Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/07/2024

Điểm báo Pháp - Donald Trump bị ám sát hụt

RFI tiếng Việt

Donald Trump bị ám sát hụt : "Ngạc nhiên tháng Bảy" ?

Trả lời Libération ngày 15/07/2024, nhà sử học Romain Huret nhận định, Donald Trump "đã nhanh chóng hiểu được có thể thủ lợi từ vụ tấn công". Người ta thường nói về "ngạc nhiên tháng Mười" có thể làm xoay chuyển cuộc bầu cử, và đây có thể là ngạc nhiên của tháng Bảy.  

trump1

Ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump được các nhân viên mật vụ bao quanh bảo vệ sau vụ nổ súng ở Butler, Pennsylvania ngày 13/07/2024. Tuy khuôn mặt nhuốm máu vì bị thương ở vành tai phải, ông Trump vẫn giơ nắm đấm, một hình ảnh sẽ đi vào lịch sử. Reuters - Brendan McDermid

Ngoại trừ Le Monde ra từ cuối tuần trước, sự kiện ứng cử viên tổng thống Donald Trump bị ám sát hụt chiếm trang nhất tất cả các nhật báo hôm nay. Libération đăng cận cảnh khuôn mặt loang máu của ông Trump với dòng tít "Donald Trump, một lịch sử bạo lực ", coi đây là một trận động đất chính trị. Trang nhất La Croix là ảnh ông Trump giữa các vệ sĩ sau vụ nổ súng, nhấn mạnh đến "Nạn dịch bạo lực chính trị". Le Figaro nói về "Vụ tấn công có thể làm xoay chuyển cuộc bầu cử tổng thống" với hình ảnh Donald Trump đang giơ cao nắm đấm. Cũng với tấm ảnh này, Les Echos đưa tít "Bầu cử Mỹ, vụ tấn công đã xào lại ván bài".

Súng đạn, bạo lực : Căn bệnh của nền dân chủ Mỹ

Trong bài xã luận "Nền dân chủ bị thương", La Croix ghi nhận, cái tin Donald Trump bị bắn trong chớp mắt đã được loan truyền trên khắp thế giới. Đang diễn thuyết trong cuộc mít-tinh để vận động tranh cử, cựu tổng thống bị một tay súng nhắm vào, tuy ông chỉ bị thương ở tai nhưng một người tham dự đã thiệt mạng, hai người khác bị thương, hung thủ bị bắn hạ. Vụ ám sát hụt này cho thấy nền dân chủ Mỹ bệnh hoạn như thế nào.

Cả nước có gần 400 triệu khẩu súng, kể từ 2020 đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em và thiếu niên, cứ năm người Mỹ thì một người có thân nhân chết vì súng đạn. Một căn bệnh khác là bạo lực về thể xác và ngôn từ chống lại các chính khách. Hiện tượng này không có gì mới : bốn tổng thống Mỹ đã bị ám sát trong nhiệm kỳ như Abraham Lincoln hay John Fitzgerald Kennedy. Số khác phải chịu đựng hàng loạt vụ mưu sát như Richard Nixon hay Barack Obama.

Nhưng lần này, việc Donald Trump lại chạy đua vào Nhà Trắng, tính dân túy, thói quen cường điệu và những tấn công vào các định chế làm tổn thương sâu sắc đất nước. Nền dân chủ và cử tri Mỹ xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn. Hôm qua, sau khi được sơ tán, Donald Trump đã kêu gọi đoàn kết, trong khi ông Joe Biden cổ vũ mỗi người nên lên án bạo lực.

Trump, võ sĩ giác đấu

Le Figaro nhấn mạnh đến hình ảnh Donald Trump, một bên tai chảy máu, vừa thoát khỏi âm mưu ám sát, đã giơ cao nắm đấm về phía đám đông ủng hộ đang hô vang "USA, USA !". Khoảnh khắc khó tin này sẽ là điểm xoay chuyển cuộc bầu cử hay chăng ? Hãy còn quá sớm để nhận định, nhưng điều chắc chắn duy nhất là người đưa ra khẩu hiệu "America first" xuất hiện trong đại hội đảng Cộng hòa ở Milwaukee như "một võ sĩ giác đấu trên đấu trường", với khán giả hừng hực khí thế. Những người còn do dự cuối cùng trong đảng sẽ đứng về phía Trump. Cảm xúc sẽ chiến thắng lý trí chăng ? Các đối thủ của ông chỉ có thể tố cáo bạo lực mà thôi.

Nghịch lý là ở đó. Từ khi lên ngôi một cách ồn ào năm 2016, Donald Trump gây căng thẳng trong một nước Mỹ chia làm hai phe thù nghịch. Không chịu công nhận thất bại năm 2020, người được cho là bảo đảm Hiến pháp Mỹ lại cổ vũ cho vụ tấn công đồi Capitol. Joe Biden hứa hẹn "hàn gắn" đất nước, nhưng rõ ràng ông không đạt được. Nung nấu phục thù, Donald Trump vẫn tự coi là nạn nhân của một hệ thống chính trị, vụ ám sát hụt này có thể củng cố lý lẽ của ông theo một cách nào đó.

Tòa án Tối cao hôm 01/07 còn đưa ra phán quyết có lợi cho Trump, gây lo ngại về một nhiệm kỳ thứ hai của ông. Đối mặt với Donald Trump, Joe Biden dù kết quả về kinh tế rất khả quan, đối nội và đối ngoại ổn thỏa, nhưng sức khỏe giảm sút. Phe Dân chủ nghi ngờ ông khó thể đi đến cùng nhiệm kỳ thứ hai. Sau cú sốc cuối tuần qua, sự tương phản càng cao : người thì xuống dốc, người kia ngẩng đầu dậy.

Hình ảnh sẽ đi vào lịch sử  

Tương tự, Libération cho rằng "Một nắm đấm giơ cao nói lên rất nhiều về tương lai". Một hình ảnh lịch sử đánh dấu khởi đầu một kỷ nguyên bạo lực và chống lại bạo lực ở Hoa Kỳ. Bị thương ở tai, bị mật vụ đè xuống đất, một giòng máu chảy trên mặt, bị hối thúc rời khỏi khán đài, lẩm bẩm những câu về đôi giày... rồi Donald Trump bỗng được bản năng thúc giục : đứng dậy, giơ nắm đấm lên nhiều lần hướng về một kẻ thù vô hình trước camera, với những tiếng hoan hô của người ủng hộ.

Một động thái thách thức tối hậu, sẽ lưu lại trong lịch sử, bởi vì những cuộc mít-tinh của Donald Trump thường hằn dấu bạo lực, nhưng theo chiều ngược lại, mà điển hình là vụ xông vào tòa nhà Quốc hội. Một số người biểu tình còn dựng lên giá treo cổ đòi hỏi tội chủ tịch Quốc hội Nancy Pelosi, hay phó tổng thống Mike Pence.

Tỉ phú Elon Musk, người đã mua lại mạng xã hội Twitter chưa đầy 1 giờ sau vụ mưu sát, đã lên tiếng ủng hộ Donald Trump, theo nhật báo thiên tả không phải là tình cờ. Dưới sự cổ vũ liên tục của ứng cử viên Cộng hòa, Hoa Kỳ trong những năm gần đây, một dạng nội chiến đang chậm chạp diễn ra, được nuôi dưỡng bằng thù hận trên mạng xã hội. Những nhà lãnh đạo có lương tri cần chận đứng leo thang bạo lực kẻo hậu quả còn nặng nề hơn nữa.

"Ngạc nhiên tháng Bảy" : Vụ ám sát hụt làm tăng cơ may đắc cử cho Trump

Trả lời Libération, nhà sử học Romain Huret nhận định, Donald Trump "đã nhanh chóng hiểu được có thể thủ lợi từ vụ tấn công". Người ta thường nói về "ngạc nhiên tháng Mười" có thể làm xoay chuyển cuộc bầu cử, và đây có thể là ngạc nhiên của tháng Bảy.  Những cáo buộc phát-xít và bạo lực nay có thể dùng để quay ngược lại vào các đối thủ, còn Trump là nạn nhân.

Trong "phép lạ" này, những người theo Tin Lành có thể cho rằng Donald Trump được Thượng Đế che chở. Dù bị thương nhưng vẫn hô "Chiến đấu", ngược hẳn với những khó khăn khi phát biểu của Joe Biden. Trong quá khứ, vụ ám sát hụt tổng thống Ronald Reagan khiến ông càng được mến chuộng, và ở Brazil ứng cử viên dân túy Jair Bolsonaro sau khi bị tấn công bằng dao, cũng giành được thắng lợi.

Les Echos cũng cho rằng vụ ám sát hụt làm gia tăng cơ may đắc cử của Donald Trump, với hình ảnh bị thương nhưng vẫn giơ cao nắm tay, với lá cờ Mỹ phía sau, thách thức số phận. Ông Trump đã được dự báo sẽ thắng cử trước Joe Biden sau vụ tranh luận trên truyền hình cách đây hai tuần. Nhưng nay ông còn được một bộ phận dân Mỹ coi là người tử đạo, hơn nữa, là người hùng.

Định mệnh như đã mỉm cười với Donald Trump. Cựu ứng cử viên Nikki Haley rốt cuộc cũng ủng hộ ông, tỉ phú công nghệ Elon Musk chính thức đứng về phía Trump. Wall Street hoan nghênh một nhà lãnh đạo muốn giảm thuế và tăng sản lượng dầu khí, giá bitcoin vượt ngưỡng 60.000 sau vụ ám sát. Các cuộc thăm dò chưa đưa ra kết quả gì mới, nhưng ván cờ đã thay đổi. Đảng Dân chủ cần phải nỗ lực rất lớn trước ứng cử viên của Cộng hòa.

Lợi dụng lúc giao thời, Orban đi gặp các kẻ thù của NATO và EU

Tại Châu Âu, Le Monde nói về "Những động thái đáng ngại của Viktor Orban". Vừa nhậm chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu (EU), thủ tướng Hungary đã vội vã đi gặp Vladimir Putin, Tập Cận Bình và Donald Trump. Những chuyến đi này hoàn toàn tự ý, không được EU giao nhiệm vụ, và có thể gây thiệt hại cho Châu Âu. Với cái cớ thực hiện "sứ mệnh hòa bình" tự giao phó, Viktor Orban tạo ra hai vấn đề cho các đối tác Châu Âu : vừa không phải là sứ vụ, vừa vượt quá những giới hạn mà phương Tây đặt ra trong quan hệ với Vladimir Putin - người đã xâm lăng Ukraine và đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã vì tội ác chiến tranh.

Sau khi gặp ông chủ điện Kremlin, Orban đến Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình và sang Florida gặp Donald Trump đến lần thứ hai. Trong thời gian kỷ lục, thủ tướng Hungary đã lập được chiến tích là tiếp xúc với tất cả kẻ thù của NATO và EU. Trong khi đó hiệp ước Amsterdam quy định các quốc gia thành viên phải "tránh tất cả mọi hành động đi ngược lại lợi ích của Liên hiệp".

Viktor Orban lợi dụng lúc giao thời ở thượng tầng EU. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel sắp trao quyền cho Antonio Costa, còn chủ tịch mãn nhiệm của Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và thủ tướng Estonia Kaja Kallas phải đợi Nghị viện Châu Âu thông qua để chính thức nhận nhiệm vụ. Thủ tướng Hungary muốn chứng tỏ không bị cô lập, và việc cùng với cực hữu Pháp lập ra nhóm "Ái Quốc" tại Nghị viện Châu Âu, "Make Europe Great Again", câu khẩu hiệu copy từ Donald Trump tỏ ra phản nghĩa.

Kinh tế xuống dốc, Tập Cận Bình thanh trừng

Nhìn sang Châu Á, Le Monde, Le Figaro  Les Echos đều quan tâm đến tình trạng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, vào lúc Hội nghị trung ương Đảng cộng sản khai mạc hôm nay, trong không khí nặng nề của thanh trừng. Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) và Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), hai cựu bộ trưởng quốc phòng đã bị Bộ Chính trị khai trừ đảng hôm 27/06 – một động thái chưa từng thấy kể cả dưới thời Mao. Một số nhà quan sát cho rằng loan báo trên là lời cảnh cáo của ông Tập cho các quan lại đỏ, vào lúc nền kinh tế đang chồng chất khó khăn.

Hội nghị trung ương lần này, được tổ chức trễ mất 9 tháng, diễn ra bốn ngày với trên 300 cán bộ đảng cao cấp, nhằm hoạch định chiến lược kinh tế cho thập niên tới. Nhà nghiên cứu Trần Cương (Chen Gang) của đại học quốc gia Singapore (NUS) nhận định : "Đó là sự kiện chính trị quan trọng, vì trong nội bộ vẫn có những chống đối về các chọn lựa kinh tế và đối ngoại. Tập Cận Bình muốn chứng tỏ có thể áp đặt đường hướng". Nhiều nhà Trung Quốc học cho rằng việc hoãn hội nghị mà không giải thích cho thấy có những bất đồng, người lãnh đạo chần chừ, trong khi những con số tệ hại dồn dập đến. Đối với một chuyên gia khác, đó là do ông Tập coi trọng an ninh hơn kinh tế.

Theo truyền thống, Hội nghị trung ương lần thứ ba trong nhiệm kỳ được dành cho các vấn đề kinh tế, và đôi khi dẫn đến những bước ngoặt quan trọng. Chẳng hạn năm 1978, Đặng Tiểu Bình mở cửa cho tư bản, năm 1993 Trung Quốc hội nhập toàn cầu hóa. Năm 2013 khi vừa lên ngôi, Tập Cận Bình nói rằng sẽ dành vai trò "trung tâm" cho thị trường, nhưng nay ông ta quay lui, muốn Nhà nước tăng cường kiểm soát, ưu tiên cho quốc doanh. Đã có 68 tỉ đô la vốn đầu tư rút khỏi Trung Quốc năm 2023, cho thấy sự lo ngại của các nhà đầu tư ngoại quốc.

Ông Jörge Wuttke, chủ tịch danh dự Phòng thương mại EU ở Bắc Kinh, giải thích với Le Figaro : "Vấn đề là lãnh đạo không muốn nhìn nhận đang có khủng hoảng. Đa số cán bộ cao cấp lo lắng vì họ hiểu chuyện, nhưng Bộ Chính trị nhìn theo cách khác, và cấp dưới phải tuân theo". Ông Trần Cương dự báo : "Hội nghị trung ương sẽ loan báo những cải cách, nhưng không phải là những gì mà khối tư nhân chờ đợi. Nhà nước sẽ kiểm soát nhiều hơn".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 5 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)