Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/07/2023

Điểm báo Pháp - Cánh cửa NATO hé mở cho Ukraine

RFI tiếng Việt

Sau 500 ngày chiến đấu, cánh cửa NATO dần hé mở cho Ukraine ?

Năm trăm ngày sau khi Nga kéo quân sang xâm lược Ukraine, hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius lần này được coi là lịch sử, với nhiều chủ đề nóng bỏng, trong đó Ukraine đứng hàng đầu. Libération hôm này 10/07/2023 dẫn lời tổng thư ký Jens Stoltenberg : "Những gì chúng ta quyết định làm hay không làm hôm nay sẽ thay đổi bộ mặt thế giới trong những thập niên tới".

uknato1

Lá cờ NATO và quốc kỳ Ukraine. AFP –

Từ nhiều tuần qua đã có những buổi thảo luận giữa 31 nước thành viên và cả một số cuộc song phương. Nhà nghiên cứu Camille Grand phân tích, hội nghị này là dịp lý tưởng để chứng tỏ sự đoàn kết với Ukraine, bản dự thảo thông cáo chung đang được thảo luận hứa hẹn những bất ngờ.

Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương là một hiệp ước quốc phòng tập thể lập ra năm 1949 trước lo ngại Liên Xô tấn công Tây Âu. NATO mở rộng năm 1997 sau cuộc chiến Chechnya theo yêu cầu các nước láng giềng của Nga, và sau khi Crimea bị chiếm năm 2014, quân đồng minh được tăng cường ở sườn phía đông. Cho dù theo nguyên tắc đồng thuận, trên thực tế Hoa Kỳ đưa ra những tiêu chuẩn quân sự và các nước nhỏ chấp thuận - những nước này không thể gởi phái đoàn tham dự cả trăm cuộc họp hàng tuần. Nhìn chung có ba khối trong NATO : Đông Âu luôn cảnh giác với Nga, Bắc Âu thường có cùng quan điểm với Anh, và Nam Âu trong đó có Pháp.

Tìm kiếm một sự bảo đảm lâu dài cho Kiev

Vấn đề gai góc nhất là việc kết nạp Kiev, được 90% dân chúng Ukraine ủng hộ, các nước Baltic, Trung Âu và Đông Âu đang gây áp lực. Khác với hội nghị Bucarest năm 2008, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ có thái độ thuận lợi, nhưng Đức và Hoa Kỳ ngần ngại. Ông Stoltenberg bác bỏ việc NATO chính thức đưa ra lời mời gia nhập, nhưng nếu buộc Kiev phải chờ đến khi chấm dứt chiến tranh, sẽ có nguy cơ thúc đẩy Vladimir Putin kéo dài cuộc chiến.

Libération dẫn lời đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith, cho rằng nếu tổng thống Volodymyr Zelensky chịu đến dự, sẽ có được sự ủng hộ mạnh mẽ. Điều chắc chắn là một Hội đồng NATO-Ukraine sẽ được thành lập. Kiev đòi hỏi những bảo đảm an ninh cụ thể để tự vệ, sẽ thương thảo với một số quốc gia thành viên (chưa biết là những nước nào), nhằm được hỗ trợ trong thời gian dài mà không sợ lệ thuộc vào các kỳ bầu cử hay dư luận đổi chiều.

Trong kỳ họp này, việc kết nạp Thụy Điển đang bị treo vì Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Lần đầu tiên từ 1999 sẽ đề ra các kế hoạch quân sự bí mật cấp khu vực, để chuẩn bị đối phó với nhiều dạng nguy cơ khác nhau, trên mọi mặt trận và theo nhiều kịch bản. Đặc biệt NATO còn nhìn sang Ấn Độ-Thái Bình Dương : bốn nước trong khu vực (Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, New Zealand) hai năm liên tiếp được mời tham dự, do e sợ tham vọng Trung Quốc.

NATO chú ý đến Châu Á, Trung Quốc lo sợ

Về phía Bắc Kinh cáo buộc NATO "dùng các nước Ấn Độ-Thái Bình Dương làm con tin". Trung Quốc theo dõi rất chặt chẽ hội nghị thượng đỉnh NATO, và Le Monde cho rằng việc tổng thư ký Jens Stoltenberg ngồi lại thêm một năm nữa là tin xấu cho ông Tập. Trung Quốc hài lòng trước tình trạng NATO "chết não", và sự thức giấc từ khi Nga xâm lăng Ukraine lại càng làm Bắc Kinh lo sợ hơn vì Liên minh ngày càng quan tâm đến Châu Á.

Khi thăm Tokyo và Seoul hồi đầu năm, ông Stoltenberg giải thích, đó là do sự hiện diện của Trung Quốc trên không gian và thế giới mạng, thiếu vắng những giá trị chung, thái độ hung hăng trên Biển Đông và trong khu vực, chế tạo vũ khí tầm xa, hợp tác ngày càng chặt chẽ với Moskva. Đến tháng Sáu, ông loan báo bốn nước Ấn Độ-Thái Bình Dương trên đây là "đối tác" của NATO. Vương Nghị giận dữ, tìm cách tranh thủ đồng nhiệm Nhật Bản, Hàn Quốc ; bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) tố cáo NATO muốn đối đầu.

Đối với Trung Quốc, vấn đề chính vẫn là Đài Loan. Vài ngày trước hội nghị Vilnius, ông Tập Cận Bình đến Giang Tô thị sát hoạt động của Quân khu miền Đông. Thứ Tư tuần trước, hai chiến hạm Nga đến Thượng Hải để tập trận chung, cuộc thao dợt sẽ kết thúc vào ngày 11/07, đúng vào dịp thượng đỉnh NATO. Một sự tình cờ chăng ?

Ukraine thiếu đạn, bom chùm giúp đẩy nhanh tiến độ phản công

Về việc Mỹ quyết định cung cấp bom chùm (DPICM) dù loại vũ khí này bị tranh cãi, Le Figaro cho rằng đó là do từ đầu cuộc phản công, quân đội Ukraine không hề có được sự yểm trợ của không lực, và phải sử dụng dè sẻn đạn dược. Moskva lập tức nói rằng đây là "hành động tuyệt vọng", "sự thú nhận yếu kém" - một bài học đạo đức đáng kinh ngạc từ kẻ xâm lược đã gây ra cái chết cho nhiều ngàn thường dân. Amanda Sloat, giám đốc phụ trách Châu Âu của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ nhắc lại : "Nga đã sử dụng bom chùm ngay từ đầu cuộc chiến". 

Theo Lầu Năm Góc, tỉ lệ đạn không nổ của loại bom do Mỹ cung cấp chỉ có 2,35%, so với Nga là 30% đến 40%. Đây là giải pháp chuyển tiếp trong khi chờ đợi chi viện những vũ khí khác, có thể giúp phá được các phòng tuyến của Nga. Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Colin Kahl khẳng định thiệt hại sẽ được giảm thiểu. Chính phủ Ukraine cam kết bằng văn bản sẽ không dùng ở những nơi đông dân hay lãnh thổ nước khác, thống kê  những nơi đã sử dụng để sau này có thể tháo gỡ. Hoa Kỳ đã giúp trên 95 triệu đô la cho việc gỡ mìn. Nếu Ukraine giành được thắng lợi, cái giá phải trả sẽ dễ chấp nhận hơn đối với dân chúng vùng được giải phóng.

Le Monde nói thêm, chính quyền Biden đã cân nhắc rất lâu trước khi đáp ứng yêu cầu của Kiev. Trả lời CNN hôm thứ Sáu 07/07, tổng thống Mỹ nhìn nhận đã có một "quyết định khó khăn", vì Ukraine "sắp hết đạn dược". Theo các chuyên gia, nhờ loại bom này quân đội Ukraine sẽ được rộng tay hơn rất nhiều so với trước đây. Giáo sư Charles Kupchan của Council on Foreign Relations nhấn mạnh, lúc này là thời điểm quan trọng trên chiến địa.

Quyết định của Mỹ một lần nữa cho thấy nhu cầu vũ khí của đồng minh rất căng thẳng, sau nỗ lực chưa từng thấy từ tháng 2/2022. Jon Wolfsthal, cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia thời Barack Obama giải thích : "Nếu có đủ đạn thông thường, chúng tôi đã không gởi bom chùm. Lầu Năm Góc đã chi rất nhiều tiền cho vũ khí nguyên tử, tiêm kích thế hệ thứ năm, tàu ngầm và những loại vũ khí tinh vi. Thế nhưng giờ đây lại cần đạn pháo. Chừng như đã đặt cược sai, giờ đây chúng tôi có nhiều loại vũ khí không sử dụng đến, mà lại không có những thứ mình cần". 

Lái Leopard 2 : "Từ xe Liên Xô chuyển sang BMW !"

Trên chiến trường, đặc phái viên Libération ở khu vực Orikhiv và Velyka Novosilka có bài phóng sự "Tại miền nam Ukraine, ở vùng hoạt động của xe tăng Đức và thiết giáp Pháp". Một tháng sau khi khởi đầu cuộc phản công của Kiev, hai nghị sĩ Pháp và Đức đã đến tận nơi những chiếc Leopard 2 và AMX-10 đang chiến đấu.

Andriy, điều khiển một thiết giáp của lữ đoàn cơ giới 33 khẳng định, cá nhân anh không còn muốn leo lên một chiếc T64 nào nữa. "Lái một chiếc Leopard 2, cũng giống như đổi từ xe Jigouli Liên Xô sang BMW". Cách đây một tháng, Andriy và đồng đội có mặt trong đoàn thiết giáp đầu tiên cố gắng xuyên qua phòng tuyến Nga ở phía nam Orikhiv, tỉnh Zaporijia. Họ trở thành mục tiêu của súng phóng lựu chống tăng RPG và pháo, nên không biết đã cán phải mìn, bánh xích bị hư hại, cho đến khi xe không tiến được nữa. Chẳng ai hề hấn gì.

Sự khác biệt giữa xe Liên Xô và các xe tăng mới là một trời một vực. Với Leopard, người lính có thể quan sát 360 độ, không cần phải thò đầu ra quan sát phía sau, chỗ ngồi rất thoải mái. Nghị sĩ Pháp cánh trung Philippe Folliot và dân biểu Đức Marcus Faber (đảng Tự Do FDP) chăm chú lắng nghe lời kể. Họ là những đại biểu Châu Âu hiếm hoi dám đến gần tiền tuyến để tìm hiểu về hiệu quả những vũ khí do nước mình viện trợ.

Quân Nga hoảng loạn khi xe tăng phương Tây tham chiến

Hôm 12/06, một video quay cảnh chiếc Leopard 2 bị hư hại của Andriy đã tràn ngập các mạng xã hội và được chiếu liên tục trên các kênh thông tin Pháp, Đức, với chủ đề "Phải chăng cuộc phản công của Ukraine đang thất bại ?". Có vẻ như các "chuyên gia xa-lông", theo cách gọi của bộ trưởng quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov, chờ đợi phép lạ lập tức từ số vũ khí nhỏ nhoi chi viện.

Viacheslav, sĩ quan lữ đoàn cơ giới 47 cho biết việc đưa Leopard 2 tác chiến là một thành công, giúp các chiến sĩ quay về an toàn là điều quan trọng nhất. "Ngay khi Leopard xuất hiện trên chiến địa, quân Nga trở nên hoảng loạn, họ bắn vào với tất cả những gì có được. Nhờ địch tập trung chú ý vào chúng tôi, bộ binh dễ hoạt động hơn". Một chiếc Leopard thứ hai được giới thiệu cho hai ông Folliot và Faber, đã bị Lancet, một drone tự sát chống tăng của Nga tấn công trực tiếp. Vỏ giáp bị xuyên thủng, các mạch điện tử bị cháy, không hoạt động được trong hai giờ, rồi được sửa chữa và hai tiếng rưỡi sau lại tham gia chiến đấu.

Chiến sĩ "Burghalter" cho biết vấn đề chính là những bãi mìn mênh mông của Nga. Họ thu được sổ tay của một chỉ huy Nga và biết rằng trước mặt tiểu đoàn là 5.000 quả mìn chống tăng, chưa kể số mìn chống cá nhân. Đơn vị phải tiến từng mét một, không có phi pháo yểm trợ. Tại Velyka Novosilka, Vadim thuộc lữ đoàn 37 thủy quân lục chiến cũng cho biết phải hứng chịu pháo không ngơi nghỉ và bị phi cơ, trực thăng Nga oanh kích liên tục. Các xe thiết giáp AMX-10 RC của Pháp có vỏ giáp quá nhẹ tuy rất nhanh gọn, đại bác 105 ly rất chính xác. Người lính thắc mắc vì sao hệ thống chống laser lại bị tháo ra lúc giao cho Ukraine.

Những phản ánh này rất cần thiết, vì một số nhà lãnh đạo đôi khi bị dao động trước tuyên truyền Nga. Dân biểu Marcus Faber cho biết chỉ mới có 50 chiếc Leopard được giao cho Kyiv, trong đó 18 từ Đức, như vậy cứ mỗi 80 kilomet mới có được một chiếc. Ông chỉ trích Áo, Hy Lạp và nhất là Thụy Sĩ gây khó dễ nên chưa thể chi viện 200 chiếc Leopard 1 (thế hệ đầu) cho Ukraine.

Prigozhin "mất tích", Wagner "đi nghỉ hè"

Tại Nga, thông tín viên Les Echos ghi nhận "Prigozhin biến mất, quân ông ta "đang nghỉ hè" : Wagner bị thanh lý một cách bí ẩn". Chỉ hôm trước hôm sau, tấm bảng lớn "Wagner" đã biến khỏi mặt tiền bằng kính của trụ sở rộng mênh mông thuộc sở hữu của Yevgeny Prigozhin. Cơ ngơi 45.000m2 ở ngoại ô Saint-Petersburg được tưng bừng khánh thành năm ngoái. Là trung tâm tuyển lính đánh thuê, tòa nhà còn là nơi làm việc của "đơn vị dư luận viên" và vài công ty khác của tài phiệt này, từ nhà hàng đến xây dựng.

Hai tuần sau vụ "nổi loạn", trong bãi đậu xe còn một chiếc Lada cũ sơn màu kaki ; các ti vi đặt ở sảnh không còn chiếu những phim khoe thành tích Wagner ở Ukraine hay Châu Phi. Các tầng lầu không ánh sáng, các máy tính đều tắt. Và ông chủ không có ở đây. Hôm 03/07, Yevgeny Prigozhin viết trên Telegram hứa sẽ có những chiến thắng mới trên mặt trận, nhưng từ đó đến nay im lặng. "Lotus", tức Anton Yelizarov, một trong những trợ thủ của Prigozhin nói rằng đội quân Wagner đang nghỉ hè "cho đến đầu tháng Tám". Nhà chính trị học Tatiana Stanovaya cho rằng : "Họ đã quyết định khai tử Yevgeny Prigozhin về mặt chính trị", nhưng có thể vẫn để cho ông ta thời gian giải quyết các vụ làm ăn ở Nga mà hầu hết lệ thuộc vào mối liên hệ với Nhà nước.

Báo chí phục vụ chính quyền liên tục đưa ra các phóng sự để bôi bác Yevgeny Prigozhin, đăng những hình ảnh vụ khám nhà ở Saint-Petersburg. Các cổng thông tin của tập đoàn truyền thông Patriot bị chặn, hãng tin RIA FAN vốn rất hiệu quả có thể được giao cho các doanh nhân thân Kremlin. Theo Washington Post, ông chủ Wagner đã quay lại Saint-Petersburg để nhận lại tiền và vũ khí đã bị an ninh tịch thu. Tổng thống Alexander Lukashenko nói Prigozhin không ở trên lãnh thổ Belarus, còn thứ trưởng quốc phòng Leonid Kasinsky tiếp báo chí tại một doanh trại sẽ tiếp nhận quân Wagner : dự trù đón 5.000 người, nhưng cả 300 lều trại hiện trống rỗng.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 293 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)