Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/05/2023

Điểm báo Pháp - Toàn trị hay dân chủ ?

RFI tiếng Việt

Toàn trị hay dân chủ ? Cơ hội cuối cùng cho cử tri Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước một chọn lựa lịch sử. Hoặc bầu cho ông Erdogan, chuyển hẳn sang chế độ toàn trị theo kiểu nước Nga của Vladimir Putin, và một liên minh ngày càng chặt chẽ với Moskva và Bắc Kinh. Hoặc quay lại với chế độ dân chủ, tái lập Nhà nước pháp quyền và các quyền tự do căn bản. Theo Le Figaro, lần đầu tiên kể từ 2009 Erdogan có nguy cơ thất bại trong kỳ bầu cử tổng thống sắp tới.

toantri1

Ứng cử viên tổng thống Kemal Kiliçdaroglu của liên minh đối lập phát biểu trước những người ủng hộ trong cuộc mít-tinh tại Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30/04/2023 via Reuters – Aluật pháp Eren Kaya/CHP

100.000 lính Nga tử trận tại Ukraine từ cuối 2022

Liên quan đến Ukraine, trang web Le Monde cho biết Kiev "gia tăng các hoạt động phá hoại tại những vùng biên giới với Nga và ở Crimea". Cuộc tổng phản công vẫn chưa bắt đầu, nhưng những ngày gần đây đã có những vụ tấn công đáng kể. Hôm qua, chất nổ đã làm một tàu hàng bị trật đường ray ở vùng Briansk của Nga gần biên giới Ukraine, nhưng không có ai thiệt mạng. Một đường điện cao thế ở vùng Leningrad, gần Estonia và Phần Lan bị thiệt hại cũng do chất nổ. Ở làng Suzemka cách biên giới 9 kilomet, bốn người chết tối thứ Bảy 29/04 : cùng ngày, năm làng khác ở Belgorod của Nga bị cúp điện vì Ukraine pháo kích.

Trước đó, một drone làm kho dầu lửa ở Sevastopol (Crimea) bốc cháy, những hình ảnh ấn tượng với những cột khói đen hình nấm bốc cao lan tràn trên mạng xã hội Ukraine. Theo phía Nga, bốn bồn dầu bị hư hại, còn theo Kiev thì vụ tấn công đã phá hủy trên 10 bồn chứa khoảng 40.000 tấn dầu. Một đại diện tình báo quân đội Ukraine khuyến cáo người dân Crimea sắp tới nên tránh "đến gần những cơ sở quân sự hoặc kho bãi của quân xâm lược".

Cũng hôm qua bộ trưởng quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tuyên bố việc chuẩn bị phản công đã gần xong. Cùng ngày, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby tiết lộ ước lượng của tình báo Mỹ về số lính Nga tử trận : 100.000 người kể từ tháng 12/2022, trong đó chỉ riêng ở miền đông, đặc biệt xung quanh Bakhmut là 20.000, phân nửa là lính đánh thuê Wagner. Ông Kirby kết luận, "Nga đã tự hại mình", đồng thời từ chối cho biết con số thiệt hại của Ukraine.

Dầu lửa Nga đi vòng qua Bulgariaa, bán lại cho Ukraine chiến đấu

Cũng về Ukraine, đặc phái viên Libération ở Burgas, Bulgaria nêu ra một nghịch lý : tại nhà máy lọc dầu Lukoil, "dầu lửa Nga được cung ứng cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine". Cảng dầu lửa Rosents bên bờ Hắc Hải là nơi duy nhất tại Liên Hiệp Châu Âu (EU) được tiếp tục nhập dầu thô từ Nga : Bulgaria được đặc miễn ít nhất đến cuối 2024. Lý do, theo một cựu lãnh đạo công ty Nga Lukoil, Bulgaria lệ thuộc quá nhiều vào hãng này.

Lukoil kiểm soát cảng dầu duy nhất của đất nước và nhà máy lọc dầu lớn nhất, nắm được chuỗi cung ứng dầu thô từ Nga. Ngay cả ống dẫn dầu vào thủ đô Sofia cũng thuộc công ty này. Khu đất được nhượng lại ở cảng Rosents từ năm 2011 trở thành lãnh địa, một bức tường bê-tông cao hơn ba mét phía trên rào dây thép gai được dựng lên, hàng rào gắn đầy camera. Những người tuần tra là thành viên một công ty an ninh tư nhân. Đại diện chính quyền không được vào nếu công ty Nga không cho phép. Số lượng dầu thô đưa đến Rosenets cũng không thể biết được chính xác. Nhà nước đã thiết trí các công cụ tại cảng và nhà máy để kiểm tra số lượng dầu thô đưa vào và sản phẩm lọc dầu xuất ra, nhưng năm 2013 mới biết các thiết bị không hoạt động, niêm phong bị phá.

Trong các điều kiện như vậy, làm thế nào EU có thể miễn cho Bulgaria việc áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga ? Libération cho biết vào thời điểm thương lượng hồi mùa xuân 2022, chính phủ Bulgaria lúc đó viện lẽ nhà máy lọc dầu Burgas chỉ có thể lọc được dầu lửa Nga. Nhưng nhà báo điều tra Assen Yordanov vốn là dân địa phương khẳng định điều này là dối trá, hồi mới xây dựng trong thập niên 60, nhà máy đã hoạt động với dầu lửa Trung Đông. Số dầu diesel được Lukoil bán sang Ukraine từ 2021 đến 2022 tăng gần 1.000 lần, thông qua những công ty trung gian. Kiev cần nhiên liệu cho các xe tải, xe jeep và thiết giáp, chi trả bằng viện trợ của phương Tây. Theo Yordanov, đây là cả một nghịch lý, và chỉ có Putin được lợi nhờ kiếm tiền qua cuộc chiến do chính ông ta gây ra.

Toàn trị hay dân chủ ? Cơ hội cuối cùng cho cử tri Thổ Nhĩ Kỳ

Về cuộc bầu cử ngày 14/5 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Le Figaro cho rằng đây là "cơ hội cuối cùng", đặt đất nước này trước một chọn lựa quyết định.Một trăm năm sau khi nước cộng hòa được Mustafa Kemal Atatürk thành lập, cuộc bầu cử tổng thống lần này mang tính lịch sử.

Không chỉ là một cuộc trưng cầu dân ý về ông Recep Tayyip Erdogan, mà còn là sự chọn lựa nền văn minh. Hoặc chuyển hẳn sang chế độ toàn trị theo kiểu nước Nga của Vladimir Putin, và một liên minh ngày càng chặt chẽ với các đế quốc Nga và Trung Quốc. Hoặc quay lại với chế độ dân chủ, tái lập Nhà nước pháp quyền và các quyền tự do căn bản, độc lập tư pháp, tự do báo chí, cởi mở với phương Tây. Có thể so sánh Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023 với nước Đức năm 1933.

Recep Tayyip Erdogan sẵn sàng làm tất cả để duy trì quyền lực. Ông ta thao túng các định chế, không ngần ngại tống giam đối lập hay buộc họ phải lưu vong, thanh trừng bộ máy nhà nước và quân đội. Erdogan khi mở chiến dịch tranh cử đã vung tiền từ ngân sách đang èo uột, tăng lương công chức 30% và lương tối thiểu 200%, cho phép trên 2 triệu người về hưu trước hạn. Ông đàn áp người Kurdistan và người Armenia để đánh lạc hướng những thất bại trong đối nội.

Lần đầu tiên Erdogan có nguy cơ bị hạ bệ

Tuy vậy, lần đầu tiên kể từ 2014, Recep Tayyip Erdogan có thể bị đánh bại. Chiến dịch của ông bị rối loạn vì tình trạng sức khỏe, trong bối cảnh tôn sùng cá nhân. Đặc biệt trước mặt ông là phe đối lập có tổ chức và quyết tâm, tập hợp xung quanh Kemal Kiliçdaroglu, một "Gandhi Thổ Nhĩ Kỳ" người thiểu số Alevi, là nhà kinh tế tên tuổi và nhân vật được tôn trọng, lãnh đạo đảng CHP. Kemal Kiliçdaroglu hiện đang dẫn đầu trong các thăm dò, nhưng còn phải vượt qua những trở ngại của một đạo luật bầu cử tháng 4/2022 "đo ni đóng giày" cho Erdogan, và những rủi ro gian lận. Đảng AKP của Erdogan có mạng lưới dày đặc trên toàn quốc, sẽ không bỏ lỡ cơ hội thao túng những lá phiếu của 3,5 triệu người sơ tán sau trận động đất.

Mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá của ông Erdogan đã dẫn đến khủng hoảng tiền tệ, tài chánh và xã hội. Lạm phát lên đến 150%, người nghèo tăng nhanh, 23% dân số hoạt động bị thất nghiệp, thu nhập đầu người từ 12.600 đô la xuống còn 7.500 đô la trong 10 năm qua. Đồng livre mất trên 70% giá trị so với năm trước, nợ nước ngoài vượt 460 tỉ đô la. Thổ Nhĩ Kỳ tránh được vỡ nợ là nhờ Nga, Ả Rập Xê Út và Qatar cho vay khẩn cấp. Trận động đất ngày 06/02 làm trên 50.000 người thiệt mạng đã bộc lộ sự bất lực của Nhà nước do AKP nắm, tham nhũng và giáo quyền là nguyên nhân khiến các nạn nhân hầu như bị bỏ rơi.

Với 85 triệu dân, tiềm lực kinh tế và vị trí chiến lược, tương lai Thổ Nhĩ Kỳ là quan trọng cho Châu Âu, NATO và thế giới dân chủ, trong bối cảnh đối đầu với các chế độ độc tài. Theo Le Figaro, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu cần tránh những sai lầm như với Moskva bằng một chiến lược rõ ràng. Nếu Recep Tayyip Erdogan thắng, phải thẳng thừng ngăn chn ý đồ bành trướng, còn nếu Kemal Kiliçdaroglu đắc cử, ủng hộ mạnh mẽ việc quay lại với dân chủ và phát triển mối liên hệ với xã hội dân sự Thổ Nhĩ Kỳ.

Global Gateway, đối thủ của Con đường tơ lụa ở Châu Phi

Nhìn sang Châu Phi, Le Figaro nói về "Global Gateway, đáp trả của Châu Âu trước Con đường tơ lụa Trung Quốc".Tại Cameroun, Liên Hiệp Châu Âu tài trợ xây dựng một cảng trên sông Logone ở biên giới Tchad, nhằm giúp cả hai nước phát triển. Được đưa ra từ năm 2021, sáng kiến Global Gateway có mục đích mở rộng cơ sở hạ tầng trên toàn lục địa Châu Phi, trong các lãnh vực ưu tiên : giao thông, khí hậu và năng lượng, kỹ thuật số, y tế giáo dục và nghiên cứu. Bruxelles dự kiến đầu tư 150 tỉ euro từ nay đến 2027, đồng thời huy động lãnh vực tư nhân.

Tuy không nói hẳn ra, nhưng nhằm đối phó với "Một vành đai, một con đường" được Tập Cận Bình khởi động cách đây 10 năm, nhắm vào lợi ích địa chính trị và bảo đảm nguyên liệu chiến lược cho Trung Quốc.

Những mạng lưới cầu đường, đường xe lửa mà Bắc Kinh dùng lao động Trung Quốc xây dựng ở Châu Âu, Châu Á và Châu Phi, đổ số tiền lớn cho vay với những hợp đồng bất lợi khiến nhiều nước phải chịu gánh nặng nợ nần. Chẳng hạn nước Lào nhỏ bé với tuyến đường sắt Côn Minh-Vientiane mỗi năm phải trả nợ trên 1 tỉ đô la, trong đó phân nửa cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc Sri Lanka mất khả năng chi trả và Trung Quốc siết nợ bằng cách kiểm soát cảng Hambantota cũng khiến Bắc Kinh bắt đầu lo lắng vì ảnh hưởng đến hàng loạt ngân hàng nhà nước.

Hưu trí, nợ công : Vấn đề của nước Pháp

Cuộc biểu dương lực lượng nhân ngày lễ Quốc tế Lao động 1 tháng Năm hôm qua chiếm trang nhất các báo Pháp. Libération đăng ảnh trang nhất đông đảo người biểu tình, chạy tựa "Cơn thịnh nộ và những niềm hy vọng". "Hưu trí : Kết quả về chính trị" là tít chính của La Croix, tờ báo cho rằng cánh tả không được bao nhiêu lợi ích trong cuộc chiến công luận. Les Echos chú trọng đến "Hưu trí : Các sắc lệnh để tiến hành cải cách", nhận xét với 782.000 người xuống đường hôm qua, không có biển người như các nghiệp đoàn chờ đợi. 

Le Figaro nhận định "Chính quyền trông cậy vào đối thoại để ra khỏi khủng hoảng", cải cách sẽ giúp tiết kiệm ngân sách. Đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ không dẫn đến tuần làm việc bốn ngày hay những biện pháp tốn kém khác, nếu không những cơ quan như Fitch sẽ còn tiếp tục đánh sụt điểm. Nói chung các báo đều quan tâm đến sự kiện cơ quan thẩm định tài chánh Fitch hạ điểm tín nhiệm của Pháp từ AA xuống AA- vì tình hình xã hội căng thẳng và tăng trưởng thấp. Theo Les Echos, cần phải lưu ý đến phát súng cảnh cáo này - một tháng nữa sẽ đến lượt hãng Standard & Poor's.

Trong bài xã luận "Điểm xấu", La Croix nhận thấy với hai chữ A, nợ công của Pháp vẫn được coi là "rất tốt". Như vậy Pháp không gặp khó khăn khi vay nợ trên thị trường quốc tế. Do phong trào phản kháng chính sách hưu trí bị coi là "rủi ro cho chương trình cải cách", La Croix cho rằng chính quyền có thể nhân đó chứng minh cần phải tái cân bằng ngân sách, nhưng cũng phải chú ý đến khía cạnh xã hội.

Những nạn nhân đầu tiên của ChatGPT

Về công nghệ, Les Echos cho biết "ChatGPT đã có một nạn nhân đầu tiên trên thị trường chứng khoán". Công ty Chegg chuyên trợ giúp làm bài tập hôm qua cảnh báo do bị ChatGPT cạnh tranh, cổ phiếu của Chegg đã lao dốc gần 50%, dẫn đến cả lãnh vực đều thiệt hại.

Chỉ vừa chập chững góp mặt trên internet được vài tháng, công cụ này đã gây chao đảo cho các công ty trị giá nhiều tỉ đô la trên thị trường chứng khoán. Công ty Pearson trong cùng lãnh vực với Chegg, trị giá trên 5 tỉ bảng Anh, cũng mất trên 12% ở thị trường Luân Đôn, giảm mạnh nhất kể từ một năm qua. Dan Rosensweig, ông chủ của Chegg, khi công bố kết quả quý I khẳng định từ tháng Ba bắt đầu nhận thấy rất nhiều sinh viên sử dụng ChatGPT, ảnh hưởng đến nhịp độ thu hút thêm khách hàng mới. Nhận xét này cùng với dự báo quý II sút giảm đã làm Chegg mất khoảng 1 tỉ đô la chỉ trong vài phút.

Ông David Older của công ty tư vấn đầu tư Carmignac nhận xét "Vào lúc này, trí thông minh nhân tạo dường như đang trên con đường thành công tương tự như iPhone". Dan Rosensweig đang tìm cách khắc phục bằng cách hợp tác với OpenAI, công ty sáng tạo ra ChatGPT để có được "công cụ phụ đạo mạnh mẽ nhất cho học sinh sinh viên toàn thế giới". Vấn đề là liệu sinh viên có tìm thấy đầy đủ giá trị gia tăng nơi Chegg thay vì sử dụng trực tiếp ChatGPT – đây là điều mà các nhà đầu tư nghi ngại.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 182 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)