Cải tổ hưu trí : Nước Pháp nín thở trước phán quyết của Hội đồng Bảo hiến
Hội đồng Bảo hiến ra phán quyết về cải cách hưu trí là chủ đề chính được các tờ báo Pháp quan tâm vào hôm 14/04/2023.
Cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu theo lời kêu gọi của các "tổ chức thanh niên" tại Paris, ngày 21/1. – Thomas Samson/AFP Powered by Audion
Nhật báo thiên hữu Le Figaro dành trang nhất cho chủ đề này, đề cập đến những giả thuyết có thể xảy ra. Sau ngày biểu tình thứ 12 của phe chống đối, Hội đồng Bảo hiến sẽ phải định đoạt số phận của cải cách hưu trí. Trong 15 ngày qua, 9 thành viên của Hội đồng đã xem xét và thảo luận về hồ sơ gai góc này. Và hôm nay, Hội đồng họp phiên toàn thể để cho ý kiến (thông qua toàn bộ, hủy bỏ hoặc hủy bỏ một phần) dự án này.
Giảng viên luật Jean-Pierre Camby phân tích rằng đây là một quyết định được đắn đo rất kỹ và rõ ràng là "sẽ không làm vừa lòng bất kỳ ai". Ông Camby cũng nhấn mạnh rằng Hội đồng Bảo hiến chưa bao giờ phải đối mặt với một tình huống tương tự.
Trong số các giả thuyết có thể xảy ra, kịch bản cải cách bị hủy bỏ một phần "nhiều khả năng" xảy ra nhất, theo các chuyên gia. Anne-Charlène Bezzina, phó giáo sư luật, cho biết : "Nếu chúng ta nhìn vào những án lệ của thẩm phán, thì giải pháp trung dung thường được cân nhắc nhiều nhất". Do đó, Hội đồng Bảo hiến có thể quyết định giữ nguyên cốt lõi của cải cách, là nâng tuổi nghỉ hưu hợp pháp lên 64 tuổi, nhưng hủy bỏ nhiều điều khoản bổ sung. Vì vậy, theo ông Camby, giả thuyết về việc cải cách bị hủy bỏ hoàn toàn "rất khó xảy ra".
Ngoài ra, Hội đồng Bảo hiến sẽ đưa ra quyết định về tính hợp hiến hay không của đề xuất tổ chức trưng cầu dân ý theo sáng kiến chia sẻ (référendum d'initiative partagée - RIP) về dự luật cải cách hưu trí do phe đối lập cánh tả đệ trình.
Nếu đề xuất này được Hội đồng Bảo hiến cho là hợp hiến, những người phản đối cải cách do chính phủ đưa ra, sẽ phải thu thập 4,8 triệu chữ ký trong vòng 9 tháng, tức 1/10 tổng số cử tri để có thể tổ chức trưng cầu dân ý. Đồng thời, nếu Thượng Viện hoặc Hạ Viện không giành quyền xem xét và thảo luận về dự luật trong vòng 6 tháng sau đó, thì tổng thống buộc phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, và mọi thủ tục sẽ chỉ được hoàn tất vào mùa hè năm 2024.
Hình ảnh của Pháp bị "hoen ố" trong con mắt quốc tế
Vẫn về cải cách hưu trí, tờ Libération dành bài xã luận đề cập đến những hình ảnh được chụp hôm qua 13/04 tại Paris bởi các phóng viên nhiếp ảnh cho thấy hàng loạt hiến binh và công an vây kín bảo vệ trụ sở của Hội đồng Bảo hiến. Nhật báo thiên tả nhận định rằng những hình ảnh này thực sự gây hoang mang, nhưng đồng thời là biểu tượng cho sự hỗn loạn của nền chính trị Pháp kể từ tháng Giêng năm nay. Nhiều khả năng những hình ảnh này sẽ được "tái hiện" vào hôm nay khi các thành viên Hội đồng Bảo hiến đưa ra phán quyết về cải cách lương hưu. Các thành viên của Hội đồng vốn là những người bảo vệ nền dân chủ Pháp. Tờ báo mỉa mai rằng vậy mà ở Pháp, vào tháng 04/2023, chính những người bảo vệ nền dân chủ lại cần được bảo vệ.
Những hình ảnh cảnh sát vây kín trụ sở Hội đồng Bảo hiến sẽ lan truyền ra khắp thế giới. Thông qua những hình ảnh này, tình trạng bất ổn của nền dân chủ Pháp sẽ là "thông điệp" được gửi ra thế giới. Dĩ nhiên, hành động quá khích của những kẻ côn đồ trong các cuộc biểu tình trong vài tuần qua sẽ biện minh cho việc bố trí lực lượng cảnh sát hùng hậu. Song, Libération nhận định chính phủ không thể tiếp tục sử dụng lập luận này để giải thích cho sự "thất bại" mà nước Pháp đang hứng chịu thông qua những hình ảnh đó. Bất kể hôm nay Hội đồng Bảo hiến đưa ra phán quyết như thế nào, theo Libération, chính phủ phải chịu trách nhiệm về tình trạng hỗn loạn kéo dài từ 3 tháng qua.
Những thử thách đối với Joe Biden trong chuyến đi Ireland
Vẫn ở Châu Âu, nhật báo Le Monde có bài xã luận nói về chuyến đi Ireland của tổng thống Mỹ Joe Biden. 25 năm sau khi được ký kết vào ngày 10/04/1998 tại Belfast, Bắc Ireland, thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh là một ví dụ hiếm hoi về hòa bình lâu dài, nhờ những nỗ lực kiên trì về ngoại giao và chính trị, trong một cuộc xung đột dường như không có lối thoát.
Bằng cách chấm dứt 30 năm nội chiến đẫm máu giữa phe Hợp Nhất (Unionistes - chủ yếu là người theo đạo Tin Lành, ủng hộ việc ở lại Vương quốc Anh) và phe Cộng Hòa (Républicains - chủ yếu là người Công giáo, ủng hộ việc thống nhất Ireland), hiệp ước hòa bình lịch sử này xứng đáng được hoan nghênh, điều mà ông Biden đã làm tại Belfast hôm 12/04, ngày đầu tiên trong chuyến công du Ireland của ông. Tổng thống Mỹ nhắc lại rằng "hòa bình không phải là điều tự nhiên có được", trong bối cảnh mà Bắc Ireland một lần nữa rơi vào bầu không khí căng thẳng và khủng hoảng chính trị.
Được ký kết dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ, thỏa thuận năm 1998 đã chấm dứt bạo lực bằng cách xóa bỏ biên giới giữa Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh) và Cộng hòa Ireland, thiết lập việc chia sẻ quyền lực giữa hai bên và có thể sẽ có những cuộc trưng cầu dân ý trong tương lai nhằm mục đích thống nhất Ireland. Nhưng hai cộng đồng vẫn còn rất đề phòng nhau, bằng chứng là những bức tường ngăn cách vẫn được duy trì ở Belfast.
Giờ đây, Brexit đã khiến Bắc Ireland rơi vào tình trạng hỗn loạn, là nơi đang bị mắc kẹt giữa tư cách thành viên của Vương quốc Anh và với vị trí địa lý nằm sát Cộng hòa Ireland, thành viên của Liên Hiệp Châu Âu (EU). Le Monde nhắc lại rằng 56% người dân Bắc Ireland đã chọn ở lại Liên Âu trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Chủ nghĩa cơ hội của cựu thủ tướng Anh Boris Johnson, người đã cụ thể hóa việc Anh Quốc rời Liên Âu, đã chấp nhận việc hàng hóa quá cảnh ở Vương quốc Anh tới Bắc Ireland phải chịu sự kiểm soát của hải quan, khiến những người theo phe Hợp Nhất nổi giận.
Vì lý do này, phe Hợp Nhất đã từ chối tham gia chính phủ trong gần một năm qua, khiến cho lãnh thổ Bắc Ireland trở nên khó kiểm soát, vào thời điểm các cơ quan tình báo Anh cho rằng khả năng xảy ra có các cuộc nổi dậy là rất lớn. Vào tháng 2 vừa qua, tổng thống Biden đã kêu gọi thủ tướng Anh Rishi Sunak giảm bớt căng thẳng trong khu vực, qua việc thúc đẩy Luân Đôn ký kết "Thỏa thuận Windsor" với Bruxelles, và theo đó, loại bỏ một phần lớn các rào cản phi thuế quan. Tuy nhiên, điều đó cho đến nay vẫn chưa đủ để làm nguôi giận những người theo phe Hợp Nhất.
Le Monde nhận định rằng sẽ cần nhiều hơn một bài phát biểu của Joe Biden để giải quyết những rắc rối ở Bắc Ireland. Nhưng tổng thống Mỹ vẫn tìm cách gửi đi một số thông điệp quan trọng.
Thông điệp đầu tiên được gửi tới cử tri Mỹ, mà khoảng 30 triệu công dân, giống như ông Biden, có gốc Ireland. Tổng thống Biden tự hào nhắc lại nguồn gốc của ông và nói rằng "lòng can đảm" và "có niềm tin vào tương lai" là những đặc điểm chung của người Ireland và người Mỹ. Thông điệp còn lại được gửi tới Châu Âu, khi ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khối Liên Âu (EU). Trước khi bị đe dọa bởi Brexit, hòa bình ở Ireland đã được duy trì một cách ổn định nhờ tư cách thành viên của cả hai miền trong khối này. Ông Biden mong muốn rằng Châu Âu sẽ cố gắng tìm mọi biện pháp để bảo vệ hòa bình ở Ireland.
Đài Loan, phép thử về sự đoàn kết của Châu Âu
Quay trở lại Pháp, nhật báo công giáo La Croix dành bài xã luận đề cập đến phát biểu của tổng thống Macron về việc Châu Âu cần phải tự chủ chiến lược, cùng với chiến lược của Trung-Mỹ đối với Đài Loan.
Là "đồng minh" của Hoa Kỳ không có nghĩa là trở thành "chư hầu". Những phát biểu của Emmanuel Macron trong tuần qua về mối quan hệ phức tạp với Bắc Kinh và Washington đã bị phản đối kịch liệt ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Tuy nhiên, những suy nghĩ này không hề mới mẻ. Kể từ thời Charles de Gaulle, Pháp vẫn luôn giữ khoảng cách nhất định với "người anh cả" Hoa Kỳ. Lập trường này của Paris cũng từng khiến quan hệ song phương không phải lúc nào cũng "êm dịu". Tuy nhiên, giờ đây có một điểm khác biệt lớn là Châu Âu cũng có thể bị "liên lụy".
Chủ nhân điện Elysée quả quyết rằng lục địa già phải đoàn kết và thống nhất nếu muốn có trọng lượng vào thời điểm hiện tại. Và để đạt được điều đó, Châu Âu phải tự chủ chiến lược. Tuy nhiên, cục diện của Châu Âu đã bị đảo lộn bởi cuộc chiến tranh của Nga tiến hành ở Ukraine, qua đó cho thấy vai trò không thể thay thế của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh cho các thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Quả thật, một số quốc gia EU tin rằng chỉ có quan hệ đối tác chiến lược với Washington mới bảo vệ được họ.
Khi đối mặt với Trung Quốc, mối quan hệ khăng khít, thậm chí là bị lệ thuộc vào Washington, khiến một số nhà lãnh đạo Châu Âu ủng hộ chiến lược đối đầu với Trung Quốc của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu như ngày xưa sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh chỉ dừng lại ở các lĩnh vực công nghệ và quân sự, thì giờ đây, sự đối đầu giữa hai bên đã dần lan sang cả vấn đề Đài Loan, kể từ khi chủ tịch Tập Cận Bình coi việc sáp nhập hòn đảo, một biểu tượng của nền dân chủ ở Châu Á, là một trong những mục tiêu tối quan trọng. Do đó, một cuộc chạy đua hướng tới chiến tranh dường như đã được kích hoạt, mặc dù đây là giả thuyết tồi tệ nhất. Để ngăn chặn điều này, các quốc gia Châu Âu và đồng minh của họ phải kiên quyết bảo vệ nguyên trạng về chính sách một Trung Quốc đi kèm với hai chế độ. Mặc dù vậy, điều đó sẽ không ngăn cản những quốc gia này có những suy nghĩ độc lập về mối quan hệ của họ với Trung Quốc.
Phan Minh