Ukraine đoạn tuyệt với truyền thống, văn hóa Liên Xô và Nga khi quyết định tổ chức Ngày Chiến thắng phát xít Đức 08/05 với các nước Châu Âu ; Pháp kiến nghị Liên Hiệp Châu Âu liệt Wagner là "tổ chức khủng bố" vì tham chiến ở Ukraine để khiến tập đoàn bán quân sự Nga "sống dở chết dở".
Xe tăng E-34 dẫn đầu đoàn xe bọc thép trong lễ diễu binh kỉ niệm Ngày Chiến thắng phát xít, ngày 09/05/2023 trên Quảng trường Đỏ, Moskva, Nga. AP - Pelagiya Tikhonova
Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức bầu cử tổng thống và Quốc hội, lập trường của các ứng viên về người Duy Ngô Nhĩ trong mối quan hệ với Trung Quốc ; tròn 5 năm Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Vienna để gây sức ép với Iran : Quyết định của tổng thống Donald Trump lại gây phản tác dụng. Trên đây là chủ đề của Tạp chí Thế giới đó đây tuần này.
Ukraine đoạn tuyệt với truyền thống, văn hóa Liên Xô và Nga
Sau khi quyết định đón Giáng Sinh ngày 25/12 thay vì ngày 07/01 theo Chính thống giáo, Ukraine lại tiến thêm một bước rời xa quỹ đạo Nga khi tổ chức "Ngày Tưởng niệm và Chiến thắng phát xít" 08/05 thay vì vào ngày 09/05 như ở Nga. Khi thông báo trình dự luật này lên Quốc hội, tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định muốn kỉ niệm chung ngày với "thế giới tự do".
Tổng thống Ukraine giải thích trên mạng Twitter : "Chính vào ngày 08/05 mà hầu hết các nước trên thế giới nhớ đến quy mô và chiến thắng phát xít", "Chính vào ngày 08/05 mà thế giới tưởng nhớ những người đã bỏ lại cuộc sống trong chiến tranh. Đó là lịch sử thuần túy, không pha trộn ý thức hệ. Và đó là lịch sử của nhân dân chúng ta, của các đồng minh chúng ta, của thế giới tự do".
Trả lời đài RFI ngày 08/05, giáo sư sử học Nga và Liên Xô Andreï Kozovoï, Đại học Lille, cho rằng tổng thống Ukraine tỏ rõ ý muốn rũ bỏ mọi liên hệ, ràng buộc với Moskva :
"Ukraine làm mọi cách để cắt đứt mọi liên hệ lịch sử, văn hóa… với Nga. Vấn đề cần biết là mối quan hệ thực sự kết nối Ukraine với Nga là gì ? Ukraine có phải là một nước riêng biệt hay không ? Đó là điều mà Nga từ chối chấp nhận. Vấn đề này là chủ đề của rất nhiều cuộc tranh luận về lịch sử. Cho nên hoàn toàn hợp lý khi Ukraine quyết định chính thức kỉ niệm Ngày Chiến thắng 08/05 thay vì ngày 09/05 làm liên tưởng đến tư tưởng Stalin và Putin".
Tại sao Nga lại chọn 09/05 là "Ngày Chiến thắng", một ngày sau các nước phương Tây ? Giáo sư Andreï Kozovoï giải thích :
"Lý do vừa mang tính kỹ thuật vừa thể hiện tư tưởng. Về nguyên tắc, phát xít Đức ký đầu hàng tại Berlin sau 23 giờ, đêm 08/05/1945. Vì lệch giờ, ở Moskva đã sang ngày 09/05. Vì thế, Nga có quyền kỉ niệm sự kiện phát xít Đức đầu hàng vào ngày 09/05 nhưng không có gì ngăn cản Stalin vào thời đó cân nhắc rằng sẽ khôn ngoan hơn nếu ăn mừng chiến thắng với tất cả các đồng minh khác. Tuy nhiên, ngay từ đầu, ông đã chủ ý chọn ăn mừng chiến thắng riêng vì các lý do ý thức hệ, bởi vì ông ấy muốn đánh dấu khoảng cách với các đồng minh phương Tây, để nói với họ theo kiểu là người Nga, người Liên Xô chúng tôi là những kiến trúc sư chính của chiến thắng này, cho nên chúng tôi được quyền có một Ngày Chiến thắng riêng".
Quốc hội Pháp muốn Wagner bị liệt là "khủng bố" và "sống dở chết dở"
Trên chiến trường, lực lượng bán quân sự Wagner đóng vai trò chủ chốt cho Nga ở mặt trận miền đông Ukraine, đặc biệt là ở Bakhmut, nơi bị gọi là "cối xay thịt" và hàng ngày Wagner cũng mất đến "vài trăm người", theo chính phát biểu của ông chủ tập đoàn bán quân sự Yevgeny Progozhin.
Wagner đang bị bỏ rơi ở Bakhmut ? Căng thẳng giữa tập đoàn bán quân sự và quân đội Nga ngày càng lộ rõ. Yevgeny Progozhin không tiếc lời thóa mạ bộ chỉ huy Nga nuốt lời hứa cấp đạn dược, mà đỉnh điểm là dọa rút khỏi Bakhmut, tố cáo lính chính quy bỏ trốn và gọi một trong số các nhà đưa ra quyết định của Nga là "lão ngu".
Ngoài lục đục nội bộ, tập đoàn bán quân sự Wagner chuẩn bị đối phó với một đe dọa khác. Ngày 09/05, Hạ Viện Pháp thông qua đề xuất liệt Wagner vào danh sách các "tổ chức khủng bố" của Liên Hiệp Châu Âu. Dân biểu của đảng Renaissance (Phục Hưng) Benjamin Haddad đưa ra đề xuất, kiêm chủ tịch Ủy ban Hữu nghị Pháp-Ukraine, giải thích trên đài RFI ngày 09/05 :
"Đúng, rõ ràng là có một thông điệp chính trị được gửi đi. Ý muốn nói, đối mặt với chúng ta không còn là những kẻ đánh thuê kiếm sống mà là một tổ chức khủng bố giết người, hăm dọa và hành quyết, tàn sát dân thường để đạt mục đích chính trị. Có nghĩa là những người này giúp tăng cường cuộc tấn công Nga vào các nền dân chủ trên mọi Châu lục, hiện giờ là ở Ukraine, cũng như ở Châu Phi, Trung Đông, phục vụ cho chế độ chuyên quyền".
Ngoài thông điệp chính trị, còn có mục đích nào khác ? Ông giải thích :
"Ngoài thông điệp chính trị, liệt Wagner vào danh sách các tổ chức khủng bố của Liên Hiệp Châu Âu còn nhằm tăng cường đáng kể các biện pháp pháp lý, cảnh sát, tài chính trong cuộc chiến nhắm vào Wagner. Nếu anh nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố hoặc các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, thì hoàn toàn không thể làm việc được với anh, dù đó có là doanh nghiệp, ngân hàng. Chế độ trừng phạt này đã được Hoa Kỳ tiến hành và chúng ta có thể tham khảo.
Tất cả các thành viên của tổ chức Wagner, những người muốn gia nhập hay tham gia các chiến dịch của Wagner sẽ bị coi là khủng bố. Theo thẩm định, Wagner có hơn 50.000 thành viên hoạt động ở Ukraine và trên nhiều chiến trường khác. Thế nhưng, hiện giờ mới chỉ có khoảng 10 người trong số này bị Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt. Cho nên mục tiêu đề ra là tăng cường các phương tiện của Châu Âu để Wagner và các đồng minh của họ không sống nổi".
Bầu cử tại Thổ Nhĩ và tác động đến chính sách đối ngoại
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO nhưng giữ quan hệ mật thiết với Nga, tổ chức bầu cử tổng thống và Quốc hội ngày 14/05/2023. Tổng thống mãn nhiệm Recep Tayyip Erdogan tái tranh cử nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức : lạm phát tăng hơn 50% theo số liệu chính thức tháng 04/2023, tỉ lệ thất nghiệp hơn 20%, nạn tham nhũng, khủng hoảng niềm tin, nhất là sau trận động đất khiến hơn 50.000 người chết vào tháng 02/2023.
Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống sẽ tác động đến chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi hiện nay chính quyền tổng thống Erdogan tìm cách giữ vai trò trung gian hòa giải giữa Moskva và Kiev. Theo bài phân tích trên diễn đàn của Viện tư vấn Atlantic Council hôm 08/05 của một nhóm chuyên gia Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nước trung gian để Trung Quốc xuất khẩu linh kiện bán dẫn sang Nga giúp Moskva tiếp tục chiến tranh ở Ukraine.
Để tránh làm mất lòng Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng, chính quyền Ankara đã không lên tiếng về tình trạng cộng đồng thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ bị truy bức, tẩy não ở Tân Cương, buộc nhiều người phải tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống mãn nhiệm Erdogan và đối thủ chính Kemal Kiliçdaroglu, thuộc đảng Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại do Atatürk sáng lập, có lập trường như nào về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ trong mối quan hệ giữa Ankara và Bắc Kinh ? Giáo sư Erkin Ekrem, phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Duy Ngô Nhĩ, Đại học Hacettepe tại Ankara, phân tích với RFI :
"Nhìn chung, Thổ Nhĩ Kỳ cần các nguồn đầu tư và công nghệ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Dù là đảng cầm quyền hay đối lập thì Trung Quốc là nước có thể mang lại cho họ cả hai yếu tố đó. Và tất các các đảng phái chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ đều ủng hộ phát triển quan hệ với Trung Quốc và ủng hộ dự án còn đường tơ lụa mới của Trung Quốc.
Nhưng dù sao cũng có một chút khác biệt giữa chính phủ và phe đối lập : Nếu như đảng cầm quyền có xu hướng bỏ qua vấn đề của người Duy Ngô Nhĩ để không làm phật lòng Trung Quốc thì phe đối lập lại thấy ngược lại, họ cho là phải nêu vấn đề của người Duy Ngô Nhĩ để đi đến được một giải pháp sẽ giúp tăng cường mối quan hệ giữa hai nước".
5 năm Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Vienna : Quyết định phản tác dụng
Chiến tranh tại Ukraine làm đảo lộn bàn cờ thế giới. Bị phương Tây trừng phạt, Nga đang tăng tốc liên kết với các nước "bất mãn" với phương Tây khác để hình thành một trục mới đối trọng. Ngoài Nga, "Tam giác chiến lược" còn có Trung Quốc, đối thủ của Mỹ và là "đối thủ có hệ thống" của Liên Hiệp Châu Âu cùng với Iran, nước Cộng hòa Hồi giáo bị cô lập và bị trừng phạt vì tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân.
Một trong số những nguyên nhân giải thích "thái độ bất mãn" của Tehran là tổng thống Mỹ Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Vienna ký năm 2015 nhằm gây thêm sức ép với Tehran để ngăn chế độ Hồi giáo phát triển chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, chuyên gia về Iran Wendy Yasmine Ramadan, nhà nghiên cứu cộng tác của trung tâm CETOBac tại Paris, nhận định với RFI rằng quyết định được đưa ra cách đây 5 năm, vào ngày 08/05/2018, lại phản tác dụng.
"Giả sử nếu là để gây áp lực với chế độ, thì đúng là từ năm 2017, đã xảy ra rất nhiều phong trào phản đối không ngừng và chưa từng có, đầu tiên là do nạn tham nhũng của chế độ và yếu kém trong việc điều hành đất nước. Nhưng nếu là để gây sức ép với Tehran để Iran bị hạn chế hơn trong các hoạt động nguyên tử, thì đó là thất bại hoàn toàn bởi vì hiện giờ, không những Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) không có khả năng bảo đảm chương trình hòa bình của các hoạt động hạt nhân của Iran, mà trên hết, Iran đã vượt xa những giới hạn được nêu trong thỏa thuận hạt nhân.
Hiện giờ, Iran đã làm giầu uranium hơn 60% trong khi ngưỡng được ấn định trong thỏa thuận Vienna chỉ là 3,67%. Và về số lượng theo tiêu chí của AIEA, Iran đã tích đủ số lượng để sản xuất một quả bom nguyên tử. Điều này không có nghĩa là chính quyền sẽ làm. Nhưng dù sao chúng ta vẫn còn rất xa những mục tiêu bảo đảm rằng một chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân được củng cố".
Thu Hằng