Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/07/2023

Điểm báo Pháp - Ukraine chế thiết bị "cây nhà lá vườn"

RFI tiếng Việt

Thiếu vũ khí, Ukraine chế thiết bị "cây nhà lá vườn"

Báo Le Monde hôm 06/07/2023 có bài của đặc phái viên tại Zaporijia nói về "Những vũ khí tự chế ở Ukraine" : Ngoài mặt trận, các pháo thủ do thiếu đạn dược đã mày mò tự tạo ra các thiết bị cây nhà lá vườn để tồn tại.

drone1

Thực tập sử dụng drone tại một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine ngày 30/06/2023. Reuters – Alina Smutko

Từ vài ngày qua, mưa tầm tã khiến những người lính không thể cho các drone hoạt động để hướng dẫn tác xạ. Trong khi đó bộ tham mưu cấm mọi vụ oanh kích nếu không nắm được thật cụ thể vị trí, vì không thể lãng phí số đạn ít ỏi. Lực lượng Ukraine phải chịu đựng lượng đạn pháo nhiều gấp mười lần quân Nga.

Không có đủ đạn dược, cuộc phản công khó thể thành công. Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, tướng Valeri Zalujnycos có khi phải gọi điện thoại cho đồng nhiệm Mỹ, tướng Mark A. Milley, đã trở thành một người bạn : "Nếu tôi không nhận được 100.000 quả đạn trong một tuần nữa, 1.000 người sẽ thiệt mạng. Hãy thử đặt mình vào vị trí của tôi".

Từ giàn phóng rốc-kết đến drone chống tăng tự tạo

Tại đơn vị của chỉ huy trưởng Gall (bí danh kháng chiến) ở tuyến đầu Zaporijia, quân đội Ukraine chỉ có moọc-chê để giao, còn lại phải tự xoay sở. Không người lính nào phàn nàn, họ đã quen với việc tiết kiệm từng xu, từng quả rốc-kết một. Phóng viên được chỉ cho thấy hai giàn phóng rốc-kết tự tạo : ống ngắm mua trên thị trường giá khoảng 50 euro, đại bác lấy từ chiến lợi phẩm trong trận Kherson là một xe tăng Ouragan và các hỏa tiễn Nga. Vũ khí này được đặt tên là "mini Grad" vì chỉ có ba ống phóng thay vì 12 như Grad thật, trên lý thuyết bắn xa được 40 kilomet nhưng vì là đồ tự chế, họ phải đến gần mặt trận hơn để đạt mục tiêu.

Quân Nga chuẩn bị đối phó với việc Ukraine tiến công ồ ạt với vũ khí hạng nặng, nhưng Kiev chỉ tung ra những đợt nhỏ : đuổi quân địch đi bằng pháo rồi bộ binh bất ngờ xung phong, giành giựt từng mét đất. Trong đơn vị của Gall, cả 40 chiến binh đều không phải là lính chuyên nghiệp trước chiến tranh, ngay cả Gall - người chỉ huy 41 tuổi vốn là giám đốc một nhà máy hóa chất.

Jack (bí danh), một sĩ quan 49 tuổi trước đây là kỹ sư tin học, đã chế ra được một vũ khí chống drone, rẻ gấp 10 lần so với thị trường nhưng đã hạ được bốn drone của Nga khi thử nghiệm vào tuần trước. Sau đó Jack còn tạo ra một loại thiết bị chống tăng gồm một drone dân sự mang theo quả bom 2,5 ký, theo công thức được các pháo thủ Ukraine khác chia sẻ trên mạng xã hội. Chỉ tốn vài trăm euro nhưng có thể diệt được xe tăng địch giá nhiều triệu đô.

Drone lại bay quan sát được, đơn vị không tin nổi mắt mình : trong một tuần lễ, ngôi làng bị chiếm đóng đã hoàn toàn biến thành pháo đài, thêm 300 mét chiến hào đã được đào thêm vào ban đêm, nhiều sở chỉ huy chìm dưới những lớp bê-tông kiên cố. Gall nói, quân Nga muốn có bao nhiêu vũ khí cũng được và tha hồ bắn. "Họ rất đông và chẳng bao giờ ngưng tấn công".

Hậu quả vỡ đập Kakhovka và hiểm họa nguyên tử

Cũng liên quan đến Ukraine, Le Figaro mô tả "Dọc theo dòng sông Dniepr, thảm họa không hồi kết sau vụ nổ đập Kakhovka". Đầy dẫy nguy cơ dịch bệnh, mìn trôi nổi khắp nơi, nước thải từ cống... Dân làng ở những nơi bị lụt không còn phương tiện mưu sinh, sống nhờ vào trợ giúp nhân đạo.

Một cư dân từng phải bơi trong nhà bếp của mình khi đập vừa bị vỡ, cho rằng trận lụt còn tệ hại hơn cả thời kỳ bị quân Nga chiếm đóng, vì ít nhất còn có thể trốn trong hầm nhà để tránh bom, nay chẳng biết đi đâu dù nước đã rút bớt. Còn ở thượng nguồn thì ngược lại, trở thành sa mạc với những phát hiện bất ngờ như xác lính Đức và nón sắt từ thời Đệ nhị Thế chiến. Trên bãi biển Odessa, những đợt sóng liên tục đưa vào những rác rưởi từ Kherson trôi dạt đến, khắp nơi cư dân không ngừng dọn dẹp. Đáng sợ nhất vẫn là những quả mìn trôi nổi, có thể đến cả Hắc Hải.

Bên cạnh đó là nguy cơ nhà máy điện nguyên tử Zaporijia bị Nga phá hoại, dẫn đến hậu quả dòng sông Dniepr và tiếp đến là Hắc Hải bị nhiễm xạ. La Croix trong bài xã luận báo động về "Mối nguy nguyên tử" : nhà máy Zaporijia là một trong những phương tiện chính để Kremlin gây áp lực lên Kiev. Các nước láng giềng cũng lo sợ đám mây phóng xạ, trong đó Ba Lan và các nước Baltic nhân kỳ họp sắp tới có thể thúc đẩy NATO mở cửa cho Ukraine.

Nhà văn nữ Ukraine tử thương vì hỏa tiễn Nga

Ukraine mất đi một cây bút dấn thân : thông tín viên Le Monde tại Kiev viết về tang lễ của nhà văn nữ nổi tiếng Ukraine Victoria Amelina, bị tử thương do hỏa tiễn Nga đánh vào Kramatorsk thuộc Donetsk. Nhà văn 37 tuổi từng được giải thưởng văn chương Joseph Conrad năm 2021, qua đời tại một bệnh viện ở Dnipro hôm 03/07 vì vết thương quá nặng. Trước đó khi dùng bữa tối với một phái đoàn từ Colombia, trong đó có nhà văn Hector Abad Faciolince, một hỏa tiễn Nga lao xuống nhà hàng Ria Pizza làm hơn 60 người bị thương và 13 người thiệt mạng, trong đó có bà Amelina.

Cái chết của bà là cú sốc cho cộng đồng văn nghệ sĩ Ukraine. Victoria Amelina đã gác sang một bên việc sáng tác ngay từ đầu cuộc xâm lăng để tập trung thu thập tư liệu về tội ác chiến tranh của Nga. Tham gia tổ chức bảo vệ nhân quyền Truth Hounds năm 2022, bà không ngần ngại đến những nơi gần chiến tuyến.

Vài ngày trước thảm kịch, nhà văn Amelina đã đến Liên hoan sách Arsenal ở Kiev để giới thiệu nhật ký của nhà văn Volodymyr Vakulenko, bị quân Nga sát hại trong thời gian ngôi làng của ông ở Kharkiv bị chiếm đóng. Khi vùng này được giải phóng, Victoria Amelina và những người khác tìm thấy bản thảo mà ông đã kịp chôn xuống đất trước khi qua đời. Bà cũng đang viết một cuốn sách tư liệu về phụ nữ Ukraine trong cuộc xâm lăng mang tựa đề "Looking at Women Looking at War : War and Justice Diary", mà theo tổ chức Văn Bút Ukraine, sắp được xuất bản ở nước ngoài.

"Luật rừng" của Chechnya dành cho các nhà hoạt động nhân quyền

Số phận các nhà hoạt động Nga không hề khá hơn. Tại Chechnya, một luật sư và một nhà báo nữ bị tấn công dã man khi vừa ra khỏi phi trường Grozny, cho thấy sự tàn bạo của chế độ. Luật sư Alexandre Nemov đến để biện hộ cho một bị cáo hôm 04/07, có nhà báo Elena Milachina đi cùng. Họ bị ba chiếc xe hơi chận lại trên đường từ sân bay đến trung tâm thành phố và những kẻ vũ trang lôi ra khỏi xe để tấn công. Những hình ảnh từ bệnh viện chứng tỏ sự tàn ác của họ : cô phóng viên không chỉ bị lãnh những cú đá, cú đấm và dùi cui làm gãy nhiều ngón tay và chấn thương sọ não, mà còn bị cạo đầu và đổ lên chất sát trùng màu xanh lá cây. Vị luật sư cũng bị đánh tơi bời phải ngồi xe lăn vì đùi bị đâm thủng.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà hoạt động nhân quyền bị hành hung ở Chechnya. Lâu nay chính quyền nói rằng đó chỉ là những vụ hình sự thông thường, nhưng giờ đây có lẽ họ không cần giấu diếm. Thông tín viên Le Monde tại Moskva cho biết, thân chủ của Nemov là bà Zareme Moussaeva, đã bị kết án 5 năm rưỡi tù trong phiên tòa chỉ diễn ra 7 phút, không có mặt luật sư.

Đó là một phụ nữ 53 tuổi, bị tiểu đường, bị giải ra tòa trong tình trạng gần như bất tỉnh, đôi chân trần trong tuyết, với cáo buộc tấn công một nhân viên công lực. Tuy nhiên mục tiêu thực sự là các con trai của bà Moussaeva, hai anh em Yagulbaiev, một người là luật gia trong Ủy ban chống tra tấn, một tổ chức phi chính phủ Nga đã bị giải thể, người kia cộng tác với nhiều cơ quan truyền thông độc lập với Moskva. Bản thân tổng thống Chechnya, Ramzan Kadyrov cho rằng chỗ của gia đình này là "trong tù hoặc dưới lòng đất".

Dầu khí : Châu Âu gần như dứt khoát được với Nga

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos giải thích "Châu Âu đã thành công lớn trong việc chấm dứt lệ thuộc dầu khí Nga như thế nào ?". Một năm sau cuộc xâm lăng Ukraine, dầu lửa từ Nga nhập vào Liên Hiệp Châu Âu chỉ còn 5% và khí đốt 14%, tuy trước đó là nhà cung cấp lớn nhất.

Những đường ống dẫn khí đốt từ Na Uy, Anh, Algeria, Azerbaijan đã thay chân, những chuyến tàu chở khí hóa lỏng (GNL) từ Hoa Kỳ hay Qatar lấp nốt khoảng trống còn lại. Chỉ có một nốt trầm là Châu Âu nhập nhiều nhiên liệu của Ấn Độ được chế biến từ dầu lửa Nga. Nhưng nhìn chung, theo chuyên gia Nguyễn Phúc Vinh của Viện Jacques-Delors, toàn cảnh đã thay đổi. Tình hình tốt đẹp hiện nay là nhờ nhu cầu GNL của Trung Quốc thấp, do các nhà máy chưa phục hồi sau đại dịch Covid. Nếu nhịp độ sản xuất ở Hoa lục đẩy nhanh, thị trường sẽ căng thẳng hơn. Ông cảnh báo, EU không nên "ngủ quên trên vòng nguyệt quế, cho rằng cuộc khủng hoảng đã ở lại phía sau".

Đành rằng Nga gần như hoàn toàn bị loại khỏi thị trường Châu Âu trong thời gian kỷ lục mà không có mấy hậu quả. Nhưng châu lục đã được hưởng một mùa đông 2022 hết sức ấm áp, hoạt động kỹ nghệ còn thấp. Các nhà nghiên cứu đề nghị EU nên cố gắng giảm bớt nhu cầu qua việc gia tăng sản xuất năng lượng tái tạo, đẩy nhanh việc tôn tạo các tòa nhà để tiết kiệm năng lượng, xúc tiến cơ chế tương trợ giữa các nước thành viên…

Bị quá tải, cảnh sát Pháp ngao ngán

Bạo loạn tại Pháp vẫn là chủ đề chính của các báo Paris hôm 06/07/2023, bên cạnh chiến tranh Ukraine. Le Monde nhấn mạnh "Cảnh sát và tư pháp trước thách thức bạo loạn thành thị", Le Figaro nói về "Luật nhập cư : Chính phủ từ chối tỏ ra cứng rắn hơn". Nhà xã hội học Hugues Lagrange phân tích trên Le Figaro "Cướp phá, dùng súng kalachnikov, black bloc : Những gì thay đổi kể từ 2005".

Các vụ nổi loạn năm đó là từ vùng ngoại ô Seine-Saint-Denis, có số lượng cao thanh niên dưới 25 tuổi thất nghiệp, gia đình đông con, nhưng nay từ phía tây Paris. Điểm khác biệt lớn là lần này các cơ quan nhà nước bị tấn công và nạn hôi của, cá biệt có việc dùng xe tông vào trụ sở, xài cả súng trường tự động. Nhưng tại những khu vực mà nạn buôn lậu ma túy trầm trọng lại ít nổi loạn, vì biết rằng cảnh sát sẽ kiểm soát và "mất việc".

Phía lực lượng cảnh sát cũng rất mệt mỏi, một cảnh binh nói với Le Monde : "Người ta bảo rằng đã yên, nhưng khi từ 1.000°C xuống còn 300°C thì vẫn nóng". Le Figaro nêu ra một số trường hợp bị "đánh nguội" không phải trong lúc đang làm nhiệm vụ, trong số 647 cảnh sát bị thương kể từ đầu cuộc bạo loạn. Tờ báo tố cáo Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đổ dầu vào lửa để gây bất ổn cho nước Pháp. Báo mạng Maghreb Intelligence vốn thân cận với tình báo Morocco kể lại, nhiều nhà ngoại giao Algeria có mặt trong buổi tuần hành tưởng niệm Nahel hôm thứ Năm 29/06. Đồng thời khoe rằng các hiệp hội ở ngoại ô có liên quan đến đại sứ quán Algeria ở Paris đã huy động để giúp tổ chức cuộc tuần hành này.

Tòa án làm việc cả Chủ nhật, nhiều án tù giam được thực thi hành ngay lập tức

Le Monde cho biết "Tư pháp đã thích ứng với tình trạng khẩn cấp ra sao", Libération nhận thấy "Sau các vụ nổi dậy, tòa án làm việc cật lực". Trên 3.600 vụ câu lưu chỉ trong một tuần lễ, mấy trăm phiên xử khẩn cấp những thanh niên rất trẻ và khoảng mấy chục vị thành niên… Một tình trạng chưa từng thấy. Các tòa án tràn ngập hồ sơ, với chủ trương của chính phủ là ra tay nhanh chóng và mạnh mẽ.

Bộ trưởng Tư pháp yêu cầu phải thích ứng với hoàn cảnh, nhất là tòa án phải có bộ phận thường trực. Với những phiên tòa bổ sung, thẩm phán tình nguyện… đôi khi xử cả ban đêm, đến tối thứ Ba tổng cộng 990 bị cáo đã ra tòa. Số phòng xử được tăng gấp đôi, và trước tỉ lệ 30% người vị thành niên bị câu lưu, các thẩm phán chuyên về trẻ em đã được huy động.

Công tố viên Eric Vaillant ở Grenoble, lần đầu tiên trong 30 năm qua đã làm việc cả Chủ nhật, kể lại, hôm thứ Bảy có đến 53 vụ câu lưu, chẳng lẽ phải thả hết ? Tương tự ở Bobigny, với 300 người bị câu lưu vào cuối tuần. Chủ tọa Peimane Ghale-Marzban nói rằng, số thẩm phán và nhân viên tăng gấp đôi, để có thể xử lý các hồ sơ như thường lệ. Tại Marseille, các bản án tù ở và tống giam ngay lập tức liên tục được tuyên, mà theo Libération đã có những thanh niên chưa tiền án tiền sự.

Một luật sư ở ngoại ô Paris cũng cho biết : "Lệnh tống giam được đưa ra hết vụ này đến vụ khác. Tôi phải nói ngay với các thanh niên mà mình biện hộ : ‘Bạn sẽ vào tù’. Các em này khóc, hoàn toàn không chuẩn bị và không hiểu được". Về phía các luật sư cũng đã vào cuộc, giúp một số bị cáo được xếp hồ sơ. Le Monde dẫn lời một công tố viên nhận định trong bối cảnh chuẩn bị cho Thế vận hội 2024, "cần chứng tỏ rằng tư pháp có thể hoạt động một cách bình thường cả trong những tình huống đặc biệt".

Mối liên hệ giữa nhập cư và bạo loạn : Thực tế không được nhìn nhận

Xã luận Le Figaro đặt vấn đề "Nổi loạn và nhập cư : Quay lại với nạn chối từ thực tế". Bộ trưởng Nội vụ viện dẫn thống kê chỉ có 10% trong số bị câu lưu là người nước ngoài. Đã hẳn nhiều người tham gia bạo động mang quốc tịch Pháp, nhưng sao họ lại muốn phá tan nát đất nước mình ? Tại sao lại có được những tuyên bố bênh vực từ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hay các chính quyền Bắc Phi ? Tại sao lại hô "One, two, three, viva l’Algeria !" (Một, hai, ba, Algeria muôn năm !) trước cảnh sát, như đang khiêu khích một quân đội ngoại quốc ?

Một sinh viên năm nhất xã hội học sẽ nhanh chóng kết luận, rằng sự thù địch thấy rõ trước lá cờ Pháp chứng tỏ họ thuộc về nước khác, nếu không phải về mặt hành chánh thì ít nhất là cảm tình và tâm trí. Ở L’Hay-les-Roses (nơi xảy ra vụ tấn công vào tư gia làm vợ con thị trưởng bị thương), tỉ lệ người dưới 18 tuổi là dân nhập cư hoặc con cái di dân từ các nước ngoài Châu Âu lên đến 42%. Thị xã ngoại ô này không phải là điển hình nhưng cũng chẳng phải ngoại lệ.

Gác sang một bên những con số thống kê. Không ai thực sự tin rằng không có mối liên hệ nào giữa chính sách nhập cư từ bốn chục năm qua và những vụ bạo loạn này, từ tổng thống François Hollande, Emmanuel Macron, đến bộ trưởng Gérald Darmanin. Câu hỏi duy nhất là : Tại sao họ không có can đảm nói ra điều mà họ đã biết ?

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 300 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)