Sớm kết nạp Ukraine vào NATO : Cách tốt nhất để chấm dứt chiến tranh
Trên báo mạng Le Monde ngày 01/09/2024, trong mục Diễn đàn, nhà sử học Antoine Arjakovsky nhấn mạnh, "Để chấm dứt cuộc xâm lăng của Nga, giải pháp hiệu quả nhất là hội nhập Ukraine vào NATO ngay từ năm 2025".
Một quân nhân thuộc lữ đoàn nhảy dù 25 của Ukraine phóng đi một drone tác chiến gần Pokrovsk thuộc Donetsk, ngày 31/08/2024. Reuters - Serhii Nuzhnenko
Trận mưa hỏa tiễn ở Kharkiv sau một tháng rưỡi yên tĩnh
Về tình hình Ukraine, phóng sự của Le Monde mô tả "Kharkiv phải chịu đựng trận mưa hỏa tiễn". Sau sáu tuần lễ yên tĩnh, thành phố lớn thứ nhì Ukraine lại bị oanh tạc ồ ạt trước ngày tựu trường, làm 6 thường dân thiệt mạng và 47 người bị thương trong đó có 7 trẻ em.
Vào lúc 13 giờ hôm Chủ nhật 01/09, bọn trẻ đang vui chơi ở khu chợ Barabashovo ở Kharkiv thì nghe tiếng còi báo động, và hai tiếng nổ rất lớn, tất cả mọi người lao vào métro gần đó. Hai hỏa tiễn đạn đạo vừa rơi xuống trung tâm thương mại Chudho, cách một trạm métro. Kharkiv nằm cách biên giới Nga chỉ 25 kilomet. Sáu hỏa tiễn khác phá hủy Cung thể thao Kharkiv nằm ở khu phố trung tâm Nemychliansky. Đây là một phức hợp 4.000 chỗ với sân dành cho khúc côn cầu trên băng, sân bóng rổ... và từ một năm qua còn là trung tâm phân phối thực phẩm, tổ chức lễ Noël cho trẻ em. Đúng theo kiểu Nga - đánh hai lần vào cùng một chỗ - đội cấp cứu đến nơi thì bị tấn công bằng rốc-kết.
Trước đó hôm thứ Sáu 30/08 tại Kharkiv có 97 người bị thương và 6 người thiệt mạng vì bom Nga, trong đó có một em gái 14 tuổi bị đứt mất đầu lúc đang ngồi trên băng ghế ở quảng trường. Trên một băng ghế khác ở đại lộ Yuryev, Veronika Kozhushko, một nữ họa sĩ trẻ tóc vàng cũng thiệt mạng vì mảnh hỏa tiễn hành trình. Theo báo chí Nga, những vụ oanh tạc vào khu dân cư mới đây nhằm trả đũa việc drone Ukraine đánh vào các nhà máy điện và nhà máy lọc dầu, trong đó có một nhà máy cách điện Kremlin chỉ có 16 kilomet.
Thường dân di tản, Pokrovsk chỉ còn lính tráng
Còn tại Pokrovsk ở Donbass, đặc phái viên Le Monde nhận xét thành phố đang biến thành trại lính. Những trận đánh ngày càng tiến gần, cư dân đành phải di tản, bỏ lại phía sau những tài sản dành dụm cả đời. Trong khi hỏa tiễn Nga vẫn bay qua thành phố, hành lang bệnh viện Pokrovsk vắng vẻ : bệnh nhân đã được chuyển đi, bác sĩ y tá cũng sẽ ra đi. Ở khu trung tâm, đội ngũ cấp cứu đào bới những đống gạch vụn để tìm người sống sót. Đáng ngạc nhiên là chợ Pokrovsk vẫn còn mua bán trong khi quân Nga chỉ còn cách đó vài cây số. Khách hàng đến mua bánh mì, trái cây, đồ hộp… là quân nhân.
Cảnh sát tuần tra trên đường phố, nhắc nhở lệnh di tản hôm 19/08 của thống đốc Donetsk. Thông báo được phát trên loa, cảnh sát đi gõ cửa từng nhà. Tuy nhiên chính quyền không bắt buộc ai phải ra đi, trừ những gia đình có con nhỏ được thúc giục đến nơi an toàn. Những ai thích ở lại phải chấp nhận rủi ro. Một người dân cho biết cũng như tại các thành phố khác ở Donbass, vẫn có một số người không chịu đi. Hoặc là người già khó di chuyển, hoặc không có người thân nơi khác, hoặc là số chờ đợi quân Nga, ước tính khoảng 10%, thường là có cảm tình với Liên Xô cũ. Ở nhà ga, chuyến xe lửa đã sẵn sàng, những khuôn mặt buồn thảm. Một số trẻ em mang theo mèo hay két làm bạn, nhà báo Pháp ghi nhận chỉ có mỗi một bé gái là còn nở được một nụ cười.
Thường dân ra đi, Pokrovsk dần trở thành một trại lính. Những đơn vị thiện chiến đã tham gia chiến dịch Kursk, các chiến binh còn lại ít có kinh nghiệm nhưng vẫn cố gắng, trung bình một phải chống mười. Chưa bao giờ tỉ lệ chênh lệch đến thế, ngay cả ở Bakhmut. Điều nghịch lý là Pokrovsk lại ít bị oanh tạc hơn các thành phố khác, có lẽ Moskva hy vọng chiếm được thành phố nguyên vẹn, khác với Lysychansk chỉ còn là bình địa cách đây hai năm. Một chiến sĩ ẩn danh thổ lộ, quân Nga thiệt hại nhiều hơn Ukraine, nhưng họ quá đông.
Lviv và giấc mơ "Thung lũng Silicon" của Ukraine
Vốn là trung tâm công nghệ trước chiến tranh, thành phố Lviv với hai trường đại học và được sự tiếp sức của các nhà tài trợ quốc tế, hiện tập trung phục vụ cho quân đội. Les Echos cho biết Câu lạc bộ các nhà đầu tư tại đây đã rót vốn vào các start-up như Himera chuyên phát triển hệ thống liên lạc quân sự, hay Buntar Aeroposace chuyên về giám sát trên không. Hai năm sau khi quân xâm lược Nga tràn sang, một số đầu tư ngoại quốc đã rút về Hoa Kỳ hay chuyển sang Ba Lan.
Những công ty còn ở lại ban đầu chỉ cố gắng sống sót, và dần dà được trợ giúp để đẩy nhanh tiến trình quốc tế hóa, tìm thị trường và nguồn tài chánh mới. Chẳng hạn start-up I3 Engineering, sản xuất hệ thống kiểm soát nhà cửa từ xa. Sáu tháng sau cuộc xâm lăng, chẳng ai còn muốn mua trang thiết bị gia đình khi bom đạn đầy trời. Công ty hướng sang xuất khẩu, và nay đã có các nhà phân phối ở các nước Baltic, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha, Koweit.
Hùng mạnh hơn, nhưng phương Tây tránh đối đầu với Nga
Trên Le Monde, nhà sử học Antoine Arjakovsky nhấn mạnh, "Để chấm dứt cuộc xâm lăng của Nga, giải pháp hiệu quả nhất là hội nhập Ukraine vào NATO ngay từ năm 2025".
Ngày 26/08, một lần nữa Ukraine lại bị Nga tấn công tàn bạo. Hầu như toàn quốc đều chịu một trận mưa hỏa tiễn và drone, nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng bị phá hủy. Mục tiêu rõ ràng là khủng bố người dân, và làm họ lạnh cóng trong mùa đông tới.
Ngay từ tháng 2/2022 người Ukraine đã kêu gào là không phận của họ cần được bảo vệ cũng như phải được tấn công vào các mục tiêu Nga, nhưng phương Tây vẫn như người ngoại cuộc. Trong khi cuộc chiến tranh đa diện của Nga chống lại phương Tây là chưa từng thấy : tấn công tin học ồ ạt, tổ chức cho di dân vượt biên, ám sát, làm săng-ta về năng lượng, đẩy lùi ảnh hưởng Pháp tại Châu Phi, tài trợ cho tất cả những nhóm chống lại dân chủ từ Đức đến Tân Calédonie… Kremlin còn muốn NATO ngưng kết nạp thêm thành viên.
Hiện nay Liên Hiệp Châu Âu (Liên Âu-EU) chỉ dành chưa đầy 0,1% nguồn lực để viện trợ quân sự cho Ukraine. Không thể đẩy lùi độc tài toàn trị, diệt chủng bằng cách tránh né đối đầu, nhất là khi người ta mạnh hơn. Giải pháp tốt nhất được Pháp ủng hộ là kết nạp Ukraine vào NATO trong hội nghị thượng đỉnh lần tới ở La Haye.
Ukraine, quân đội thiện chiến nhất Châu Âu
Cho đến nay, một số nước như Hoa Kỳ và Đức phản đối để tránh "leo thang" và vì "NATO không thể nhận một nước mà biên giới đang tranh chấp". Hai lý lẽ này bị các chuyên gia giỏi nhất của NATO bác bỏ, từ Petr Pavel, đương kim tổng thống Cộng hòa Czech (nguyên là chủ tịch ủy ban quân sự của Liên minh), Anders Fogh Rasmussen, cựu tổng thư ký NATO cho tới Kurt Volker, cựu đại sứ Mỹ tại Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Theo đó, Nga đã leo thang đến mức tối đa : từ 36 tháng qua vẫn oanh tạc hàng ngày vào thường dân kể cả bệnh viện nhi. Về đe dọa thả bom nguyên tử chiến thuật xuống Ukraine, chỉ dẫn đến hồi kết của chế độ Putin. Trung Quốc cũng như Hoa Kỳ đã cảnh báo Nga là sẽ trả đũa lập tức, hơn nữa, hành động này ít ý nghĩa về mặt quân sự. Còn về pháp lý, Cộng hòa Liên bang Đức đã được kết nạp vào NATO năm 1955, ngay trong chiến tranh lạnh, lúc đó Đông Đức đang bị Liên Xô chiếm đóng. Sự kiện này tạo thuận lợi cho dân chủ hóa nước Đức và cuối cùng là thống nhất đất nước năm 1990.
Tác giả Antoine Arjakovsky cho rằng nếu kết nạp Ukraine, sẽ chứng tỏ quyết tâm của thế giới tự do, chấm dứt việc Moskva tác oai tác quái mà không bị trừng trị. Không nhất thiết phải gởi quân NATO đến Ukraine : điều 5 không bắt buộc việc này. Ngược lại, NATO có thể giúp Kiev lập vùng cấm bay.
Hội nhập vào NATO một quân đội thiện chiến nhất Châu Âu trong chiến tranh tổng lực, sẽ là lợi thế quý giá cho Liên minh, đồng thời tránh nguy cơ đội quân này trở thành kẻ thù nếu Ukraine bại trận, và bảo đảm được an ninh lương thực ở Hắc Hải. Dằn mặt Nga ngay bây giờ, phương Tây tránh được cuộc đối đầu kéo dài nhiều thập niên, tiết kiệm được nhiều trăm tỉ euro. Hiện nay, 32 nước thành viên NATO có phương tiện để cấm quân Nga oanh tạc Ukraine, còn nếu chần chờ, sẽ phải tốn kém nhiều hơn nữa.
Thăm Mông Cổ, Putin thách thức ICC và gây khó cho chủ nhà
Le Monde nhận xét, chuyến thăm của Vladimir Putin gây bối rối cho nước chủ nhà Mông Cổ. Đây là lần đầu tiên một quốc gia thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tiếp đón tổng thống Nga, kể từ khi cơ quan này phát lệnh truy nã Putin hồi tháng 3/2023.
Nguy cơ nhà độc tài Nga bị bắt giữ hầu như không có, chuyến thăm được chính phủ Mông Cổ chính thức loan báo, phát ngôn viên Kremlin nói rằng "không lo lắng gì". Về mặt công khai thì tổng thống Liên bang Nga đến để dự kỷ niệm 85 năm chiến thắng xô-viết trong trận Khalkhin-Gol năm 1939, khi hai nước cùng đẩy lui được quân Nhật ở cực đông Mông Cổ. Trên thực tế, với chuyến đi Ulan-Bator, Putin muốn chứng tỏ sự yếu kém của luật pháp quốc tế.
Nam Phi cũng là thành viên ICC, hồi tháng 8/2023 cũng nhận được yêu cầu của Vladimir Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tổ chức tại Johannesburg, nhưng thuyết phục được ông chủ điện Kremlin dự họp qua video. Mông Cổ, bị kẹt giữa hai láng giềng khổng lồ là Nga và Trung Quốc, không thể làm được như Nam Phi, vì phải nhập 20% lượng điện từ Nga. Hồi mùa đông 2023-2024 vốn vô cùng khắc nghiệt tại một trong những quốc gia có thời tiết lạnh giá nhất thế giới, nhiều thành phố Mông Cổ đã phải cúp điện luân phiên, vì Nga nói rằng gặp trục trặc kỹ thuật.
Cực hữu thắng thế ở miền đông nước Đức
Về chính trị nước Đức, các báo đều lo ngại khi đảng cực hữu AfD thắng thế ở bang Thüringen (Pháp gọi là Thuringe) và Sachsen (Saxe). Theo Le Monde, các nhà lãnh đạo cánh hữu cũng như cánh tả không thể để một tổ chức có quan điểm kỳ thị chủng tộc và dân tộc chủ nghĩa mở rộng ảnh hưởng.
Lần đầu tiên kể từ Đệ nhị Thế chiến, cực hữu về đầu tại bang Thüringen với 33% số phiếu, và suýt soán ngôi của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) ở Sachsen với 30%. Đối với liên minh cầm quyền của thủ tướng Olaf Scholz, kết quả hôm Chủ nhật là thảm họa : cả ba đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Tự do (FDP) chỉ đạt hơn 10%, bị trừng phạt vì lạm phát, nhập cư bất hợp pháp và an ninh. Nhờ đó Alliance Sahra Wagenknecht - đảng do một cựu thủ lãnh cánh tả Die Linke mới thành lập được 7 tháng - vượt lên trên, đảng này đòi ngưng viện trợ vũ khí cho Ukraine và xích lại gần Nga.
Cả hai bang Sachsen và Thüringen chỉ có 6 triệu dân, tương đương 7% dân số Đức, nhưng kết quả vừa rồi không thể coi nhẹ. Trước hết vì cực hữu cũng đang lên ở miền tây, và lực lượng tại hai bang trên là cực đoan nhất. Thủ lãnh Björn Höcke đã hai lần bị kết án vì sử dụng khẩu hiệu của SA (đảng Quốc xã Sturmabteilung) thời Hitler. Les Echos cho biết thêm, khác với đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc (RN) đang cố trình ra một khuôn mặt bình thường hơn, đảng AfD không ngần ngại công khai khuếch trương các ý tưởng cực đoan. Đến nỗi cực hữu Pháp quyết định cắt đứt liên minh với cực hữu Đức tại Nghị Viện Châu Âu, khi người đứng đầu là Maximilian Krah khẳng định "Một SS không nhất thiết là một tội phạm".
Một đảng mới lập được 11 năm đạt được tỉ lệ phiếu cao như vậy tại một nước như Đức là rất đáng lo, trước quá khứ, trọng lượng dân số và kinh tế của quốc gia này ở Châu Âu. Các chính khách, giới tinh hoa Đức có trách nhiệm lớn trong cuộc bầu cử thủ tướng sang năm. Trật tự dân chủ tự do mà nước Đức dựa vào để đứng dậy sau thảm họa Đệ tam quốc xã, không thể bị phá hoại.
Ai sẽ là tân thủ tướng Pháp ?
Chức thủ tướng Pháp vẫn bỏ ngỏ : Sau những cái tên như Bernard Cazeneuve, Xavier Bertrand, tổng thống Emmanuel Macron gặp tiếp một nhân vật xuất thân từ xã hội dân sự là Thierry Beaudet, sau khi đã tham khảo hai cựu tổng thống François Hollande và Nicolas Sarkozy. Le Figaro đưa tít trang nhất "Điện Matignon : Những dàn xếp cuối cùng trong tình trạng mù mờ". Libération bình luận "Đã đến lúc nước Pháp cần có một thủ tướng".
Người được chọn cần đáp ứng nhiều tiêu chí, trước hết là quá trình hoạt động chính trị. Ông Bernard Cazeneuve (cánh tả) từng là thủ tướng, nhiều lần làm bộ trưởng, và là cựu thị trưởng Cherbourg. Ông Xavier Bertrand (cánh hữu) cũng từng là thị trưởng, lãnh đạo vùng Hauts-de-France, nhiều lần làm bộ trưởng. Thủ tướng tương lai còn phải tránh được kiến nghị bất tín nhiệm ít nhất một năm, trong thời gian đó tổng thống không được phép giản tán chính phủ lần nữa. Chương trình hành động cũng mang tính quyết định. Theo Libération, để làm được nhiệm vụ tế nhị này, phải là các chính khách chuyên nghiệp.
Thụy My
Gia nhập NATO : Ukraine phải chờ đợi đến bao giờ ?
Le Monde cuối tuần nhận định "NATO không có chiến lược rõ ràng trước Nga". The Economist đặt thẳng câu hỏi "Khi nào Ukraine mới gia nhập NATO ?". Những từ ngữ ngoại giao không thể ngăn được một cuộc chiến tàn bạo đã diễn ra đến năm thứ ba.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong lúc chờ đợi thủ tướng Anh Sir Keir Starmer để hội đàm song phương tại một khách sạn ở Washington DC, Hoa Kỳ trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc ngày 10/07/2024 via Reuters - Stefan Rousseau
NATO không có chiến lược đối phó với Nga
Các biện pháp hỗ trợ Ukraine được loan báo tại Washington nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên minh Bắc Đại Tây Dương cho thấy những khó khăn của 32 quốc gia thành viên trong việc định ra các mục tiêu nhằm đối phó với Nga. Le Monde cuối tuần cho rằng NATO không có chiến lược rõ ràng để đối phó với nước Nga hiếu chiến của Vladimir Putin.
Được thành lập năm 1949 trong khuôn khổ bảo vệ cho Châu Âu vừa mới gượng dậy sau Đệ nhị Thế chiến, NATO mừng sinh nhật 75 tuổi trong không khí nặng nề vì mối đe dọa từ Moskva, và vai trò bị yếu đi của một số nhà lãnh đạo chủ chốt. Ông Joe Biden 81 tuổi, tổng thống của đại cường số một thế giới không hoàn toàn trấn an được về sức khỏe để bảo đảm nhiệm kỳ thứ hai. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cố xóa bớt những nghi ngờ về tình hình nội bộ, trong khi liên minh của thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn tê liệt, cái bóng của Donald Trump cũng bao trùm lên hội nghị.
NATO được chờ đợi nhiều nhất về thách thức cụ thể trước mắt, là việc Nga xâm lược Ukraine. Một loạt biện pháp được loan báo : những chiến đấu cơ F-16 sẽ hoạt động trên bầu trời Ukraine trong mùa hè này, 40 tỉ đô la viện trợ quân sự năm 2024, năm hệ thống phòng không. Và nhất là NATO sẽ phụ trách việc điều phối quân viện cho Ukraine, điều mà Hoa Kỳ cho đến nay vẫn từ chối. Tất cả đều đáng hoan nghênh nhưng chưa đủ, như nhận xét vẫn thường nghe thấy ở Kiev từ đầu cuộc xâm lăng là viện trợ phương Tây "giúp chúng tôi sống sót nhưng không giúp thắng được cuộc chiến".
Đồng minh cũng tìm ra một công thức trừu tượng là "con đường không thể đảo ngược" tiến đến gia nhập NATO, nhưng không có cam kết cụ thể nào. Le Monde cũng ghi nhận việc NATO cảnh cáo Trung Quốc, lần đầu tiên bị lên án "đóng vai trò quyết định" trong nỗ lực chiến tranh của Nga. Tuy nhiên ý định của Washington mở rộng lãnh vực hoạt động sang Châu Á khó tìm được sự đồng thuận tại Châu Âu.
Khi nào Ukraine mới được vào Liên minh Bắc Đại Tây Dương?
The Economist đặt thẳng câu hỏi "Khi nào Ukraine mới gia nhập NATO ?". Những từ ngữ ngoại giao không thể ngăn được một cuộc chiến tàn bạo đã diễn ra đến năm thứ ba.
Đến Washington để mừng kỷ niệm 75 năm thành lập hiệp ước quân sự lâu đời nhất thế giới, các nhà lãnh đạo được đón chào bằng một đợt hỏa tiễn đánh vào một bệnh viện nhi ở Kiev. Những lời hứa của NATO đi kèm với một loạt điều kiện như phải tiếp tục "cải cách dân chủ, kinh tế và an ninh", hơn nữa Ukraine chỉ được mời gia nhập khi "các đồng minh đều đồng ý và các điều kiện được đáp ứng". Trong diễn văn khai mạc, Joe Biden không hề nhắc đến việc kết nạp Ukraine.
Mọi người biết rằng con đường gia nhập của Kiev vẫn có thể đảo ngược nếu Donald Trump quay lại Nhà Trắng. The Economist cũng lưu ý đến việc hội nghị - có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand – bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về Trung Quốc, nghiêm khắc cảnh cáo Bắc Kinh đã hỗ trợ kỹ nghệ quân sự Nga. Theo NATO, Trung Quốc "không thể giúp cho cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử đương đại Châu Âu mà không có tác động tiêu cực đến lợi ích và hình ảnh của nước này".
Nhìn từ phía Kiev, Courrier International dịch bài viết của báo mạng Ukrainska Pravda cho rằng Ukraine đã có được một thắng lợi nho nhỏ tại hội nghị thượng đỉnh NATO vừa rồi. Trang Obozrevatel nêu danh sách các phần quà được nhận : "Hỏa tiễn Patriot, bảo đảm an ninh, hệ thống phòng không, tái tổ chức việc chuyển giao đạn pháo". Nhìn chung, người Ukraine ít đặt hy vọng vào hội nghị nên không mấy thất vọng.
Nữ thủ tướng Estonia thành đại diện ngoại giao Châu Âu : Một giấc mơ tuyệt vời
Cuối tháng 6, các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) đồng ý đề cử bà Kaja Kallas, thủ tướng Estonia làm đại diện ngoại giao Châu Âu. Nhật báo Ý Il Foglio được Courrier International dịch lại hoan nghênh sự chọn lựa có lợi cho Ukraine. Những năm gần đây, bà Kallas đã trở thành một trong những biểu tượng đấu tranh chống các thế lực toàn trị mới đang đe dọa phương Tây. Mẹ của bà là Kristi đã từng bị tống lên một toa tàu chở súc vật đi Siberia thời Liên Xô cũ, bị lưu đày ở vùng đất băng giá ấy 20 năm.
Chỉ vài ngày sau khi Ukraine bị xâm lăng, Kaja Kallas là một trong những nhà lãnh đạo Châu Âu đầu tiên khẳng định "nếu Putin không bị trừng phạt vì tội ác, ông ta sẽ còn đi xa hơn nữa". Bà nhấn mạnh, phương Tây đã hai lần sai lầm khi làm ngơ lúc Nga tấn công Georgia (Gruzia) năm 2008 và sau đó chiếm Crimea năm 2014. Khác với những người tiền nhiệm, Kaja Kallas sẽ là một đại diện đáng gờm của EU trước Moskva hiếu chiến. Bà sẽ nhắc nhở những người hay quên, rằng để bảo vệ Châu Âu, cần "ít giơ cờ trắng hơn, và giương cao lá cờ hai màu xanh vàng của Ukraine".
Nhà văn Mỹ Douglas Kennedy : Ai mới thực sự là người chiến thắng ở Việt Nam ?
Liên quan đến Việt Nam, Le Figaro Magazine đăng bài bút ký dài bốn kỳ của nhà văn Douglas Kennedy, mang tên "Một người Mỹ ở Việt Nam". Nhà văn Mỹ từng được tuần báo trao giải thưởng lớn năm 2009, đã dành nhiều tuần lễ rong ruổi từ Sài Gòn đến Hà Nội, đi qua Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, nửa thế kỷ sau chiến tranh.
Trong bài đầu tiên, Douglas Kennedy tả lại những gì mắt thấy tai nghe ở Thành phố Hồ Chí Minh – dù đã bị đổi tên nhưng mọi người đều gọi theo tên cũ là Sài Gòn. Kiến trúc lộn xộn với nhiều phong cách, góc đường nào cũng thấy cờ đỏ sao vàng cạnh cờ búa liềm, nhưng không thấy các khẩu hiệu tuyên truyền ca ngợi đảng. Giữa những khu buôn bán, những hè phố ngập nắng, ông có cảm tưởng như đang ở khu vực Châu Á của Los Angeles dù những lá cờ nhắc nhở ai đang là lãnh đạo. Con đường Catinat sang trọng mang tên mới Đồng Khởi với những kiến trúc thời Pháp thuộc, với những cửa hàng Hermès, Vuitton, Tiffany, và trên một con đường khác là Starbuck, Levis…
Cũng như Bangkok, Sài Gòn nay bị gặm nhấm bởi một thứ kiến trúc hiện đại vô hồn. Trong một quán bar, một ca sĩ Việt, một ca sĩ piano người Nhật, một tay trống người Ukraine trình diễn những bản nhạc jazz của Duke Ellington, một sự pha trộn thú vị của một thành phố mà quá khứ bị nhốt trong một bảo tàng chứng tích chiến tranh và tương lai trong thương mại tự do. Tác giả nhìn thấy một tòa tháp sang trọng ở góc đường Nguyễn Huệ-Đồng Khởi mang tên Times Square, và tự hỏi, ai mới thực sự là người chiến thắng ?
Báo chí Pháp vui mừng về cuộc bầu cử vòng hai
Sau khi thoát khỏi nguy cơ quyền lực lọt vào tay đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) nhờ thành lập mặt trận chống cực hữu và làn sóng cử tri đi bầu đông đảo, lá quốc kỳ Pháp ba màu xanh trắng đỏ chiếm lĩnh trang bìa các tuần báo kỳ này. L’Express ra số đặc biệt về "Nước Pháp sau khi ra khỏi ngõ cụt". Le Nouvel Obs chọn ảnh bìa là quảng trường République, địa điểm biểu tình quen thuộc của người dân, với dòng tít "Tỉnh thức và bất định". Courrier International đăng hình vẽ bán thân của nàng Marianne - biểu tượng của nước Pháp - vai khoác chiếc khăn "tam tài", khuôn mặt bị nứt làm ba, kêu gọi "Hàn gắn lại những mảnh vỡ". Trên trang bìa Le Point là chân dung tổng thống Emmanuel Macron, tuần báo băn khoăn "Nhưng ông ấy đã làm gì nước Pháp vậy ?"
Cực hữu Pháp trong lễ hội hẫng hụt nhất lịch sử
Corriere della Sera tả lại "Đêm của những ảo tưởng rơi rụng" ở tổng hành dinh RN. Đúng 20 giờ, khi truyền hình loan báo kết quả, không khí bỗng im lặng một cách nặng nề, và bất thường. Đây là lần đầu tiên, vì từ 20 năm qua những người ủng hộ có thói quen reo vui sau mỗi cuộc bầu cử, vì họ chỉ nhìn thấy khía cạnh Marine Le Pen ngày càng khó bị chận lại. Nhưng đêm 07/07, nỗi thất vọng quá lớn. RN chẳng những không giành được đa số mà tụt xuống tận thứ ba, và trái với tất cả thăm dò, Mặt trận Bình dân Mới vọt lên hàng đầu. Những khuôn mặt tái hẳn, nước mắt bắt đầu rơi.
Trong khi lễ hội đã được tưng bừng chuẩn bị : bữa tiệc buffet sang trọng, những kim tự tháp ly sâm banh, vệ sĩ… như một cuộc tổng diễn tập trước khi đắc thắng bước vào điện Matignon. Không ai buồn đụng đến rượu sâm banh, màn hình vẫn tiếp tục phát với âm thanh rất lớn. Và họa vô đơn chí, xuất hiện khuôn mặt kẻ thù Jean-Luc Mélenchon, thủ lãnh cực tả phát biểu đầu tiên, ngạo nghễ ca ngợi chiến thắng. Nhật báo Ý được Courrier International dịch lại cho rằng đây là lễ hội hụt hẫng nhất lịch sử.
Đoàn kết không đơn thuần là bài toán cộng
Đối với L’Express, những rạn nứt trong xã hội đã hiện hữu từ nhiều năm qua và lớn dần, mà chính giới không thấu hiểu. Phong trào Áo Vàng được xoa dịu bằng những tấm séc, nhưng tiếp đến là những cuộc biểu tình chống vac-xin, chống vật giá lên cao… Cũng như ở Hoa Kỳ với việc Donald Trump lên làm tổng thống năm 2016, ở Anh với Brexit, ở Ý khi cực hữu lên nắm quyền, làn sóng dân túy rốt cuộc đã tràn vào Quốc hội. Có đôi chút hơi hướng cách mạng 1789 trong đó : ý hướng lật đổ giới tinh hoa - đang bị gán cho nhiều cái xấu.
Ngày 30/06, nền cộng hòa Pháp rúng động, ngày 07/07 được vực dậy khi ngăn cực hữu giành quyền lực. Nhưng con đập đã vỡ, dòng nước cực đoan cuộn chảy nay đã tràn bờ. Bây giờ là lúc phải tái thiết, đây là việc khẩn cấp trước bầu cử tổng thống 2027. Liên minh cần xây dựng không thể giới hạn trong phép toán cộng những ai nói không với cực hữu, mà phải "là bằng chứng của một đất nước tìm lại sự đoàn kết cũng như cơ hội cho sự vĩ đại của mình". Giống như đòi hỏi của tướng De Gaulle ngày 04/09/1958, khi đệ ngũ cộng hòa được khai sinh.
Nỗi lo còn đó
Le Nouvel Obs nhận định "Sau bầu cử Quốc hội, nhất thiết phải ra khỏi cảnh hỗn loạn". Một lần nữa cử tri đã bảo vệ các giá trị bình đẳng, bác ái của nước Pháp. Bên cạnh đó, ý thức của các ứng cử viên về thứ ba đã rút lui để tạo điều kiện cho ứng viên khác thắng cực hữu, đã bất ngờ đẩy liên minh cánh tả lên hàng đầu.
Sau khi thở phào nhẹ nhõm, đến lượt phải lo lắng. Vì RN dù "giới hạn" ở 143 ghế, vẫn là đảng thu được nhiều phiếu nhất, thu hút mọi tầng lớp xã hội, ở khắp vùng miền và đủ mọi lứa tuổi. Và nếu các lực lượng chính trị đã trụ được, nhưng rốt cuộc dẫn đến tình trạng hầu như bế tắc với ba khối trong Quốc hội, điều chưa từng thấy trong lịch sử đương đại của nước Pháp. Một bước nhảy vào vô định, một nước Pháp chia rẽ sâu sắc.
Theo Le Point, người dân Pháp rất có trách nhiệm khi bỏ phiếu chận đường cực hữu, vấn đề còn lại là các nhà lãnh đạo chính trị phải bảo đảm chức trách của mình. Có đến 66,6% cử tri tham gia cuộc bầu cử vòng hai, làm đảo ngược kết quả của vòng một, khiến Tập Hợp Dân Tộc (RN) từ dẫn đầu rơi xuống hàng thứ ba.
Người bỏ phiếu đã biến vòng hai bầu cử Quốc hội thành một cuộc trưng cầu dân ý chống lại thủ lãnh đảng cực hữu Jordan Bardella, cũng như cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu trước đó là một cuộc trưng cầu dân ý chống lại Emmanuel Macron. Tuy nhiên cái giá phải trả rất cao : nước Pháp trở nên không thể lãnh đạo trong thời điểm quan trọng của lịch sử. Mặt trận chống cực hữu – con phượng hoàng hồi sinh từ tro tàn – là vũ khí quan trọng, nhưng không mang lại giải pháp cho việc quản lý đất nước.
Quốc hội chia rẽ, ngân sách thúc hối
Nền đệ ngũ cộng hòa đối mặt với một trắc nghiệm mới. Tổng thống yếu đi, quyền lực nghiêng về phía Quốc hội nhưng là một Quốc hội gồm ba khối có số lượng chỉ xê xích nhau đôi chút. Không có khuôn mặt lãnh tụ lẫn chương trình hành động nào có thể liên kết dân Pháp và những người đại diện họ.
Chính phủ do thủ tướng Gabriel Attal đứng đầu có thể bảo đảm Thế vận hội diễn ra êm xuôi, nhưng lại không có tính chính danh để chuẩn bị cho ngân sách 2025 sẽ phải trình ra vào đầu tháng 10. Tăng trưởng hầu như bằng không, số công ty phá sản tăng lên, các dự án đầu tư, tuyển dụng bị tạm hoãn, tư bản và nhân tài đi sang nước khác.
Trong khi đó kế hoạch của cả ba khối đều dự kiến chi thêm đến 6% GDP đối với Mặt trận Bình dân Mới, 1% với khối cánh trung Ensemble, 3% với Những Người Cộng hòa (LR). Các cơ quan đánh giá tín nhiệm đặt Pháp vào tình trạng giám sát về nợ công, Đức cho biết sẽ phản đối nếu Pháp được Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE) cho hưởng cơ chế ổn định trong trường hợp xảy ra cú sốc tài chánh.
Nước Pháp thiên hữu hơn bao giờ hết, cánh tả vẫn đòi trọn quyền
Cánh tả dẫn đầu, trong khi đất nước chưa bao giờ thiên hữu như thế. Những chờ đợi của công chúng, được nuôi dưỡng bởi các tuyên bố mị dân, đi ngược lại với thực tế kinh tế và tài chánh. Họ mong muốn được tài trợ thêm cho tiêu thụ và tái phân phối, trong khi vấn đề chính là sản xuất, vì Pháp chỉ làm ra 36% hàng công nghiệp cần đến.
Những cử tri ôn hòa không hề nhận ra điểm chung trong chương trình mang tính tự sát của Mặt trận Bình dân Mới bị cực tả khống chế. Hố ngăn cách giữa Pháp và thế giới bên ngoài càng sâu hơn, qua các biện pháp không phù hợp với các giá trị và quy định của Liên Hiệp Châu Âu. Nước Pháp rơi vào bất định không thể là đồng minh tin cậy của các nền dân chủ khác, đặc biệt trước nước Nga của Vladimir Putin.
Trong một bài viết khác, tác giả Bernard-Henri Lévy nhấn mạnh, tổng thống Emmanuel Macron không việc gì phải nhượng bộ thủ lãnh đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI), ông Jean-Luc Mélenchon. Macron không "bắt buộc" phải chọn thủ tướng là người của đảng này. LFI chỉ giành được 75 ghế, không phải là đảng chính trị lớn nhất nước Pháp, cũng không phải là thành phần duy nhất của Mặt trận Bình dân Mới. Và như vậy, không có tính chính danh để lãnh đạo. Tổng thống là người bảo đảm các định chế, có nghĩa vụ không trao quyền cho những người kích động thù hận, bài Do Thái.
Thụy My
Dưới đây là năm lý do tại sao việc mở rộng NATO sẽ khiến tình hình trở nên tệ hơn cho Kyiv.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg họp báo cùng với Tổng thống Ukraine tại Kiev vào ngày 10/7/2017 via Getty Images/Sergei Supinsky/AFP
Trong lúc cục diện chiến trường xoay chuyển theo hướng bất lợi cho Ukraine, và giữa bối cảnh có những nghi ngờ về việc liệu Quốc hội Mỹ có thông qua một đợt viện trợ mới hay không, các chuyên gia có ảnh hưởng như cựu lãnh đạo NATO Anders Fogh Rasmussen và cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Ivo Daalder đang lặp lại lời kêu gọi trước đó của họ về việc đưa Ukraine vào NATO sớm hơn. Bước đi này vừa được cho là một cách để thuyết phục Nga rằng chiến dịch quân sự của họ không thể giữ Ukraine nằm ngoài liên minh, vừa là động thái cần thiết để cung cấp an ninh đầy đủ cho Ukraine khi chiến tranh cuối cùng cũng kết thúc.
Những cá nhân lý trí có thể và sẽ không đồng ý về tính khôn ngoan của đề xuất này, bởi vì các lập trường tranh luận đều dựa trên những dự đoán về một tương lai bất định. Trên thực tế, tất cả chúng ta đều đang đặt cược xem tác động của việc đưa Ukraine vào sẽ là gì. Để làm rõ quan điểm của mình : Nếu tôi là thành viên Quốc hội Mỹ, tôi sẽ bỏ phiếu cho gói viện trợ bổ sung mà không do dự, bởi vì tôi muốn Ukraine có thể bám trụ trên phần lãnh thổ mà họ vẫn kiểm soát, và tôi muốn Moscow nhận ra rằng việc cố gắng chiếm thêm lãnh thổ sẽ tốn kém và khó khăn. Một khoản viện trợ lớn hơn cũng sẽ cải thiện vị thế thương lượng của Kyiv khi các cuộc đàm phán nghiêm túc được bắt đầu, rất có thể là sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Tuy nhiên, việc đưa Ukraine vào NATO ngay lúc này là một ý tưởng tồi, bởi nó sẽ kéo dài chiến tranh và khiến Kyiv rơi vào tình thế ngày càng tồi tệ.
Điều đầu tiên cần nhớ là Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương không trao cho bất kỳ quốc gia nào quyền gia nhập nếu họ đáp ứng các tiêu chí nhất định. Điều 10 chỉ nói rằng "Các Bên có thể, bằng thỏa thuận nhất trí, mời bất kỳ Quốc gia Châu Âu nào khác có khả năng thúc đẩy các nguyên tắc của Hiệp ước này và đóng góp vào an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương tham gia Hiệp ước này". Chính sách "mở cửa" mà NATO đang áp dụng thực chất là một sự phát triển gần đây hơn. Người ta đôi khi hiểu rằng cam kết chính thức là bất kỳ quốc gia nào có tham vọng đều có thể tham gia khi đáp ứng được các tiêu chí thành viên của NATO. Trên thực tế, chính sách mở cửa đã khéo léo chuyển quyền tự quyết từ NATO sang các ứng viên tham vọng, nói với các ứng viên này rằng "cánh cửa đang mở và anh có thể tự do bước vào sau khi đáp ứng các tiêu chuẩn của chúng tôi". Tuy nhiên, ngụ ý ban đầu của hiệp ước lại rất khác : nó nói rằng cánh cửa sẽ đóng cho đến khi các thành viên hiện tại nhất trí rằng việc đưa một thành viên mới vào sẽ "thúc đẩy các nguyên tắc của hiệp ước và… đóng góp vào an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương". Chỉ lúc đó, các thành viên mới quyết định mở cửa và đưa ra lời mời. Điểm khác biệt này rất quan trọng, bởi nó có nghĩa là hiệp ước ban đầu không đặt ra giả định rằng liên minh đang tích cực cam kết mở rộng. Chiến dịch gần đây của Hungary nhằm trì hoãn việc Thụy Điển gia nhập NATO thêm vài năm đã nhắc nhở chúng ta rằng quá trình này sẽ diễn ra như thế nào trên thực tế : Thụy Điển không có "quyền" tham gia cho đến khi tất cả các thành viên khác đồng ý.
Quay trở lại với Ukraine, tôi tin rằng việc đưa nước này vào NATO bây giờ (hoặc trong tương lai gần) là không khôn ngoan dựa trên một số giả định. Thứ nhất, Ukraine không thể đảo ngược tình hình trên chiến trường và giành lại lãnh thổ đã mất trừ phi có thêm thật nhiều vũ khí và có thời gian để tái thiết lực lượng sau những thất bại trong năm qua. Nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng (và nhiều khả năng không thể khắc phục được tình trạng đó), và sự kết hợp giữa giám sát bằng máy bay không người lái, pháo binh, và các công sự kiên cố của Nga sẽ khiến Kyiv khó có thể đạt được những bước tiến lớn về lãnh thổ. Những người cổ vũ Ukraine ở phương Tây đã sai vào mùa xuân năm ngoái, khi họ đưa ra những dự báo lạc quan về cuộc phản công sắp diễn ra, và họ đang lặp lại sai lầm này khi cho rằng vẫn còn nhiều cách để Ukraine đảo ngược tình thế. Tôi ước gì mọi chuyện diễn ra khác đi, nhưng chúng ta nên đưa ra các lựa chọn chính sách dựa trên cơ sở thực tế, chứ không phải dựa trên mong ước của mình.
Giả định thứ hai của tôi là các nhà lãnh đạo Nga quan tâm nhiều đến số phận của Ukraine hơn phương Tây. Tất nhiên, họ không quan tâm nhiều hơn người Ukraine, nhưng đối với các lãnh đạo Nga, nó là mối quan tâm sống còn, hơn là đối với các nhà lãnh đạo và người dân ở hầu hết các nước NATO. Tổng thống Nga Vladimir Putin và các phụ tá của ông ta sẵn sàng gửi hàng nghìn binh sĩ đến chiến đấu và hy sinh ở Ukraine, nhưng không quốc gia NATO nào sẵn sàng làm bất cứ điều gì tương tự. Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ nêu ra khả năng NATO gửi quân vào tuần trước, ông đã ngay lập tức bị Thủ tướng Đức Olaf Scholz và người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg chỉ trích. Điều này không có nghĩa là NATO không quan tâm đến số phận của Ukraine, chỉ là Nga quan tâm nhiều hơn họ.
Thứ ba, tôi cho rằng một trong những lý do chính khiến Putin tiến hành cuộc xâm lược bất hợp pháp vào tháng 2/2022 là để ngăn Ukraine xích lại gần phương Tây và cuối cùng gia nhập liên minh. Những tiết lộ gần đây về sự hợp tác ngày càng tăng giữa CIA và các cơ quan tình báo Ukraine, những nỗ lực sau năm 2014 của phương Tây nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine, và việc NATO hết lần này đến lần khác cam kết đưa Ukraine vào liên minh chắc chắn đã kích động những nỗi lo của Moscow – một trường hợp kinh điển của cái mà các học giả quan hệ quốc tế gọi là "thế lưỡng nan về an ninh". Hành động của Putin cũng có thể phản ánh niềm tin vào sự thống nhất văn hóa giữa người Ukraine và người Nga, nhưng không thể phủ nhận bằng chứng cho thấy triển vọng Ukraine gia nhập NATO đã thúc đẩy ông hành động. Chính Stoltenberg đã nhiều lần công khai thừa nhận điều này. Putin có thể đã hiểu sai ý định của NATO và phóng đại mối đe dọa mà họ đặt ra, nhưng ông không phải nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới phóng đại mối nguy hiểm từ bên ngoài.
Dựa trên ba giả định đó : Dưới đây là năm lý do hàng đầu khiến Ukraine không nên gia nhập NATO.
1. Ukraine hiện không đáp ứng các tiêu chí về thành viên. Trong trường hợp tốt nhất, nước này vẫn chỉ là một nền dân chủ yếu. Tham nhũng vẫn còn hoành hành, bầu cử đã bị đình chỉ kể từ khi bắt đầu chiến tranh, và vẫn tồn tại những thế lực trong xã hội Ukraine có cam kết đáng ngờ với các chuẩn mực dân chủ. Vì những lý do này và nhiều lý do khác, Chỉ số Dân chủ của tạp chí The Economist đã đánh giá nước này là một "chế độ lai" vào năm ngoái. Hơn nữa, Ukraine vẫn chưa đáp ứng các điều kiện trong Kế hoạch Hành động Thành viên NATO tiêu chuẩn. Nhận thức được thực tế đó, NATO đã đồng ý từ bỏ tiêu chí này tại hội nghị thượng đỉnh thường niên hồi mùa hè năm ngoái, trên thực tế là thay đổi quy trình gia nhập của Ukraine từ "quy trình hai bước sang quy trình một bước". Bằng cách hạ thấp các tiêu chuẩn để gia nhập liên minh, quyết định này đặt ra một tiền lệ xấu cho tương lai.
2. Không rõ liệu NATO có tôn trọng các cam kết trong Điều 5 hay không. Như tôi từng chỉ ra, Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương không có tính chất ràng buộc các thành viên phải chiến đấu trong trường hợp một thành viên khác bị tấn công. Như người Mỹ đã khăng khăng, Điều 5 chỉ cam kết rằng một thành viên xem cuộc tấn công vào một thành viên khác là tấn công vào toàn bộ khối, và sau đó sẽ thực hiện "những hành động mà nước đó cho là cần thiết". Tuy nhiên, điều này lại được diễn giải thành một cam kết bảo vệ bất kỳ thành viên nào đang bị tấn công, và việc không hỗ trợ thành viên bị xâm lược nghiêm trọng sẽ khiến toàn bộ liên minh bị nghi ngờ. Do đó, trước khi đưa bất kỳ thành viên mới nào vào tổ chức, phần còn lại của liên minh nên suy nghĩ kỹ lưỡng về việc sẵn sàng đặt lực lượng của mình vào tình thế nguy hiểm nếu bị tấn công.
Xin nhắc lại quan điểm trước đó của tôi : Cho đến nay, cả Mỹ lẫn các quốc gia NATO đều không thể hiện sự sẵn sàng gửi quân đến chiến đấu cho Ukraine. Vũ khí và tiền thì có, nhưng con người thì không. Nếu chúng ta sẵn lòng chiến đấu vì Ukraine, thì chúng ta đã đưa quân đội đến đó rồi. Liệu có hợp lý không nếu ngầm hứa sẽ chiến đấu vì Ukraine trong 5, 10, hoặc 20 năm nữa nếu anh không sẵn lòng làm điều đó ngay hôm nay ?
Hơn nữa, không có gì chắc chắn rằng Thượng viện Mỹ sẽ phê chuẩn tư cách thành viên của Ukraine. Cần phải có đa số 2/3 để phê chuẩn một hiệp ước và việc thu thập đủ số phiếu bầu là nhiệm vụ khó khăn. Đã có 70 Thượng nghị sĩ Mỹ bỏ phiếu ủng hộ gói viện trợ mới nhất, nhưng gói viện trợ đó cũng bao gồm viện trợ bổ sung cho Israel và điều đó có thể đã ảnh hưởng đến một vài phiếu. Quan trọng hơn, trên thực tế, nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa Donald Trump nhiều khả năng sẽ phản đối việc đưa Ukraine vào NATO và sự phản đối của ông có thể thuyết phục đủ số thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu chống và khiến việc phê chuẩn trở thành ngoài tầm với.
3. Tư cách thành viên NATO không phải là lá chắn thần kỳ. Lý do chính để đưa Ukraine vào liên minh sớm hơn là bởi vì làm việc ngăn cản Nga tiếp tục chiến tranh sau này. Người ta có thể dễ dàng hiểu tại sao Kyiv muốn được bảo vệ, nhưng lập luận này giả định rằng việc gia nhập NATO là một lá chắn thần kỳ, chắc chắn sẽ ngăn chặn hành động quân sự của Nga trong hầu hết mọi trường hợp. Cũng chính giả định này đã thúc đẩy các quyết định trước đó nhằm mở rộng NATO sang các khu vực dễ bị tổn thương như vùng Baltic ; những người ủng hộ chỉ đơn giản cho rằng các đảm bảo an ninh được mở rộng này sẽ là những tấm séc không bao giờ được đổi thành tiền mặt.
Tư cách thành viên NATO có thể ngăn chặn cuộc tấn công trong nhiều trường hợp, nhưng nó không phải là lá chắn thần kỳ. Quả thực, ngày càng có nhiều tiếng nói đưa ra những cảnh báo rằng Nga có thể sẽ thách thức NATO trong vài năm tới. Nếu bạn thực sự tin rằng Putin sẽ kết thúc cuộc chiến ở Ukraine, sau đó tạm dừng một thời gian ngắn để xây dựng lại lực lượng vũ trang đã bị tàn phá của mình, rồi tiến hành một cuộc tấn công mới vào Phần Lan, Estonia, hoặc một số thành viên NATO khác, thì có nghĩa là bạn không thực sự tin vào lá chắn thần kỳ của NATO. Và điều đó cũng có nghĩa là các thành viên hiện tại của liên minh phải suy nghĩ kỹ càng về lợi ích sống còn của họ và những quốc gia mà họ thực sự sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ. Điều này đưa chúng ta trở lại lý do thứ hai.
4. Việc cấp tư cách thành viên ngay bây giờ sẽ chỉ kéo dài chiến tranh. Nếu giả định của tôi đúng, rằng Moscow tấn công phần lớn là để ngăn cản Kyiv gia nhập NATO, thì việc đưa Ukraine vào liên minh sẽ chỉ kéo dài cuộc chiến mà nước này hiện đang thua. Nếu đó là lý do Putin phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" của mình, thì ông ấy sẽ không kết thúc nó khi lực lượng Nga đang hoạt động hiệu quả và việc Ukraine gia nhập NATO vẫn được cân nhắc. Kết quả là Ukraine sẽ phải gánh chịu nhiều thiệt hại hơn nữa, thậm chí sự tồn vong nước này có thể gặp nguy hiểm. Ukraine đã là một trong những quốc gia có dân số suy giảm nhanh nhất ở Châu Âu trước khi chiến tranh bắt đầu, và những ảnh hưởng của cuộc chiến (người tị nạn chạy trốn, khả năng sinh sản giảm sút, tử vong trên chiến trường, …) sẽ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
5. Sự trung lập có lẽ không tệ đến thế. Xét về lịch sử quan hệ Nga-Ukraine (bao gồm cả những sự kiện trong 10 năm qua), có thể hiểu tại sao nhiều người Ukraine không muốn chấp nhận kịch bản trung lập. Nhưng trung lập không phải lúc nào cũng là điều xấu, ngay cả đối với các quốc gia nằm gần Nga. Phần Lan đã tiến hành một cuộc chiến phải trả giá đắt nhưng không thành công chống lại Liên Xô từ năm 1939 đến năm 1940, và cuối cùng phải nhượng lại khoảng 9% lãnh thổ trước chiến tranh. Nhưng giống như người Ukraine ngày nay, người Phần Lan đã chiến đấu anh dũng và khiến Liên Xô lớn hơn nhiều phải trả giá đắt cho chiến thắng của mình. Kết quả là nhà lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ là Joseph Stalin đã không sáp nhập Phần Lan vào Liên Xô hoặc buộc nước này tham gia Hiệp ước Warsaw sau Thế chiến II. Thay vào đó, Phần Lan vẫn là một quốc gia trung lập và dân chủ, có nền kinh tế thị trường giao dịch với cả Liên Xô và phương Tây.
Kết quả này đôi khi bị chế giễu một cách sai lầm là "Phần Lan hóa " (Finlandization), nhưng nó đã được chứng minh là một công thức khá thành công. Nếu Phần Lan cố gắng gia nhập NATO trong thời kỳ đó, thì gần như chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn, thậm chí là chiến tranh phòng ngừa. Hai tình huống này không hoàn toàn giống nhau – đặc biệt là khi xét tới quan điểm của Putin về sự thống nhất văn hóa giữa người Nga và người Ukraine – nhưng nó cho thấy rằng tính trung lập về mặt hình thức không nhất thiết sẽ ngăn cản Ukraine thiết lập một nền dân chủ vững mạnh và có quan hệ kinh tế sâu rộng với các nước phương Tây.
Vì tất cả những lý do này, việc nhanh chóng đưa Ukraine gia nhập NATO không phải là một ý tưởng hay. Thay vào đó, những người ủng hộ Ukraine ở phương Tây cần suy nghĩ sáng tạo hơn về các thỏa thuận an ninh thay thế có thể giúp trấn an Ukraine trong bối cảnh đình chiến hoặc thỏa thuận hòa bình thời hậu chiến. Kyiv cần được đảm bảo an toàn trước việc Moscow tái khởi động chiến tranh ; họ không thể đồng ý với việc giải giáp vũ khí hoặc bị buộc phải chấp nhận sự thống trị của Nga trên thực tế. Tìm ra cách để cung cấp sự bảo vệ nhưng không kích động Moscow phát động chiến tranh không phải chuyện dễ dàng. Nhưng vội vàng gia nhập NATO không phải là con đường tốt nhất để Ukraine an toàn hơn, mà ngược lại, còn có thể kéo dài chiến tranh và khiến nước này chịu thống khổ hơn bao giờ hết.
Stephen M. Walt
Nguyên tác : "NATO Should Not Accept Ukraine—for Ukraine’s Sake", Foreign Policy, 05/03/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 17/03/2024
Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.
Sau 500 ngày chiến đấu, cánh cửa NATO dần hé mở cho Ukraine ?
Năm trăm ngày sau khi Nga kéo quân sang xâm lược Ukraine, hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius lần này được coi là lịch sử, với nhiều chủ đề nóng bỏng, trong đó Ukraine đứng hàng đầu. Libération hôm này 10/07/2023 dẫn lời tổng thư ký Jens Stoltenberg : "Những gì chúng ta quyết định làm hay không làm hôm nay sẽ thay đổi bộ mặt thế giới trong những thập niên tới".
Lá cờ NATO và quốc kỳ Ukraine. AFP –
Từ nhiều tuần qua đã có những buổi thảo luận giữa 31 nước thành viên và cả một số cuộc song phương. Nhà nghiên cứu Camille Grand phân tích, hội nghị này là dịp lý tưởng để chứng tỏ sự đoàn kết với Ukraine, bản dự thảo thông cáo chung đang được thảo luận hứa hẹn những bất ngờ.
Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương là một hiệp ước quốc phòng tập thể lập ra năm 1949 trước lo ngại Liên Xô tấn công Tây Âu. NATO mở rộng năm 1997 sau cuộc chiến Chechnya theo yêu cầu các nước láng giềng của Nga, và sau khi Crimea bị chiếm năm 2014, quân đồng minh được tăng cường ở sườn phía đông. Cho dù theo nguyên tắc đồng thuận, trên thực tế Hoa Kỳ đưa ra những tiêu chuẩn quân sự và các nước nhỏ chấp thuận - những nước này không thể gởi phái đoàn tham dự cả trăm cuộc họp hàng tuần. Nhìn chung có ba khối trong NATO : Đông Âu luôn cảnh giác với Nga, Bắc Âu thường có cùng quan điểm với Anh, và Nam Âu trong đó có Pháp.
Tìm kiếm một sự bảo đảm lâu dài cho Kiev
Vấn đề gai góc nhất là việc kết nạp Kiev, được 90% dân chúng Ukraine ủng hộ, các nước Baltic, Trung Âu và Đông Âu đang gây áp lực. Khác với hội nghị Bucarest năm 2008, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ có thái độ thuận lợi, nhưng Đức và Hoa Kỳ ngần ngại. Ông Stoltenberg bác bỏ việc NATO chính thức đưa ra lời mời gia nhập, nhưng nếu buộc Kiev phải chờ đến khi chấm dứt chiến tranh, sẽ có nguy cơ thúc đẩy Vladimir Putin kéo dài cuộc chiến.
Libération dẫn lời đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith, cho rằng nếu tổng thống Volodymyr Zelensky chịu đến dự, sẽ có được sự ủng hộ mạnh mẽ. Điều chắc chắn là một Hội đồng NATO-Ukraine sẽ được thành lập. Kiev đòi hỏi những bảo đảm an ninh cụ thể để tự vệ, sẽ thương thảo với một số quốc gia thành viên (chưa biết là những nước nào), nhằm được hỗ trợ trong thời gian dài mà không sợ lệ thuộc vào các kỳ bầu cử hay dư luận đổi chiều.
Trong kỳ họp này, việc kết nạp Thụy Điển đang bị treo vì Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Lần đầu tiên từ 1999 sẽ đề ra các kế hoạch quân sự bí mật cấp khu vực, để chuẩn bị đối phó với nhiều dạng nguy cơ khác nhau, trên mọi mặt trận và theo nhiều kịch bản. Đặc biệt NATO còn nhìn sang Ấn Độ-Thái Bình Dương : bốn nước trong khu vực (Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, New Zealand) hai năm liên tiếp được mời tham dự, do e sợ tham vọng Trung Quốc.
NATO chú ý đến Châu Á, Trung Quốc lo sợ
Về phía Bắc Kinh cáo buộc NATO "dùng các nước Ấn Độ-Thái Bình Dương làm con tin". Trung Quốc theo dõi rất chặt chẽ hội nghị thượng đỉnh NATO, và Le Monde cho rằng việc tổng thư ký Jens Stoltenberg ngồi lại thêm một năm nữa là tin xấu cho ông Tập. Trung Quốc hài lòng trước tình trạng NATO "chết não", và sự thức giấc từ khi Nga xâm lăng Ukraine lại càng làm Bắc Kinh lo sợ hơn vì Liên minh ngày càng quan tâm đến Châu Á.
Khi thăm Tokyo và Seoul hồi đầu năm, ông Stoltenberg giải thích, đó là do sự hiện diện của Trung Quốc trên không gian và thế giới mạng, thiếu vắng những giá trị chung, thái độ hung hăng trên Biển Đông và trong khu vực, chế tạo vũ khí tầm xa, hợp tác ngày càng chặt chẽ với Moskva. Đến tháng Sáu, ông loan báo bốn nước Ấn Độ-Thái Bình Dương trên đây là "đối tác" của NATO. Vương Nghị giận dữ, tìm cách tranh thủ đồng nhiệm Nhật Bản, Hàn Quốc ; bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) tố cáo NATO muốn đối đầu.
Đối với Trung Quốc, vấn đề chính vẫn là Đài Loan. Vài ngày trước hội nghị Vilnius, ông Tập Cận Bình đến Giang Tô thị sát hoạt động của Quân khu miền Đông. Thứ Tư tuần trước, hai chiến hạm Nga đến Thượng Hải để tập trận chung, cuộc thao dợt sẽ kết thúc vào ngày 11/07, đúng vào dịp thượng đỉnh NATO. Một sự tình cờ chăng ?
Ukraine thiếu đạn, bom chùm giúp đẩy nhanh tiến độ phản công
Về việc Mỹ quyết định cung cấp bom chùm (DPICM) dù loại vũ khí này bị tranh cãi, Le Figaro cho rằng đó là do từ đầu cuộc phản công, quân đội Ukraine không hề có được sự yểm trợ của không lực, và phải sử dụng dè sẻn đạn dược. Moskva lập tức nói rằng đây là "hành động tuyệt vọng", "sự thú nhận yếu kém" - một bài học đạo đức đáng kinh ngạc từ kẻ xâm lược đã gây ra cái chết cho nhiều ngàn thường dân. Amanda Sloat, giám đốc phụ trách Châu Âu của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ nhắc lại : "Nga đã sử dụng bom chùm ngay từ đầu cuộc chiến".
Theo Lầu Năm Góc, tỉ lệ đạn không nổ của loại bom do Mỹ cung cấp chỉ có 2,35%, so với Nga là 30% đến 40%. Đây là giải pháp chuyển tiếp trong khi chờ đợi chi viện những vũ khí khác, có thể giúp phá được các phòng tuyến của Nga. Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Colin Kahl khẳng định thiệt hại sẽ được giảm thiểu. Chính phủ Ukraine cam kết bằng văn bản sẽ không dùng ở những nơi đông dân hay lãnh thổ nước khác, thống kê những nơi đã sử dụng để sau này có thể tháo gỡ. Hoa Kỳ đã giúp trên 95 triệu đô la cho việc gỡ mìn. Nếu Ukraine giành được thắng lợi, cái giá phải trả sẽ dễ chấp nhận hơn đối với dân chúng vùng được giải phóng.
Le Monde nói thêm, chính quyền Biden đã cân nhắc rất lâu trước khi đáp ứng yêu cầu của Kiev. Trả lời CNN hôm thứ Sáu 07/07, tổng thống Mỹ nhìn nhận đã có một "quyết định khó khăn", vì Ukraine "sắp hết đạn dược". Theo các chuyên gia, nhờ loại bom này quân đội Ukraine sẽ được rộng tay hơn rất nhiều so với trước đây. Giáo sư Charles Kupchan của Council on Foreign Relations nhấn mạnh, lúc này là thời điểm quan trọng trên chiến địa.
Quyết định của Mỹ một lần nữa cho thấy nhu cầu vũ khí của đồng minh rất căng thẳng, sau nỗ lực chưa từng thấy từ tháng 2/2022. Jon Wolfsthal, cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia thời Barack Obama giải thích : "Nếu có đủ đạn thông thường, chúng tôi đã không gởi bom chùm. Lầu Năm Góc đã chi rất nhiều tiền cho vũ khí nguyên tử, tiêm kích thế hệ thứ năm, tàu ngầm và những loại vũ khí tinh vi. Thế nhưng giờ đây lại cần đạn pháo. Chừng như đã đặt cược sai, giờ đây chúng tôi có nhiều loại vũ khí không sử dụng đến, mà lại không có những thứ mình cần".
Lái Leopard 2 : "Từ xe Liên Xô chuyển sang BMW !"
Trên chiến trường, đặc phái viên Libération ở khu vực Orikhiv và Velyka Novosilka có bài phóng sự "Tại miền nam Ukraine, ở vùng hoạt động của xe tăng Đức và thiết giáp Pháp". Một tháng sau khi khởi đầu cuộc phản công của Kiev, hai nghị sĩ Pháp và Đức đã đến tận nơi những chiếc Leopard 2 và AMX-10 đang chiến đấu.
Andriy, điều khiển một thiết giáp của lữ đoàn cơ giới 33 khẳng định, cá nhân anh không còn muốn leo lên một chiếc T64 nào nữa. "Lái một chiếc Leopard 2, cũng giống như đổi từ xe Jigouli Liên Xô sang BMW". Cách đây một tháng, Andriy và đồng đội có mặt trong đoàn thiết giáp đầu tiên cố gắng xuyên qua phòng tuyến Nga ở phía nam Orikhiv, tỉnh Zaporijia. Họ trở thành mục tiêu của súng phóng lựu chống tăng RPG và pháo, nên không biết đã cán phải mìn, bánh xích bị hư hại, cho đến khi xe không tiến được nữa. Chẳng ai hề hấn gì.
Sự khác biệt giữa xe Liên Xô và các xe tăng mới là một trời một vực. Với Leopard, người lính có thể quan sát 360 độ, không cần phải thò đầu ra quan sát phía sau, chỗ ngồi rất thoải mái. Nghị sĩ Pháp cánh trung Philippe Folliot và dân biểu Đức Marcus Faber (đảng Tự Do FDP) chăm chú lắng nghe lời kể. Họ là những đại biểu Châu Âu hiếm hoi dám đến gần tiền tuyến để tìm hiểu về hiệu quả những vũ khí do nước mình viện trợ.
Quân Nga hoảng loạn khi xe tăng phương Tây tham chiến
Hôm 12/06, một video quay cảnh chiếc Leopard 2 bị hư hại của Andriy đã tràn ngập các mạng xã hội và được chiếu liên tục trên các kênh thông tin Pháp, Đức, với chủ đề "Phải chăng cuộc phản công của Ukraine đang thất bại ?". Có vẻ như các "chuyên gia xa-lông", theo cách gọi của bộ trưởng quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov, chờ đợi phép lạ lập tức từ số vũ khí nhỏ nhoi chi viện.
Viacheslav, sĩ quan lữ đoàn cơ giới 47 cho biết việc đưa Leopard 2 tác chiến là một thành công, giúp các chiến sĩ quay về an toàn là điều quan trọng nhất. "Ngay khi Leopard xuất hiện trên chiến địa, quân Nga trở nên hoảng loạn, họ bắn vào với tất cả những gì có được. Nhờ địch tập trung chú ý vào chúng tôi, bộ binh dễ hoạt động hơn". Một chiếc Leopard thứ hai được giới thiệu cho hai ông Folliot và Faber, đã bị Lancet, một drone tự sát chống tăng của Nga tấn công trực tiếp. Vỏ giáp bị xuyên thủng, các mạch điện tử bị cháy, không hoạt động được trong hai giờ, rồi được sửa chữa và hai tiếng rưỡi sau lại tham gia chiến đấu.
Chiến sĩ "Burghalter" cho biết vấn đề chính là những bãi mìn mênh mông của Nga. Họ thu được sổ tay của một chỉ huy Nga và biết rằng trước mặt tiểu đoàn là 5.000 quả mìn chống tăng, chưa kể số mìn chống cá nhân. Đơn vị phải tiến từng mét một, không có phi pháo yểm trợ. Tại Velyka Novosilka, Vadim thuộc lữ đoàn 37 thủy quân lục chiến cũng cho biết phải hứng chịu pháo không ngơi nghỉ và bị phi cơ, trực thăng Nga oanh kích liên tục. Các xe thiết giáp AMX-10 RC của Pháp có vỏ giáp quá nhẹ tuy rất nhanh gọn, đại bác 105 ly rất chính xác. Người lính thắc mắc vì sao hệ thống chống laser lại bị tháo ra lúc giao cho Ukraine.
Những phản ánh này rất cần thiết, vì một số nhà lãnh đạo đôi khi bị dao động trước tuyên truyền Nga. Dân biểu Marcus Faber cho biết chỉ mới có 50 chiếc Leopard được giao cho Kyiv, trong đó 18 từ Đức, như vậy cứ mỗi 80 kilomet mới có được một chiếc. Ông chỉ trích Áo, Hy Lạp và nhất là Thụy Sĩ gây khó dễ nên chưa thể chi viện 200 chiếc Leopard 1 (thế hệ đầu) cho Ukraine.
Prigozhin "mất tích", Wagner "đi nghỉ hè"
Tại Nga, thông tín viên Les Echos ghi nhận "Prigozhin biến mất, quân ông ta "đang nghỉ hè" : Wagner bị thanh lý một cách bí ẩn". Chỉ hôm trước hôm sau, tấm bảng lớn "Wagner" đã biến khỏi mặt tiền bằng kính của trụ sở rộng mênh mông thuộc sở hữu của Yevgeny Prigozhin. Cơ ngơi 45.000m2 ở ngoại ô Saint-Petersburg được tưng bừng khánh thành năm ngoái. Là trung tâm tuyển lính đánh thuê, tòa nhà còn là nơi làm việc của "đơn vị dư luận viên" và vài công ty khác của tài phiệt này, từ nhà hàng đến xây dựng.
Hai tuần sau vụ "nổi loạn", trong bãi đậu xe còn một chiếc Lada cũ sơn màu kaki ; các ti vi đặt ở sảnh không còn chiếu những phim khoe thành tích Wagner ở Ukraine hay Châu Phi. Các tầng lầu không ánh sáng, các máy tính đều tắt. Và ông chủ không có ở đây. Hôm 03/07, Yevgeny Prigozhin viết trên Telegram hứa sẽ có những chiến thắng mới trên mặt trận, nhưng từ đó đến nay im lặng. "Lotus", tức Anton Yelizarov, một trong những trợ thủ của Prigozhin nói rằng đội quân Wagner đang nghỉ hè "cho đến đầu tháng Tám". Nhà chính trị học Tatiana Stanovaya cho rằng : "Họ đã quyết định khai tử Yevgeny Prigozhin về mặt chính trị", nhưng có thể vẫn để cho ông ta thời gian giải quyết các vụ làm ăn ở Nga mà hầu hết lệ thuộc vào mối liên hệ với Nhà nước.
Báo chí phục vụ chính quyền liên tục đưa ra các phóng sự để bôi bác Yevgeny Prigozhin, đăng những hình ảnh vụ khám nhà ở Saint-Petersburg. Các cổng thông tin của tập đoàn truyền thông Patriot bị chặn, hãng tin RIA FAN vốn rất hiệu quả có thể được giao cho các doanh nhân thân Kremlin. Theo Washington Post, ông chủ Wagner đã quay lại Saint-Petersburg để nhận lại tiền và vũ khí đã bị an ninh tịch thu. Tổng thống Alexander Lukashenko nói Prigozhin không ở trên lãnh thổ Belarus, còn thứ trưởng quốc phòng Leonid Kasinsky tiếp báo chí tại một doanh trại sẽ tiếp nhận quân Wagner : dự trù đón 5.000 người, nhưng cả 300 lều trại hiện trống rỗng.
Thụy My
Ukraine gia nhập NATO, viễn cảnh còn xa vời
Hôm nay Lễ Lao động 1 tháng Năm, tất cả các nhật báo đều nghỉ, chỉ có Le Monde ra số đúp từ hôm trước. Sau khi Phần Lan trở thành nước thành viên thứ 31, Thụy Điển thì đang chờ đợi, vị trí nào dành cho Ukraine nhân cuộc họp thượng đỉnh của NATO tháng Bảy tới ? Một vùng đệm vĩnh viễn như trước chiến tranh, hay Kiev phải từ bỏ Crimea và một phần Donbass để có thể gắn kết với phương Tây ?
Các quân nhân Mỹ bên cạnh giàn hỏa tiễn địa-không Patriot ở một căn cứ phía đông thủ đô Vilnius (Litva) trong cuộc tập trận "Tobruq Legacy 2017" của các nước NATO ngày 20/07/2017. AP - Mindaugas Kulbis
Lễ Lao động : Lần đầu tiên từ 14 năm các nghiệp đoàn Pháp cùng diễn hành
Le Monde chạy tựa "Chính quyền đứng trước sự phản kháng dai dẳng", tờ báo ghi nhận : lần đầu tiên kể từ 2009, các nghiệp đoàn - hồi sinh từ phong trào - cùng diễn hành chung.
Từ mười ngày qua, tổng thống và các bộ trưởng cố tránh những rắc rối. Hôm thứ Bảy 29/04, đã có 30.000 thẻ đỏ và còi được các nghiệp đoàn phân phát cho ủng hộ viên trận chung kết Cúp bóng đá Pháp trước khi ông Emmanuel Macron có mặt ở Stade de France : và hôm nay có khoảng 300 cuộc biểu tình được tổ chức trên toàn quốc. Lực lượng cảnh sát cơ động bắt đầu mệt mỏi khi phải liên tục can thiệp, trước những lời kêu gọi xuống đường phản đối mỗi lần có một thành viên chính phủ tiếp xúc với dân, sau khi luật cải cách hưu trí được ban hành.
Hai quan điểm khác biệt về việc Ukraine gia nhập NATO
Liên quan đến Ukraine, Le Monde phân tích về "Những khác biệt của phương Tây trong vấn đề Ukraine gia nhập NATO". Các nước thành viên cân nhắc về việc bảo đảm an ninh cho Ukraine trong cuộc họp thượng đỉnh ở Vilnius tháng Bảy tới.
Điều 23 trong thông cáo công bố sau thượng đỉnh NATO ở Bucarest tháng 4/2008 vẫn ám ảnh các nước phương Tây. Sau nhiều cuộc thương thảo giữa các đồng minh, một cam kết về nguyên tắc được đưa ra nhưng không có lịch trình cụ thể : "NATO hoan nghênh khát vọng gia nhập của Ukraine và Georgia (...). Hôm nay, chúng tôi quyết định rằng những nước này sẽ trở nên thành viên NATO". Chỉ bốn tháng sau, quân Nga tiến vào Georgia và quốc gia này bị mất 20% lãnh thổ.
Mười lăm năm đã trôi qua. Cuộc xâm lăng Ukraine khiến Liên minh Bắc Đại Tây Dương tìm lại được ý nghĩa, nhưng trong lúc Kiev chuẩn bị tổ chức phản công, phương Tây đứng trước một chọn lựa chiến lược. Sau khi Phần Lan trở thành nước thành viên thứ 31, Thụy Điển thì đang chờ đợi, vị trí nào dành cho Ukraine ? Một vùng đệm vĩnh viễn như trước chiến tranh, hay Kiev phải từ bỏ Crimea và một phần Donbass để có thể gắn kết với phương Tây ? Là ứng cử viên chính thức vào Liên Hiệp Châu Âu (EU) từ tháng 6/2022, nhưng tham gia NATO đối với Ukraine hãy còn xa vời. Ba Lan và các nước Baltic ủng hộ, nhưng Hoa Kỳ không muốn, Đức cũng vậy, còn Pháp để ngỏ. Emmanuel Macron tìm kiếm một công thức có thể kéo gần lại hai khuynh hướng.
Một công thức mới bảo đảm an ninh cho Kiev ?
Hôm 05/04 ngoại trưởng Antony Blinken nói rằng trên nguyên tắc Mỹ ủng hộ để ngỏ NATO nhưng trước mắt Washington "tập trung cao độ" cho việc trao mọi phương tiện cho Ukraine tự vệ và "giành lại thêm nhiều vùng đất bị Nga chiếm". Mục tiêu là "nâng Ukraine lên tiêu chuẩn NATO và khả năng tương tác với NATO".
Một nhà ngoại giao Châu Âu giải thích, Hoa Kỳ chống lại việc Ukraine gia nhập, chỉ muốn bảo đảm an ninh theo kiểu song phương. Mỹ cho rằng cuộc phản công không tái chiếm được nhiều đất, song song đó cần thương lượng, và muốn có được sự ổn định từ nay đến mùa hè 2024, trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Theo nhà phân tích Christopher Chivvis, từng phụ trách Châu Âu trong cơ quan tình báo Mỹ, Ukraine không phải là lợi ích sống còn của Hoa Kỳ. Nếu Kiev gia nhập NATO, các đồng minh phải bảo vệ một đường biên giới rất dài trước Nga. Ông lo ngại rằng Volodymyr Zelensky chưa chuẩn bị cho đồng bào mình trước những lựa chọn đau lòng trong vài tháng tới. Có thể phương Tây cần phải tìm ra một công thức bảo đảm an ninh mà Kiev chấp nhận được, cho dù không mạnh mẽ như điều 5 của NATO - quy định tất cả sẽ hỗ trợ khi một thành viên bị "tấn công vũ trang". Chivvis cho rằng nên xem xét ý tưởng một liên minh mới trải dài đến những nước như Úc, Nhật Bản, có thể giúp Ukraine tuy không cam kết cụ thể.
Khả năng một thỏa thuận song phương Hoa Kỳ-Ukraine
Daniel Fried, cựu đại sứ Mỹ tại Ba Lan từng đóng vai trò chính trong việc mở rộng NATO những năm 2000, nằm trong số các chuyên gia tích cực nhất với Kiev. Ông nhớ lại, hồi đó người ta cho rằng việc để Ba Lan gia nhập NATO là đầy nguy hiểm. Nhưng Ukraine đã tự chiến đấu mà không có các đội quân nước ngoài can thiệp, có nghĩa là lãnh thổ nước này có thể được NATO bảo vệ. Chuyên gia này dè dặt trước một liên minh thiện chí, vì Putin có thể lại thử thời vận : dù chuyện gì xảy ra ở Ukraine đi nữa, ông ta cũng không phải đối mặt với quân đội phương Tây.
Giáo sư Charles Kupchan nhận định không nên hy vọng một bước quyết định tiến tới tư cách thành viên tại thượng đỉnh Vilnius, vì Mỹ rất dè dặt. Ông chờ đợi hội nghị Vilnius tái khẳng định ủng hộ Kiev, và thảo luận một dạng hiệp ước an ninh hoặc liên minh tự nguyện trong NATO. Cũng có một công thức khác : một hiệp định song phương giữa Washington và Kiev, giống như với Israel. Tuy Hoa Kỳ không buộc phải đứng ra bảo vệ Israel, nhưng yểm trợ rất lớn về tình báo, hợp tác chế tạo vũ khí và bán thiết bị quân sự.
Một thỏa thuận song phương với nội dung không được công khai, gắn kết Ukraine với Mỹ, sau khi đã viện trợ quân sự đến 35 tỉ đô la trong vòng một năm ? Ông Max Bergmann thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) đặt hy vọng vào EU thay vì NATO - với mong mỏi được nhanh chóng gia nhập, Zelensky có thể thuyết phục dân chúng chịu nhượng bộ Moskva. Nhưng hiện không có thủ tục gia nhập rút gọn nào, và phải quay lại với điểm xuất phát : Viễn cảnh nào cho Ukraine ?
Chiếm đất của Ukraine, Putin còn muốn trục xuất dân
Trong khi đó, "Putin đe dọa trục xuất người Ukraine ra khỏi những vùng bị Nga sáp nhập". Ông chủ điện Kremlin ký sắc lệnh buộc cư dân tại đây phải nhập quốc tịch Nga. Những người sở hữu hộ chiếu Ukraine sẽ nhận được hộ chiếu Nga trước ngày 01/07/2024, ai từ chối sẽ bị coi là người ngoại quốc. Biện pháp này không chỉ áp dụng cho Crimea, bị chiếm từ năm 2014, mà cả Donetsk, Luhansk, Zaporijia, Kherson mới bị sáp nhập từ tháng 9/2022. Đây là bước leo thang thô bạo, vì cho đến nay người dân Crimea dù bị làm khó dễ, vẫn được giữ hộ chiếu Ukraine. Tuy nhiên những "người Nga" mới này chỉ là công dân hạng hai.
Một luật thông qua ngày 18/04 quy định những người Nga nhập tịch có thể bị tước quốc tịch nếu vi phạm luật hình sự, trong đó có việc "nói xấu quân đội Nga". Cư dân "những vùng đất mới" cũng có thể bị trục xuất "nếu là mối đe dọa cho an ninh quốc gia" - có nghĩa là bày tỏ bất bình về nhiều vấn đề khác nhau. Được biết tháng 9/2022, nhà đấu tranh sinh thái và phản chiến Archak Makitchian đã bị hủy bỏ quốc tịch Nga, trở thành vô tổ quốc, với lý do tài liệu ông cung cấp 18 năm trước đó không đúng. Vladimir Putin đã ký ban hành một đạo luật vi hiến, vì Hiến pháp Liên bang Nga nói rõ mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật "bất kể cách thức có được quốc tịch Nga".
Thụy Điển tập trận chung lớn nhất từ 25 năm
Về mặt quân sự, tại Thụy Điển, quốc gia đang chờ được bật đèn xanh để vào NATO, đang diễn ra một cuộc tập trận chung lớn nhất kể từ 25 năm qua mang tên "Aurora 23". Có 26.000 binh sĩ của 14 nước tham gia từ ngày 17/04 đến 11/05.
Tình huống giả định là Thụy Điển bị tấn công, mạng lưới điện và viễn thông bị phá hoại. Dù đã động viên một phần, các trận đánh ngày càng dữ dội hơn ở miền nam. Mỹ gởi sang một tiểu đoàn thủy quân lục chiến với 700 quân, Phần Lan đổ bộ vào miền tây trong khi Pháp đưa chiến hạm Normandie đến cảng Göteborg. Từ cuối tuần, các quân nhân bắt đầu sát cánh chiến đấu, toàn bộ lực lượng Thụy Điển đều có mặt kể cả 9.000 người tình nguyện.
Được dự kiến vào năm 2020, cuộc tập trận bị dời lại vì đại dịch. Trong thời gian đó, bối cảnh đã hoàn toàn thay đổi : Nga xua quân vào Ukraine và hai tháng sau Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Tuy không phải là cuộc tập trận của NATO, nhưng qua đó Stockholm có thể cho thấy đã sẵn sàng.
Thương lượng với Ankara đang bế tắc, trong khi chờ đợi kết quả bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ vào giữa tháng Năm, bộ trưởng quốc phòng Pal Johnson tin tưởng Thụy Điển sẽ vào được NATO trước thượng đỉnh Vilnius. Ông nhấn mạnh nước mình không đến với hai bàn tay không : "Thụy Điển là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới có thể sản xuất phi cơ tiêm kích, tàu ngầm, chiến hạm, các hệ thống pháo, chiến xa. Và việc nước chúng tôi gia nhập sẽ tăng cường sườn phía bắc của NATO".
Nga vẫn dùng mánh khóe để nhập linh kiện chế tạo vũ khí
Về phía phương Tây, Le Monde nói đến "Những lỗ hổng trong việc trừng phạt Nga". Nhờ luồn lách thông qua nước thứ ba, Moskva vẫn có được các linh kiện điện tử dùng để sản xuất vũ khí. Mười hai nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong một tài liệu chuyển cho Ủy Ban Châu Âu hồi tháng Hai cho biết kỹ nghệ vũ khí và các ngành chiến lược của Nga tiếp tục được cung ứng ngày càng nhiều.
Moskva sử dụng những công ty bình phong của Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Belarus, Armenia, Georgia, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Trung Quốc. Thương mại với EU trong năm 2022 đã lên đến mức kỷ lục, và xuất khẩu từ các nước này sang Nga cũng vậy. Bruxelles đã lập trang web EU Sanctions Whistleblower Tool để có thể tố cáo nặc danh, và đến nay đã có 75 thông tin được ghi nhận.
Những mặt hàng tiêu dùng như máy giặt, tủ lạnh, máy vắt sữa, điện thoại di động được các công ty Nga thuộc tập đoàn vũ khí Rostec tháo gỡ để lấy các bộ phận điện tử lắp vào hỏa tiễn, đạn pháo thông minh, radar, drone. Chuyên gia Vladyslav Vlasiuk ở Kiev cho biết, vừa phát hiện được một số thành phần từ thuốc lá điện tử trong drone tự hủy Lancet của Nga. Viên chức trẻ tuổi này là thành viên ủy ban Yermak-McFaul, một nhóm chuyên gia Ukraine, Mỹ và đối lập Nga phụ trách theo dõi việc tránh né cấm vận. Công việc đầu tiên là cố xác định xuất xứ linh kiện điện tử tìm thấy bên trong các thiết bị Nga bỏ lại trên thực địa, và thông báo cho nước sản xuất để điều tra.
Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, hai mắt xích quan trọng
Thổ Nhĩ Kỳ nhờ vị trí địa lý, nhất là trấn giữ lối vào Hắc Hải, đã hưởng lợi lớn nhờ cấm vận của phương Tây. Chẳng hạn Azu International, một công ty mới thành lập vào đầu cuộc xâm lăng, đã xuất sang Nga trên 20 triệu đô la linh kiện của Mỹ, chỉ thay bao bì rồi bán giá cao gấp hai, ba lần – Moskva không quan tâm giá cả. Việc tái xuất chấm dứt sau chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken : ngày 12/04, công ty này bị cho vào danh sách trừng phạt, tổng cộng 120 doanh nghiệp và cá nhân. Tuy nhiên vẫn có thể dùng mánh khóe thay mã vạch bằng loại gần giống.
Một mắt xích quan trọng khác trong chuỗi cung ứng : Trung Quốc xuất sang Nga phụ tùng cho drone nhất là pin và camera, qua nền tảng bán hàng trên mạng AliExpress. Bên cạnh đó là thiết bị định vị, hình ảnh vệ tinh, linh kiện điện tử dù chất lượng xấu hơn của Đài Loan, Hàn Quốc. Về phía các thành viên EU, hiện mới có 12 nước coi việc vi phạm cấm vận là tội hình sự. EU đã bổ nhiệm một đặc phái viên để đi thuyết phục các quốc gia đang tiếp tay cho Nga, không nên giúp Putin kéo dài chiến tranh.
Thụy My