Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/07/2024

Điểm báo Pháp - Chỉ định thủ tướng Pháp, bài toán hóc búa

RFI tiếng Việt

Pháp : Chỉ định thủ tướng lập chính phủ, bài toán hóc búa của tổng thống Macron

Tình hình chính trị ở Pháp, các toan tính tiếp theo của tổng thống Mỹ Joe Biden, xung đột ở dải Gaza là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 12/07/2024.

FRANCE-POLITICS-EDUCATION

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal (trái), tổng thống Emmanuel Macron, trong lễ quốc gia tri ân cố đô đốc Philippe de Gaulle, Paris, Pháp, ngày 20/03/2024. AP - Ludovic Marin

Trang nhất của tờ Le Figaro nhận định, cánh tả vẫn kiên quyết muốn "áp đặt" một thủ tướng theo ý họ, bất chấp các cuộc đàm phán đang đi vào ngõ cụt. Liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP) vẫn tin tưởng vào điều đó. Vào thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán tìm cách thống nhất về một chính phủ tương lai, tổng thống Emmanuel Macron đã khiến mọi người ngạc nhiên trong "bức thư ngỏ gửi người dân Pháp" công bố hôm 10/07 khi khẳng định mặc dù phe cánh tả giành được đa số phiếu bầu, song "không có phe nào" thực sự chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua. Sau khi cáo buộc Elysée không thừa nhận thất bại, các quan chức bên cánh tả vẫn khẳng định phải nhanh chóng đưa ra đề xuất, hay đúng hơn là áp đặt với tổng thống một cái tên nào đó cho Matignon.

Người được phe của tổng thống Macron "để mắt tới" cho chức thủ tướng là lãnh đạo đảng Xã Hội (PS) Olivier Faure, đã đưa ra những cam kết với các đối tác, đặc biệt với đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI), nhưng dường như vẫn chưa đủ sức thuyết phục để giải quyết "giằng co" trong hậu trường. Ngay sau cuộc trả lời truyền hình hôm 10/07, Olivier Faure đã có cuộc họp với đại diện của 4 đảng trong liên minh NFP kéo dài đến tận sáng sớm ngày hôm sau, nhưng vẫn không có sự đồng thuận nào được đưa ra.

Trong bối cảnh cả hai đảng đều khẳng định tầm ảnh hưởng trong NFP, sự bế tắc giữa LFI và PS tiếp tục kéo dài trong cả ngày hôm qua 11/07. Mathilde Panot, nhân vật thân cận với lãnh đạo trên thực tế của đảng LFI, Jean-Luc Mélenchon, giải thích trên đài Franceinfo : "Chúng tôi vẫn đang miệt mài chọn lựa một cái tên thích hợp vào vị trí thủ tướng cũng như thảo luận về cơ cấu của chính phủ tương lai". Nhật báo thiên hữu nhận định cả 4 đảng trong liên minh NFP đều khẳng định "muốn đóng vai trò có trọng lượng" trong một chính phủ chung, vào thời điểm không có đảng nào thực sự chiếm ưu thế so với những đảng còn lại. Một dân biểu cánh tả tóm tắt "nếu đảng LFI chấp nhận để Olivier Faure tiến vào Matignon, họ sẽ yêu cầu cho Clémence Guetté trở thành bộ trưởng quốc vụ, điều mà Emmanuel Macron không bao giờ chấp nhận. Mà ngay cả nếu Macron đồng ý, chính phủ đó sẽ sụp đổ ngay lập tức".

Le Figaro đặt câu hỏi NFP sẽ làm thế nào để thoát khỏi tình trạng bế tắc ? Một số người nghi ngờ đảng LFI đang có những toan tính bí mật. Một dân biểu thuộc đảng Xã Hội nhận định : "Những người theo tư tưởng Mélenchon sẽ muốn có cuộc đối đầu tay đôi với đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) vào năm 2027. Họ rất muốn chứng kiến đảng Xã Hội và đảng Xanh đạt được một thỏa thuận với những người theo phe Macron mà không có họ, và để lại vết nhơ trong lịch sử".

Mỹ : Tổng thống Biden "cố đấm ăn xôi" ra tranh cử – "món hời" đối với Donald Trump

Nhìn sang Hoa Kỳ, tờ La Croix có bài viết nhận định tổng thống Joe Biden vẫn "cố" ra tranh cử sau khi "hụt hơi" trong cuộc tranh luận trên truyền hình để chạy đua vào Nhà Trắng hôm 27/06, khiến những quan chức thuộc phe Dân chủ cùng với các nhà tài trợ tỏ ra hết sức lo lắng. Dường như không còn khả năng phát biểu nếu không dùng máy nhắc chữ, một số người đang kêu gọi Joe Biden "rút lui".

Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa kết thúc, chủ nhân Nhà Trắng đã ngay lập tức phải trấn an dư luận. Sau "sự cố" khủng khiếp vào ngày 27/06 trong cuộc tranh luận trên truyền hình với ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, tổng thống Biden đã quyết định tổ chức họp báo vào chiều muộn hôm qua tại Washington.

Bị cho là quá yếu và đôi khi hoàn toàn lạc đề, Joe Biden đang bị chỉ trích từ mọi phía. Không kể sự giễu cợt từ những kẻ gièm pha, ngày càng nhiều đảng viên đảng Dân chủ quay lưng lại với ông vì không muốn chứng kiến Biden "húc đầu vào tường", khiến chính họ bị vạ lây. Sau khi kêu gọi Joe Biden rút lui, thượng nghị sĩ bang Vermont, Peter Welch, nhận định : "Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy mối nguy hiểm chính trị đối với đảng Dân chủ đang gia tăng. Các bang cho đến nay vốn là thành trì của chúng ta giờ đang nghiêng về phía đảng Cộng hòa". Nhật báo công giáo cho rằng nhiều quan chức thuộc đảng Dân chủ khác như Michael Bennet, thượng nghị sĩ bang Colorado, hay Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng Viện, có thể sẽ nối gót ông Welch và kêu gọi tổng thống Biden rút lui.

Tại Hạ Viện, đã có 7 đảng viên đảng Dân chủ kêu gọi Joe Biden rút lui trong 3 tuần qua. Nhưng Denis Lacorne, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris (Sciences Po) và là chuyên gia về lịch sử chính trị Hoa Kỳ, nhận định "vẫn còn rất nhiều người tỏ ra rụt rè và không dám kêu gọi chủ nhân Nhà Trắng bỏ cuộc. Nhưng mọi chuyện vẫn có thể thay đổi từ giờ đến khi đại hội đảng Dân chủ diễn ra vào cuối tháng 8".

Một bộ phận thuộc giới tinh hoa bên đảng Dân chủ, trong đó có cựu chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, thì tỏ ra mềm dẻo hơn. Bà nói : "Ông ấy được yêu mến, được tôn trọng và mọi người hy vọng Biden sẽ tự đưa ra quyết định phù hợp". Đối với chuyên gia Lacorne, đó là "lời kêu gọi có trọng lượng duy nhất" cho đến thời điểm hiện tại : "Quan điểm của Nancy Pelosi không phải là yêu cầu trực tiếp Biden phải rút lui, mà là khuyên ông nên suy nghĩ lại. Pelosi biết rằng Biden có thể sẽ không chịu rút lui nếu là bị ép buộc".

Tình trạng sức khỏe của tổng thống Mỹ cũng khiến các nhà tài trợ lo lắng. Sau Reed Hastings, một trong những nhà tài trợ chính cho đảng Dân chủ và đồng sáng lập nền tảng trực tuyến Netflix, giờ đây đến lượt ngôi sao Hollywood George Clooney, trên tờ New York Times đã kêu gọi đảng Dân chủ "tìm một ứng viên mới" cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Denis Lacorne kết luận : "Nếu chiến dịch vận động tranh cử của Joe Biden diễn ra tồi tệ, điều đó có nguy cơ tạo ra một phong trào chung ủng hộ Donald Trump". Vào lúc đảng Cộng hòa hiện chỉ chiếm đa số mong manh tại Hạ Viện (218 so với 212), cũng như đảng Dân chủ chiếm đa số mong manh tại Thượng Viện (51 so với 49), một thất bại rõ rệt của Biden sẽ giúp cho phe ủng hộ Trump có được đa số tuyệt đối ở cả hai viện. Đó sẽ là một thảm họa, theo chuyên gia Lacorne, khi ông cho rằng "Donald Trump lúc đó sẽ có toàn quyền lãnh đạo đất nước".

Số phận của NATO trong trường hợp Donald Trump trở lại Nhà Trắng

Nhật báo kinh tế Les Echos thì đặt câu hỏi liệu Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) có "sống sót" qua nhiệm kỳ mới của Donald Trump tại Nhà Trắng hay không ? Cựu tổng thống Mỹ đã khiến mọi người hoang mang vào mùa đông vừa qua khi khẳng định nếu ông trở lại làm tổng thống, Washington sẽ không hỗ trợ những quốc gia không đầu tư đủ cho quốc phòng theo cam kết, và sẽ kêu gọi Nga "làm những gì họ muốn".

Với việc Donald Trump đang bỏ xa Joe Biden trong các cuộc thăm dò đi kèm với tình trạng sức khỏe của đương kim tổng thống đang ngày càng tệ đi, các quốc gia thành viên NATO họp trong tuần này tại Washington đã thảo luận về viễn cảnh ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 01/2025 cũng với những hệ lụy đi kèm.

Mặc dù vậy, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, hôm 10/07 đã khẳng định "cho dù kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ ra sao đi chăng nữa, Hoa Kỳ vẫn sẽ là một đồng minh mạnh mẽ và trung thành của NATO".

Gaza : Xung đột sẽ đi về đâu ?

Nhìn sang Trung Đông, trang nhất và bài xã luận của tờ Libération tiếp tục quan tâm đến cuộc chiến ở dải Gaza. Trong khi Hoa Kỳ và Châu Âu vẫn đang bận tâm vào các cuộc bầu cử, thì xung đột vẫn diễn ra quyết liệt ở Gaza, nơi mà chẳng bao lâu nữa sẽ không còn một tòa nhà nào đứng vững. Từ phía bắc cho đến phía nam dải đất, người dân thiếu thốn mọi thứ và tìm cách sống sót trong cái nắng nóng và hầu như không có nước uống. Các vụ oanh kích dữ dội của quân đội Israel, khiến hàng chục dân thường thiệt mạng trong tuần này (đặc biệt ở các trường học), đan xen với các cuộc giao tranh trên bộ, trong bối cảnh binh sĩ Nhà nước Do Thái cố gắng tiêu diệt những thành phần nòng cốt của Hamas, ẩn náu giữa dân thường.

Nhật báo thiên tả nhận định phong trào Hồi giáo dường như đã chuẩn bị rất tốt cho cuộc chiến du kích này nhờ những hiểu biết sâu sắc về địa hình. Thời gian trôi qua cho thấy sự bất lực rõ rệt của thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong việc hoàn thành mục tiêu đề ra cách đây 9 tháng là "tiêu diệt Hamas", phong trào không gặp khó khăn trong việc chiêu mộ những thanh niên Palestine quyết tâm trả thù cho đồng bào đã bỏ mạng. Vậy cuộc chiến ở Gaza sẽ kéo dài bao lâu ? Theo chuyên gia Michel Goya, nó sẽ còn kéo dài nhiều tháng, thậm chí một năm nữa. Ông Goya nhận định cuộc chiến cũng sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Trong bối cảnh vẫn còn 116 con tin Israel đang bị Hamas giam cầm, các cuộc biểu tình mỗi tuần chống lại sự mù quáng của Benjamin Netanyahu tại Israel đang trở nên quyết liệt hơn. Nhà nước Do Thái cũng lợi dụng sự chú ý quốc tế đang đổ dồn về Gaza để chiếm nhiều vùng lãnh thổ ở Cisjordanie. Niềm hy vọng chứng kiến mọi người toàn vẹn trở về nhà chưa bao giờ mong manh đến thế. Tuy nhiên, Libération vẫn tin tưởng vào điều đó. Nhật báo thiên tả đã trò chuyện với dân biểu Ayman Odeh tại Knesset, một người Israel gốc Palestine đang tìm mọi cách, trong và ngoài Israel, để thuyết phục các bên chấm dứt những cuộc tắm máu. Nhiều người đã và đang cố gắng, và một ngày nào đó, sẽ có người thành công.

Quá trình gia nhập Liên Âu của Georgia bị gián đoạn

Quay trở lại Châu Âu, nhật báo Le Monde có bài viết nói về tiến trình gia nhập Liên Âu của Georgia (Gruzia) bị gián đoạn. Liên Âu và Mỹ đang đánh giá lại mối quan hệ với quốc gia vùng Kavkaz này sau khi Tbilisi thông qua luật gây tranh cãi về "ảnh hưởng của nước ngoài". Bruxelles đã đóng băng khoản viện trợ 30 triệu euro cho Georgia còn Washington hủy bỏ các cuộc tập trận.

Tháng 12/2023, sau nhiều năm hy vọng và chờ đợi, người dân Georgia đã rất vui mừng sau khi đất nước họ cuối cùng được cấp tư cách ứng viên gia nhập Liên Âu. 7 tháng sau, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn. Đại sư Liên Âu tại Georgia Pawel Herczynski hôm 09/07 thông báo "quá trình gia nhập EU của Georgia đang bị gián đoạn".

Quyết định này được đưa ra tại cuộc họp của Hội Đồng Châu Âu diễn ra ngày 27-28/06. Việc luật "ảnh hưởng của nước ngoài", được ban hành vào tháng 6, nhằm mục đích bịt miệng giới truyền thông độc lập và xã hội dân sự là lý do chính khiến Liên Âu đưa ra quyết định trên. Đó cũng đánh dấu một sự thay đổi địa chính trị chưa từng có kể từ khi nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ giành được độc lập, cho thấy Georgia đang quay lưng lại với Châu Âu và rõ ràng đang tiến lại gần với Nga. Hàng chục nghìn người đã biểu tình trong nhiều tuần để ngăn chặn chính quyền thông qua đạo luật, nhưng không thành công. Tbilisi cũng đã phớt lờ những cảnh báo từ Bruxelles và Washington, khiến khối 27 tố cáo một "bước thụt lùi" và đình chỉ quá trình gia nhập Liên Âu của Georgia.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 214 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)