Rất ít cơ may để Trung Quốc hòa giải được xung đột Ukraine-Nga
Thời sự quốc tế tiếp tục được các tờ báo chính của Pháp quan tâm là cuộc điện đàm giữa tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 26/04/2023.
Ảnh ghép : Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình © AFP
Nhật báo Le Monde, với bài "Chiến tranh tại Ukraine : Bắc Kinh nhận là người trung gian hòa giải", khẳng định "cuộc tiếp xúc đầu tiên này... là do tham vọng của Trung Quốc muốn có vị thế như là một thế lực trung gian giải quyết cuộc chiến tranh giữa Ukraine và Nga", mặc dù trong thông cáo, Bắc Kinh nhấn mạnh "Trung Quốc không phải là là nguồn gốc cũng như không phải là bên can dự vào cuộc khủng hoảng". Theo phía Trung Quốc, cuộc điện đàm là theo "đề nghị của phía Ukraine". Nhật báo Pháp nhắc lại là sự kiện này diễn ra ba tuần sau khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen trong chuyến thăm Bắc Kinh đã đề nghị chủ tịch Trung Quốc nói chuyện với tổng thống Ukraine. Ông Tập Cận Bình đã trả lời là sẽ làm việc đó vào "thời điểm thuận lợi".
Cơ may để Trung Quốc hòa giải thành công ?
Tất cả mới chỉ là tín hiệu ban đầu, nhưng đối với cuộc chiến tranh khốc liệt tại Ukraine kéo dài hơn một năm nay thì mọi sự hòa dịu đều là tốt, theo nhận định của Le Figaro.
Theo tờ báo, sau cuộc nói chuyện này, cơ may hòa giải vẫn còn rất ít. Tuy nhiên, việc khởi động lại quan hệ giữa Bắc Kinh và Kiev vào thời điểm này tự đã là một sự biến chuyển tích cực.
Về vấn đề cốt lõi, liên quan đến cuộc chiến tranh tại Ukraine, người ta có thể trông đợi gì sau cuộc điện đàm đầu tiên giữa lãnh đạo Ukraine và Trung Quốc ? Theo Le Figaro, không có gì nhiều vào lúc này, bởi trên thực tế, "bây giờ không phải là thời điểm nối lại các cuộc thương lượng. Điện Kremlin ủng hộ sáng kiến ngoại giao nhưng chỉ với điều kiện của Nga đưa ra, tức là Ukraine đầu hàng. Còn ông Volodymir Zelensky thì khẳng định lại với Tập Cận Bình đòi hỏi tái lập đường biên giới Ukraine đã được Nga và cộng đồng quốc tế thừa nhận hồi 1991". Mặt khác, Ukraine đang chuẩn bị cuộc phản công mùa xuân được dự báo sẽ diễn ra trong vài tuần tới. Le Figaro nhận định, như vậy thì các cuộc thương lượng sẽ có thể chỉ được khởi động sau đợt phản công, tùy theo kết quả của nó.
Vẫn theo nhật báo Le Figaro, kể cả khi Ukraine không đạt được mục tiêu quân sự của cuộc phản công là thu hồi được các vùng đất bị chiếm đóng, tất cả các lãnh đạo Ukraine đều khẳng định : Khi đến thời điểm hòa bình, Kiev sẽ áp đặt điều kiện của mình.
Tờ báo đặt câu hỏi khác : Liệu Trung Quốc sẽ có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, như gần đây đã làm thành công với Saudi Arabia và Iran ?
Theo Le Figaro, "trước tiên Trung Quốc cần phải thay đổi lập trường ủng hộ rõ rệt Nga từ đầu cuộc chiến tranh. Bắc Kinh đến giờ không lên án Nga xâm lược. Từ khi có xung đột, quan hệ giữa Bắc Kinh với Moskva được củng cố về chính trị, ngoại giao và kinh tế. Bước duy nhất mà Bắc Kinh chưa vượt qua là hậu thuẫn quân sự cho Nga".
Hiện tại, không một ai ghi nhận có chuyển biến chính sách của Trung Quốc về bản chất. Tờ báo dẫn nhận định của lãnh đạo một cơ quan tư vấn lớn về Trung Quốc : "Cho rằng người ta có thể tách Trung Quốc ra khỏi Nga là ảo tưởng. Từ chuyến thăm Moskva mới đây của ông Tập Cận Bình, quan hệ hai nước càng được củng cố. Trung Quốc không muốn Nga bại trận và cũng không muốn Nga bị cô lập". Đặc biệt là "tình hữu nghị không giới hạn" giữa Bắc Kinh và Moskva rất vững chắc, dựa trên nền tảng chung là chống phương Tây.
Tờ báo kết luận : "Tương lai sắp tới sẽ cho thấy liệu Tập Cận Bình định hối thúc Nga kềm chế hơn trong cuộc chiến tranh chống Ukraine hay không. Trong khi chờ đợi, nền hòa bình mà Bắc Kinh khơi gợi vẫn còn ở rất xa với hòa bình mà người dân Ukraine và các nước phương Tây muốn có. Vì thế, sau việc nối lại đối thoại giữa Bắc Kinh và Kiev, chẳng có nhiều cơ may mở ra các cuộc thương lượng".
Ngũ cốc Ukraine : Ba Lan phá vỡ đoàn kết EU ?
Trở lại với thông báo hôm 26/04/2023 của chính phủ Ba Lan duy trì cấm vận với nông phẩm Ukraine, ít nhất cho đến cuối năm, báo Libération có bài xã luận "Ngũ cốc Ukraine : Những phương pháp chụp giật của Ba Lan đe dọa sự đoàn kết của EU".
Tờ báo nhận thấy, quyết định của chính phủ của đảng Luật pháp và Công Lý (PiS) ở Ba Lan là sự tấn công vào nền tảng thị trường nội địa và chính sách thương mại chung của Liên Âu, đồng thời gây nguy hại đến nền kinh tế của một nước Ukraine mà họ ủng hộ. Quyết định của chính phủ Ba Lan mang tính dân túy, nhằm tìm kếm sự ủng hộ của các cử tri nông thôn trước cuộc bầu cử vào mùa thu tới. Tờ báo gọi đó là "những phương pháp chụp giật đe dọa sự thống nhất của Liên Âu trước nước Nga".
Nguồn cơn của sự việc là, khi cuộc chiến tranh nổ ra tại Ukraine, Nga phong tỏa Biển Đen, ngũ cốc nói riêng và các nông phẩm nói chung của Ukraine bị ứ đọng, không xuất khẩu được. Liên Hiệp Châu Âu đã nhất trí thông qua quyết định miễn thuế cho nông sản Ukraine xuất qua ngả các nước Liên Hiệp Châu Âu, tạo điều kiện giúp đất nước đang bị Nga xâm lược về kinh tế, đồng thời góp phần đối phó với tình trạng khan hiếm lương thực toàn cầu có thể xảy ra.
Gần đây, 4 nước Hungary, Ba Lan, Slovakia và Bulgaria nhận thấy nông phẩm của Ukraine tràn qua đã phá giá nông sản, gây thiệt hại cho nông nghiệp của nước họ, nên đã cấm nông sản Ukraine. Sau nhiều cuộc thương lượng, với sự can thiệp của Bruxelles, kể cả hỗ trợ tài chính, các nước đã chấp nhận cho ngũ cốc Ukraine được quá cảnh để xuất khẩu. Nhưng Ba Lan, nước được cho là tích cực ủng hộ Kiev chống lại cuộc xâm lược của Ukraine, lại trở mặt với quyết định kể trên.
Xã luận của Libération nhấn mạnh : "Thực tế, chính sách thương mại là đặc quyền của Ủy Ban Châu Âu và một nước không thể một mình bãi bỏ thỏa thuận thương mại giữa Liên Âu với một nước thứ ba".
Tờ báo khẳng định, với việc "ngồi xổm trên thỏa thuận" đó, Ba Lan cùng lúc vi phạm các quy định về thị trường nội địa, bởi vì một nước không thể cấm buôn bán các sản phẩm đã được phép nhập vào EU. Sau khi phân tích những phi lý trong quyết định của Warszawa, tờ báo nhận thấy hành động của Ba Lan có thể coi như là tiếp tay cho Nga, nước đang dọa không tiếp tục triển hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua ngỏ Biển Đen. Libération kêu gọi : "Có lẽ đã đến lúc phải quy trách nhiệm cho Warszawa và chấm dứt giúp đảng PiS thắng cử bằng tiền của các nước Châu Âu".
Nhân dân tệ Trung Quốc có hạ bệ được đô la Mỹ ?
Chuyển qua chủ đề kinh tế liên quan đến đồng tiền Mỹ, nhật báo Les Echos có bài : "Sau Brazil, Argentina đang muốn thoát khỏi đồng đô la".
Nhật báo kinh tế cho hay Argentina hôm 26/04 thông báo ngay tháng tới, sẽ thanh toán hàng nhập khẩu Trung Quốc không phải bằng đô la mà là bằng nhân dân tệ. Trong một chừng mực nhất định, Saudi Arabia đã đi theo hướng này. Hồi cuối tháng Ba vừa qua, trước chuyến thăm chính thức Bắc Kinh của tổng thống Lula, Trung Quốc và Brazil đã ký thỏa thuận dùng đồng tiền của hai nước trong thương mại song phương không thông qua đồng đô la Mỹ.
Les Echos nhận thấy đây là một thắng lợi đối với Bắc Kinh, vì từ nhiều năm nay họ đã tìm cách đưa đồng nội tệ vào các thanh toán quốc tế. Tờ báo cho biết thêm, hiện nay các ngân hàng trung ương trên thế giới nắm giữ khoảng 12 nghìn tỷ đô la dự trữ, tức đô la chiếm tỷ trọng 60%, so với 10 năm trước là 68%.
Tuy nhiên, theo phân tích của tờ báo, những nỗ lực chuyển nhân dân tệ thành đồng tiền thanh toán quốc tế cho thấy chủ yếu Trung Quốc lo sợ việc buôn bán của họ bị ảnh hưởng bởi những biện pháp trừng phạt hay hạn chế có thể bị Hoa Kỳ áp đặt. Khi ký thỏa thuận thanh toán bằng nhân dân tệ với các nước buôn bán với mình, Trung Quốc muốn bảo đảm thương mại của họ được liên tục. "Đồng nhân dân tệ hạ bệ đô la Mỹ là một thực tế còn quá xa vời", Les Echos khẳng định.
Đầu mùa hè Châu Á đã nóng kỷ lục
Phần cuối điểm báo dành cho thông tin về khí hậu. Vẫn với Les Echos, tờ báo đề cập đến tình trạng Châu Á chịu đợt nắng nóng kỷ lục ngay từ tháng Tư này. Các nước Nam Á ghi nhận tháng Tư nóng đặc biệt. Khu vực Đông Nam Á cũng phá kỷ lục về nắng nóng.
Không khí nóng nực ngột ngạt bao phủ từ Ấn Độ đến bán đảo Đông Dương từ nhiều tuần nay là hiện tượng khí hậu chưa từng có, một dấu hiệu báo trước 2023 sẽ là năm nóng kỷ lục. Những tuần qua, nhiệt độ trung bình ở khu vực này đều đã vượt trên 40°C. Ở nhiều vùng của Ấn Độ, nhiệt độ đo được là 45°C. Các nhà khí hậu học đều nhất trí cho rằng đây là đợt nóng tháng Tư tồi tệ nhất lịch sử Châu Á.
Nhiệt độ ở khu vực Đông Nam Á cũng tăng cao chưa từng thấy : Thái Lan, Miến Điện hay Lào nhiệt độ nhiều ngày đo được từ 44 đến hơn 45°C. Ngoài những thiệt hại về kinh tế, đã có nhiều người chết vì nắng nóng được ghi nhận, như ở Ấn Độ.
Các làn sóng nắng nóng liên tục xuất hiện. Những hiện tượng này hoàn toàn phù hợp với những điều mà các chuyên gia khí hậu của Liên Hiệp Quốc GIEC đã cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu, Trái đất bị hâm nóng.
Anh Vũ