Macron hồi 2 : tân thủ tướng Pháp với "sứ mạng hòa giải"
Thứ Sáu, 03/07/2020, Pháp thay thủ tướng vào lúc đất nước trải qua đại dịch toàn cầu, triển vọng phục hồi kinh tế gian nan. Trang nhất các báo hôm nay, 06/07, hầu hết dành tựa lớn trang nhất cho hồ sơ này. Với Luật an ninh quốc gia Hồng Kông, Bắc Kinh vươn bàn tay đàn áp ra ngoài lãnh thổ ; kế hoạch phòng ngự chống tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi tại Pháp ; dấu hiệu đại dịch Covid-19 bùng trở lại trên thế giới là một số chủ đề lớn khác.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp trong một lần gặp ông Jean Castex, thủ tướng tương lai. Ảnh chụp ngày 09/01/2019 Reuters - POOL New
Thay đổi lớn trên thượng tầng quyền lực là một thời điểm quan trọng và nhạy cảm của đời sống chính trị của một xứ sở dân chủ. Vào lúc chính quyền của tổng thống Macron thay thủ tướng, lập chính phủ mới, báo chí Pháp đăng tải rộng rãi thông tin về tân thủ tướng, về tiến trình lập chính phủ mới, các đánh giá khác nhau từ nhiều phía về mối quan hệ giữa tổng thống và người đứng đầu chính phủ, cũng như các thách thức với tân chính phủ.
Tờ Le Monde số ra kép, Chủ Nhật và thứ Hai, chạy tựa trang nhất "Tân thủ tướng Jean Castex dưới cái bóng của tổng thống Macron". Le Figaro bàn đến việc "Macron và Castex tìm kiếm nhóm cộng sự để tiếp tục cuộc chiến". Trang nhất của Les Echos có tựa "Việc làm, sinh thái, chấn hưng : những thách thức của chính phủ".
"Đối thoại" và "hòa giải"
Nếu như Le Monde và một số báo khác nhấn mạnh đến khía cạnh tổng thống tập trung quyền lực với việc bổ nhiệm một chính trị gia, được coi là gần như "không có tên tuổi" trong chính trường Pháp, thì nhật báo Công giáo La Croix đưa ra một cách nhìn khác. Trang nhất La Croix nhấn mạnh đến phẩm chất của chính trị gia Castex, với hàng tựa : "Một con người, một phương pháp". La Croix lưu ý là tân thủ tướng sẽ phải là người tiếp tục các dự án cải cách của tổng thống, với điểm nhấn là "đối thoại". Tại sao lại là đối thoại ?
Xã luận La Croix mang tiêu đề "Sứ mạng hòa giải" tìm cách giải mã định hướng hành động chính của tân thủ tướng. La Croix ghi nhận trước hết lợi thế bất ngờ của tân thủ tướng : là một người "vô danh" đối với đông đảo dân Pháp, tân thủ tướng có thể khá thoải mái chọn những cách ứng xử khác nhau, mà không bị câu thúc bởi những gì được coi là khuôn mẫu.
Những phẩm chất hiếm có và "phương pháp" của tân thủ tướng
La Croix điểm ra một số phẩm chất hiếm có ở tân thủ tướng. Thứ nhất, tuy là một quan chức cao cấp, nhưng ông không phải là một lãnh đạo kỹ trị, điều hành từ trên, mà là một con người của thực địa. Tân thủ tướng là một chính trị gia cánh hữu, nhưng thuộc nhóm cánh hữu hiếm hoi mà theo La Croix "đang trên đà biến mất" : người theo phe tả trong truyền thống tư tưởng của de Gaulle. Tân thủ tướng cũng thẳng thắn tuyên bố ông không chỉ là "một người cộng sự đơn thuần", "một cái bóng mờ nhạt" bên cạnh tổng thống như nhiều người phỏng đoán. Vậy dấu ấn của tân thủ tướng sẽ là gì ?
Thông qua ba phát biểu đầu tiên trong ngày đầu tiên nhậm chức thủ tướng, La Croix khẳng định dấu ấn đặc biệt hàng đầu của tân thủ tướng sẽ là vấn đề "phương pháp". Thủ tướng chắc chắn sẽ phải là người tổ chức "tiếp tục" thực hiện hàng loạt cải cách đã được tổng thống xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ, về hưu trí, y tế, về giới trẻ. Nhưng đóng góp riêng của tân thủ tướng có thể được tóm gọn trong ba từ "đối thoại", "tôn trọng" và "khiêm nhường". Đây là các phẩm chất, mà theo La Croix, tương phản với phong cách của một vị tổng thống, mà nhiều người chỉ trích là mang tính cách của một "nhà quản trị doanh nghiệp" (style managérial).
La Croix nhấn mạnh : "tái hòa giải dân Pháp với nhau" cũng chính là một hứa hẹn quan trọng khác của tổng thống Macron, nhưng đã gần như bị quên lãng trong suốt nửa nhiệm kỳ đầu, trong lúc hố ngăn cách xã hội đang rộng thêm. Theo La Croix, nếu tân thủ tướng trung thành với các phẩm chất nói trên, ông sẽ có thể thực thi được cam kết nói trên của tổng thống.
Macron tập trung quyền lực
Trở lại với hồ sơ về tân thủ tướng trên Le Monde, nhật báo có bài viết khẳng định "Với Jean Castex làm thủ tướng, Emmanuel Macron cho thấy muốn một mình điều hành chính quyền". Một người có vị trí trong phe đa số cầm quyền cho Le Monde biết, với việc bổ nhiệm chính trị gia 55 tuổi, một lãnh đạo dân cử địa phương, nguyên thủ Pháp coi như muốn nắm trọn cả hai chức vụ tổng thống và thủ tướng trong phần còn lại gần hai năm của nhiệm kỳ, và cũng để rảnh tay cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống 2022.
Tân thủ tướng Jean Castex chỉ là thị trưởng Prades, thị trấn nhỏ với 6.000 dân, thuộc tỉnh miền núi Đông Pyrénées, phía nam nước Pháp. Ông Castex, vốn là phó tổng thư ký Điện Elysée, dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy, mới gần đây được biết đến trong vai trò người điều phối chiến lược ra khỏi phỏng tỏa đại dịch Covid-19. Trong thời gian làm việc này, nguyên thủ Pháp đã đặc biệt chú ý đến "tinh thần đối thoại và trách nhiệm" của ông.
Với cố gắng cân bằng tả - hữu, địa phương - trung ương, theo Le Monde, những sắp xếp của tổng thống Pháp trong việc bổ nhiệm thủ tướng mới thể hiện rõ chủ trương nổi tiếng "en même temps" của ông, tạm dịch là "đồng thời, cùng lúc", phản ánh tư tưởng tập hợp và tránh đưa ra quyết định về những yếu tố trái ngược nhau về mặt lô gích.
Thách thức của tân chính phủ : "Việc làm, chấn hưng, sinh thái"
Về phần mình, nhật báo thiên hữu Le Figaro với hồ sơ trang nhất "Macron và Castex tìm kiếm nhóm cộng sự để tiếp tục cuộc chiến", thì lưu ý đến mệnh lệnh phải hành động khẩn trương của tổng thống và tân thủ tướng, phải thống nhất được thành phần chính phủ mới, trong kỳ nghỉ cuối tuần, để kịp công bố với người dân Pháp, tối nay, thứ Hai 06/07. Mệnh lệnh hành động khẩn trương bởi công cuộc phục hồi kinh tế hậu Covid-19 là không thể chậm trễ. Le Figaro cũng có bài xã luận "Thời khắc của sự thật", đặt nhiều niềm tin vào năng lực của tân thủ tướng Castex, mà theo tờ báo không phải là một con người dễ dàng "gọi dạ, bảo vâng". Theo Le Figaro, thách thức hàng đầu với chính phủ mới sẽ là "thiết lập lại trật tự". Thúc đẩy tạo việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và sử dụng hiệu quả ngân sách công là những mặt trận chính, mà theo Le Figaro, chính phủ đã làm khá tốt trong ba năm vừa qua, nhưng chưa đủ. Tình hình đặc biệt khó khăn, sau đại dịch, chẳng khác nào "trận cầu bị bỏ dở, và phải đấu lại từ đầu".
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng dành tựa trang nhất để nói về "Việc làm, sinh thái, chấn hưng : Những thách thức với chính phủ". Mục "Mỗi ngày một sự kiện" của Les Echos thì tỏ ra dè dặt với bài phân tích "Thay đổi lớn mà chính phủ hứa hẹn sẽ diễn ra ở đâu ?". Theo nhật báo kinh tế, thì chấn hưng kinh tế và việc làm sẽ chiếm phần chủ yếu trong hành động của chính phủ. Trong lúc các vấn đề khác như cải cách hưu trí, sinh thái, phi tập trung hóa, khả năng hành động của chính quyền sẽ khó khăn hơn.
Sinh thái : Hội nghị Công dân Pháp cho phép đúc kết các đề xuất nghiêm túc
Ngược lại với tiếp cận của Les Echos, Le Monde có bài phân tích đáng chú ý của nhà báo Stéphane Foucart, mang tựa đề "Xã hội Pháp đạt được một đồng thuận về chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh", đánh giá rất cao sáng kiến của tổng thống Pháp, về việc tổ chức Hội nghị Công dân về Khí hậu (hồi đầu năm ngoái), vừa đệ nạp gần 150 kiến nghị đến tổng thống hồi cuối tháng trước, để chuyển qua chính phủ, hay Quốc Hội, hoặc đưa ra trưng cầu dân ý.
Theo nhà báo Stéphane Foucart, nếu không có Hội nghị Công dân đặc biệt này, thì có rất nhiều khả năng là đa số đề xuất cho cuộc chuyển đổi sang xã hội tôn trọng môi trường, sinh thái (vừa được tổng thống tiếp nhận), nếu được đưa tranh luận rộng rãi trong xã hội, sẽ bị một bộ phận đông đảo dân chúng bác bỏ, đả kích với thái độ về cơ bản là miệt thị với các bình luận kiểu như "quay về thời hang động", "những kẻ chủ trương chống tăng trưởng", "đồ thân cộng sản", "những kẻ reo rắc nỗi sợ"… Các đề xuất nghiêm túc và quan trọng như vậy sẽ không thể có cơ hội được bàn thảo kỹ lưỡng, đúc kết, rồi chuyển giao cho các định chế quyền lực nhất, để chuẩn bị xem xét và tìm cách thực hiện.
Luật an ninh Hồng Kông : Bắc Kinh thò bàn tay đàn áp ra ngoài lãnh thổ
Quan hệ phương Tây và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng, đặc biệt sau khi Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh quốc gia với Hồng Kông. "Trung Quốc thiết lập không khí sợ hãi tại Hồng Kông" là bài phân tích đáng chú ý của phóng viên Frédéric Lemaître trên báo Le Monde. Bất chấp các phản ứng quốc tế, Bắc Kinh ban bố luật với Hồng Kông và Luật an ninh quốc gia Hồng Kông chứa nhiều điều khoản buộc tội hết sức mơ hồ, tạo điều kiện dễ dàng cho việc Bắc Kinh thẳng tay đàn áp người dân Hồng Kông tại lãnh thổ này. Đó là các ghi nhận của hầu hết giới quan sát.
Tuy nhiên, có một điều ít được chú ý hơn, nhưng đã được phóng viên báo Le Monde nêu bật. Đó là với bộ luật này, Trung Quốc đang "xuất khẩu nỗi sợ" ra bên ngoài biên giới Hoa lục. Luật an ninh quốc gia mới liên quan trực tiếp đến " cả người nước ngoài" , bị coi là xâm phạm an ninh quốc gia, và chính quyền Hồng Kông có đủ thẩm quyền " yêu cầu dẫn độ nghi phạm".
Le Monde so sánh luật này với Luật chống khủng bố (Patriot Act) mà chính quyền Mỹ ban hành sau vụ khủng bố 11/09/2001, dẫn nhận định của chuyên gia François Godement, theo đó, Luật của Trung Quốc rộng hơn rất nhiều, và đặc biệt là rất mơ hồ, như các bộ luật khác của Trung Quốc, cho phép chính quyền mở rộng và hành xử theo các hiểu riêng của họ.
Giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Báp-tít Hồng Kông, nhận xét : "Bắc Kinh muốn reo rắc nỗi sợ và kiểm soát các diễn ngôn về Trung Quốc cả ở nước ngoài. Chính quyền Trung Quốc không còn dựa vào quyền lực mềm nữa, mà giờ đây đang nghiêng về (khẳng định sức mạnh) dựa trên nỗi sợ. Bắc Kinh hiểu rằng sẽ có các phản ứng chống lại chế độ cộng sản Trung Quốc với việc này, thế nhưng chính quyền Trung Quốc cũng cảm thấy đủ mạnh, và đặt cược vào thái độ im lặng của giới làm ăn, sẽ nhắm mắt làm ngơ để bảo vệ việc kinh doanh của họ".
Pháp : Kế hoạch phòng ngự trước Hoa Vi
Về quan hệ Pháp - Trung, báo Les Echos trên trang nhất có hồ sơ : kế hoạch phòng ngự chống tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi tại Pháp. Mặc dù không cấm Hoa Vi tham gia mạng 5G như một số nước phương Tây khác, nhưng chính quyền Paris tỏ ra hết sức dè dặt, đặc biệt không khuyến khích các công ty nào chưa có hợp đồng với Hoa Vi, thiết lập quan hệ thương mại với tập đoàn Trung Quốc trong lĩnh vực 5G. Vẫn Les Echos có bài xã luận "Cuộc chiến tranh lạnh 2.0 trong ngành viễn thông" phân tích các nguồn cội của thế đối đầu Pháp - Trung trong lĩnh vực này.
Xử hai nhân viên an ninh Pháp, bị cáo buộc làm gián điệp cho Bắc Kinh
Báo Le Figaro cũng có bài giới thiệu về vụ án xét xử hai cựu sĩ quan an ninh Pháp, bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc. Đây là một vụ án được đánh giá là hiếm có. Ngay trong thời kỳ chiến tranh Lạnh trước đây, cũng ít có vụ xử gián điệp cho Trung Quốc nào tại Pháp. Phiên tòa được xử kín, đến ngày 10/07. Hai bị cáo, khoảng tuổi 70, đối mặt với án tù từ 15 năm đến chung thân.
Về đại dịch Covid-19, hầu hết các nhật báo Pháp đều có bài. Le Monde ghi nhận. "Covid : Dấu hiệu cho thấy dịch bệnh tăng vọt trở lại", " Dịch bệnh tăng tốc", theo Libération. Les Echos đúc kết "Các bài học của làn sóng Covid-19". Le Figaro nói về "Đợt dịch đầu tiên không hồi kết tại Mỹ".
Pháp : Phim về người da đen khai mạc mùa phim hậu Covid
Báo Libération hôm nay dành tựa lớn trang nhất cho chủ đề văn hoá, giới thiệu bộ phim "Tout simplement noir" (tạm dịch là : "Đơn giản chỉ là người da đen"). Bộ phim hài của đạo diễn Jean-Pascal Zadi dự kiến sẽ ra mắt ngày thứ Tư tới. Theo Libération, phim trào phúng với nhiều sắc thái bạo lực, của đạo diễn Jean-Pascal Zadi, dựng lên một thực tại sống động của bản sắc da đen đa dạng, với rất nhiều tương phản. Phim ra mắt đúng vào lúc khắp nơi trên thế giới dấy lên phong trào chống kỳ thị chủng tộc, được coi là sự kiện mở màn cho mùa phim hậu - Covid tại Pháp.
Trọng Thành