Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/07/2020

Điểm báo Pháp - Tập Cận Bình ủng hộ Donald Trump

RFI tiếng Việt

Bầu cử Tổng thống Mỹ : Tập Cận Bình "giơ cả hai tay" ủng hộ Donald Trump

Quan hệ Mỹ - Trung vẫn luôn thu hút sự quan tâm của báo Pháp. Đáng chú ý là bài viết của cây bút thời luận nổi tiếng Alain Frachon trên Le Monde : "Tập Cận Bình bỏ phiếu ủng hộ Donald Trump". Ủng hộ phe Cộng hòa trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ gần như đã trở thành truyền thống của Đảng cộng sản Trung Quốc.

trumptap1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Trung Quốc, ngày 09/11/2017. AP - Andrew Harnik

Theo cây bút thời luận Alain Frachon, đó không chỉ là nhằm tôn vinh việc tổng thống Richard Nixon (1913-1994) bình thường hóa quan hệ Mỹ - Trung với Mao Trạch Đông, không chỉ là vì đảng Cộng hòa thường ít "lên lớp" Trung Quốc về nhân quyền hơn so với phe Dân chủ Mỹ, mà chủ yếu vì đảng Cộng hòa nói chung thực tế hơn trong chính sách đối ngoại, nhất là về việc làm thế nào để thu được nhiều lợi nhuận.  

Đối với kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020 cũng vậy. Theo Alain Frachon, Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ "giơ cả hai tay" ủng hộ Donald Trump. Mặc dù ông Trump là nguyên thủ Mỹ đầu tiên tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại chống Trung Quốc, đối đầu trực diện với Bắc Kinh thông qua các biện pháp tăng thuế quan, tố cáo chính sách cạnh tranh bất bình đẳng về thương mại và tấn công mạng của Trung Quốc… nhưng điều đáng nói là cách hành động của Trump không mang lại gì đáng kể cho Mỹ. Bắc Kinh vẫn có thể "ăn miếng trả miếng". Và trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hồi tháng Giêng 2020, hai bên đã "tạm đình chiến".

Mặc dù phe của tổng thống Trump sau đó lại tiến hành "chiến dịch cuồng loạn bài Trung Quốc", coi tất cả đều là lỗi của Bắc Kinh : thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng Covid-19 đè nặng lên nền kinh tế Mỹ. Thế nhưng, đối với Trung Quốc, tổng thống Trump có hai "phẩm chất" quan trọng : không nhất quán và thiếu năng lực.

Biết đánh vào "cái tôi" rất lớn của nguyên thủ Mỹ, khi đón tiếp tổng thống Mỹ tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2017, chủ tịch Trung Quốc đã hết lời tâng bốc ông Trump và giành được sự biết ơn của tổng thống Mỹ. Donald Trump gọi Tập Cận Bình là "chủ tịch vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc" và "nể nang", không đả động đến hồ sơ nhân quyền.

Nhưng Trump còn mang lại một lợi thế khác cho Bắc Kinh : ông Trump một mình tiến hành chính sách chống Trung Quốc, đối xử trịch thượng, coi thường hoặc chê bai các đồng minh Châu Âu và Châu Á. Nếu Joe Biden làm tổng thống, ông ấy sẽ làm điều ngược lại. Khi xác định và áp dụng chính sách đàm phán cứng rắn với Trung Quốc, đảng Dân chủ sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ. Một cựu thành viên của phái đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc gần đây nói với Bloomberg là việc ông Biden trở thành tổng thống sẽ nguy hiểm hơn cho Trung Quốc bởi ông ấy sẽ hợp tác với các đồng minh của Hoa Kỳ, trong khi Donald Trump thì phá hủy các liên minh.  

Còn đối với công luận Trung Quốc, những phát biểu của ông Trump trong cuộc chiến chống Trung Quốc, chiến lược hung hăng bài Trung Quốc càng cho thấy Bắc Kinh có lý khi nói là phương Tây thù hằn Trung Quốc. Trump còn phục vụ cho công tác tuyên truyền của Đảng cộng sản Trung Quốc bằng cách làm suy yếu nền dân chủ Mỹ. Trong cuộc chiến của Trung Quốc nhằm hạ thấp nền dân chủ tự do và hợp pháp hóa chế độ chính trị chuyên chế, nước Mỹ dưới thời Donald Trump với hệ thống y tế suy yếu, xã hội tổn thương do phân biệt chủng tộc… như vậy đã mang lại một lợi thế lớn cho Bắc Kinh.

Hồng Kông : Lòng quyết tâm và nỗi sợ hãi

Được phát hành từ chiều hôm qua, Le Monde đặc biệt quan tâm đến hồ sơ Hồng Kông. Tờ báo chạy tựa "Hồng Kông : Những người biểu tình thách thức, bất chấp lệnh cấm".  Ở các trang trong, Le Monde giới thiệu 2 bài viết xoay quanh sự kiện Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông.

Trong bài viết "Lòng quyết tâm và nỗi sợ ở Hồng Kông", thông tín viên của báo Le Monde cho biết những người tham gia phong trào đấu tranh ở đặc khu hành chính vẫn muốn tiếp tục cuộc chiến chống chính quyền Bắc Kinh, nhưng tìm cách xóa bỏ mọi dấu vết, từ danh sách người liên lạc trên điện thoại di động, lịch sử tìm kiếm, ảnh lưu trữ, đến vứt bỏ những bộ trang phục đã mặc khi đi biểu tình… để tránh bị lực lượng an ninh truy tìm.

Một nhà tranh đấu, hiện giờ đang ở nước ngoài, nhấn mạnh luật mới thật đáng sợ, nhưng người dân Hồng Kông phải trung thành với các giá trị của mình và phải tìm ra các phương tiện mới để chống lại luật an ninh mới. Nhiều người trong ngày 01/07 vẫn đi làm bình thường, coi như không có gì xảy ra, nhưng trong thâm tâm họ tìm cách ủng hộ phong trào tranh đấu. Đối với người dân Hồng Kông, giờ quan trọng nhất là tránh bị tống giam vào tù, tránh được càng lâu thì càng tốt và phải đặc biệt thận trọng. Còn về phản ứng của quốc tế, Le Monde nhận định, Anh và Mỹ là những nước có phản ứng gay gắt nhất.  

Quyền năng tối thượng của Đảng cộng sản Trung Quốc tại Hồng Kông

"Không hẹn mà gặp", trên trang nhất Libération cũng đăng bức hình giống như báo Le Monde : Bị lực lượng an ninh vây quanh khống chế, một người biểu tình Hồng Kông nằm bẹp dưới đất, ngước đôi mắt với ánh nhìn lo lắng nhưng cũng đầy vẻ kiên cường. Trên nền bức ảnh khổ lớn chiếm trọng trang nhất là hàng tựa trang nhất súc tích : "Hồng Kông – Nỗi sợ".

Libération cũng dành 4 trang báo bên trong cho các bài viết xoay quanh hồ sơ Hồng Kông, với nhận định của nhiều chuyên gia. Libération lo ngại về tình cảnh "Hồng Kông bị kìm kẹp", có nguy cơ bị chế độ độc tài nhận chìm. Bắc Kinh đang tận dụng nỗi sợ hãi để quản lý Hồng Kông. Thông qua luật an ninh quốc gia mới mà chính quyền Tập Cận Bình áp đặt đối với đặc khu hành chính, Đảng cộng sản Trung Quốc giờ có "quyền năng tối thượng" ở Hồng Kông. Về vị thế kinh tế, tài chính của Hồng Kông, theo Sebastian Veg, giáo sư danh dự của đại học Hồng Kông, sự lựa chọn lần này của Bắc Kinh cho thấy chính quyền trung ương Trung Quốc đã sẵn sàng chấp nhận nguy cơ vai trò kinh tế tài chính của Hồng Kông sẽ bị suy giảm đáng kể. Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc đã tạo ra tình huống nếu không theo Bắc Kinh thì sẽ bị coi là chống chế độ. Và từ nay đến năm 2049, kỷ niệm 100 năm ra đời nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa, xâm chiếm Đài Loan sẽ là mục tiêu mà Bắc Kinh nhắm tới. 

Trong bài viết "Chống Bắc Kinh, Luân Đôn tự đưa mình thành miền đất hứa", Libération lưu ý mặc dù chính phủ Anh muốn mở rộng quyền cư trú cho dân Hồng Kông, nhưng chính ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã thừa nhận Luân Đôn có thể sẽ không thể làm được gì đáng kể cho người dân đặc khu nếu Bắc Kinh cản trở những người có hộ chiếu hải ngoại Anh Quốc rời Hồng Kông.

Hậu phong tỏa Covid-19 : Cuộc chiến chống gian lận trợ cấp thất nghiệp bán phần

Khác với Le Monde Libération chú ý đến thời sự quốc tế, nhất là hồ sơ Hồng Kông, Le Figaro quan tâm đặc biệt đến tình hình thời sự nước Pháp, nhất là về kế hoạch cải tổ nội các, quan hệ giữa tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Edouard Philippe, kế hoạch tái khởi động đất nước trong bối cảnh tổng thống Macron chỉ còn khoảng 500 ngày là hết nhiệm kỳ. Le Figaro cũng dành hai trang bài để nói về chính trị địa phương sau kỳ bầu cử thị trưởng, xã trưởng… hôm Chủ Nhật 28/06.

Đáng chú ý còn có bài viết về cuộc chiến chống gian lận của Bộ Lao động Pháp thời hậu Covid-19 nhắm vào các doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách trợ cấp thất nghiệp bán phần hào phóng của chính phủ để trục lợi. Trong giai đoạn phong tỏa, có 13,6 triệu lao động của hơn 1 triệu doanh nghiệp Pháp xin trợ cấp thất nghiệp bán phần. Số tiền Nhà nước ban đầu dự kiến dùng để chi trả trợ cấp thất nghiệp bán phần là 8,5 tỉ euro, nay con số này đã tăng vọt lên thành 31 tỉ euro.

Trong bối cảnh này, Bộ Lao động đã huy động thêm 300 công chức tham gia vào công tác kiểm tra các doanh nghiệp có nhân viên được hưởng trợ cấp bán phần. Bộ trưởng Lao động Pénicaud thông báo từ nay đến cuối mùa hè sẽ cho tiến hành 50.000 vụ kiểm tra, đặc biệt nhắm vào các lĩnh vực dễ có gian lận hoặc phương thức làm việc từ xa được triển khai rộng rãi. Nếu tỉ lệ gian lận cao thì công tác kiểm tra sẽ còn được duy trì. Từ ngày 22/05 đến nay, Bộ Lao động đã khởi động 12.000 cuộc kiểm tra, 400 vụ xuất phát từ đơn tố cáo từ chính các nghiệp đoàn lao động hoặc người làm công ăn lương.

Trong số 3.000 cuộc kiểm tra đã hoàn tất, có tới 600 hồ sơ trong đó các doanh nghiệp phải điều chỉnh khai báo, 850 hồ sơ bị nghi là có gian lận và sẽ được thanh tra kỹ hơn. 25% có thể bị xử phạt tài chính. Về nguyên tắc, ngoài việc bồi hoàn tiền ăn gian của Nhà nước, chủ doanh doanh nghiệp gian lận có thể bị phạt 30.000 euro, chịu 2 năm tù giam và không được hưởng hỗ trợ của Nhà nước trong vòng 5 năm. Những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bị kết tội lừa đảo, chủ doanh nghiệp phải lãnh án tù 7 năm, nộp phạt 750.000 euro, thậm chí bị truy tố về hình sự.

Bị 400 tập đoàn lớn tẩy chay, Facebook có lo ngại ?

Liên quan đến phong trào đấu tranh chống kỳ thị sắc tộc Black Lives Matter xuất phát từ Mỹ sau cái chết của người da màu Georges Floyd rồi lan rộng ra thế giới, Les Echos nói đến việc  Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, từ một tuần nay bị nhắm đến do không có biện pháp đấu tranh chống các nội dung thù hận. Hơn 400 thương hiệu nổi tiếng thế giới đã tạm rút quảng cáo khỏi Facebook : Verizon, Unilever, Coca-Cola, Starbucks, Daimler, Volkswagen, Lego, The Body Shop…

Tuy nhiên, ông chủ Facebook, Marc Zuckerberg, vẫn có vẻ "bình chân như vại" và cho rằng các hãng lớn sẽ sớm trở lại trên mục quảng cáo của Facebook. Theo Les Echos, đúng là gần như toàn bộ thu nhập của Facebook là nhờ quảng cáo, nhưng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm số ít trong số 8 triệu nhà quảng cáo trên trang Facebook. Hoạt động quảng cáo của hơn 100 hãng lớn nhất chỉ mang lại 6% trong tổng số 70 tỉ đô la thu nhập năm 2019 của Facebook. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là khách hàng chính của Facebook, mà những công ty này thì ít có khả năng dám tẩy chay Facebook vì sự thành công của họ phụ thuộc vào sự hiện diện trên các mạng xã hội, mà Facebook lại là mạng xã hội lớn nhất toàn cầu.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 667 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)