Gia nhập NATO : Ukraine phải chờ đợi đến bao giờ ?
Le Monde cuối tuần nhận định "NATO không có chiến lược rõ ràng trước Nga". The Economist đặt thẳng câu hỏi "Khi nào Ukraine mới gia nhập NATO ?". Những từ ngữ ngoại giao không thể ngăn được một cuộc chiến tàn bạo đã diễn ra đến năm thứ ba.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong lúc chờ đợi thủ tướng Anh Sir Keir Starmer để hội đàm song phương tại một khách sạn ở Washington DC, Hoa Kỳ trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc ngày 10/07/2024 via Reuters - Stefan Rousseau
NATO không có chiến lược đối phó với Nga
Các biện pháp hỗ trợ Ukraine được loan báo tại Washington nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên minh Bắc Đại Tây Dương cho thấy những khó khăn của 32 quốc gia thành viên trong việc định ra các mục tiêu nhằm đối phó với Nga. Le Monde cuối tuần cho rằng NATO không có chiến lược rõ ràng để đối phó với nước Nga hiếu chiến của Vladimir Putin.
Được thành lập năm 1949 trong khuôn khổ bảo vệ cho Châu Âu vừa mới gượng dậy sau Đệ nhị Thế chiến, NATO mừng sinh nhật 75 tuổi trong không khí nặng nề vì mối đe dọa từ Moskva, và vai trò bị yếu đi của một số nhà lãnh đạo chủ chốt. Ông Joe Biden 81 tuổi, tổng thống của đại cường số một thế giới không hoàn toàn trấn an được về sức khỏe để bảo đảm nhiệm kỳ thứ hai. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cố xóa bớt những nghi ngờ về tình hình nội bộ, trong khi liên minh của thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn tê liệt, cái bóng của Donald Trump cũng bao trùm lên hội nghị.
NATO được chờ đợi nhiều nhất về thách thức cụ thể trước mắt, là việc Nga xâm lược Ukraine. Một loạt biện pháp được loan báo : những chiến đấu cơ F-16 sẽ hoạt động trên bầu trời Ukraine trong mùa hè này, 40 tỉ đô la viện trợ quân sự năm 2024, năm hệ thống phòng không. Và nhất là NATO sẽ phụ trách việc điều phối quân viện cho Ukraine, điều mà Hoa Kỳ cho đến nay vẫn từ chối. Tất cả đều đáng hoan nghênh nhưng chưa đủ, như nhận xét vẫn thường nghe thấy ở Kiev từ đầu cuộc xâm lăng là viện trợ phương Tây "giúp chúng tôi sống sót nhưng không giúp thắng được cuộc chiến".
Đồng minh cũng tìm ra một công thức trừu tượng là "con đường không thể đảo ngược" tiến đến gia nhập NATO, nhưng không có cam kết cụ thể nào. Le Monde cũng ghi nhận việc NATO cảnh cáo Trung Quốc, lần đầu tiên bị lên án "đóng vai trò quyết định" trong nỗ lực chiến tranh của Nga. Tuy nhiên ý định của Washington mở rộng lãnh vực hoạt động sang Châu Á khó tìm được sự đồng thuận tại Châu Âu.
Khi nào Ukraine mới được vào Liên minh Bắc Đại Tây Dương?
The Economist đặt thẳng câu hỏi "Khi nào Ukraine mới gia nhập NATO ?". Những từ ngữ ngoại giao không thể ngăn được một cuộc chiến tàn bạo đã diễn ra đến năm thứ ba.
Đến Washington để mừng kỷ niệm 75 năm thành lập hiệp ước quân sự lâu đời nhất thế giới, các nhà lãnh đạo được đón chào bằng một đợt hỏa tiễn đánh vào một bệnh viện nhi ở Kiev. Những lời hứa của NATO đi kèm với một loạt điều kiện như phải tiếp tục "cải cách dân chủ, kinh tế và an ninh", hơn nữa Ukraine chỉ được mời gia nhập khi "các đồng minh đều đồng ý và các điều kiện được đáp ứng". Trong diễn văn khai mạc, Joe Biden không hề nhắc đến việc kết nạp Ukraine.
Mọi người biết rằng con đường gia nhập của Kiev vẫn có thể đảo ngược nếu Donald Trump quay lại Nhà Trắng. The Economist cũng lưu ý đến việc hội nghị - có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand – bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về Trung Quốc, nghiêm khắc cảnh cáo Bắc Kinh đã hỗ trợ kỹ nghệ quân sự Nga. Theo NATO, Trung Quốc "không thể giúp cho cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử đương đại Châu Âu mà không có tác động tiêu cực đến lợi ích và hình ảnh của nước này".
Nhìn từ phía Kiev, Courrier International dịch bài viết của báo mạng Ukrainska Pravda cho rằng Ukraine đã có được một thắng lợi nho nhỏ tại hội nghị thượng đỉnh NATO vừa rồi. Trang Obozrevatel nêu danh sách các phần quà được nhận : "Hỏa tiễn Patriot, bảo đảm an ninh, hệ thống phòng không, tái tổ chức việc chuyển giao đạn pháo". Nhìn chung, người Ukraine ít đặt hy vọng vào hội nghị nên không mấy thất vọng.
Nữ thủ tướng Estonia thành đại diện ngoại giao Châu Âu : Một giấc mơ tuyệt vời
Cuối tháng 6, các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) đồng ý đề cử bà Kaja Kallas, thủ tướng Estonia làm đại diện ngoại giao Châu Âu. Nhật báo Ý Il Foglio được Courrier International dịch lại hoan nghênh sự chọn lựa có lợi cho Ukraine. Những năm gần đây, bà Kallas đã trở thành một trong những biểu tượng đấu tranh chống các thế lực toàn trị mới đang đe dọa phương Tây. Mẹ của bà là Kristi đã từng bị tống lên một toa tàu chở súc vật đi Siberia thời Liên Xô cũ, bị lưu đày ở vùng đất băng giá ấy 20 năm.
Chỉ vài ngày sau khi Ukraine bị xâm lăng, Kaja Kallas là một trong những nhà lãnh đạo Châu Âu đầu tiên khẳng định "nếu Putin không bị trừng phạt vì tội ác, ông ta sẽ còn đi xa hơn nữa". Bà nhấn mạnh, phương Tây đã hai lần sai lầm khi làm ngơ lúc Nga tấn công Georgia (Gruzia) năm 2008 và sau đó chiếm Crimea năm 2014. Khác với những người tiền nhiệm, Kaja Kallas sẽ là một đại diện đáng gờm của EU trước Moskva hiếu chiến. Bà sẽ nhắc nhở những người hay quên, rằng để bảo vệ Châu Âu, cần "ít giơ cờ trắng hơn, và giương cao lá cờ hai màu xanh vàng của Ukraine".
Nhà văn Mỹ Douglas Kennedy : Ai mới thực sự là người chiến thắng ở Việt Nam ?
Liên quan đến Việt Nam, Le Figaro Magazine đăng bài bút ký dài bốn kỳ của nhà văn Douglas Kennedy, mang tên "Một người Mỹ ở Việt Nam". Nhà văn Mỹ từng được tuần báo trao giải thưởng lớn năm 2009, đã dành nhiều tuần lễ rong ruổi từ Sài Gòn đến Hà Nội, đi qua Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, nửa thế kỷ sau chiến tranh.
Trong bài đầu tiên, Douglas Kennedy tả lại những gì mắt thấy tai nghe ở Thành phố Hồ Chí Minh – dù đã bị đổi tên nhưng mọi người đều gọi theo tên cũ là Sài Gòn. Kiến trúc lộn xộn với nhiều phong cách, góc đường nào cũng thấy cờ đỏ sao vàng cạnh cờ búa liềm, nhưng không thấy các khẩu hiệu tuyên truyền ca ngợi đảng. Giữa những khu buôn bán, những hè phố ngập nắng, ông có cảm tưởng như đang ở khu vực Châu Á của Los Angeles dù những lá cờ nhắc nhở ai đang là lãnh đạo. Con đường Catinat sang trọng mang tên mới Đồng Khởi với những kiến trúc thời Pháp thuộc, với những cửa hàng Hermès, Vuitton, Tiffany, và trên một con đường khác là Starbuck, Levis…
Cũng như Bangkok, Sài Gòn nay bị gặm nhấm bởi một thứ kiến trúc hiện đại vô hồn. Trong một quán bar, một ca sĩ Việt, một ca sĩ piano người Nhật, một tay trống người Ukraine trình diễn những bản nhạc jazz của Duke Ellington, một sự pha trộn thú vị của một thành phố mà quá khứ bị nhốt trong một bảo tàng chứng tích chiến tranh và tương lai trong thương mại tự do. Tác giả nhìn thấy một tòa tháp sang trọng ở góc đường Nguyễn Huệ-Đồng Khởi mang tên Times Square, và tự hỏi, ai mới thực sự là người chiến thắng ?
Báo chí Pháp vui mừng về cuộc bầu cử vòng hai
Sau khi thoát khỏi nguy cơ quyền lực lọt vào tay đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) nhờ thành lập mặt trận chống cực hữu và làn sóng cử tri đi bầu đông đảo, lá quốc kỳ Pháp ba màu xanh trắng đỏ chiếm lĩnh trang bìa các tuần báo kỳ này. L’Express ra số đặc biệt về "Nước Pháp sau khi ra khỏi ngõ cụt". Le Nouvel Obs chọn ảnh bìa là quảng trường République, địa điểm biểu tình quen thuộc của người dân, với dòng tít "Tỉnh thức và bất định". Courrier International đăng hình vẽ bán thân của nàng Marianne - biểu tượng của nước Pháp - vai khoác chiếc khăn "tam tài", khuôn mặt bị nứt làm ba, kêu gọi "Hàn gắn lại những mảnh vỡ". Trên trang bìa Le Point là chân dung tổng thống Emmanuel Macron, tuần báo băn khoăn "Nhưng ông ấy đã làm gì nước Pháp vậy ?"
Cực hữu Pháp trong lễ hội hẫng hụt nhất lịch sử
Corriere della Sera tả lại "Đêm của những ảo tưởng rơi rụng" ở tổng hành dinh RN. Đúng 20 giờ, khi truyền hình loan báo kết quả, không khí bỗng im lặng một cách nặng nề, và bất thường. Đây là lần đầu tiên, vì từ 20 năm qua những người ủng hộ có thói quen reo vui sau mỗi cuộc bầu cử, vì họ chỉ nhìn thấy khía cạnh Marine Le Pen ngày càng khó bị chận lại. Nhưng đêm 07/07, nỗi thất vọng quá lớn. RN chẳng những không giành được đa số mà tụt xuống tận thứ ba, và trái với tất cả thăm dò, Mặt trận Bình dân Mới vọt lên hàng đầu. Những khuôn mặt tái hẳn, nước mắt bắt đầu rơi.
Trong khi lễ hội đã được tưng bừng chuẩn bị : bữa tiệc buffet sang trọng, những kim tự tháp ly sâm banh, vệ sĩ… như một cuộc tổng diễn tập trước khi đắc thắng bước vào điện Matignon. Không ai buồn đụng đến rượu sâm banh, màn hình vẫn tiếp tục phát với âm thanh rất lớn. Và họa vô đơn chí, xuất hiện khuôn mặt kẻ thù Jean-Luc Mélenchon, thủ lãnh cực tả phát biểu đầu tiên, ngạo nghễ ca ngợi chiến thắng. Nhật báo Ý được Courrier International dịch lại cho rằng đây là lễ hội hụt hẫng nhất lịch sử.
Đoàn kết không đơn thuần là bài toán cộng
Đối với L’Express, những rạn nứt trong xã hội đã hiện hữu từ nhiều năm qua và lớn dần, mà chính giới không thấu hiểu. Phong trào Áo Vàng được xoa dịu bằng những tấm séc, nhưng tiếp đến là những cuộc biểu tình chống vac-xin, chống vật giá lên cao… Cũng như ở Hoa Kỳ với việc Donald Trump lên làm tổng thống năm 2016, ở Anh với Brexit, ở Ý khi cực hữu lên nắm quyền, làn sóng dân túy rốt cuộc đã tràn vào Quốc hội. Có đôi chút hơi hướng cách mạng 1789 trong đó : ý hướng lật đổ giới tinh hoa - đang bị gán cho nhiều cái xấu.
Ngày 30/06, nền cộng hòa Pháp rúng động, ngày 07/07 được vực dậy khi ngăn cực hữu giành quyền lực. Nhưng con đập đã vỡ, dòng nước cực đoan cuộn chảy nay đã tràn bờ. Bây giờ là lúc phải tái thiết, đây là việc khẩn cấp trước bầu cử tổng thống 2027. Liên minh cần xây dựng không thể giới hạn trong phép toán cộng những ai nói không với cực hữu, mà phải "là bằng chứng của một đất nước tìm lại sự đoàn kết cũng như cơ hội cho sự vĩ đại của mình". Giống như đòi hỏi của tướng De Gaulle ngày 04/09/1958, khi đệ ngũ cộng hòa được khai sinh.
Nỗi lo còn đó
Le Nouvel Obs nhận định "Sau bầu cử Quốc hội, nhất thiết phải ra khỏi cảnh hỗn loạn". Một lần nữa cử tri đã bảo vệ các giá trị bình đẳng, bác ái của nước Pháp. Bên cạnh đó, ý thức của các ứng cử viên về thứ ba đã rút lui để tạo điều kiện cho ứng viên khác thắng cực hữu, đã bất ngờ đẩy liên minh cánh tả lên hàng đầu.
Sau khi thở phào nhẹ nhõm, đến lượt phải lo lắng. Vì RN dù "giới hạn" ở 143 ghế, vẫn là đảng thu được nhiều phiếu nhất, thu hút mọi tầng lớp xã hội, ở khắp vùng miền và đủ mọi lứa tuổi. Và nếu các lực lượng chính trị đã trụ được, nhưng rốt cuộc dẫn đến tình trạng hầu như bế tắc với ba khối trong Quốc hội, điều chưa từng thấy trong lịch sử đương đại của nước Pháp. Một bước nhảy vào vô định, một nước Pháp chia rẽ sâu sắc.
Theo Le Point, người dân Pháp rất có trách nhiệm khi bỏ phiếu chận đường cực hữu, vấn đề còn lại là các nhà lãnh đạo chính trị phải bảo đảm chức trách của mình. Có đến 66,6% cử tri tham gia cuộc bầu cử vòng hai, làm đảo ngược kết quả của vòng một, khiến Tập Hợp Dân Tộc (RN) từ dẫn đầu rơi xuống hàng thứ ba.
Người bỏ phiếu đã biến vòng hai bầu cử Quốc hội thành một cuộc trưng cầu dân ý chống lại thủ lãnh đảng cực hữu Jordan Bardella, cũng như cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu trước đó là một cuộc trưng cầu dân ý chống lại Emmanuel Macron. Tuy nhiên cái giá phải trả rất cao : nước Pháp trở nên không thể lãnh đạo trong thời điểm quan trọng của lịch sử. Mặt trận chống cực hữu – con phượng hoàng hồi sinh từ tro tàn – là vũ khí quan trọng, nhưng không mang lại giải pháp cho việc quản lý đất nước.
Quốc hội chia rẽ, ngân sách thúc hối
Nền đệ ngũ cộng hòa đối mặt với một trắc nghiệm mới. Tổng thống yếu đi, quyền lực nghiêng về phía Quốc hội nhưng là một Quốc hội gồm ba khối có số lượng chỉ xê xích nhau đôi chút. Không có khuôn mặt lãnh tụ lẫn chương trình hành động nào có thể liên kết dân Pháp và những người đại diện họ.
Chính phủ do thủ tướng Gabriel Attal đứng đầu có thể bảo đảm Thế vận hội diễn ra êm xuôi, nhưng lại không có tính chính danh để chuẩn bị cho ngân sách 2025 sẽ phải trình ra vào đầu tháng 10. Tăng trưởng hầu như bằng không, số công ty phá sản tăng lên, các dự án đầu tư, tuyển dụng bị tạm hoãn, tư bản và nhân tài đi sang nước khác.
Trong khi đó kế hoạch của cả ba khối đều dự kiến chi thêm đến 6% GDP đối với Mặt trận Bình dân Mới, 1% với khối cánh trung Ensemble, 3% với Những Người Cộng hòa (LR). Các cơ quan đánh giá tín nhiệm đặt Pháp vào tình trạng giám sát về nợ công, Đức cho biết sẽ phản đối nếu Pháp được Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE) cho hưởng cơ chế ổn định trong trường hợp xảy ra cú sốc tài chánh.
Nước Pháp thiên hữu hơn bao giờ hết, cánh tả vẫn đòi trọn quyền
Cánh tả dẫn đầu, trong khi đất nước chưa bao giờ thiên hữu như thế. Những chờ đợi của công chúng, được nuôi dưỡng bởi các tuyên bố mị dân, đi ngược lại với thực tế kinh tế và tài chánh. Họ mong muốn được tài trợ thêm cho tiêu thụ và tái phân phối, trong khi vấn đề chính là sản xuất, vì Pháp chỉ làm ra 36% hàng công nghiệp cần đến.
Những cử tri ôn hòa không hề nhận ra điểm chung trong chương trình mang tính tự sát của Mặt trận Bình dân Mới bị cực tả khống chế. Hố ngăn cách giữa Pháp và thế giới bên ngoài càng sâu hơn, qua các biện pháp không phù hợp với các giá trị và quy định của Liên Hiệp Châu Âu. Nước Pháp rơi vào bất định không thể là đồng minh tin cậy của các nền dân chủ khác, đặc biệt trước nước Nga của Vladimir Putin.
Trong một bài viết khác, tác giả Bernard-Henri Lévy nhấn mạnh, tổng thống Emmanuel Macron không việc gì phải nhượng bộ thủ lãnh đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI), ông Jean-Luc Mélenchon. Macron không "bắt buộc" phải chọn thủ tướng là người của đảng này. LFI chỉ giành được 75 ghế, không phải là đảng chính trị lớn nhất nước Pháp, cũng không phải là thành phần duy nhất của Mặt trận Bình dân Mới. Và như vậy, không có tính chính danh để lãnh đạo. Tổng thống là người bảo đảm các định chế, có nghĩa vụ không trao quyền cho những người kích động thù hận, bài Do Thái.
Thụy My