Sớm kết nạp Ukraine vào NATO : Cách tốt nhất để chấm dứt chiến tranh
Trên báo mạng Le Monde ngày 01/09/2024, trong mục Diễn đàn, nhà sử học Antoine Arjakovsky nhấn mạnh, "Để chấm dứt cuộc xâm lăng của Nga, giải pháp hiệu quả nhất là hội nhập Ukraine vào NATO ngay từ năm 2025".
Một quân nhân thuộc lữ đoàn nhảy dù 25 của Ukraine phóng đi một drone tác chiến gần Pokrovsk thuộc Donetsk, ngày 31/08/2024. Reuters - Serhii Nuzhnenko
Trận mưa hỏa tiễn ở Kharkiv sau một tháng rưỡi yên tĩnh
Về tình hình Ukraine, phóng sự của Le Monde mô tả "Kharkiv phải chịu đựng trận mưa hỏa tiễn". Sau sáu tuần lễ yên tĩnh, thành phố lớn thứ nhì Ukraine lại bị oanh tạc ồ ạt trước ngày tựu trường, làm 6 thường dân thiệt mạng và 47 người bị thương trong đó có 7 trẻ em.
Vào lúc 13 giờ hôm Chủ nhật 01/09, bọn trẻ đang vui chơi ở khu chợ Barabashovo ở Kharkiv thì nghe tiếng còi báo động, và hai tiếng nổ rất lớn, tất cả mọi người lao vào métro gần đó. Hai hỏa tiễn đạn đạo vừa rơi xuống trung tâm thương mại Chudho, cách một trạm métro. Kharkiv nằm cách biên giới Nga chỉ 25 kilomet. Sáu hỏa tiễn khác phá hủy Cung thể thao Kharkiv nằm ở khu phố trung tâm Nemychliansky. Đây là một phức hợp 4.000 chỗ với sân dành cho khúc côn cầu trên băng, sân bóng rổ... và từ một năm qua còn là trung tâm phân phối thực phẩm, tổ chức lễ Noël cho trẻ em. Đúng theo kiểu Nga - đánh hai lần vào cùng một chỗ - đội cấp cứu đến nơi thì bị tấn công bằng rốc-kết.
Trước đó hôm thứ Sáu 30/08 tại Kharkiv có 97 người bị thương và 6 người thiệt mạng vì bom Nga, trong đó có một em gái 14 tuổi bị đứt mất đầu lúc đang ngồi trên băng ghế ở quảng trường. Trên một băng ghế khác ở đại lộ Yuryev, Veronika Kozhushko, một nữ họa sĩ trẻ tóc vàng cũng thiệt mạng vì mảnh hỏa tiễn hành trình. Theo báo chí Nga, những vụ oanh tạc vào khu dân cư mới đây nhằm trả đũa việc drone Ukraine đánh vào các nhà máy điện và nhà máy lọc dầu, trong đó có một nhà máy cách điện Kremlin chỉ có 16 kilomet.
Thường dân di tản, Pokrovsk chỉ còn lính tráng
Còn tại Pokrovsk ở Donbass, đặc phái viên Le Monde nhận xét thành phố đang biến thành trại lính. Những trận đánh ngày càng tiến gần, cư dân đành phải di tản, bỏ lại phía sau những tài sản dành dụm cả đời. Trong khi hỏa tiễn Nga vẫn bay qua thành phố, hành lang bệnh viện Pokrovsk vắng vẻ : bệnh nhân đã được chuyển đi, bác sĩ y tá cũng sẽ ra đi. Ở khu trung tâm, đội ngũ cấp cứu đào bới những đống gạch vụn để tìm người sống sót. Đáng ngạc nhiên là chợ Pokrovsk vẫn còn mua bán trong khi quân Nga chỉ còn cách đó vài cây số. Khách hàng đến mua bánh mì, trái cây, đồ hộp… là quân nhân.
Cảnh sát tuần tra trên đường phố, nhắc nhở lệnh di tản hôm 19/08 của thống đốc Donetsk. Thông báo được phát trên loa, cảnh sát đi gõ cửa từng nhà. Tuy nhiên chính quyền không bắt buộc ai phải ra đi, trừ những gia đình có con nhỏ được thúc giục đến nơi an toàn. Những ai thích ở lại phải chấp nhận rủi ro. Một người dân cho biết cũng như tại các thành phố khác ở Donbass, vẫn có một số người không chịu đi. Hoặc là người già khó di chuyển, hoặc không có người thân nơi khác, hoặc là số chờ đợi quân Nga, ước tính khoảng 10%, thường là có cảm tình với Liên Xô cũ. Ở nhà ga, chuyến xe lửa đã sẵn sàng, những khuôn mặt buồn thảm. Một số trẻ em mang theo mèo hay két làm bạn, nhà báo Pháp ghi nhận chỉ có mỗi một bé gái là còn nở được một nụ cười.
Thường dân ra đi, Pokrovsk dần trở thành một trại lính. Những đơn vị thiện chiến đã tham gia chiến dịch Kursk, các chiến binh còn lại ít có kinh nghiệm nhưng vẫn cố gắng, trung bình một phải chống mười. Chưa bao giờ tỉ lệ chênh lệch đến thế, ngay cả ở Bakhmut. Điều nghịch lý là Pokrovsk lại ít bị oanh tạc hơn các thành phố khác, có lẽ Moskva hy vọng chiếm được thành phố nguyên vẹn, khác với Lysychansk chỉ còn là bình địa cách đây hai năm. Một chiến sĩ ẩn danh thổ lộ, quân Nga thiệt hại nhiều hơn Ukraine, nhưng họ quá đông.
Lviv và giấc mơ "Thung lũng Silicon" của Ukraine
Vốn là trung tâm công nghệ trước chiến tranh, thành phố Lviv với hai trường đại học và được sự tiếp sức của các nhà tài trợ quốc tế, hiện tập trung phục vụ cho quân đội. Les Echos cho biết Câu lạc bộ các nhà đầu tư tại đây đã rót vốn vào các start-up như Himera chuyên phát triển hệ thống liên lạc quân sự, hay Buntar Aeroposace chuyên về giám sát trên không. Hai năm sau khi quân xâm lược Nga tràn sang, một số đầu tư ngoại quốc đã rút về Hoa Kỳ hay chuyển sang Ba Lan.
Những công ty còn ở lại ban đầu chỉ cố gắng sống sót, và dần dà được trợ giúp để đẩy nhanh tiến trình quốc tế hóa, tìm thị trường và nguồn tài chánh mới. Chẳng hạn start-up I3 Engineering, sản xuất hệ thống kiểm soát nhà cửa từ xa. Sáu tháng sau cuộc xâm lăng, chẳng ai còn muốn mua trang thiết bị gia đình khi bom đạn đầy trời. Công ty hướng sang xuất khẩu, và nay đã có các nhà phân phối ở các nước Baltic, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha, Koweit.
Hùng mạnh hơn, nhưng phương Tây tránh đối đầu với Nga
Trên Le Monde, nhà sử học Antoine Arjakovsky nhấn mạnh, "Để chấm dứt cuộc xâm lăng của Nga, giải pháp hiệu quả nhất là hội nhập Ukraine vào NATO ngay từ năm 2025".
Ngày 26/08, một lần nữa Ukraine lại bị Nga tấn công tàn bạo. Hầu như toàn quốc đều chịu một trận mưa hỏa tiễn và drone, nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng bị phá hủy. Mục tiêu rõ ràng là khủng bố người dân, và làm họ lạnh cóng trong mùa đông tới.
Ngay từ tháng 2/2022 người Ukraine đã kêu gào là không phận của họ cần được bảo vệ cũng như phải được tấn công vào các mục tiêu Nga, nhưng phương Tây vẫn như người ngoại cuộc. Trong khi cuộc chiến tranh đa diện của Nga chống lại phương Tây là chưa từng thấy : tấn công tin học ồ ạt, tổ chức cho di dân vượt biên, ám sát, làm săng-ta về năng lượng, đẩy lùi ảnh hưởng Pháp tại Châu Phi, tài trợ cho tất cả những nhóm chống lại dân chủ từ Đức đến Tân Calédonie… Kremlin còn muốn NATO ngưng kết nạp thêm thành viên.
Hiện nay Liên Hiệp Châu Âu (Liên Âu-EU) chỉ dành chưa đầy 0,1% nguồn lực để viện trợ quân sự cho Ukraine. Không thể đẩy lùi độc tài toàn trị, diệt chủng bằng cách tránh né đối đầu, nhất là khi người ta mạnh hơn. Giải pháp tốt nhất được Pháp ủng hộ là kết nạp Ukraine vào NATO trong hội nghị thượng đỉnh lần tới ở La Haye.
Ukraine, quân đội thiện chiến nhất Châu Âu
Cho đến nay, một số nước như Hoa Kỳ và Đức phản đối để tránh "leo thang" và vì "NATO không thể nhận một nước mà biên giới đang tranh chấp". Hai lý lẽ này bị các chuyên gia giỏi nhất của NATO bác bỏ, từ Petr Pavel, đương kim tổng thống Cộng hòa Czech (nguyên là chủ tịch ủy ban quân sự của Liên minh), Anders Fogh Rasmussen, cựu tổng thư ký NATO cho tới Kurt Volker, cựu đại sứ Mỹ tại Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Theo đó, Nga đã leo thang đến mức tối đa : từ 36 tháng qua vẫn oanh tạc hàng ngày vào thường dân kể cả bệnh viện nhi. Về đe dọa thả bom nguyên tử chiến thuật xuống Ukraine, chỉ dẫn đến hồi kết của chế độ Putin. Trung Quốc cũng như Hoa Kỳ đã cảnh báo Nga là sẽ trả đũa lập tức, hơn nữa, hành động này ít ý nghĩa về mặt quân sự. Còn về pháp lý, Cộng hòa Liên bang Đức đã được kết nạp vào NATO năm 1955, ngay trong chiến tranh lạnh, lúc đó Đông Đức đang bị Liên Xô chiếm đóng. Sự kiện này tạo thuận lợi cho dân chủ hóa nước Đức và cuối cùng là thống nhất đất nước năm 1990.
Tác giả Antoine Arjakovsky cho rằng nếu kết nạp Ukraine, sẽ chứng tỏ quyết tâm của thế giới tự do, chấm dứt việc Moskva tác oai tác quái mà không bị trừng trị. Không nhất thiết phải gởi quân NATO đến Ukraine : điều 5 không bắt buộc việc này. Ngược lại, NATO có thể giúp Kiev lập vùng cấm bay.
Hội nhập vào NATO một quân đội thiện chiến nhất Châu Âu trong chiến tranh tổng lực, sẽ là lợi thế quý giá cho Liên minh, đồng thời tránh nguy cơ đội quân này trở thành kẻ thù nếu Ukraine bại trận, và bảo đảm được an ninh lương thực ở Hắc Hải. Dằn mặt Nga ngay bây giờ, phương Tây tránh được cuộc đối đầu kéo dài nhiều thập niên, tiết kiệm được nhiều trăm tỉ euro. Hiện nay, 32 nước thành viên NATO có phương tiện để cấm quân Nga oanh tạc Ukraine, còn nếu chần chờ, sẽ phải tốn kém nhiều hơn nữa.
Thăm Mông Cổ, Putin thách thức ICC và gây khó cho chủ nhà
Le Monde nhận xét, chuyến thăm của Vladimir Putin gây bối rối cho nước chủ nhà Mông Cổ. Đây là lần đầu tiên một quốc gia thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tiếp đón tổng thống Nga, kể từ khi cơ quan này phát lệnh truy nã Putin hồi tháng 3/2023.
Nguy cơ nhà độc tài Nga bị bắt giữ hầu như không có, chuyến thăm được chính phủ Mông Cổ chính thức loan báo, phát ngôn viên Kremlin nói rằng "không lo lắng gì". Về mặt công khai thì tổng thống Liên bang Nga đến để dự kỷ niệm 85 năm chiến thắng xô-viết trong trận Khalkhin-Gol năm 1939, khi hai nước cùng đẩy lui được quân Nhật ở cực đông Mông Cổ. Trên thực tế, với chuyến đi Ulan-Bator, Putin muốn chứng tỏ sự yếu kém của luật pháp quốc tế.
Nam Phi cũng là thành viên ICC, hồi tháng 8/2023 cũng nhận được yêu cầu của Vladimir Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tổ chức tại Johannesburg, nhưng thuyết phục được ông chủ điện Kremlin dự họp qua video. Mông Cổ, bị kẹt giữa hai láng giềng khổng lồ là Nga và Trung Quốc, không thể làm được như Nam Phi, vì phải nhập 20% lượng điện từ Nga. Hồi mùa đông 2023-2024 vốn vô cùng khắc nghiệt tại một trong những quốc gia có thời tiết lạnh giá nhất thế giới, nhiều thành phố Mông Cổ đã phải cúp điện luân phiên, vì Nga nói rằng gặp trục trặc kỹ thuật.
Cực hữu thắng thế ở miền đông nước Đức
Về chính trị nước Đức, các báo đều lo ngại khi đảng cực hữu AfD thắng thế ở bang Thüringen (Pháp gọi là Thuringe) và Sachsen (Saxe). Theo Le Monde, các nhà lãnh đạo cánh hữu cũng như cánh tả không thể để một tổ chức có quan điểm kỳ thị chủng tộc và dân tộc chủ nghĩa mở rộng ảnh hưởng.
Lần đầu tiên kể từ Đệ nhị Thế chiến, cực hữu về đầu tại bang Thüringen với 33% số phiếu, và suýt soán ngôi của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) ở Sachsen với 30%. Đối với liên minh cầm quyền của thủ tướng Olaf Scholz, kết quả hôm Chủ nhật là thảm họa : cả ba đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Tự do (FDP) chỉ đạt hơn 10%, bị trừng phạt vì lạm phát, nhập cư bất hợp pháp và an ninh. Nhờ đó Alliance Sahra Wagenknecht - đảng do một cựu thủ lãnh cánh tả Die Linke mới thành lập được 7 tháng - vượt lên trên, đảng này đòi ngưng viện trợ vũ khí cho Ukraine và xích lại gần Nga.
Cả hai bang Sachsen và Thüringen chỉ có 6 triệu dân, tương đương 7% dân số Đức, nhưng kết quả vừa rồi không thể coi nhẹ. Trước hết vì cực hữu cũng đang lên ở miền tây, và lực lượng tại hai bang trên là cực đoan nhất. Thủ lãnh Björn Höcke đã hai lần bị kết án vì sử dụng khẩu hiệu của SA (đảng Quốc xã Sturmabteilung) thời Hitler. Les Echos cho biết thêm, khác với đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc (RN) đang cố trình ra một khuôn mặt bình thường hơn, đảng AfD không ngần ngại công khai khuếch trương các ý tưởng cực đoan. Đến nỗi cực hữu Pháp quyết định cắt đứt liên minh với cực hữu Đức tại Nghị Viện Châu Âu, khi người đứng đầu là Maximilian Krah khẳng định "Một SS không nhất thiết là một tội phạm".
Một đảng mới lập được 11 năm đạt được tỉ lệ phiếu cao như vậy tại một nước như Đức là rất đáng lo, trước quá khứ, trọng lượng dân số và kinh tế của quốc gia này ở Châu Âu. Các chính khách, giới tinh hoa Đức có trách nhiệm lớn trong cuộc bầu cử thủ tướng sang năm. Trật tự dân chủ tự do mà nước Đức dựa vào để đứng dậy sau thảm họa Đệ tam quốc xã, không thể bị phá hoại.
Ai sẽ là tân thủ tướng Pháp ?
Chức thủ tướng Pháp vẫn bỏ ngỏ : Sau những cái tên như Bernard Cazeneuve, Xavier Bertrand, tổng thống Emmanuel Macron gặp tiếp một nhân vật xuất thân từ xã hội dân sự là Thierry Beaudet, sau khi đã tham khảo hai cựu tổng thống François Hollande và Nicolas Sarkozy. Le Figaro đưa tít trang nhất "Điện Matignon : Những dàn xếp cuối cùng trong tình trạng mù mờ". Libération bình luận "Đã đến lúc nước Pháp cần có một thủ tướng".
Người được chọn cần đáp ứng nhiều tiêu chí, trước hết là quá trình hoạt động chính trị. Ông Bernard Cazeneuve (cánh tả) từng là thủ tướng, nhiều lần làm bộ trưởng, và là cựu thị trưởng Cherbourg. Ông Xavier Bertrand (cánh hữu) cũng từng là thị trưởng, lãnh đạo vùng Hauts-de-France, nhiều lần làm bộ trưởng. Thủ tướng tương lai còn phải tránh được kiến nghị bất tín nhiệm ít nhất một năm, trong thời gian đó tổng thống không được phép giản tán chính phủ lần nữa. Chương trình hành động cũng mang tính quyết định. Theo Libération, để làm được nhiệm vụ tế nhị này, phải là các chính khách chuyên nghiệp.
Thụy My