Ukraine gia nhập NATO, viễn cảnh còn xa vời
Hôm nay Lễ Lao động 1 tháng Năm, tất cả các nhật báo đều nghỉ, chỉ có Le Monde ra số đúp từ hôm trước. Sau khi Phần Lan trở thành nước thành viên thứ 31, Thụy Điển thì đang chờ đợi, vị trí nào dành cho Ukraine nhân cuộc họp thượng đỉnh của NATO tháng Bảy tới ? Một vùng đệm vĩnh viễn như trước chiến tranh, hay Kiev phải từ bỏ Crimea và một phần Donbass để có thể gắn kết với phương Tây ?
Các quân nhân Mỹ bên cạnh giàn hỏa tiễn địa-không Patriot ở một căn cứ phía đông thủ đô Vilnius (Litva) trong cuộc tập trận "Tobruq Legacy 2017" của các nước NATO ngày 20/07/2017. AP - Mindaugas Kulbis
Lễ Lao động : Lần đầu tiên từ 14 năm các nghiệp đoàn Pháp cùng diễn hành
Le Monde chạy tựa "Chính quyền đứng trước sự phản kháng dai dẳng", tờ báo ghi nhận : lần đầu tiên kể từ 2009, các nghiệp đoàn - hồi sinh từ phong trào - cùng diễn hành chung.
Từ mười ngày qua, tổng thống và các bộ trưởng cố tránh những rắc rối. Hôm thứ Bảy 29/04, đã có 30.000 thẻ đỏ và còi được các nghiệp đoàn phân phát cho ủng hộ viên trận chung kết Cúp bóng đá Pháp trước khi ông Emmanuel Macron có mặt ở Stade de France : và hôm nay có khoảng 300 cuộc biểu tình được tổ chức trên toàn quốc. Lực lượng cảnh sát cơ động bắt đầu mệt mỏi khi phải liên tục can thiệp, trước những lời kêu gọi xuống đường phản đối mỗi lần có một thành viên chính phủ tiếp xúc với dân, sau khi luật cải cách hưu trí được ban hành.
Hai quan điểm khác biệt về việc Ukraine gia nhập NATO
Liên quan đến Ukraine, Le Monde phân tích về "Những khác biệt của phương Tây trong vấn đề Ukraine gia nhập NATO". Các nước thành viên cân nhắc về việc bảo đảm an ninh cho Ukraine trong cuộc họp thượng đỉnh ở Vilnius tháng Bảy tới.
Điều 23 trong thông cáo công bố sau thượng đỉnh NATO ở Bucarest tháng 4/2008 vẫn ám ảnh các nước phương Tây. Sau nhiều cuộc thương thảo giữa các đồng minh, một cam kết về nguyên tắc được đưa ra nhưng không có lịch trình cụ thể : "NATO hoan nghênh khát vọng gia nhập của Ukraine và Georgia (...). Hôm nay, chúng tôi quyết định rằng những nước này sẽ trở nên thành viên NATO". Chỉ bốn tháng sau, quân Nga tiến vào Georgia và quốc gia này bị mất 20% lãnh thổ.
Mười lăm năm đã trôi qua. Cuộc xâm lăng Ukraine khiến Liên minh Bắc Đại Tây Dương tìm lại được ý nghĩa, nhưng trong lúc Kiev chuẩn bị tổ chức phản công, phương Tây đứng trước một chọn lựa chiến lược. Sau khi Phần Lan trở thành nước thành viên thứ 31, Thụy Điển thì đang chờ đợi, vị trí nào dành cho Ukraine ? Một vùng đệm vĩnh viễn như trước chiến tranh, hay Kiev phải từ bỏ Crimea và một phần Donbass để có thể gắn kết với phương Tây ? Là ứng cử viên chính thức vào Liên Hiệp Châu Âu (EU) từ tháng 6/2022, nhưng tham gia NATO đối với Ukraine hãy còn xa vời. Ba Lan và các nước Baltic ủng hộ, nhưng Hoa Kỳ không muốn, Đức cũng vậy, còn Pháp để ngỏ. Emmanuel Macron tìm kiếm một công thức có thể kéo gần lại hai khuynh hướng.
Một công thức mới bảo đảm an ninh cho Kiev ?
Hôm 05/04 ngoại trưởng Antony Blinken nói rằng trên nguyên tắc Mỹ ủng hộ để ngỏ NATO nhưng trước mắt Washington "tập trung cao độ" cho việc trao mọi phương tiện cho Ukraine tự vệ và "giành lại thêm nhiều vùng đất bị Nga chiếm". Mục tiêu là "nâng Ukraine lên tiêu chuẩn NATO và khả năng tương tác với NATO".
Một nhà ngoại giao Châu Âu giải thích, Hoa Kỳ chống lại việc Ukraine gia nhập, chỉ muốn bảo đảm an ninh theo kiểu song phương. Mỹ cho rằng cuộc phản công không tái chiếm được nhiều đất, song song đó cần thương lượng, và muốn có được sự ổn định từ nay đến mùa hè 2024, trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Theo nhà phân tích Christopher Chivvis, từng phụ trách Châu Âu trong cơ quan tình báo Mỹ, Ukraine không phải là lợi ích sống còn của Hoa Kỳ. Nếu Kiev gia nhập NATO, các đồng minh phải bảo vệ một đường biên giới rất dài trước Nga. Ông lo ngại rằng Volodymyr Zelensky chưa chuẩn bị cho đồng bào mình trước những lựa chọn đau lòng trong vài tháng tới. Có thể phương Tây cần phải tìm ra một công thức bảo đảm an ninh mà Kiev chấp nhận được, cho dù không mạnh mẽ như điều 5 của NATO - quy định tất cả sẽ hỗ trợ khi một thành viên bị "tấn công vũ trang". Chivvis cho rằng nên xem xét ý tưởng một liên minh mới trải dài đến những nước như Úc, Nhật Bản, có thể giúp Ukraine tuy không cam kết cụ thể.
Khả năng một thỏa thuận song phương Hoa Kỳ-Ukraine
Daniel Fried, cựu đại sứ Mỹ tại Ba Lan từng đóng vai trò chính trong việc mở rộng NATO những năm 2000, nằm trong số các chuyên gia tích cực nhất với Kiev. Ông nhớ lại, hồi đó người ta cho rằng việc để Ba Lan gia nhập NATO là đầy nguy hiểm. Nhưng Ukraine đã tự chiến đấu mà không có các đội quân nước ngoài can thiệp, có nghĩa là lãnh thổ nước này có thể được NATO bảo vệ. Chuyên gia này dè dặt trước một liên minh thiện chí, vì Putin có thể lại thử thời vận : dù chuyện gì xảy ra ở Ukraine đi nữa, ông ta cũng không phải đối mặt với quân đội phương Tây.
Giáo sư Charles Kupchan nhận định không nên hy vọng một bước quyết định tiến tới tư cách thành viên tại thượng đỉnh Vilnius, vì Mỹ rất dè dặt. Ông chờ đợi hội nghị Vilnius tái khẳng định ủng hộ Kiev, và thảo luận một dạng hiệp ước an ninh hoặc liên minh tự nguyện trong NATO. Cũng có một công thức khác : một hiệp định song phương giữa Washington và Kiev, giống như với Israel. Tuy Hoa Kỳ không buộc phải đứng ra bảo vệ Israel, nhưng yểm trợ rất lớn về tình báo, hợp tác chế tạo vũ khí và bán thiết bị quân sự.
Một thỏa thuận song phương với nội dung không được công khai, gắn kết Ukraine với Mỹ, sau khi đã viện trợ quân sự đến 35 tỉ đô la trong vòng một năm ? Ông Max Bergmann thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) đặt hy vọng vào EU thay vì NATO - với mong mỏi được nhanh chóng gia nhập, Zelensky có thể thuyết phục dân chúng chịu nhượng bộ Moskva. Nhưng hiện không có thủ tục gia nhập rút gọn nào, và phải quay lại với điểm xuất phát : Viễn cảnh nào cho Ukraine ?
Chiếm đất của Ukraine, Putin còn muốn trục xuất dân
Trong khi đó, "Putin đe dọa trục xuất người Ukraine ra khỏi những vùng bị Nga sáp nhập". Ông chủ điện Kremlin ký sắc lệnh buộc cư dân tại đây phải nhập quốc tịch Nga. Những người sở hữu hộ chiếu Ukraine sẽ nhận được hộ chiếu Nga trước ngày 01/07/2024, ai từ chối sẽ bị coi là người ngoại quốc. Biện pháp này không chỉ áp dụng cho Crimea, bị chiếm từ năm 2014, mà cả Donetsk, Luhansk, Zaporijia, Kherson mới bị sáp nhập từ tháng 9/2022. Đây là bước leo thang thô bạo, vì cho đến nay người dân Crimea dù bị làm khó dễ, vẫn được giữ hộ chiếu Ukraine. Tuy nhiên những "người Nga" mới này chỉ là công dân hạng hai.
Một luật thông qua ngày 18/04 quy định những người Nga nhập tịch có thể bị tước quốc tịch nếu vi phạm luật hình sự, trong đó có việc "nói xấu quân đội Nga". Cư dân "những vùng đất mới" cũng có thể bị trục xuất "nếu là mối đe dọa cho an ninh quốc gia" - có nghĩa là bày tỏ bất bình về nhiều vấn đề khác nhau. Được biết tháng 9/2022, nhà đấu tranh sinh thái và phản chiến Archak Makitchian đã bị hủy bỏ quốc tịch Nga, trở thành vô tổ quốc, với lý do tài liệu ông cung cấp 18 năm trước đó không đúng. Vladimir Putin đã ký ban hành một đạo luật vi hiến, vì Hiến pháp Liên bang Nga nói rõ mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật "bất kể cách thức có được quốc tịch Nga".
Thụy Điển tập trận chung lớn nhất từ 25 năm
Về mặt quân sự, tại Thụy Điển, quốc gia đang chờ được bật đèn xanh để vào NATO, đang diễn ra một cuộc tập trận chung lớn nhất kể từ 25 năm qua mang tên "Aurora 23". Có 26.000 binh sĩ của 14 nước tham gia từ ngày 17/04 đến 11/05.
Tình huống giả định là Thụy Điển bị tấn công, mạng lưới điện và viễn thông bị phá hoại. Dù đã động viên một phần, các trận đánh ngày càng dữ dội hơn ở miền nam. Mỹ gởi sang một tiểu đoàn thủy quân lục chiến với 700 quân, Phần Lan đổ bộ vào miền tây trong khi Pháp đưa chiến hạm Normandie đến cảng Göteborg. Từ cuối tuần, các quân nhân bắt đầu sát cánh chiến đấu, toàn bộ lực lượng Thụy Điển đều có mặt kể cả 9.000 người tình nguyện.
Được dự kiến vào năm 2020, cuộc tập trận bị dời lại vì đại dịch. Trong thời gian đó, bối cảnh đã hoàn toàn thay đổi : Nga xua quân vào Ukraine và hai tháng sau Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Tuy không phải là cuộc tập trận của NATO, nhưng qua đó Stockholm có thể cho thấy đã sẵn sàng.
Thương lượng với Ankara đang bế tắc, trong khi chờ đợi kết quả bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ vào giữa tháng Năm, bộ trưởng quốc phòng Pal Johnson tin tưởng Thụy Điển sẽ vào được NATO trước thượng đỉnh Vilnius. Ông nhấn mạnh nước mình không đến với hai bàn tay không : "Thụy Điển là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới có thể sản xuất phi cơ tiêm kích, tàu ngầm, chiến hạm, các hệ thống pháo, chiến xa. Và việc nước chúng tôi gia nhập sẽ tăng cường sườn phía bắc của NATO".
Nga vẫn dùng mánh khóe để nhập linh kiện chế tạo vũ khí
Về phía phương Tây, Le Monde nói đến "Những lỗ hổng trong việc trừng phạt Nga". Nhờ luồn lách thông qua nước thứ ba, Moskva vẫn có được các linh kiện điện tử dùng để sản xuất vũ khí. Mười hai nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong một tài liệu chuyển cho Ủy Ban Châu Âu hồi tháng Hai cho biết kỹ nghệ vũ khí và các ngành chiến lược của Nga tiếp tục được cung ứng ngày càng nhiều.
Moskva sử dụng những công ty bình phong của Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Belarus, Armenia, Georgia, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Trung Quốc. Thương mại với EU trong năm 2022 đã lên đến mức kỷ lục, và xuất khẩu từ các nước này sang Nga cũng vậy. Bruxelles đã lập trang web EU Sanctions Whistleblower Tool để có thể tố cáo nặc danh, và đến nay đã có 75 thông tin được ghi nhận.
Những mặt hàng tiêu dùng như máy giặt, tủ lạnh, máy vắt sữa, điện thoại di động được các công ty Nga thuộc tập đoàn vũ khí Rostec tháo gỡ để lấy các bộ phận điện tử lắp vào hỏa tiễn, đạn pháo thông minh, radar, drone. Chuyên gia Vladyslav Vlasiuk ở Kiev cho biết, vừa phát hiện được một số thành phần từ thuốc lá điện tử trong drone tự hủy Lancet của Nga. Viên chức trẻ tuổi này là thành viên ủy ban Yermak-McFaul, một nhóm chuyên gia Ukraine, Mỹ và đối lập Nga phụ trách theo dõi việc tránh né cấm vận. Công việc đầu tiên là cố xác định xuất xứ linh kiện điện tử tìm thấy bên trong các thiết bị Nga bỏ lại trên thực địa, và thông báo cho nước sản xuất để điều tra.
Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, hai mắt xích quan trọng
Thổ Nhĩ Kỳ nhờ vị trí địa lý, nhất là trấn giữ lối vào Hắc Hải, đã hưởng lợi lớn nhờ cấm vận của phương Tây. Chẳng hạn Azu International, một công ty mới thành lập vào đầu cuộc xâm lăng, đã xuất sang Nga trên 20 triệu đô la linh kiện của Mỹ, chỉ thay bao bì rồi bán giá cao gấp hai, ba lần – Moskva không quan tâm giá cả. Việc tái xuất chấm dứt sau chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken : ngày 12/04, công ty này bị cho vào danh sách trừng phạt, tổng cộng 120 doanh nghiệp và cá nhân. Tuy nhiên vẫn có thể dùng mánh khóe thay mã vạch bằng loại gần giống.
Một mắt xích quan trọng khác trong chuỗi cung ứng : Trung Quốc xuất sang Nga phụ tùng cho drone nhất là pin và camera, qua nền tảng bán hàng trên mạng AliExpress. Bên cạnh đó là thiết bị định vị, hình ảnh vệ tinh, linh kiện điện tử dù chất lượng xấu hơn của Đài Loan, Hàn Quốc. Về phía các thành viên EU, hiện mới có 12 nước coi việc vi phạm cấm vận là tội hình sự. EU đã bổ nhiệm một đặc phái viên để đi thuyết phục các quốc gia đang tiếp tay cho Nga, không nên giúp Putin kéo dài chiến tranh.
Thụy My