Pháp : Chỉ định thủ tướng lập chính phủ, bài toán hóc búa của tổng thống Macron
Tình hình chính trị ở Pháp, các toan tính tiếp theo của tổng thống Mỹ Joe Biden, xung đột ở dải Gaza là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 12/07/2024.
Thủ tướng Pháp Gabriel Attal (trái), tổng thống Emmanuel Macron, trong lễ quốc gia tri ân cố đô đốc Philippe de Gaulle, Paris, Pháp, ngày 20/03/2024. AP - Ludovic Marin
Trang nhất của tờ Le Figaro nhận định, cánh tả vẫn kiên quyết muốn "áp đặt" một thủ tướng theo ý họ, bất chấp các cuộc đàm phán đang đi vào ngõ cụt. Liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP) vẫn tin tưởng vào điều đó. Vào thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán tìm cách thống nhất về một chính phủ tương lai, tổng thống Emmanuel Macron đã khiến mọi người ngạc nhiên trong "bức thư ngỏ gửi người dân Pháp" công bố hôm 10/07 khi khẳng định mặc dù phe cánh tả giành được đa số phiếu bầu, song "không có phe nào" thực sự chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua. Sau khi cáo buộc Elysée không thừa nhận thất bại, các quan chức bên cánh tả vẫn khẳng định phải nhanh chóng đưa ra đề xuất, hay đúng hơn là áp đặt với tổng thống một cái tên nào đó cho Matignon.
Người được phe của tổng thống Macron "để mắt tới" cho chức thủ tướng là lãnh đạo đảng Xã Hội (PS) Olivier Faure, đã đưa ra những cam kết với các đối tác, đặc biệt với đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI), nhưng dường như vẫn chưa đủ sức thuyết phục để giải quyết "giằng co" trong hậu trường. Ngay sau cuộc trả lời truyền hình hôm 10/07, Olivier Faure đã có cuộc họp với đại diện của 4 đảng trong liên minh NFP kéo dài đến tận sáng sớm ngày hôm sau, nhưng vẫn không có sự đồng thuận nào được đưa ra.
Trong bối cảnh cả hai đảng đều khẳng định tầm ảnh hưởng trong NFP, sự bế tắc giữa LFI và PS tiếp tục kéo dài trong cả ngày hôm qua 11/07. Mathilde Panot, nhân vật thân cận với lãnh đạo trên thực tế của đảng LFI, Jean-Luc Mélenchon, giải thích trên đài Franceinfo : "Chúng tôi vẫn đang miệt mài chọn lựa một cái tên thích hợp vào vị trí thủ tướng cũng như thảo luận về cơ cấu của chính phủ tương lai". Nhật báo thiên hữu nhận định cả 4 đảng trong liên minh NFP đều khẳng định "muốn đóng vai trò có trọng lượng" trong một chính phủ chung, vào thời điểm không có đảng nào thực sự chiếm ưu thế so với những đảng còn lại. Một dân biểu cánh tả tóm tắt "nếu đảng LFI chấp nhận để Olivier Faure tiến vào Matignon, họ sẽ yêu cầu cho Clémence Guetté trở thành bộ trưởng quốc vụ, điều mà Emmanuel Macron không bao giờ chấp nhận. Mà ngay cả nếu Macron đồng ý, chính phủ đó sẽ sụp đổ ngay lập tức".
Le Figaro đặt câu hỏi NFP sẽ làm thế nào để thoát khỏi tình trạng bế tắc ? Một số người nghi ngờ đảng LFI đang có những toan tính bí mật. Một dân biểu thuộc đảng Xã Hội nhận định : "Những người theo tư tưởng Mélenchon sẽ muốn có cuộc đối đầu tay đôi với đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) vào năm 2027. Họ rất muốn chứng kiến đảng Xã Hội và đảng Xanh đạt được một thỏa thuận với những người theo phe Macron mà không có họ, và để lại vết nhơ trong lịch sử".
Mỹ : Tổng thống Biden "cố đấm ăn xôi" ra tranh cử – "món hời" đối với Donald Trump
Nhìn sang Hoa Kỳ, tờ La Croix có bài viết nhận định tổng thống Joe Biden vẫn "cố" ra tranh cử sau khi "hụt hơi" trong cuộc tranh luận trên truyền hình để chạy đua vào Nhà Trắng hôm 27/06, khiến những quan chức thuộc phe Dân chủ cùng với các nhà tài trợ tỏ ra hết sức lo lắng. Dường như không còn khả năng phát biểu nếu không dùng máy nhắc chữ, một số người đang kêu gọi Joe Biden "rút lui".
Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa kết thúc, chủ nhân Nhà Trắng đã ngay lập tức phải trấn an dư luận. Sau "sự cố" khủng khiếp vào ngày 27/06 trong cuộc tranh luận trên truyền hình với ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, tổng thống Biden đã quyết định tổ chức họp báo vào chiều muộn hôm qua tại Washington.
Bị cho là quá yếu và đôi khi hoàn toàn lạc đề, Joe Biden đang bị chỉ trích từ mọi phía. Không kể sự giễu cợt từ những kẻ gièm pha, ngày càng nhiều đảng viên đảng Dân chủ quay lưng lại với ông vì không muốn chứng kiến Biden "húc đầu vào tường", khiến chính họ bị vạ lây. Sau khi kêu gọi Joe Biden rút lui, thượng nghị sĩ bang Vermont, Peter Welch, nhận định : "Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy mối nguy hiểm chính trị đối với đảng Dân chủ đang gia tăng. Các bang cho đến nay vốn là thành trì của chúng ta giờ đang nghiêng về phía đảng Cộng hòa". Nhật báo công giáo cho rằng nhiều quan chức thuộc đảng Dân chủ khác như Michael Bennet, thượng nghị sĩ bang Colorado, hay Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng Viện, có thể sẽ nối gót ông Welch và kêu gọi tổng thống Biden rút lui.
Tại Hạ Viện, đã có 7 đảng viên đảng Dân chủ kêu gọi Joe Biden rút lui trong 3 tuần qua. Nhưng Denis Lacorne, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris (Sciences Po) và là chuyên gia về lịch sử chính trị Hoa Kỳ, nhận định "vẫn còn rất nhiều người tỏ ra rụt rè và không dám kêu gọi chủ nhân Nhà Trắng bỏ cuộc. Nhưng mọi chuyện vẫn có thể thay đổi từ giờ đến khi đại hội đảng Dân chủ diễn ra vào cuối tháng 8".
Một bộ phận thuộc giới tinh hoa bên đảng Dân chủ, trong đó có cựu chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, thì tỏ ra mềm dẻo hơn. Bà nói : "Ông ấy được yêu mến, được tôn trọng và mọi người hy vọng Biden sẽ tự đưa ra quyết định phù hợp". Đối với chuyên gia Lacorne, đó là "lời kêu gọi có trọng lượng duy nhất" cho đến thời điểm hiện tại : "Quan điểm của Nancy Pelosi không phải là yêu cầu trực tiếp Biden phải rút lui, mà là khuyên ông nên suy nghĩ lại. Pelosi biết rằng Biden có thể sẽ không chịu rút lui nếu là bị ép buộc".
Tình trạng sức khỏe của tổng thống Mỹ cũng khiến các nhà tài trợ lo lắng. Sau Reed Hastings, một trong những nhà tài trợ chính cho đảng Dân chủ và đồng sáng lập nền tảng trực tuyến Netflix, giờ đây đến lượt ngôi sao Hollywood George Clooney, trên tờ New York Times đã kêu gọi đảng Dân chủ "tìm một ứng viên mới" cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Denis Lacorne kết luận : "Nếu chiến dịch vận động tranh cử của Joe Biden diễn ra tồi tệ, điều đó có nguy cơ tạo ra một phong trào chung ủng hộ Donald Trump". Vào lúc đảng Cộng hòa hiện chỉ chiếm đa số mong manh tại Hạ Viện (218 so với 212), cũng như đảng Dân chủ chiếm đa số mong manh tại Thượng Viện (51 so với 49), một thất bại rõ rệt của Biden sẽ giúp cho phe ủng hộ Trump có được đa số tuyệt đối ở cả hai viện. Đó sẽ là một thảm họa, theo chuyên gia Lacorne, khi ông cho rằng "Donald Trump lúc đó sẽ có toàn quyền lãnh đạo đất nước".
Số phận của NATO trong trường hợp Donald Trump trở lại Nhà Trắng
Nhật báo kinh tế Les Echos thì đặt câu hỏi liệu Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) có "sống sót" qua nhiệm kỳ mới của Donald Trump tại Nhà Trắng hay không ? Cựu tổng thống Mỹ đã khiến mọi người hoang mang vào mùa đông vừa qua khi khẳng định nếu ông trở lại làm tổng thống, Washington sẽ không hỗ trợ những quốc gia không đầu tư đủ cho quốc phòng theo cam kết, và sẽ kêu gọi Nga "làm những gì họ muốn".
Với việc Donald Trump đang bỏ xa Joe Biden trong các cuộc thăm dò đi kèm với tình trạng sức khỏe của đương kim tổng thống đang ngày càng tệ đi, các quốc gia thành viên NATO họp trong tuần này tại Washington đã thảo luận về viễn cảnh ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 01/2025 cũng với những hệ lụy đi kèm.
Mặc dù vậy, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, hôm 10/07 đã khẳng định "cho dù kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ ra sao đi chăng nữa, Hoa Kỳ vẫn sẽ là một đồng minh mạnh mẽ và trung thành của NATO".
Gaza : Xung đột sẽ đi về đâu ?
Nhìn sang Trung Đông, trang nhất và bài xã luận của tờ Libération tiếp tục quan tâm đến cuộc chiến ở dải Gaza. Trong khi Hoa Kỳ và Châu Âu vẫn đang bận tâm vào các cuộc bầu cử, thì xung đột vẫn diễn ra quyết liệt ở Gaza, nơi mà chẳng bao lâu nữa sẽ không còn một tòa nhà nào đứng vững. Từ phía bắc cho đến phía nam dải đất, người dân thiếu thốn mọi thứ và tìm cách sống sót trong cái nắng nóng và hầu như không có nước uống. Các vụ oanh kích dữ dội của quân đội Israel, khiến hàng chục dân thường thiệt mạng trong tuần này (đặc biệt ở các trường học), đan xen với các cuộc giao tranh trên bộ, trong bối cảnh binh sĩ Nhà nước Do Thái cố gắng tiêu diệt những thành phần nòng cốt của Hamas, ẩn náu giữa dân thường.
Nhật báo thiên tả nhận định phong trào Hồi giáo dường như đã chuẩn bị rất tốt cho cuộc chiến du kích này nhờ những hiểu biết sâu sắc về địa hình. Thời gian trôi qua cho thấy sự bất lực rõ rệt của thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong việc hoàn thành mục tiêu đề ra cách đây 9 tháng là "tiêu diệt Hamas", phong trào không gặp khó khăn trong việc chiêu mộ những thanh niên Palestine quyết tâm trả thù cho đồng bào đã bỏ mạng. Vậy cuộc chiến ở Gaza sẽ kéo dài bao lâu ? Theo chuyên gia Michel Goya, nó sẽ còn kéo dài nhiều tháng, thậm chí một năm nữa. Ông Goya nhận định cuộc chiến cũng sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Trong bối cảnh vẫn còn 116 con tin Israel đang bị Hamas giam cầm, các cuộc biểu tình mỗi tuần chống lại sự mù quáng của Benjamin Netanyahu tại Israel đang trở nên quyết liệt hơn. Nhà nước Do Thái cũng lợi dụng sự chú ý quốc tế đang đổ dồn về Gaza để chiếm nhiều vùng lãnh thổ ở Cisjordanie. Niềm hy vọng chứng kiến mọi người toàn vẹn trở về nhà chưa bao giờ mong manh đến thế. Tuy nhiên, Libération vẫn tin tưởng vào điều đó. Nhật báo thiên tả đã trò chuyện với dân biểu Ayman Odeh tại Knesset, một người Israel gốc Palestine đang tìm mọi cách, trong và ngoài Israel, để thuyết phục các bên chấm dứt những cuộc tắm máu. Nhiều người đã và đang cố gắng, và một ngày nào đó, sẽ có người thành công.
Quá trình gia nhập Liên Âu của Georgia bị gián đoạn
Quay trở lại Châu Âu, nhật báo Le Monde có bài viết nói về tiến trình gia nhập Liên Âu của Georgia (Gruzia) bị gián đoạn. Liên Âu và Mỹ đang đánh giá lại mối quan hệ với quốc gia vùng Kavkaz này sau khi Tbilisi thông qua luật gây tranh cãi về "ảnh hưởng của nước ngoài". Bruxelles đã đóng băng khoản viện trợ 30 triệu euro cho Georgia còn Washington hủy bỏ các cuộc tập trận.
Tháng 12/2023, sau nhiều năm hy vọng và chờ đợi, người dân Georgia đã rất vui mừng sau khi đất nước họ cuối cùng được cấp tư cách ứng viên gia nhập Liên Âu. 7 tháng sau, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn. Đại sư Liên Âu tại Georgia Pawel Herczynski hôm 09/07 thông báo "quá trình gia nhập EU của Georgia đang bị gián đoạn".
Quyết định này được đưa ra tại cuộc họp của Hội Đồng Châu Âu diễn ra ngày 27-28/06. Việc luật "ảnh hưởng của nước ngoài", được ban hành vào tháng 6, nhằm mục đích bịt miệng giới truyền thông độc lập và xã hội dân sự là lý do chính khiến Liên Âu đưa ra quyết định trên. Đó cũng đánh dấu một sự thay đổi địa chính trị chưa từng có kể từ khi nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ giành được độc lập, cho thấy Georgia đang quay lưng lại với Châu Âu và rõ ràng đang tiến lại gần với Nga. Hàng chục nghìn người đã biểu tình trong nhiều tuần để ngăn chặn chính quyền thông qua đạo luật, nhưng không thành công. Tbilisi cũng đã phớt lờ những cảnh báo từ Bruxelles và Washington, khiến khối 27 tố cáo một "bước thụt lùi" và đình chỉ quá trình gia nhập Liên Âu của Georgia.
Phan Minh
Pháp : Chọn thủ tướng 34 tuổi, Macron muốn tìm lại luồng sinh khí 2017
Ngày hôm qua, 09/01/2024, nước Pháp có thủ tướng mới, trẻ nhất trong lịch sử nền Đệ ngũ Cộng hòa. Đây là chủ đề chính trang nhất của tất cả các báo hôm nay. Phản ứng là hết sức trái ngược : trong lúc Le Figaro nói đến "Gabriel Attal, cú đặt cược táo bạo của (tổng thống) Macron", Libération chạy hàng tựa trang nhất đầy nhạo báng : "Thủ tướng Macron" trên nền hình ảnh tân thủ tướng Attal, hay nói cách khác tân thủ tướng chỉ là một "bản sao" của tổng thống.
Tân thủ tướng Gabriel Attal. Ảnh chụp tháng 7/2023. AFP – Bertrand Guay
Về quyết định bổ nhiệm tân thủ tướng, Le Figaro thiên hữu cho biết hơn một nửa dân Pháp "hài lòng", với tỉ lệ 53% theo thăm dò của Odoxa-Backbone Consulting. Cũng theo thăm dò này, 47% dân Pháp cho rằng tân thủ tướng Gabriel Attal xứng đáng trở thành ứng viên tổng thống của liên minh cầm quyền trong cuộc tranh cử 2027, tăng 14%, đứng thứ hai sau cựu thủ tướng Edouard Philippe.
Ngày 09/01/2024, ngày mở đầu thời kỳ "hậu Macron"
Xã luận của Le Figaro, nhan đề "Tái trang bị về chính trị", thừa nhận đây là một "lựa chọn táo bạo nhất" của ông Macron. Nhân vật được lựa chọn làm thủ tướng chỉ 34 tuổi, thời gian đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng Giáo dục chỉ mới chưa đầy sáu tháng, và chính trị gia trẻ tuổi này đã gần như được coi là "người kế nhiệm tự nhiên" của tổng thống. Hiểu theo nghĩa này ngày 09/01/2024 không chỉ là ngày thay thế thủ tướng, mà còn là "ngày chính thức khởi động cuộc tranh cử 2027, ngày đầu tiên của thời kỳ hậu Macron".
Le Figaro nhấn mạnh thay đổi nhân sự này là "sự điều chỉnh quyền lực thể theo nguyện vọng của dư luận". Theo Le Figaro, với tư cách bộ trưởng Giáo dục, chính trị gia Gabriel Attal trở thành một "hiện tượng" với xã hội Pháp bởi chính sách rõ ràng như "cấm trang phục abaya" (Hồi giáo) trong trường học, trở lại với các sứ mạng nền tảng của giáo dục, như dạy đọc, dạy viết, dạy làm tính. Hiện tại còn quá sớm để đưa ra các đánh giá về kết quả của 5 tháng làm việc, nhưng sự hưởng ứng tăng vọt trong dư luận cho thấy vị bộ trưởng trẻ tuổi này đã mang lại "một luồng sinh khí mạnh mẽ".
Dù sao, Le Figaro cũng cảnh báo là tân thủ tướng trẻ tuổi - "xuất thân từ đảng Xã hội cánh tả, hiện đang được lòng cử tri cánh hữu hơn cả các bộ trưởng xuất thân cánh hữu" – đang đối mặt với hiểm họa lớn, đe dọa uy tín sụp đổ, nếu bị sa lầy trong chính sách bị đánh giá là nửa vời của tổng thống Macron. Le Figaro đặt hy vọng là tân thủ tướng Gabriel Attal nhanh chóng triển khai các chính sách "ưu tiên an ninh của người Pháp trong đời sống hàng ngày, siết chặt kiểm soát biên giới cũng như kiểm soát ngân sách". Một khối lượng công việc khổng lồ đang chờ đợi tân thủ tướng.
Macro muốn "thay máu" đảng cầm quyền
Tương tự như Le Figaro, nhật báo kinh tế Les Echos coi quyết định hôm qua của tổng thống là táo bạo. "Cú đánh cược Attal" là tựa lớn trang nhất Les Echos. Nhật báo kinh tế chú ý đến các tuyên bố "chống suy thoái", kêu gọi "các lực lượng tích cực của đất nước" đoàn kết lại "ngay từ tuần này". Điều mà Les Echos đặc biệt nhấn mạnh là với việc thay thế nữ thủ tướng Elisabeth Borne 62 tuổi bằng một viên bộ trưởng trẻ tuổi, được lòng dân, tổng thống Macron muốn tìm lại "luồng sinh khí cách tân" và "sự năng động" của giai đoạn đầu nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.
Bài "Chiến dịch thay máu mới" của Les Echos, trong mục "Mỗi ngày một sự kiện chính trị", khẳng định ông Macron hy vọng, với tân thủ tướng trẻ tuổi nhất trong số các thủ tướng của nền Đệ ngũ Cộng hòa, có thể tạo nên một cuộc đảo lộn mới đối với toàn hệ thống chính trị, điều mà ông đã làm được cách nay 7 năm, "kể cả đối với hệ thống của đảng cầm quyền ("le macronisme"), đang trở thành một hệ thống già nua", như bình luận của một người thân cận với tổng thống.
"Châm ngòi sớm" cho cuộc đấu giữa các thế hệ
Theo Les Echos, với một cộng sự trung thành trẻ tuổi hơn được bổ nhiệm vào cương vị thủ tướng, tổng thống Macron "đã châm ngòi sớm" cho "một cuộc chiến thế hệ", giữa thế hệ trẻ với các chính trị gia lão thành của phe cầm quyền đang có tham vọng ra tranh cử tổng thống năm 2027, trong số đó có cựu thủ tướng Edouard Philippe, hay bộ trưởng Nội vụ Darmanin, bộ trưởng Kinh tế Le Maire.
Mục tiêu trước mặt của chủ trương "thay máu mới" trong liên minh cầm quyền của tổng thống Macron là cuộc đấu với đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) trong cuộc tranh cử Nghị Viện Châu Âu mùa hè năm nay, sẽ diễn ra chỉ trong 5 tháng nữa. Tranh cử Nghị Viện Châu Âu không phải là điều chính thức được nêu ra trong bài diễn văn nhậm chức của thủ tướng Attal, nhưng đây là một nhiệm vụ chính của tân thủ tướng, theo dân biểu đảng cầm quyền Phục Hưng, ông Pierre Cazeneuve. Việc bổ nhiệm này là "một tin rất vui với phe cầm quyền, mang lại hy vọng đảo ngược lại xu thế (xấu) theo các thăm dò dư luận".
Tranh cử Nghị Viện Châu Âu chống phe cực hữu
Đảng cầm quyền của tổng thống Macron cần đến một thủ tướng trẻ tuổi, năng động để đối đầu với chính trị gia trẻ tuổi Jordan Bardella của đảng cực hữu (RN), trạc 30 tuổi, đang thu hút ủng hộ của cử tri. Hiện tại theo thăm dò dư luận của Eurotrack OpinionWay-Vae Solis, 27% cử tri có ý định bầu cho đảng RN, vượt hơn gần 10 điểm so với phe cầm quyền (19%). Cả hai phe, phe cầm quyền và đảng cực hữu, đều coi cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu mùa hè tới là bước đệm quan trọng trước cuộc bầu cử 2027. Một dân biểu đảng cực hữu cho rằng việc tổng thống Macron lựa chọn chính trị gia Attal làm thủ tướng "sẽ giúp cho phe cầm quyền giảm bớt được khoảng cách trong cuộc bầu cử Châu Âu tới, nhưng hoàn hoàn không đủ".
Một "trò hề" của phe cầm quyền và xu thế tiếp tục ngả sang hữu
Ngược lại với Le Figaro, nhật báo thiên tả Libération hoàn toàn không đặt niềm tin vào tân thủ tướng. Bài xã luận "Trò hề" của Libération ngay trong phần mở đầu trở lại với phát biểu của ông Attal hồi 2019, khi còn là một thứ trưởng bộ Giáo dục. Vào thời điểm đó, chính trị gia này tuyên bố sẽ "làm việc khác" sau 2022 và 2027, ngụ ý không muốn tiếp tục nghề chính trị. Lúc đó, chính ông Attal đã từng tuyên bố: "các vị không bắt buộc phải tin tôi". Câu nói năm xưa đã trở thành hiện thực, Libération châm biếm : phải chăng đây chính là "thói quen nói dối ỡm ờ của giới chính trị gia chuyên nghiệp".
Về tuổi trẻ của tân thủ tướng, được coi là mang lại một thay đổi lớn, Libération cho rằng không nên đặt hy vọng, bởi trên thực tế một mặt, nước Pháp đã "dần dần từ bỏ truyền thống kỳ quặc, đòi hỏi những người đảm nhiệm cương vị cao trong hệ thống chính trị phải có mái đầu muối tiêu và gương mặt dạn dày nhờ tôi luyện trong lò đấu chính trị", mặt khác, cựu bộ trưởng Giáo dục cho dù thể hiện có phong cách truyền thông hiện đại, lại là con người bảo thủ về nhiều giá trị (ví dụ chính sách yêu cầu học sinh trở lại với đồng phục). Điều này cho thấy, việc bổ nhiệm thủ tướng trẻ tuổi chỉ khẳng định chính quyền Macron không hề thay đổi. Với Attal ở điện Matignon, xu hướng tiếp tục ngả sang hữu của liên minh cầm quyền Macron một lần nữa lại được khẳng định.
Tân thủ tướng chưa hiểu rõ sự vận hành của bộ máy nhà nước
Tuổi trẻ là một thế mạnh của tân thủ tướng Pháp, nhưng cũng có thể chính là điều bất lợi. Nhật báo công giáo La Croix có bài xã luận "Tuổi trẻ, một món mồi nhử". Theo La Croix, việc bổ nhiệm ông Attal làm thủ tướng là "một sự lựa chọn mạo hiểm mới" của tổng thống. Tuổi trẻ và mức độ được lòng dân cao của tân thủ tướng mang lại lợi thế, nhưng sự nghiệp thăng tiến với tốc độ tên lửa của tân thủ tướng trạc ba mươi có nhược điểm lớn. Đó là việc "vốn liếng chính trị của Attal còn rất ít, và tân thủ tướng cũng không thực sự hiểu rõ toàn bộ sự vận hành rất phức tạp của bộ máy nhà nước". Để khắc phục được điều này, tân thủ tướng cần được sự hỗ trợ đủ mức. Thách thức hiện nay với tân thủ tướng là tạo lập được một "đa số ổn định" trong bối cảnh phe cầm quyền không có được đa số quá bán tại Hạ Viện sau cuộc bầu cử 2021.
Báo Le Monde ra chiều hôm qua, trước khi có thông tin về danh tính tân thủ tướng, dành hồ sơ chính trang nhất cho chủ đề "ông Macron loại bỏ thủ tướng Borne để khởi động lại nhiệm kỳ tổng thống".
Hỗ trợ Ukraine, tâm điểm nhiệm kỳ chủ tịch Liên Âu của Bỉ
Về Ukraine, Les Echos có bài "Ukraine sẽ là tâm điểm của nhiệm kỳ chủ tịch Liên Âu của nước Bỉ". Nước Bỉ bắt đầu đảm nhiệm chủ tịch luân phiên Liên Âu kể từ ngày 01/01/2024. Chính quyền của thủ tướng Alexander De Croo vừa phải dồn sức cho cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6 tới, vừa phải tập trung điều phối hoạt động của Liên Âu trước thềm bầu cử Nghị Viện của khối cũng vào tháng 6. Thách thức là chồng chất.
Theo Les Echos, ba hồ sơ chính của nhiệm kỳ chủ tịch Bỉ lần này là việc mở rộng Liên Âu, ngân sách Liên Âu và nâng cao năng lực cạnh tranh của khối. Chủ tịch Bỉ sẽ phải thúc đẩy các đàm phán để đạt được khoản hỗ trợ tài chính 50 tỉ euro cho Ukraine, ứng cử viên gia nhập Liên Âu, ngay trong quý một năm nay, để giúp Kiev kháng cự cuộc xâm lược Nga. Khoản viện trợ đang bị Hungary ngăn chặn.
Vòng công du Cận Đông của Blinken và nguy cơ Mỹ bất lực
Vòng công du Trung Cận Đông thứ tư của ngoại trưởng Mỹ nhằm tìm lối thoát cho chiến tranh tại Gaza là chủ đề bài xã luận Le Monde. Theo Le Monde, vòng công du thứ tư chỉ trong vòng ba tháng của ngoại trưởng Antony Blinken có nguy cơ chứng tỏ sự bất lực của nước Mỹ trong việc mang lại sự bình ổn cho khu vực, trong bối cảnh cuộc chiến Israel chống Hamas chưa nhìn thấy lối ra. Viễn cảnh một cuộc chiến chớp nhoáng của Israel chống Hamas tại Gaza, như hy vọng của tổng thống Joe Biden đang ngày càng lùi xa. Cho đến nay, các chính sách của Israel còn rất xa mới cho phép Gaza quay trở lại với cuộc sống "bình thường".
Trung Quốc đứng đầu cuộc đua tự động hóa
Trung Quốc đứng đầu cuộc chạy đua toàn cầu về tự động hóa là một hồ sơ trang nhất của Les Echos. Hồi năm ngoái, các doanh nghiệp Trung Quốc lắp đặt hơn một nửa số robot công nghiệp mới so với toàn cầu. Một trong các mục tiêu chính trong kế hoạch năm năm của Đảng cộng sản Trung Quốc là tăng gấp đối số lượng robot trên toàn quốc. Mục tiêu là để bù lại tình trạng công nhân đang ngày càng cao tuổi hơn. Bắc Kinh dự kiến có 500 robot trên 10.000 nhân viên, tức cao cấp hai lần so với 2020.
Khí hậu nóng kỷ lục… nhưng việc giã từ năng lượng hóa thạch đã bắt đầu
Các nhật báo Pháp hôm nay dành nhiều hồ sơ chính cho chủ đề khí hậu. Theo Les Echos, nước Bỉ - chủ tịch luân phiên Liên Âu sáu tháng đầu năm nay – có trách nhiệm nặng nề trong việc thúc đẩy thông qua nhiều văn bản luật trong Thỏa ước chuyển sang kinh tế Xanh trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu.
La Croix giới thiệu báo của Copernic, cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Châu Âu, về các xu thế khí hậu năm 2023 với nhiệt độ cao nhất chưa từng được ghi nhận, các hiện tượng thời tiết cực đoan đạt mức kỷ lục, khí thải cũng đạt mức kỷ lục, tốc độ băng hà tan chảy gia tăng. Hàng loạt thông tin đáng sợ.
Tuy nhiên, theo La Croix, trong năm vừa qua đã xuất hiện một số xu thế mang lại lạc quan : cộng đồng quốc tế bước đầu đạt thỏa hiệp từ bỏ năng lượng hóa thạch, cuộc chiến chống khí thải mê-tan tăng tốc. Năng lượng tái tạo tăng tốc hơn dự kiến, với tổng công suất lắp đặt là 440 GW, tăng 30% so với năm trước. Lần đầu tiên đầu tư cho năng lượng mặt trời vượt quá cho dầu mỏ.
Trọng Thành
Macron hồi 2 : tân thủ tướng Pháp với "sứ mạng hòa giải"
Thứ Sáu, 03/07/2020, Pháp thay thủ tướng vào lúc đất nước trải qua đại dịch toàn cầu, triển vọng phục hồi kinh tế gian nan. Trang nhất các báo hôm nay, 06/07, hầu hết dành tựa lớn trang nhất cho hồ sơ này. Với Luật an ninh quốc gia Hồng Kông, Bắc Kinh vươn bàn tay đàn áp ra ngoài lãnh thổ ; kế hoạch phòng ngự chống tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi tại Pháp ; dấu hiệu đại dịch Covid-19 bùng trở lại trên thế giới là một số chủ đề lớn khác.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp trong một lần gặp ông Jean Castex, thủ tướng tương lai. Ảnh chụp ngày 09/01/2019 Reuters - POOL New
Thay đổi lớn trên thượng tầng quyền lực là một thời điểm quan trọng và nhạy cảm của đời sống chính trị của một xứ sở dân chủ. Vào lúc chính quyền của tổng thống Macron thay thủ tướng, lập chính phủ mới, báo chí Pháp đăng tải rộng rãi thông tin về tân thủ tướng, về tiến trình lập chính phủ mới, các đánh giá khác nhau từ nhiều phía về mối quan hệ giữa tổng thống và người đứng đầu chính phủ, cũng như các thách thức với tân chính phủ.
Tờ Le Monde số ra kép, Chủ Nhật và thứ Hai, chạy tựa trang nhất "Tân thủ tướng Jean Castex dưới cái bóng của tổng thống Macron". Le Figaro bàn đến việc "Macron và Castex tìm kiếm nhóm cộng sự để tiếp tục cuộc chiến". Trang nhất của Les Echos có tựa "Việc làm, sinh thái, chấn hưng : những thách thức của chính phủ".
"Đối thoại" và "hòa giải"
Nếu như Le Monde và một số báo khác nhấn mạnh đến khía cạnh tổng thống tập trung quyền lực với việc bổ nhiệm một chính trị gia, được coi là gần như "không có tên tuổi" trong chính trường Pháp, thì nhật báo Công giáo La Croix đưa ra một cách nhìn khác. Trang nhất La Croix nhấn mạnh đến phẩm chất của chính trị gia Castex, với hàng tựa : "Một con người, một phương pháp". La Croix lưu ý là tân thủ tướng sẽ phải là người tiếp tục các dự án cải cách của tổng thống, với điểm nhấn là "đối thoại". Tại sao lại là đối thoại ?
Xã luận La Croix mang tiêu đề "Sứ mạng hòa giải" tìm cách giải mã định hướng hành động chính của tân thủ tướng. La Croix ghi nhận trước hết lợi thế bất ngờ của tân thủ tướng : là một người "vô danh" đối với đông đảo dân Pháp, tân thủ tướng có thể khá thoải mái chọn những cách ứng xử khác nhau, mà không bị câu thúc bởi những gì được coi là khuôn mẫu.
Những phẩm chất hiếm có và "phương pháp" của tân thủ tướng
La Croix điểm ra một số phẩm chất hiếm có ở tân thủ tướng. Thứ nhất, tuy là một quan chức cao cấp, nhưng ông không phải là một lãnh đạo kỹ trị, điều hành từ trên, mà là một con người của thực địa. Tân thủ tướng là một chính trị gia cánh hữu, nhưng thuộc nhóm cánh hữu hiếm hoi mà theo La Croix "đang trên đà biến mất" : người theo phe tả trong truyền thống tư tưởng của de Gaulle. Tân thủ tướng cũng thẳng thắn tuyên bố ông không chỉ là "một người cộng sự đơn thuần", "một cái bóng mờ nhạt" bên cạnh tổng thống như nhiều người phỏng đoán. Vậy dấu ấn của tân thủ tướng sẽ là gì ?
Thông qua ba phát biểu đầu tiên trong ngày đầu tiên nhậm chức thủ tướng, La Croix khẳng định dấu ấn đặc biệt hàng đầu của tân thủ tướng sẽ là vấn đề "phương pháp". Thủ tướng chắc chắn sẽ phải là người tổ chức "tiếp tục" thực hiện hàng loạt cải cách đã được tổng thống xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ, về hưu trí, y tế, về giới trẻ. Nhưng đóng góp riêng của tân thủ tướng có thể được tóm gọn trong ba từ "đối thoại", "tôn trọng" và "khiêm nhường". Đây là các phẩm chất, mà theo La Croix, tương phản với phong cách của một vị tổng thống, mà nhiều người chỉ trích là mang tính cách của một "nhà quản trị doanh nghiệp" (style managérial).
La Croix nhấn mạnh : "tái hòa giải dân Pháp với nhau" cũng chính là một hứa hẹn quan trọng khác của tổng thống Macron, nhưng đã gần như bị quên lãng trong suốt nửa nhiệm kỳ đầu, trong lúc hố ngăn cách xã hội đang rộng thêm. Theo La Croix, nếu tân thủ tướng trung thành với các phẩm chất nói trên, ông sẽ có thể thực thi được cam kết nói trên của tổng thống.
Macron tập trung quyền lực
Trở lại với hồ sơ về tân thủ tướng trên Le Monde, nhật báo có bài viết khẳng định "Với Jean Castex làm thủ tướng, Emmanuel Macron cho thấy muốn một mình điều hành chính quyền". Một người có vị trí trong phe đa số cầm quyền cho Le Monde biết, với việc bổ nhiệm chính trị gia 55 tuổi, một lãnh đạo dân cử địa phương, nguyên thủ Pháp coi như muốn nắm trọn cả hai chức vụ tổng thống và thủ tướng trong phần còn lại gần hai năm của nhiệm kỳ, và cũng để rảnh tay cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống 2022.
Tân thủ tướng Jean Castex chỉ là thị trưởng Prades, thị trấn nhỏ với 6.000 dân, thuộc tỉnh miền núi Đông Pyrénées, phía nam nước Pháp. Ông Castex, vốn là phó tổng thư ký Điện Elysée, dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy, mới gần đây được biết đến trong vai trò người điều phối chiến lược ra khỏi phỏng tỏa đại dịch Covid-19. Trong thời gian làm việc này, nguyên thủ Pháp đã đặc biệt chú ý đến "tinh thần đối thoại và trách nhiệm" của ông.
Với cố gắng cân bằng tả - hữu, địa phương - trung ương, theo Le Monde, những sắp xếp của tổng thống Pháp trong việc bổ nhiệm thủ tướng mới thể hiện rõ chủ trương nổi tiếng "en même temps" của ông, tạm dịch là "đồng thời, cùng lúc", phản ánh tư tưởng tập hợp và tránh đưa ra quyết định về những yếu tố trái ngược nhau về mặt lô gích.
Thách thức của tân chính phủ : "Việc làm, chấn hưng, sinh thái"
Về phần mình, nhật báo thiên hữu Le Figaro với hồ sơ trang nhất "Macron và Castex tìm kiếm nhóm cộng sự để tiếp tục cuộc chiến", thì lưu ý đến mệnh lệnh phải hành động khẩn trương của tổng thống và tân thủ tướng, phải thống nhất được thành phần chính phủ mới, trong kỳ nghỉ cuối tuần, để kịp công bố với người dân Pháp, tối nay, thứ Hai 06/07. Mệnh lệnh hành động khẩn trương bởi công cuộc phục hồi kinh tế hậu Covid-19 là không thể chậm trễ. Le Figaro cũng có bài xã luận "Thời khắc của sự thật", đặt nhiều niềm tin vào năng lực của tân thủ tướng Castex, mà theo tờ báo không phải là một con người dễ dàng "gọi dạ, bảo vâng". Theo Le Figaro, thách thức hàng đầu với chính phủ mới sẽ là "thiết lập lại trật tự". Thúc đẩy tạo việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và sử dụng hiệu quả ngân sách công là những mặt trận chính, mà theo Le Figaro, chính phủ đã làm khá tốt trong ba năm vừa qua, nhưng chưa đủ. Tình hình đặc biệt khó khăn, sau đại dịch, chẳng khác nào "trận cầu bị bỏ dở, và phải đấu lại từ đầu".
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng dành tựa trang nhất để nói về "Việc làm, sinh thái, chấn hưng : Những thách thức với chính phủ". Mục "Mỗi ngày một sự kiện" của Les Echos thì tỏ ra dè dặt với bài phân tích "Thay đổi lớn mà chính phủ hứa hẹn sẽ diễn ra ở đâu ?". Theo nhật báo kinh tế, thì chấn hưng kinh tế và việc làm sẽ chiếm phần chủ yếu trong hành động của chính phủ. Trong lúc các vấn đề khác như cải cách hưu trí, sinh thái, phi tập trung hóa, khả năng hành động của chính quyền sẽ khó khăn hơn.
Sinh thái : Hội nghị Công dân Pháp cho phép đúc kết các đề xuất nghiêm túc
Ngược lại với tiếp cận của Les Echos, Le Monde có bài phân tích đáng chú ý của nhà báo Stéphane Foucart, mang tựa đề "Xã hội Pháp đạt được một đồng thuận về chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh", đánh giá rất cao sáng kiến của tổng thống Pháp, về việc tổ chức Hội nghị Công dân về Khí hậu (hồi đầu năm ngoái), vừa đệ nạp gần 150 kiến nghị đến tổng thống hồi cuối tháng trước, để chuyển qua chính phủ, hay Quốc Hội, hoặc đưa ra trưng cầu dân ý.
Theo nhà báo Stéphane Foucart, nếu không có Hội nghị Công dân đặc biệt này, thì có rất nhiều khả năng là đa số đề xuất cho cuộc chuyển đổi sang xã hội tôn trọng môi trường, sinh thái (vừa được tổng thống tiếp nhận), nếu được đưa tranh luận rộng rãi trong xã hội, sẽ bị một bộ phận đông đảo dân chúng bác bỏ, đả kích với thái độ về cơ bản là miệt thị với các bình luận kiểu như "quay về thời hang động", "những kẻ chủ trương chống tăng trưởng", "đồ thân cộng sản", "những kẻ reo rắc nỗi sợ"… Các đề xuất nghiêm túc và quan trọng như vậy sẽ không thể có cơ hội được bàn thảo kỹ lưỡng, đúc kết, rồi chuyển giao cho các định chế quyền lực nhất, để chuẩn bị xem xét và tìm cách thực hiện.
Luật an ninh Hồng Kông : Bắc Kinh thò bàn tay đàn áp ra ngoài lãnh thổ
Quan hệ phương Tây và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng, đặc biệt sau khi Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh quốc gia với Hồng Kông. "Trung Quốc thiết lập không khí sợ hãi tại Hồng Kông" là bài phân tích đáng chú ý của phóng viên Frédéric Lemaître trên báo Le Monde. Bất chấp các phản ứng quốc tế, Bắc Kinh ban bố luật với Hồng Kông và Luật an ninh quốc gia Hồng Kông chứa nhiều điều khoản buộc tội hết sức mơ hồ, tạo điều kiện dễ dàng cho việc Bắc Kinh thẳng tay đàn áp người dân Hồng Kông tại lãnh thổ này. Đó là các ghi nhận của hầu hết giới quan sát.
Tuy nhiên, có một điều ít được chú ý hơn, nhưng đã được phóng viên báo Le Monde nêu bật. Đó là với bộ luật này, Trung Quốc đang "xuất khẩu nỗi sợ" ra bên ngoài biên giới Hoa lục. Luật an ninh quốc gia mới liên quan trực tiếp đến " cả người nước ngoài" , bị coi là xâm phạm an ninh quốc gia, và chính quyền Hồng Kông có đủ thẩm quyền " yêu cầu dẫn độ nghi phạm".
Le Monde so sánh luật này với Luật chống khủng bố (Patriot Act) mà chính quyền Mỹ ban hành sau vụ khủng bố 11/09/2001, dẫn nhận định của chuyên gia François Godement, theo đó, Luật của Trung Quốc rộng hơn rất nhiều, và đặc biệt là rất mơ hồ, như các bộ luật khác của Trung Quốc, cho phép chính quyền mở rộng và hành xử theo các hiểu riêng của họ.
Giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Báp-tít Hồng Kông, nhận xét : "Bắc Kinh muốn reo rắc nỗi sợ và kiểm soát các diễn ngôn về Trung Quốc cả ở nước ngoài. Chính quyền Trung Quốc không còn dựa vào quyền lực mềm nữa, mà giờ đây đang nghiêng về (khẳng định sức mạnh) dựa trên nỗi sợ. Bắc Kinh hiểu rằng sẽ có các phản ứng chống lại chế độ cộng sản Trung Quốc với việc này, thế nhưng chính quyền Trung Quốc cũng cảm thấy đủ mạnh, và đặt cược vào thái độ im lặng của giới làm ăn, sẽ nhắm mắt làm ngơ để bảo vệ việc kinh doanh của họ".
Pháp : Kế hoạch phòng ngự trước Hoa Vi
Về quan hệ Pháp - Trung, báo Les Echos trên trang nhất có hồ sơ : kế hoạch phòng ngự chống tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi tại Pháp. Mặc dù không cấm Hoa Vi tham gia mạng 5G như một số nước phương Tây khác, nhưng chính quyền Paris tỏ ra hết sức dè dặt, đặc biệt không khuyến khích các công ty nào chưa có hợp đồng với Hoa Vi, thiết lập quan hệ thương mại với tập đoàn Trung Quốc trong lĩnh vực 5G. Vẫn Les Echos có bài xã luận "Cuộc chiến tranh lạnh 2.0 trong ngành viễn thông" phân tích các nguồn cội của thế đối đầu Pháp - Trung trong lĩnh vực này.
Xử hai nhân viên an ninh Pháp, bị cáo buộc làm gián điệp cho Bắc Kinh
Báo Le Figaro cũng có bài giới thiệu về vụ án xét xử hai cựu sĩ quan an ninh Pháp, bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc. Đây là một vụ án được đánh giá là hiếm có. Ngay trong thời kỳ chiến tranh Lạnh trước đây, cũng ít có vụ xử gián điệp cho Trung Quốc nào tại Pháp. Phiên tòa được xử kín, đến ngày 10/07. Hai bị cáo, khoảng tuổi 70, đối mặt với án tù từ 15 năm đến chung thân.
Về đại dịch Covid-19, hầu hết các nhật báo Pháp đều có bài. Le Monde ghi nhận. "Covid : Dấu hiệu cho thấy dịch bệnh tăng vọt trở lại", " Dịch bệnh tăng tốc", theo Libération. Les Echos đúc kết "Các bài học của làn sóng Covid-19". Le Figaro nói về "Đợt dịch đầu tiên không hồi kết tại Mỹ".
Pháp : Phim về người da đen khai mạc mùa phim hậu Covid
Báo Libération hôm nay dành tựa lớn trang nhất cho chủ đề văn hoá, giới thiệu bộ phim "Tout simplement noir" (tạm dịch là : "Đơn giản chỉ là người da đen"). Bộ phim hài của đạo diễn Jean-Pascal Zadi dự kiến sẽ ra mắt ngày thứ Tư tới. Theo Libération, phim trào phúng với nhiều sắc thái bạo lực, của đạo diễn Jean-Pascal Zadi, dựng lên một thực tại sống động của bản sắc da đen đa dạng, với rất nhiều tương phản. Phim ra mắt đúng vào lúc khắp nơi trên thế giới dấy lên phong trào chống kỳ thị chủng tộc, được coi là sự kiện mở màn cho mùa phim hậu - Covid tại Pháp.
Trọng Thành