trong việc ổn định quan hệ Liên Âu-Trung Quốc", ông Li nói thêm. "Đây là một mục tiêu ngoại giao rất quan trọng đối với Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ với Mỹ ngày càng xấu đi và những nỗ lực của Washington trong việc tập hợp các đồng minh và đối tác chống lại Trung Quốc".
Nhưng cuộc "tấn công quyến rũ" của Trung Quốc chỉ có giới hạn. Trong cuộc hội đàm chính thức hôm 6/4, nhà lãnh đạo Trung Quốc không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy rằng ông sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi của ông Macron nhằm "thức tỉnh Nga và đưa mọi người trở lại bàn đàm phán" về vấn đề Ukraine.
Thay vào đó, ông Tập cho biết ông sẵn sàng đưa ra lời kêu gọi chung với ông Macron về một giải pháp chính trị ở Ukraine đáp ứng "mối quan tâm an ninh hợp pháp của tất cả các bên" – ngôn ngữ lặp lại lập luận của Bắc Kinh và Moscow rằng việc NATO mở rộng vào Đông Âu là nguồn cơn của cuộc xung đột.
Đề phòng kịch bản xấu
Ông Tập cũng cho biết ông sẵn sàng nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi "có điều kiện và thời điểm thích hợp", theo Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, người đi cùng ông Macron tới Bắc Kinh.
Bà von der Leyen, người đã kết thúc chuyến thăm hôm 6/4, được đón tiếp lạnh lùng hơn ông Macron vì quan điểm "diều hâu" hơn của bà đối với Trung Quốc, được nhấn mạnh trong một bài phát biểu hồi cuối tháng 3, trong đó bà von der Leyen kêu gọi các nước Liên Âu "giảm thiểu rủi ro" do phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Trong cuộc hội đàm hôm 6/4, bà von der Leyen nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng mặc dù bà không coi việc tách khỏi Trung Quốc là một chiến lược khả thi hoặc đáng mong đợi đối với Liên Âu, nhưng "đồng thời, tôi có thể thấy một số rủi ro mà Châu Âu nên giải quyết".
Quang cảnh hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Bắc Kinh, ngày 6/4/2023. Ảnh : Xinhua
Trong một lời quở trách rõ ràng, ông Tập nói với bà von der Leyen rằng Liên Âu nên "tránh hiểu lầm và đánh giá sai", theo nội dung cuộc họp của hai nhà lãnh đạo.
Trung Quốc đang hy vọng sẽ tách Châu Âu và Mỹ ra bằng cách "quyến rũ" các nhà lãnh đạo Châu Âu như ông Macron – những người ủng hộ sự tự chủ cao hơn trong chính sách đối ngoại. Nỗi sợ hãi của Bắc Kinh là Châu Âu có thể áp đặt các hạn chế thương mại và đầu tư đối với Trung Quốc giống như những hạn chế do Mỹ áp đặt.
Để ngăn chặn kịch bản đó, Trung Quốc đang tìm cách khai thác sự chia rẽ trong nội bộ Châu Âu về cách đối phó với Bắc Kinh, tập trung sự chú ý vào các quốc gia như Pháp và Đức, những quốc gia có hành lang kinh doanh mạnh mẽ muốn tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc.
Ông Tập, trong một bài phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-Pháp hôm 6/4, đã kêu gọi các công ty Pháp tăng cường sự hiện diện của họ ở đất nước ông và cảnh báo chống lại việc "tách rời", khi Washington kêu gọi chính sách rút chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro an ninh mà họ cảm nhận thấy.
Minh Đức (theo New York Times, South China Morning Post)
Nguồn : Người Đưa Tin, 08/04/2023