Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/01/2024

Điểm báo Pháp - Macron chọn thủ tướng 34 tuổi

RFI tiếng Việt

Pháp : Chọn thủ tướng 34 tuổi, Macron muốn tìm lại luồng sinh khí 2017

Ngày hôm qua, 09/01/2024, nước Pháp có thủ tướng mới, trẻ nhất trong lịch sử nền Đệ ngũ Cộng hòa. Đây là chủ đề chính trang nhất của tất cả các báo hôm nay. Phản ứng là hết sức trái ngược : trong lúc Le Figaro nói đến "Gabriel Attal, cú đặt cược táo bạo của (tổng thống) Macron", Libération chạy hàng tựa trang nhất đầy nhạo báng :  "Thủ tướng Macron" trên nền hình ảnh tân thủ tướng Attal, hay nói cách khác tân thủ tướng chỉ là một "bản sao" của tổng thống.

thutuong1

Tân thủ tướng Gabriel Attal. Ảnh chụp tháng 7/2023. AFP – Bertrand Guay

Về quyết định bổ nhiệm tân thủ tướng, Le Figaro thiên hữu cho biết hơn một nửa dân Pháp "hài lòng", với tỉ lệ 53% theo thăm dò của Odoxa-Backbone Consulting. Cũng theo thăm dò này, 47% dân Pháp cho rằng tân thủ tướng Gabriel Attal xứng đáng trở thành ứng viên tổng thống của liên minh cầm quyền trong cuộc tranh cử 2027, tăng 14%, đứng thứ hai sau cựu thủ tướng Edouard Philippe.

Ngày 09/01/2024, ngày mở đầu thời kỳ "hậu Macron"

Xã luận của Le Figaro, nhan đề "Tái trang bị về chính trị", thừa nhận đây là một "lựa chọn táo bạo nhất" của ông Macron. Nhân vật được lựa chọn làm thủ tướng chỉ 34 tuổi, thời gian đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng Giáo dục chỉ mới chưa đầy sáu tháng, và chính trị gia trẻ tuổi này đã gần như được coi là "người kế nhiệm tự nhiên" của tổng thống. Hiểu theo nghĩa này ngày 09/01/2024 không chỉ là ngày thay thế thủ tướng, mà còn là "ngày chính thức khởi động cuộc tranh cử 2027, ngày đầu tiên của thời kỳ hậu Macron".

Le Figaro nhấn mạnh thay đổi nhân sự này là "sự điều chỉnh quyền lực thể theo nguyện vọng của dư luận". Theo Le Figaro, với tư cách bộ trưởng Giáo dục, chính trị gia Gabriel Attal trở thành một "hiện tượng" với xã hội Pháp bởi chính sách rõ ràng như "cấm trang phục abaya" (Hồi giáo) trong trường học, trở lại với các sứ mạng nền tảng của giáo dục, như dạy đọc, dạy viết, dạy làm tính. Hiện tại còn quá sớm để đưa ra các đánh giá về kết quả của 5 tháng làm việc, nhưng sự hưởng ứng tăng vọt trong dư luận cho thấy vị bộ trưởng trẻ tuổi này đã mang lại "một luồng sinh khí mạnh mẽ".

Dù sao, Le Figaro cũng cảnh báo là tân thủ tướng trẻ tuổi - "xuất thân từ đảng Xã hội cánh tả, hiện đang được lòng cử tri cánh hữu hơn cả các bộ trưởng xuất thân cánh hữu" – đang đối mặt với hiểm họa lớn, đe dọa uy tín sụp đổ, nếu bị sa lầy trong chính sách bị đánh giá là nửa vời của tổng thống Macron. Le Figaro đặt hy vọng là tân thủ tướng Gabriel Attal nhanh chóng triển khai các chính sách "ưu tiên an ninh của người Pháp trong đời sống hàng ngày, siết chặt kiểm soát biên giới cũng như kiểm soát ngân sách". Một khối lượng công việc khổng lồ đang chờ đợi tân thủ tướng.

Macro muốn "thay máu" đảng cầm quyền

Tương tự như Le Figaro, nhật báo kinh tế Les Echos coi quyết định hôm qua của tổng thống là táo bạo. "Cú đánh cược Attal" là tựa lớn trang nhất Les Echos. Nhật báo kinh tế chú ý đến các tuyên bố "chống suy thoái", kêu gọi "các lực lượng tích cực của đất nước" đoàn kết lại "ngay từ tuần này".  Điều mà Les Echos đặc biệt nhấn mạnh là với việc thay thế nữ thủ tướng Elisabeth Borne 62 tuổi bằng một viên bộ trưởng trẻ tuổi, được lòng dân, tổng thống Macron muốn tìm lại "luồng sinh khí cách tân" và "sự năng động" của giai đoạn đầu nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.

Bài "Chiến dịch thay máu mới" của Les Echos, trong mục "Mỗi ngày một sự kiện chính trị", khẳng định ông Macron hy vọng, với tân thủ tướng trẻ tuổi nhất trong số các thủ tướng của nền Đệ ngũ Cộng hòa, có thể tạo nên một cuộc đảo lộn mới đối với toàn hệ thống chính trị, điều mà ông đã làm được cách nay 7 năm, "kể cả đối với hệ thống của đảng cầm quyền ("le macronisme"), đang trở thành một hệ thống già nua", như bình luận của một người thân cận với tổng thống.

"Châm ngòi sớm" cho cuộc đấu giữa các thế hệ

Theo Les Echos, với một cộng sự trung thành trẻ tuổi hơn được bổ nhiệm vào cương vị thủ tướng, tổng thống Macron "đã châm ngòi sớm" cho "một cuộc chiến thế hệ", giữa thế hệ trẻ với các chính trị gia lão thành của phe cầm quyền đang có tham vọng ra tranh cử tổng thống năm 2027, trong số đó có cựu thủ tướng Edouard Philippe, hay bộ trưởng Nội vụ Darmanin, bộ trưởng Kinh tế Le Maire.

Mục tiêu trước mặt của chủ trương "thay máu mới" trong liên minh cầm quyền của tổng thống Macron là cuộc đấu với đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) trong cuộc tranh cử Nghị Viện Châu Âu mùa hè năm nay, sẽ diễn ra chỉ trong 5 tháng nữa. Tranh cử Nghị Viện Châu Âu không phải là điều chính thức được nêu ra trong bài diễn văn nhậm chức của thủ tướng Attal, nhưng đây là một nhiệm vụ chính của tân thủ tướng, theo dân biểu đảng cầm quyền Phục Hưng, ông Pierre Cazeneuve. Việc bổ nhiệm này là "một tin rất vui với phe cầm quyền, mang lại hy vọng đảo ngược lại xu thế (xấu) theo các thăm dò dư luận".

Tranh cử Nghị Viện Châu Âu chống phe cực hữu

Đảng cầm quyền của tổng thống Macron cần đến một thủ tướng trẻ tuổi, năng động để đối đầu với chính trị gia trẻ tuổi Jordan Bardella của đảng cực hữu (RN), trạc 30 tuổi, đang thu hút ủng hộ của cử tri. Hiện tại theo thăm dò dư luận của Eurotrack OpinionWay-Vae Solis, 27% cử tri có ý định bầu cho đảng RN, vượt hơn gần 10 điểm so với phe cầm quyền (19%). Cả hai phe, phe cầm quyền và đảng cực hữu, đều coi cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu mùa hè tới là bước đệm quan trọng trước cuộc bầu cử 2027. Một dân biểu đảng cực hữu cho rằng việc tổng thống Macron lựa chọn chính trị gia Attal làm thủ tướng "sẽ giúp cho phe cầm quyền giảm bớt được khoảng cách trong cuộc bầu cử Châu Âu tới, nhưng hoàn hoàn không đủ".

Một "trò hề" của phe cầm quyền và xu thế tiếp tục ngả sang hữu

Ngược lại với Le Figaro, nhật báo thiên tả Libération hoàn toàn không đặt niềm tin vào tân thủ tướng. Bài xã luận "Trò hề" của Libération ngay trong phần mở đầu trở lại với phát biểu của ông Attal hồi 2019, khi còn là một thứ trưởng bộ Giáo dục. Vào thời điểm đó, chính trị gia này tuyên bố sẽ "làm việc khác" sau 2022 và 2027, ngụ ý không muốn tiếp tục nghề chính trị. Lúc đó, chính ông Attal đã từng tuyên bố: "các vị không bắt buộc phải tin tôi". Câu nói năm xưa đã trở thành hiện thực, Libération châm biếm : phải chăng đây chính là "thói quen nói dối ỡm ờ của giới chính trị gia chuyên nghiệp".

Về tuổi trẻ của tân thủ tướng, được coi là mang lại một thay đổi lớn, Libération cho rằng không nên đặt hy vọng, bởi trên thực tế một mặt, nước Pháp đã "dần dần từ bỏ truyền thống kỳ quặc, đòi hỏi những người đảm nhiệm cương vị cao trong hệ thống chính trị phải có mái đầu muối tiêu và gương mặt dạn dày nhờ tôi luyện trong lò đấu chính trị", mặt khác, cựu bộ trưởng Giáo dục cho dù thể hiện có phong cách truyền thông hiện đại, lại là con người bảo thủ về nhiều giá trị (ví dụ chính sách yêu cầu học sinh trở lại với đồng phục). Điều này cho thấy, việc bổ nhiệm thủ tướng trẻ tuổi chỉ khẳng định chính quyền Macron không hề thay đổi. Với Attal ở điện Matignon, xu hướng tiếp tục ngả sang hữu của liên minh cầm quyền Macron một lần nữa lại được khẳng định.

Tân thủ tướng chưa hiểu rõ sự vận hành của bộ máy nhà nước

Tuổi trẻ là một thế mạnh của tân thủ tướng Pháp, nhưng cũng có thể chính là điều bất lợi. Nhật báo công giáo La Croix có bài xã luận "Tuổi trẻ, một món mồi nhử". Theo La Croix, việc bổ nhiệm ông Attal làm thủ tướng là "một sự lựa chọn mạo hiểm mới" của tổng thống. Tuổi trẻ và mức độ được lòng dân cao của tân thủ tướng mang lại lợi thế, nhưng sự nghiệp thăng tiến với tốc độ tên lửa của tân thủ tướng trạc ba mươi có nhược điểm lớn. Đó là việc "vốn liếng chính trị của Attal còn rất ít, và tân thủ tướng cũng không thực sự hiểu rõ toàn bộ sự vận hành rất phức tạp của bộ máy nhà nước". Để khắc phục được điều này, tân thủ tướng cần được sự hỗ trợ đủ mức. Thách thức hiện nay với tân thủ tướng là tạo lập được một "đa số ổn định" trong bối cảnh phe cầm quyền không có được đa số quá bán tại Hạ Viện sau cuộc bầu cử 2021.

Báo Le Monde ra chiều hôm qua, trước khi có thông tin về danh tính tân thủ tướng, dành hồ sơ chính trang nhất cho chủ đề "ông Macron loại bỏ thủ tướng Borne để khởi động lại nhiệm kỳ tổng thống".

Hỗ trợ Ukraine, tâm điểm nhiệm kỳ chủ tịch Liên Âu của Bỉ

Về Ukraine, Les Echos có bài "Ukraine sẽ là tâm điểm của nhiệm kỳ chủ tịch Liên Âu của nước Bỉ". Nước Bỉ bắt đầu đảm nhiệm chủ tịch luân phiên Liên Âu kể từ ngày 01/01/2024. Chính quyền của thủ tướng Alexander De Croo vừa phải dồn sức cho cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6 tới, vừa phải tập trung điều phối hoạt động của Liên Âu trước thềm bầu cử Nghị Viện của khối cũng vào tháng 6. Thách thức là chồng chất.

Theo Les Echos, ba hồ sơ chính của nhiệm kỳ chủ tịch Bỉ lần này là việc mở rộng Liên Âu, ngân sách Liên Âu và nâng cao năng lực cạnh tranh của khối. Chủ tịch Bỉ sẽ phải thúc đẩy các đàm phán để đạt được khoản hỗ trợ tài chính 50 tỉ euro cho Ukraine, ứng cử viên gia nhập Liên Âu, ngay trong quý một năm nay, để giúp Kiev kháng cự cuộc xâm lược Nga. Khoản viện trợ đang bị Hungary ngăn chặn.

Vòng công du Cận Đông của Blinken và nguy cơ Mỹ bất lực

Vòng công du Trung Cận Đông thứ tư của ngoại trưởng Mỹ nhằm tìm lối thoát cho chiến tranh tại Gaza là chủ đề bài xã luận Le Monde. Theo Le Monde, vòng công du thứ tư chỉ trong vòng ba tháng của ngoại trưởng Antony Blinken có nguy cơ chứng tỏ sự bất lực của nước Mỹ trong việc mang lại sự bình ổn cho khu vực, trong bối cảnh cuộc chiến Israel chống Hamas chưa nhìn thấy lối ra. Viễn cảnh một cuộc chiến chớp nhoáng của Israel chống Hamas tại Gaza, như hy vọng của tổng thống Joe Biden đang ngày càng lùi xa. Cho đến nay, các chính sách của Israel còn rất xa mới cho phép Gaza quay trở lại với cuộc sống "bình thường".

Trung Quốc đứng đầu cuộc đua tự động hóa

Trung Quốc đứng đầu cuộc chạy đua toàn cầu về tự động hóa là một hồ sơ trang nhất của Les Echos. Hồi năm ngoái, các doanh nghiệp Trung Quốc lắp đặt hơn một nửa số robot công nghiệp mới so với toàn cầu. Một trong các mục tiêu chính trong kế hoạch năm năm của Đảng cộng sản Trung Quốc là tăng gấp đối số lượng robot trên toàn quốc. Mục tiêu là để bù lại tình trạng công nhân đang ngày càng cao tuổi hơn. Bắc Kinh dự kiến có 500 robot trên 10.000 nhân viên, tức cao cấp hai lần so với 2020.

Khí hậu nóng kỷ lục… nhưng việc giã từ năng lượng hóa thạch đã bắt đầu

Các nhật báo Pháp hôm nay dành nhiều hồ sơ chính cho chủ đề khí hậu. Theo Les Echos, nước Bỉ - chủ tịch luân phiên Liên Âu sáu tháng đầu năm nay – có trách nhiệm nặng nề trong việc thúc đẩy thông qua nhiều văn bản luật trong Thỏa ước chuyển sang kinh tế Xanh trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu.

La Croix giới thiệu báo của Copernic, cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Châu Âu, về các xu thế khí hậu năm 2023 với nhiệt độ cao nhất chưa từng được ghi nhận, các hiện tượng thời tiết cực đoan đạt mức kỷ lục, khí thải cũng đạt mức kỷ lục, tốc độ băng hà tan chảy gia tăng. Hàng loạt thông tin đáng sợ.

Tuy nhiên, theo La Croix, trong năm vừa qua đã xuất hiện một số xu thế mang lại lạc quan : cộng đồng quốc tế bước đầu đạt thỏa hiệp từ bỏ năng lượng hóa thạch, cuộc chiến chống khí thải mê-tan tăng tốc. Năng lượng tái tạo tăng tốc hơn dự kiến, với tổng công suất lắp đặt là 440 GW, tăng 30% so với năm trước. Lần đầu tiên đầu tư cho năng lượng mặt trời vượt quá cho dầu mỏ.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 177 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)