Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

07/07/2023

Điểm báo Pháp – Mạng xã hội là công cụ kêu gọi nổi loạn ?

RFI tiếng Việt

Mạng xã hội có phải là công cụ kêu gọi nổi loạn ?

Báo chí Pháp hôm 07/07/2023 quan tâm đến nhiều chủ đề khác nhau, như làm sao để kiểm soát mạng xã hội ? Làm sao để giải quyết mâu thuẫn trong cánh tả tại Pháp...

mxh1

Hình ảnh minh họa mạng xã hội. AP - Karl-Josef Hildenbrand

Tờ La Croix dành trang nhất và bài xã luận nói về việc Pháp đang tìm những biện pháp để kiểm soát mạng xã hội. Làm thế nào để kiểm soát mạng xã hội mà không cấm hoàn toàn ? Trong lúc Thượng Viện đang xem xét dự luật kiểm soát không gian kỹ thuật số (nhằm thực hiện các tiêu chuẩn của Châu Âu), một dân biểu đã đề xuất buộc các nền tảng xóa những nội dung "kích động bạo lực" trong vòng hai tiếng đồng hồ. Về phần mình, khi gặp gỡ các thị trưởng bị ảnh hưởng bởi những vụ bạo loạn vừa qua, tổng thống Macron đã không loại trừ khả năng "cắt" mạng xã hội "khi mọi chuyện vượt ra ngoài tầm kiểm soát".

Các mạng xã hội vốn không phải là gốc rễ của sự nổi loạn. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận rằng Twitter, TikTok, Meta (Facebook và Instagram) hoặc Snapchat đã đóng một vai trò then chốt trong việc khuếch đại mọi chuyện. Mặc dù vậy, việc kiểm soát mạng xã hội không hề đơn giản, bởi cho đến thời điểm hiện tại, các nền tảng này vẫn chỉ được coi là "máy chủ" chứ không phải là tác giả của thông điệp được gửi đi. Các nhà quản lý mạng xã hội đang gặp nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật trong việc xác định hoặc xóa những tin nhắn có nội dung gây tranh cãi. Nguyên nhân chính là họ không có đủ nhân viên để đọc và lọc hàng triệu, thậm chí hàng tỷ tin nhắn, bình luận… Ngoài ra, việc kiểm soát mạng xã hội cũng có thể gây ảnh hưởng tới quyền tự do ngôn luận.

Nhật báo công giáo nhận định rằng kiểm soát không có nghĩa là cấm hoàn toàn, và viễn cảnh về một thế giới bị kiểm duyệt như ở Trung Quốc, Iran hay Bắc Triều Tiên vẫn còn xa vời. Nhưng vẫn có nhiều điều cần được thực hiện để Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung bảo đảm việc cân bằng giữa an ninh và tự do.

Thủ lĩnh đảng "Nước Pháp Bất Khuất" dường như đang bị ghẻ lạnh

Tờ Le Figaro dành trang nhất và bài xã luận nói về cánh tả Pháp có thể bị rạn nứt vì lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) Jean-Luc Mélenchon. "Hãy làm tốt hơn nữa" là lời lẽ trong bài phát biểu của Jean-Luc Mélenchon sau khi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống 2022 được công bố. Khi đó, nhiều người nghĩ rằng ông Mélenchon sẽ lui vào hậu trường và để lớp trẻ lên tiếp quản. Có những người khác thì cho rằng nhờ hoạt ngôn và khả năng khiêu khích điêu luyện của mình, ông có thể giành được nhiều phiếu bầu hơn trong những cuộc bầu cử sau đó.

Một tháng rưỡi sau cuộc bầu cử tổng thống, liên đảng cánh tả đối lập Nupes ra đời và giành được kết quả rất khả quan trong cuộc bầu cử Quốc hội – thành công ngoài sức mong đợi đối với Mélenchon. Tuy nhiên, kể từ đó, mọi chuyện đã thay đổi. Dường như vai trò và tiếng nói của lãnh đạo LFI bắt đầu nhạt dần trong mắt các đồng minh của ông tại đảng Xã hội (PS), đảng Cộng sản (PC) và nhiều nhà bảo vệ môi trường. Đảng LFI cũng không phải là ngoại lệ, nơi mà đằng sau hậu trường, ông gạt bỏ bất cứ ai không làm ông vừa lòng. Độc đoán, hay tức giận và khó lường, các cộng sự ngày càng xa lánh Mélenchon.

Các cuộc bạo loạn vừa qua nói lên điều gì ? Các cộng sự của Mélenchon đều biết rằng ông căm ghét nền Đệ ngũ Cộng hòa. Nhưng không ai nghĩ ông lại có tư tưởng chống nền Cộng hòa. Họ biết Mélenchon là người ồn ào và hay khiêu khích, nhưng việc ông từ chối kêu gọi mọi người bình tĩnh, đồng thời không lên án các vụ tấn công vào các tòa thị chính và đồn cảnh sát khiến tình hình trở nên trầm trọng. Mọi người tôn trọng Mélenchon vì ông nhạy bén về chính trị, có khả năng diễn thuyết trước công chúng và có kiến thức uyên thâm, nhưng bây giờ chẳng phải ông đang đi chệch hướng, chẳng phải ông đang đưa cả cánh tả xuống vực ? Dường như xu hướng "chấp nhận bất kỳ ai trừ Mélenchon" đang nổi lên. 

Vậy giờ đây liệu cánh tả có thể tồn tại thiếu Mélenchon ? Ai có thể thay thế ông ? Mọi thứ đều có thể xảy ra từ nay đến năm 2027 khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống.

Bạo loạn chấm dứt, nhưng sau đó ?

Bài xã luận của tờ Libération thì nói về việc tổng thống Emmanuel Macron đang muốn chứng minh với người dân rằng mọi thứ đã ổn định trở lại sau khi các vụ bạo loạn vừa qua đang dần lắng xuống. Nhưng nhật báo thiên tả vẫn tỏ ra thận trọng, khi đúng một tuần nữa là Quốc khánh Pháp và mọi chuyện có thể sẽ lại vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Ngày 14/07 là cơ hội để điện Elysée khép lại chương "khủng hoảng cải cách hưu trí" với việc vạch ra các đường hướng từ nay đến năm 2027 : quá trình chuyển đổi sinh thái, giải quyết những vấn đề liên quan tới việc làm hay nhập cư. Nhưng hậu quả của những cuộc bạo loạn vừa qua, hầu như không được tổng thống Macron nhắc đến. Libération nhận định rằng dường như chính phủ đang muốn câu giờ. Những nếu câu giờ có nghĩa là không lên kế hoạch cải cách hệ thống cảnh sát để chống phân biệt đối xử, không có những chính sách thúc đẩy đô thị hóa hay không quan tâm đến các trường học ở những khu vực khó khăn thì chắc chắn sẽ lại có những vụ bạo loạn bùng phát trên toàn quốc trong 5, 10 hay 12 năm tới, hoặc thậm chí có thể trước khi tổng thống Macron kết thúc nhiệm kỳ của mình.

Tương lai bất định của Wagner

Nhật báo Le Monde quan tâm đến số phận của các thuộc hạ của lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Nga Wagner Yevgeny Prigozhin sau cuộc nổi loạn vừa qua. Năm 2016, họ rất tự hào chụp ảnh trong điện Kremlin bên cạnh Vladimir Putin, ngực đeo huân chương sau khi chiếm được Palmyra ở Syria. 12 ngày sau cuộc nổi loạn ngắn ngủi của tập đoàn Wagner, các phụ tá của Prigozhin lại trở thành những kẻ bị gạt ra bên lề.

Vào thời điểm mà Prigozhin phải sang sống lưu vong ở Belarus, thì các phụ tá của ông cũng phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Liệu họ cũng sẽ sang Belarus tị nạn, theo lời mời của tổng thống Lukashenko, cho đến khi mọi chuyện lắng xuống ?

Mặc dù gọi cuộc nổi loạn hôm 24/06 là "sự phản bội" và "đâm sau lưng", Vladimir Putin vẫn cảm ơn các binh sĩ và chỉ huy của lực lượng Wagner và mở đường cho họ gia nhập quân đội Nga hoặc chuyển sang sống ở Belarus.

Marat Gabidullin, tác giả cuốn sách "Tôi, Marat, cựu chỉ huy Wagner" từng làm việc trong tập đoàn quân sự đến năm 2019, khẳng định rằng lực lượng Wagner sẽ không bao giờ gia nhập quân đội chính quy. Kể từ khi làm nhiệm vụ Syria từ năm 2015, Wagner đã thể hiện sự khinh miệt rất lớn với quân đội. Marat cho biết rằng binh lính của quân đội chính quy thường được trao tặng giải thưởng và huân chương mà không đạt được thành tích gì, trong khi những trận chiến quan trọng ở trên bộ phần lớn được thực hiện bởi Wagner.

Giờ đây, khi mọi giả thuyết chỉ là phỏng đoán, Le Monde nhận định rằng tập đoàn Wagner sẽ không bị giải thể hoàn toàn. Ngoài ra tổng thống Belarus Lukashenko cũng đã đề nghị những người lính Wagner trở thành "những người huấn luyện" cho quân đội Belarus.

Mặc dù vậy, khác với Prigozhin, các binh lính Wagner dường như không thực sự tin tưởng vào những lời bảo đảm mà Lukashenko và Putin đưa ra.

Nhiệt độ trái đất đang cao kỷ lục

Về lĩnh vực môi trường, tờ Le Monde tỏ ra lo ngại về tình trạng nóng lên toàn cầu. Từ hai cực đến xích đạo, từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ, trái đất đang trở nên quá nóng. Hai ngày 04-05/07 vừa qua là hai ngày nóng nhất từng được ghi nhận từ trước đến nay trên toàn thế giới. Khi các đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt tiếp tục gia tăng và không suy giảm, các chuyên gia lo ngại rằng khí hậu toàn cầu đang bước vào một giai đoạn thậm chí còn nguy hiểm hơn và chưa được biết đến, do sự nóng lên toàn cầu cộng với hiện tượng tự nhiên El Niño.

Nhiệt độ trung bình hôm 04-05/07 là 17, 18°C. Nhiệt độ này vượt xa so với nhiệt độ trung bình cao nhất trước đó là 16,92°C, được ghi nhận vào ngày 14/08/2016 và 24/07/2022.

Theo đài quan sát biến đổi khí hậu Châu Âu Copernicus, tháng 06/2023 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận, vượt xa kỷ lục trước đó vào năm 2019. Nhà khí hậu học tại viện Breakthrough của Mỹ, Zeke Hausfather, nhận định rằng năm 2023 hiện được coi là năm nóng nhất từng được ghi nhận, với nhiệt độ cao hơn khoảng 1,37°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, trong khi năm 2024 cũng được dự đoán là sẽ rất nóng.

Hiện giờ, miền nam Hoa Kỳ và Mexico đã phải hứng chịu những đợt nắng nóng khắc nghiệt trong hai tuần, trong khi Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nghiêm trọng, đang trải qua các đợt nắng nóng kéo dài và lặp đi lặp lại.

Bình thường, các nhà khoa học không quan tâm tới những ngày nắng nóng đơn lẻ, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trái đất không thể đạt những nhiệt độ như trên nếu không có biến đổi khí hậu và đó là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng hành tinh đang nóng lên nhanh chóng do lượng khí thải nhà kính, chủ yếu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch (than, dầu và khí đốt). Nhà khí hậu học Robert Rohde của Berkeley Earth nói thêm rằng sự nóng lên toàn cầu đang đưa mọi người vào một thế giới vô định.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 219 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)