Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/01/2024

Điểm báo Pháp - Moskva dùng tù binh gây sức ép

RFI tiếng Việt

Moskva dùng tù binh gây sức ép lên xã hội Ukraine

Le Monde ngày 09/01/2024 cho biết việc trao đổi tù binh giữa Ukraine và Nga vừa được nối lại. Bị thương tật vì tra tấn, thiếu đói, những chiến binh Ukraine được thả chỉ còn là những cái bóng vật vờ. Kiev đang chờ đợi các F-16 để có thể ngăn chặn Moskva uy hiếp bộ binh Ukraine trên chiến địa.

tubinh1

Tù binh Ukraine được trao trả gần Sumy ngày 03/01/2024. Ảnh do văn phòng báo chí phủ tổng thống Ukraine cung cấp. AP

Tù binh Ukraine được trao trả chỉ còn là những "cái bóng"

Le Monde có bài phóng sự nói về "Sự trở về đầy đau lòng của các tù nhân". Sau năm tháng bị ngưng trệ, việc trao đổi tù binh với Nga đã được nối lại. Nhưng chỉ có rất ít trong số hàng ngàn thường dân Ukraine được thoát khỏi cảnh ngục tù của Nga.

Các gia đình đã được báo trước, như mỗi lần trao đổi với Nga : "Bạn sẽ không nhận ra chồng con mình. Hãy che giấu sự ngạc nhiên, hay ít nhất nên cố gắng làm như vậy". Thường thì họ đều bị thương do bị tra tấn, sụt mất phân nửa trọng lượng, đó là những cái bóng trở về với thân nhân sau nhiều tháng bị bắt giữ. Hôm 03/01, có 230 người Ukraine đã được trả về, đổi lấy 248 người Nga, vụ trao đổi quan trọng nhất về số lượng kể từ đầu cuộc xâm lăng. Trong khi mỗi tháng đều có trao đổi, tiến trình này đã bị bế tắc từ ngày 07/08/2023, khiến Kiev phải xây thêm một trại giam quân sự mới trong khi chờ đợi.

Thất bại của cuộc phản công khiến việc thương lượng càng khó khăn. Theo Kiev, Moskva lần khân để làm chia rẽ xã hội Ukraine. Từ nhiều tháng qua, thân nhân các tù binh mỗi lần nhận được cuộc gọi đều chỉ nghe một câu duy nhất giống y nhau, rõ ràng dưới sự cưỡng bức : "Hãy đi biểu tình khắp nơi để chống lại chính quyền, họ đã từ chối giúp đỡ chúng ta". Ngược lại Moskva chẳng có gì phải vội vã. Đại đa số lính bị bắt là những người bị gởi ra tiền tuyến để làm bia đỡ đạn : những tù hình sự, hay người bị nợ nần quá nhiều được tiền lương cao thu hút. Kremlin không hề quan tâm đến số phận của họ.

Thường dân bị quân Nga bắt giữ bừa bãi

Petro Yatsenko, phát ngôn viên cơ quan điều phối của Ukraine về vấn đề tù binh mơ về "trường hợp Viktor Medvedtchouk", tài phiệt Ukraine thân Nga bị bắt về tội phản quốc đã được trao đổi lấy 151 quân nhân Ukraine ngày 22/09/2023. Tóm được lính Chechnya cũng coi như trúng số vì Grozny "mua lại" tù nhân Ukraine từ Nga để nhanh chóng đổi lấy người của mình. Ngược lại, một sĩ quan Nga bị bắt cùng 10 người lính hồi giải phóng Kherson đã bị Moskva từ chối nhận : y như thời Liên Xô, một sĩ quan khi bị địch bắt bị coi như kẻ phản bội.

Đến nay, đã có 2.828 người Ukraine được trao trả, trong đó có 147 thường dân. Vào đầu cuộc xâm lược, Nga có ít tù binh hơn nên bắt dân thường để bù vào cho đạt "doanh số", tuy Công ước Genève cấm trao đổi thường dân lấy tù binh. Quân Nga bắt bớ đủ loại người thuộc mọi giới trong vùng chiếm đóng : nhân viên hiệp hội, nhà báo, linh mục, dân biểu... hoặc chỉ đơn giản như ông Roman Vuïko, một người tàn tật 52 tuổi chỉ vì từ chối không cho lính Nga mượn nhà.

Tình trạng này vẫn chưa kết thúc. Mới hôm 03/01, 30 người Ukraine mới bị bắt vì tham gia một kênh thân Ukraine trên mạng xã hội ở Melitopol đang bị Nga chiếm. Tại các nhà tù của Moskva, hiện có 4.000 dân thường Ukraine, và 95% bị bắt một cách vô tội vạ, phải chịu cảnh giam cầm không biết đến bao giờ. Một cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc tháng 6/2023 ước tính 91% tù nhân Ukraine, dân sự cũng như nhà binh, đều bị tra tấn. Họ bị đánh đập bằng dùi cui, gậy gộc, súng điện Taser…

Nóng lòng chờ "cứu tinh" F-16

Liên quan đến việc cung cấp F-16 cho Ukraine, Le Monde cho biết việc huấn luyện phi công đang được đẩy nhanh. Kiev hy vọng các tiêm kích được nhiều nước phương Tây hứa hẹn sẽ giúp giải tỏa gọng kềm Nga nơi tiền tuyến, nhờ bán kính hoạt động của radar và chất lượng hỏa tiễn không đối không của loại chiến đấu cơ này.

"F-16 đã đến !". Hôm 22/12/2023 tin đồn này dậy lên trên mạng xã hội, sau khi Không quân Ukraine chỉ trong vòng một ngày đã hạ được ba oanh tạc cơ Su-34 của Nga tại vùng Kherson ở miền nam. Một chiến thắng oanh liệt chưa từng thấy kể từ đầu cuộc xâm lăng. Nhưng không có bằng cớ nào để chứng minh F-16 đã lâm trận, và nay giả thiết đây là chiến công của một giàn phòng không Patriot có vẻ khả tín hơn. Nhưng điều này cho thấy người Ukraine đang hết sức nóng ruột chờ đợi những chiếc F-16 đầu tiên.

Loại chiến đấu cơ thế hệ thứ tư của Mỹ hoạt động xa hơn nhiều so với những chiếc Mig-29, Su-25 hay Su-27 mà Kiev đang có, và những hỏa tiễn chúng mang theo sẽ đẩy lùi các trực thăng và phi cơ địch, không còn có thể trút bom xuống bộ binh Ukraine như hiện nay. Cho tới nay có bốn nước Bỉ, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan cam kết sẽ gởi những chiếc F-16 tuy cũ nhưng chưa đạt số giờ bay tối đa. Phương Tây mập mờ về số lượng chuyển giao, nhưng giới quân sự cho rằng khoảng 60 chiếc.

Sukhoi sẽ khó làm mưa làm gió

Việc huấn luyện phi công và ê-kíp bảo trì trên mặt đất đang được tăng tốc - cần khoảng 12 kỹ thuật viên cho mỗi chiến đấu cơ. Ngày 02/01, Na Uy loan báo gởi hai chiếc F-16 sang căn cứ không quân Skrydstrup ở Đan Mạch để giúp đào tạo phi công Ukraine, cùng với 10 huấn luyện viên đi kèm. Ngày 04/01, Bỉ khẳng định sẽ đưa hai chiến đấu cơ hạng nhẹ Mỹ cùng với khoảng 50 nhân sự sang Đan Mạch để tiếp tục việc huấn luyện. Về phía Anh quốc loan báo một nhóm đầu tiên gồm 6 phi công Ukraine đã kết thúc việc huấn luyện căn bản. Đó là một chương trình cấp tốc và hiệu quả, theo bộ trưởng quốc phòng Ukraine Rustem Umerov. Còn Pháp từ nhiều tháng qua cũng đã huấn luyện lý thuyết. Nhưng chính tại Hoa Kỳ có nhiều tiến bộ nhất, một nhóm phi công Ukraine từ tháng 10/2023 đã tập luyện tại một căn cứ ở Tucson (Arizona).

Tướng Mỹ Pat Ryder từ chối cho biết bao giờ họ sẽ hoàn tất, nói rằng việc đào tạo mất "từ 5 đến 8 tháng". Nhưng một nguồn tin quân sự Châu Âu cho biết một số phi công Ukraine học hỏi rất nhanh, có thể thi hành nhiệm vụ sau ba tháng. Phải chăng F-16 có thể hoạt động trên bầu trời Ukraine trước khi mùa đông kết thúc ? Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng việc chuyển giao chiến đấu cơ sớm nhất chỉ có thể vào mùa xuân tới. Một nguồn tin quân sự Pháp nhận xét : "Dù sao đi nữa sẽ không có loan báo chính thức. Người ta chỉ biết F-16 được giao khi nào nhìn thấy chúng bay trên Ukraine".

Israel ít thiệt hại trong trận chiến đô thị ở Gaza

Về Trung Đông, Le Monde bắt đầu loạt bài năm kỳ với bài viết "Palestine, vùng đất được hứa hai lần". Le Figaro cho rằng "Dưới áp lực, Israel đành phải hứa sẽ giảm cường độ oanh tạc ở Dải Gaza". Bên cạnh đó, tờ báo cũng nhận thấy tại vùng đất này diễn ra một trận chiến tranh đô thị độc nhất vô nhị. Stalingrad, Berlin, Mosul, Raqqa, Mariupol, Bakhmut… Trận đánh để kiểm soát thành phố Gaza nối dài thêm danh sách những cuộc cận chiến trong thành phố.

Ba tháng sau vụ khủng bố ngày 07/10, quân đội Israel loan báo đã hoàn thành việc phá hủy các cấu trúc quân sự của Hamas ở phía bắc. Chuyên gia Michel Goya ghi nhận diễn tiến cuộc chinh phục của Tsahal hoàn toàn phù hợp với những gì được chờ đợi, đó là điều khá hiếm hoi. Chiến tranh đô thị vốn được coi là nguy hiểm và phức tạp nhất, nhưng các nhà quan sát đã bắt đầu rút ra những bài học từ Gaza.

Các nhà nghiên cứu Mỹ dựa trên hình ảnh vệ tinh cho rằng trên 100.000 tòa nhà đã bị phá hủy tại Dải Gaza, còn theo Hamas 23.000 người đã bị thiệt mạng, lời kêu gọi kềm chế của phương Tây đã không được lắng nghe. Trước chiến dịch, tướng Mỹ Glynn đã đến Israel, ông là người từng giám sát trận đánh Mosul ở Iraq chống lại Daesh. Tại thành phố này, 40.000 tòa nhà đã bị liên quân phá hủy, 10.000 lính Iraq tử trận cùng với 10.000 thường dân. Tại Gaza cho đến nay trên 170 quân nhân Israel đã hy sinh.

Ở Gaza, mạng lưới địa đạo tinh tế và phức tạp hơn Mosul nhiều, và ngược với Daesh, Hamas không phải là một lực lượng nước ngoài mà xuất phát từ người Palestine. Đặc điểm này khiến Israel phải tiến từ từ với sự yểm trợ của Không quân. Cựu tướng Mỹ cho biết nhiều tòa nhà sụp đổ là do phá hủy địa đạo, và nhiều khi việc này là cần thiết để cứu vãn mạng người. Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ từng oanh tạc đến 85% thành phố Bến Tre. Nhờ ưu thế Không quân và trí thông minh nhân tạo, Tsahal có thể oanh kích gần 400 vụ/ngày, trong khi ở Mosul liên minh chỉ có thể tiến hành 1.500 vụ trong 12 tháng.

Trung Quốc hạn chế cho Châu Phi vay

Liên quan đến Trung Quốc, Le Monde vẽ ra "Khuôn mặt mới của chính sách Châu Phi". Quan hệ đã chuyển sang một bước ngoặt, số tiền mà Bắc Kinh cho các nước lục địa đen vay sụt giảm mạnh. Trong năm 2022, lần đầu tiên kể từ 18 năm qua tín dụng dành cho Châu Phi không đạt đến 1 tỉ đô la, trong khi thời kỳ cao điểm năm 2016 lên đến trên 28 tỉ. Đó là do tình hình kinh tế Trung Quốc u ám hơn, và một số nước Châu Phi không trả được nợ như Zambia, Ethiopia, Kenya.

Từ năm 1991, mỗi đầu năm ngoại trưởng Trung Quốc lại bắt đầu vòng công du Châu Phi, truyền thống này đã kéo dài từ 33 năm qua. Giờ đây Châu Phi chỉ chiếm 1,1% tổng đầu tư của Bắc Kinh trong năm 2022, và tập trung vào hầm mỏ. Có những dự án đầu tư kém hiệu quả như đường xe lửa nối Addis-Abeba và Djibouti, phải mất nửa thế kỷ mới sinh lợi, hơn nữa tuyến đường cũ thời thuộc địa mà dự án này định thay thế vẫn hoạt động tốt.

Tuy vậy các công ty Trung Quốc vẫn làm ăn khấm khá tại châu lục, giành được nhiều gói thầu vì những lao động Trung Quốc đến làm việc chấp nhận điều kiện ăn ở tệ hại so với công nhân phương Tây. Chuyên gia Thierry Vircoulon của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp nhận định, đứng chân ở Châu Phi giúp Bắc Kinh "bảo đảm được nguồn nguyên vật liệu và mua các chính phủ". Chiến lược này cho tới nay vẫn hiệu nghiệm. Ngoài Eswatini (tên mới của Swaziland), không còn quốc gia Châu Phi nào có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Cũng chính nhờ những lá phiếu của Châu Phi mà một người Trung Quốc là Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) trở thành giám đốc Tổ chức Lương Nông Quốc tế của Liên Hiệp Quốc năm 2019, qua mặt các ứng cử viên của Pháp và Georgia (Gruzia).

Pháp thay đổi thủ tướng : Tựa chính các báo

Pháp cải tổ nội các là sự kiện được các báo tập trung chú ý hôm nay. Chân dung nữ thủ tướng Élisabeth Borne xuất hiện trên trang nhất các nhật báo lớn, ngoại trừ Le Monde ra từ chiều hôm trước. La Croix chú thích bà đã rời chức vụ, sau 20 tháng cầm quyền được đánh dấu bằng cải cách chế độ hưu trí và luật nhập cư. Nhật báo thiên tả Libération thẳng thừng với tít lớn ngắn gọn "Borne Out" : thủ tướng bị ông Emmanuel Macron cách chức hôm qua. Les Echos đăng ảnh bà và Macron đang xoay mặt, chạy tựa "Macron lật sang trang Borne". Le Figaro đưa tít "Borne ra đi, một trang mới mở ra cho Macron". Ảnh được chọn là bà Borne đang bước ra khỏi cửa, theo sau là ông Gabriel Attal - bộ trưởng giáo dục trẻ tuổi là người có nhiều triển vọng thay thế nữ thủ tướng, và thông tin này đã được chính thức loan báo vào buổi trưa.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 84 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)