Hồng Kông : Hạ Viện Mỹ thông qua luật trừng phạt Trung Quốc (RFI, 02/07/2020)
Hôm 01/07/2020, Hạ Viện Hoa Kỳ nhất trí thông qua một dự luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc đã vi phạm quyền tự trị của Hồng Kông. Văn bản này có hơi khác dự luật đã được Thượng Viện thông qua ngày 25/06, sẽ được đưa trở lại Thượng Viện và sau đó tổng thống Donald Trump chuẩn y.
Những người bị cảnh sát bắt giữ trong cuộc biểu tình chống luật an ninh quốc gia ngày 01/07/2020. Reuters - Tyrone Siu
Dự luật được cả phe Cộng hòa lẫn Dân chủ ủng hộ, nhằm tăng cường áp lực lên Bắc Kinh, ngoài những biện pháp đã được chính quyền Mỹ loan báo từ khi Trung Quốc loan báo luật an ninh quốc gia về Hồng Kông. Một thượng nghị sĩ Dân chủ cho biết văn bản của Hạ Viện chỉ có một ít thay đổi về kỹ thuật, chắc chắn hôm nay được Thượng Viện thông qua.
Theo dự luật, Washington có thể trừng phạt "các lãnh đạo Đảng cộng sản chịu trách nhiệm về luật an ninh Hồng Kông", các đơn vị cảnh sát đàn áp người biểu tình, và kể cả các ngân hàng có những "giao dịch đáng kể" với các đối tượng bị trừng phạt. Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm qua còn đe dọa không loại trừ việc sẽ mạnh tay hơn nữa, sau khi đã rút lại quy chế ưu đãi dành cho Hồng Kông.
Trước đó IPAC (Liên minh nghị sĩ nhiều nước về vấn đề Trung Quốc) đã ra thông cáo đề nghị các chính phủ nỗ lực giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, có chương trình cứu trợ các nhà đấu tranh Hồng Kông bị đe dọa, Liên Hiệp Quốc cử đặc phái viên đến Hồng Kông để giám sát.
Biden cáo buộc Trump "hèn nhát"
Cũng ngày 01/07/2020, ứng cử viên dân chủ Joe Biden tố cáo cách xử sự "hèn nhát" của tổng thống Donald Trump trước cuộc khủng hoảng Hồng Kông. Ông Biden hứa hẹn nếu đắc cử, sẽ cứng rắn hơn đối với các vụ vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Cụ thể là "áp dụng toàn bộ" các luật về nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương, áp đặt trừng phạt kinh tế.
Úc, Đài Loan muốn giúp người Hồng Kông tị nạn
Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 02/07/2020 tuyên bố tình hình Hồng Kông "rất đáng quan ngại", và loan báo chính phủ Úc sẽ có những động thái tích cực liên quan đến việc tiếp nhận người dân từ cựu thuộc địa Anh. Trả lời câu hỏi của một nhà báo, liệu có khả năng Úc đưa ra một quy chế tị nạn cho người Hồng Kông hay không, ông Morrison trả lời "Có", chính phủ sẽ nhanh chóng nghiên cứu.
Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đang căng thẳng. Canberra khiến Bắc Kinh giận dữ vì kêu gọi mở điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc virus corona, tố cáo chính sách ngoại giao hung hăng và thiếu trung thực của Trung Quốc. Trung Quốc trả đũa bằng cách trừng phạt hàng nhập khẩu từ Úc, hạn chế du lịch và du học tại Úc. Giữa tháng Sáu, nước Úc bị tấn công tin học quy mô, mà theo báo chí là từ Trung Quốc.
Thụy My
*******************
Hạ viện Mỹ thông qua việc trừng phạt liên quan đến luật mới ở Hong Kong (VOA, 02/07/2020)
Hạ viện Hoa Kỳ nhất trí về các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với các quan chức Trung Quốc và cảnh sát Hong Kong sau khi Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia nhằm trấn áp tình trạng bất ổn trong thành phố Hong Kong, theo AFP.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi lên án Luật An ninh Quốc gia mới tại Hong Kong.
Một ngày sau khi chính quyền Hong Kong bắt giữ hàng trăm người biểu tình, Hạ viện Mỹ hôm 1/7 nhanh chóng thông qua dự luật đã được Thượng viện thông qua vào tuần trước.
Do có thay đổi về thủ tục, Thượng viện sẽ cần phải bỏ phiếu một lần nữa. Một thượng nghị sĩ cho AFP biết việc này có thể diễn ra vào thứ Năm 2/7.
Tổng thống Donald Trump không cho biết liệu ông có ký dự luật không. Năm ngoái, ông Trump cũng tỏ ra do dự trước khi ký một dự luật nhân quyền khác về Hong Kong, vốn cũng đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc nào xâm phạm quyền tự trị của thành phố Hong Kong.
Không như dự luật trước, luật mới sẽ biến các biện pháp trừng phạt trở thành bắt buộc, hạn chế khả năng của Tổng thống Trump về miễn áp dụng luật. Một điểm áp lực quan trọng là nó cũng sẽ áp đặt trừng phạt đối với các ngân hàng thực hiện giao dịch với những người vi phạm.
Theo thỏa thuận trước khi được Anh bàn giao năm 1997, Trung Quốc cam kết bảo đảm quyền tự do dân sự của Hong Kong cũng như quyền tự trị về tư pháp và lập pháp cho đến năm 2047, theo hệ thống "Một quốc gia, hai chế độ".
Trung Quốc nói rằng luật mới không làm tổn hại đến các quyền của Hong Kong nhưng giúp khôi phục sự ổn định sau nhiều tháng bất ổn vì các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ.
Bắc Kinh hôm 2/7 cho biết họ "rất tiếc và kiên quyết phản đối" dự luật của Mỹ, đồng thời nói thêm rằng các vấn đề Hong Kong là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
"Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ nắm bắt thực tế tình hình, ngừng can thiệp vào các vấn đề Hong Kong và không thực thi dự luật tiêu cực. Nếu không, chúng tôi sẽ có biện pháp đối phó mạnh mẽ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói.
Trung Quốc áp đặt luật an ninh ở Hong Kong nhằm hình sự hóa hành vi "lật đổ" và các hành vi bất đồng chính kiến khác hôm 30/6.
Hôm 1/7, cảnh sát Hong Kong đã đàn áp những người biểu tình kỷ niệm ngày bàn giao Hong Kong năm 1997, bắt giữ khoảng 370 người, trong đó có 10 người theo luật mới.
**********************
Ngoại trưởng Mỹ : Luật an ninh cho Hong Kong là một sự sỉ nhục (VOA, 02/07/2020)
Ngày 1/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố luật an ninh Trung Quốc áp đặt lên Hong Kong là một sự sỉ nhục đối với tất cả các nước và Washington sẽ tiếp tục thi hành chỉ thị của Tổng thống Donald Trump để chấm dứt quy chế đặc biệt của lãnh thổ này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao ở Washington, ngày 1/7/2020.
Ông Pompeo nói Hoa Kỳ hết sức quan ngại về sự an toàn của tất cả cư dân Hong Kong. Vẫn theo lời Ngoại trưởng Mỹ, điều 28 của đạo luật vừa được thông qua ngày 30/6 có mục đích áp dụng cho những vi phạm được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Hong Kong, và như vậy có thể bao gồm cả những người Mỹ.
"Chuyện này hết sức thái quá và là một sự sỉ nhục tất cả các nước", ông nói.
Ông Pompeo nhắc lại là vào ngày 26/6 Hoa Kỳ thi hành lệnh hạn chế visa lên những người chịu trách nhiệm trong cuộc đàn áp Hong Kong và ngày 29/6 loan báo sẽ chấm dứt việc xuất khẩu các trang cụ quốc phòng và công nghệ sử dụng trong dân sự lẫn quân sự qua lãnh thổ này.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục thi hành chỉ thị của Tổng thống Trump chấm dứt tình trạng đặc biệt của Hong Kong".
Được hỏi Washington sẽ tước bỏ những đặc quyền của Mỹ ban cho Hong Kong đến mức nào, ông Pompeo nói : "Tôi chỉ nhắc lại những gì Tổng thống nói : Ông ấy muốn đảm bảo là, với một ít ngoại lệ, Hong Kong sẽ được đối xử giống như Hoa lục".
Một số nhà phân tích nghi ngờ quyết tâm của chính quyền ông Trump có những hành động mạnh mẽ ảnh hưởng lên Bắc Kinh vì Hoa Kỳ có nhiều lợi ích thương mại tại Hong Kong và mong muốn của ông Trump về việc duy trì thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đạt được trong năm nay.
Theo Reuters
**********************
Mỹ thu giữ 12 tấn hàng nghi là tóc từ tù nhân trong trại cải tạo Trung Quốc (VOA, 02/07/2020)
Hôm thứ Tư 1/7, nhà chức trách liên bang Mỹ ở New York bắt giữ một lô hàng gồm các sản phẩm tóc và phụ kiện làm đẹp bị nghi ngờ là làm từ tóc của những người bị nhốt trong trại cải tạo của Trung Quốc.
Một cơ sở được cho là một trại cải tạo của Trung Quốc ở Tân Cương, ảnh chụp hồi tháng 6/2019
Các quan chức Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) nói với hãng tin AP rằng lô hàng có trọng lượng 11,8 tấn và trị giá ước tính là 800.000 đô la.
"Việc sản xuất những hàng hóa này cấu thành hành vi xâm hại nhân quyền rất nghiêm trọng, và việc thu giữ này nhằm gửi đi một thông điệp rõ ràng và trực tiếp tới tất cả các bên muốn làm ăn với Hoa Kỳ rằng các hành vi bất hợp pháp và vô nhân đạo sẽ không được chấp nhận trong chuỗi cung của Mỹ", bà Brenda Smith, trợ lý ủy viên điều hành của Văn phòng chuyên trách về thương mại thuộc CBP, phát biểu.
Đây là lần thứ hai trong năm nay, CBP thực hiện một trong những lệnh thu giữ hiếm hoi của họ đối với các lô hàng tóc bện từ Trung Quốc, căn cứ vào mối nghi ngờ rằng những người làm ra các sản phẩm đó phải chịu những xâm hại về nhân quyền.
Các lệnh này được áp dụng để tạm giữ các container hàng tại các cảng nhập cảnh ở Hoa Kỳ cho đến khi CBP có thể điều tra về những cáo buộc.
Lô hàng bị thu giữ hôm 1/7 gồm các sản phẩm do công ty Lop County Meixin Hair Product sản xuất.
Hồi tháng 5, một vụ thu giữ hàng tương tự đã được thực hiện đối với công ty Hetian Haolin Hair Accessories, mặc dù hàng của công ty này là tóc bện từ sợi tổng hợp, không phải tóc người, CBP cho biết.
Cả hai hãng xuất khẩu này đều ở Tân Cương, tỉnh vùng xa ở miền tây Trung Quốc. Tại đó, trong 4 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã giam cầm khoảng 1 triệu người dân tộc thiểu số Tuốc, hoặc hơn thế.
Những người dân tộc thiểu số bị giam trong các trại tập trung và các nhà tù, ở đó, họ bị nhồi sọ về tư tưởng, buộc phải bỏ đạo và từ bỏ ngôn ngữ của họ, cũng như bị xâm hại thân thể.
Trung Quốc lâu nay vẫn ngờ vực rằng người Duy Ngô Nhĩ, chủ yếu theo đạo Hồi, có khuynh hướng ly khai vì khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo.
Các bài tường thuật của AP và các hãng tin khác nhiều lần cho thấy rằng những người ở bên trong các trại giam và nhà tù, mà các nhà hoạt động gọi là "các nhà máy hắc ám", phải gia công đồ thể thao và quần áo cho các thương hiệu nổi tiếng của Hoa Kỳ.
(AP, Time, Fox News)