Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/05/2023

Điểm tuần báo Pháp - Nga trong thế khó trước Ukraine

RFI tiếng Việt

Bất ngờ từ Bakhmut, xung đột nội bộ : Nga trong thế khó trước Ukraine

Trận đánh Bakhmut đã kéo dài hơn 9 tháng được L'Obs gọi là "Cuộc tàn sát", với trên 20.000 lính Nga bỏ mạng. New York Times nhận thấy bước tiến bất ngờ của Ukraine tại đây đặt Moskva trước thế lưỡng nan, The Economist nói về những căng thẳng trong giới quân sự Nga. Cuộc tổng phản công của Kiev đã bắt đầu hay chưa ? Vẫn còn mù mờ, và L’Express đưa ra bốn kịch bản. 

bakhmut1

Một chiến sĩ Ukraine cho tù binh Nga uống nước, tại một vị trí vừa giành được gần thành phố Bakhmut, ngày 11/05/2023. via Reuters - RFE/RL/Serhiy Nuzhnenko

Lính Nga bị đẩy vào "lò sát sinh" Bakhmut

Trận đánh Bakhmut đã kéo dài nhiều tháng tại một thành phố thứ yếu về tính chiến lược, được L'Obs gọi là "Cuộc tàn sát". Mỗi đêm vào một giờ nhất định trên tất cả các mạng xã hội, những người ủng hộ Ukraine đăng lên hai chữ "Bakhmut holds". Bakhmut vẫn đứng vững, bất chấp mọi dự báo, ít nhất là cho đến lúc tờ báo lên khuôn.

Trên những tàn tích mênh mông của thành phố chìm trong máu lửa từ hơn 9 tháng qua, những chiến binh vệ quốc vẫn bám lấy vài cụm nhà ở khu phố phía tây. Đủ để khiến Yevgeny Prigozhin, thủ lãnh Wagner phải tức giận vì không thể lập công với Putin mừng kỷ niệm chiến thắng phát-xít 9 tháng Năm. Từ đầu tháng Tư, lính đánh thuê của ông ta đã tập trung sức lực vào đây. Nhưng đơn vị Ukraine từ đầu năm đã được thay thế bằng những người lính mới tinh nhuệ, vẫn chắc tay dưới mưa đạn pháo.

Prigozhin liên tục đòi thêm đạn dược, vũ khí như để biện minh cho thất bại trước một đội quân ít người hơn, gần như bị cô lập, chỉ được tiếp tế qua đường đồng. Trong một video quay đêm 05/05, ông ta đứng cạnh khoảng ba chục thi thể xếp thành hàng, đó là những tay súng vừa tử trận ở Bakhmut. Yevgeny Prigozhin hùng hổ nói : "Shoigu ! Gerasimov ! Những quả đạn khốn kiếp đâu rồi ?".

Đà tiến của Ukraine ở Bakhmut đặt Moskva vào thế lưỡng nan

Các báo cũng kịp cập nhật tình hình chiến sự trên trang web. Courrier International dẫn nguồn từ New York Times nhận định "Tại Bakhmut, bước tiến của Ukraine đặt Nga trước thế lưỡng nan". Phần đất tái chiếm dù khiêm tốn nhưng mang tính biểu tượng. Nếu Nga không củng cố các vị trí ở cạnh sườn xung quanh Bakhmut, nơi quân đội Ukraine giành lại được sau nhiều tháng thối lui, sẽ có nguy cơ phải rút quân bỏ chạy một cách nhục nhã. Nhưng nếu tái bố trí quân dự bị về phía thành phố này, có thể làm yếu đi lực lượng ở miền nam, nơi Ukraine có thể tấn công theo hướng biển Azov để cắt đường sang Crimea.

Trong khi các blogger quân sự thân Nga khẳng định cuộc tổng phản công của Ukraine đã bắt đầu, chính quyền Kiev và các tướng lãnh vẫn giữ thái độ mập mờ. Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng Ukraine "cần nhiều vũ khí, đạn dược hơn", còn chỉ huy lữ đoàn số 3 Andriy Biletsky lại tuyên bố "giai đoạn ở thế thủ tại Bakhmut đã chấm dứt". Sự nhập nhằng này gây rạn nứt và lo ngại trong giới quân sự Nga. Thủ lãnh Wagner tố cáo quân chính quy tháo chạy nhưng bộ quốc phòng lại tô hồng, và cho rằng quân phòng vệ đã "sụp đổ". Ngược lại thủ lãnh Chechnya, Ramzan Kadyrov, đồng minh lâu nay của Yevgeny Prigozhin, trong một video lại quay ra chỉ trích ông ta.

Xung đột trong nội bộ giới quân sự Nga

The Economist lý giải "Vì sao người đứng đầu Wagner lại đối địch với các chỉ huy quân đội Nga". Cuộc xung đột này cho thấy thất bại của Kremlin trong việc tạo ra một hệ thống chỉ huy phân minh ở Ukraine. Trước cuộc xâm lăng, Vladimir Putin không bổ nhiệm tham mưu trưởng, một tháng sau mới giao cho tướng Alexander Dvornikov. Chức vụ này sau đó lần lượt chuyển sang tướng Gennady Zhidko vào tháng Năm, tướng Sergei Surovikin tháng Mười, rồi đến tướng Gerasimov tháng 1/2023. Các chức chỉ huy quân sự khu vực cũng được xoay vòng.

Cách hoạt động này dễ sinh ra nạn bè phái. Tuy phù hợp với ý muốn của Kremlin là không giao quá nhiều quyền lực vào tay một cá nhân, nhưng lại không thể có được chiến lược hiệu quả. Yevgeny Prigozhin bất mãn khi Surovikin bị thay thế, và bắt đầu chỉ trích Shoigu, Gerasimov. Wagner vẫn quan trọng vì đánh trận hiệu quả hơn, nhưng triển vọng của Prigozhin hãy còn mịt mờ. Các tướng lãnh ủng hộ cách thức thô bạo của Wagner có thể tìm lại được ảnh hưởng, nhưng có thể chính những người này sẽ kiểm soát tổ chức lính đánh thuê chặt hơn. Theo tờ báo, có thể đó là lý do khiến Yevgeny Prigozhin có những tuyên bố tuyệt vọng.

Cả thế giới chờ đợi Ukraine mở màn chiến dịch

Những trận đánh ác liệt vẫn diễn ra trên đường phố, trong chiến hào, những xác chết tiếp tục chồng chất ở Bakhmut - trên 20.000 ở phía Nga, theo Nhà Trắng. Cuộc tàn sát kéo dài nhiều tháng mà không mang lại bao nhiêu lợi ích chiến lược : tuy là nút giao thông đường sắt, nhưng những đường ray đã biến mất dưới mưa bom. Phía Ukraine, tính chất anh hùng của cuộc chiến vệ quốc giúp giữ vững tinh thần dân tộc, còn phía Nga không thể lùi để tạo thế công cho một đất nước bị xâm lăng đang ồn ào chuẩn bị phản công. Cuộc tổng phản công này, toàn thế giới đang chờ đợi. Có lẽ là quá nhiều, đối với ban tham mưu Ukraine.

Bộ trưởng quốc phòng Oleksik Reznikov lo ngại những người đang mong đợi những điều "vĩ đại" có thể thất vọng. Mùa mưa làm bùn đất lầy lội chỉ vừa kết thúc, những xe tăng phương Tây giao chưa đi vào hoạt động, phòng không, đạn dược chưa đủ. Dọc theo 1.500 kilomet tiền tuyến, Nga sơ tán dự phòng và củng cố công sự. Những mục tiêu được giới quan sát nêu ra : Zaporijia, cầu Crimea, bờ đông sông Dniepr ở Kherson, thành phố Soledar bị Nga chiếm hồi đầu năm.

Courrier International đặt vấn đề "Các hỏa tiễn Storm Shadow của Anh có thể thay đổi thế trận hay không ?". Những hỏa tiễn hành trình mà Luân Đôn mới viện trợ có tầm bắn đến 500 kilomet, độ chính xác cao, né được phòng không của địch, có thể là ác mộng cho quân Nga. Nhưng vấn đề là phải được bắn đi từ các chiến đấu cơ phương Tây như Rafale, Eurofighter, Gripen… mà Kiev chưa có được. Báo mạng thân Nga Vzgliad cho rằng hoặc Ukraine phải có thời gian để thích ứng với MiG và Sukhoi, hoặc tìm cách phóng đi từ mặt đất. L’Obs nhấn mạnh nếu có được đột phá lớn có thể nâng cao tinh thần binh sĩ, phương Tây thêm ủng hộ, và trên hoang tàn của Bakhmut, người ta sẽ ghi nhớ rằng quân xâm lăng đã sa lầy tại đây.

Bốn kịch bản cho cuộc tổng phản công

L’Express đưa ra bốn giả thiết cho cuộc tổng phản công : Ukraine tạo được đột phá, quân Nga sụp đổ, hoặc là hai bên đều bế tắc, hay Nga tái lập được ưu thế. Kịch bản thứ nhất được một số chuyên gia như tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy trưởng lực lượng Mỹ tại Châu Âu cho là có nhiều triển vọng. Ông nhắm vào Luhansk ở bắc Donbass và Zaporijia, nhưng nhà nghiên cứu Yohann Michel cho rằng chỉ có thể có được những đột phá nho nhỏ. Tướng Hodges nói thêm, cần tập trung sức vào một địa điểm hẹp để xuyên thủng phòng tuyến.

Trong giả thiết thứ hai - kịch bản trong mơ của Kiev – quân Ukraine tiến được đến biển Azov, và theo tướng Pháp Dominique Trinquand, phải đánh vòng, buộc quân Nga rút chạy. Sẽ là thảm họa cho Moskva : Crimea và những vùng chiếm đóng phía bắc sẽ không còn được tiếp tế thông qua cầu Kerch, có thể dẫn đến Nga bại trận. Giáo sư Tomas Ries ở Thụy Điển không loại trừ một tình thế tương tự như thời Đệ nhất Thế chiến, và như vậy Ukraine giành ưu thế tại hai vùng bị Nga kiểm soát từ 2014 là Crimea và đông nam Donbass. Kremlin sẽ chịu áp lực lớn, và không biết chế độ Vladimir Putin có thể sống sót hay không.

Khả năng thứ ba là mặt trận hầu như đứng yên, trừ vài bước tiến nho nhỏ. Tướng thiết giáp Nicolas Richoux lo rằng Nga có thể thủ giỏi hơn công, những bãi mìn và khối bê-tông "răng rồng" cùng với chiến hào giờ đây kéo dài dọc theo các chiến tuyến. Ông Yohann Michel nhận thấy quân Nga không còn đóng rải rác như hồi mùa hè, và có thể động viên thêm tân binh. Kéo dài nguyên trạng rất bất lợi cho Kiev, một số nước phương Tây có thể thúc đẩy ngồi vào bàn đàm phán và Putin áp đặt điều kiện. Một cuộc chiến đóng băng giúp Nga củng cố thực lực trước khi lại tấn công vài năm sau.

Còn nếu Moskva nắm được thế thượng phong ? Kịch bản mơ ước của bộ tham mưu Nga lại bị các chuyên gia đánh giá là khó xảy ra nhất : quân Nga chịu đựng được những đợt tấn công của Ukraine và sau đó phản công lại. Giáo sư Thomas Ries dứt khoát cho rằng : "Trước mắt thì không thể, quân Nga kiệt sức và không đủ nguồn lực để tấn công quy mô", thậm chí phải xuất kho cả những chiếc T-54, T-55 già nua. Cũng khó có việc Trung Quốc viện trợ quân sự vì sợ phương Tây trừng phạt. Những trở ngại khác cho Nga là tình hình không thuận lợi ở những thành phố như Zaporijia (720.000 dân), hay cặp thành phố Sloviansk và Kramatorsk ở Donetsk.

Địa ốc ở Nga lao dốc vì cuộc xâm lăng

Về mặt kinh tế, một hậu quả thấy rõ của cuộc xâm lược Ukraine là giá nhà đất ở Nga xuống thấp mà cũng không có người mua. Courrier International cho biết giá địa ốc ở Saint-Petersburg giảm xuống 30%, còn ở Moskva nhà mất giá đến 40%. Một nhà môi giới đưa ví dụ, một biệt thự sang trọng ở Saint-Petersburg giá 30 triệu rúp (333.000 euro) đã hạ xuống còn 22 triệu rúp vẫn không ai ngó ngàng.

Ngay sau khi tấn công Ukraine hôm 24/02/2022, Ngân hàng Trung ương nâng lãi suất chỉ đạo lên 7,5% dẫn đến lãi vay tăng cao. Chẳng còn ai dám vay tiền mua nhà, ngân hàng cũng chẳng dám cấp tín dụng vì không còn kết nối với phương Tây. Nhiều người Nga đã chạy ra nước ngoài chỉ mong bán được nhà trước khi giá xuống quá thấp, nhưng không dám về nước, mà giấy ủy quyền từ nước ngoài lại không có giá trị. Họ cần tiền để làm lại cuộc đời mới, tuy nhiên thị trường vẫn đóng băng.

Thế nào là chiến thắng cho Ukraine ?

Trên khía cạnh chính trị, L'Obs đặt câu hỏi, thế nào là "chiến thắng" trong một cuộc chiến tranh ? Và đặc biệt trong cuộc xâm lược Ukraine ? Chúng ta thường giữ trong đầu những biểu tượng của chiến thắng : lá cờ xô-viết trên đỉnh Reichstag ở Berlin (cảnh dựng lại vì lúc đó không chụp hình), lá cờ sao phấp phới được những người lính Mỹ cắm ở Iwo Jima trong trận Thái Bình Dương (thực ra đã có một lá cờ nhỏ hơn trước đó vài giờ). Đó là chiến thắng rõ ràng nhờ sức mạnh quân sự. Tuy nhiên trong trường hợp Ukraine, không có đồng thuận về ý nghĩa của "chiến thắng".

Chủ đề này sẽ được tranh luận trong những tuần tới trong khi chờ đợi cuộc tổng phản công, và một loạt cuộc họp thượng đỉnh sẽ diễn ra : G7 ở Hiroshima cuối tháng này, Liên minh chính trị Châu Âu ở Chisinau tháng Sáu có thể với sự hiện diện của Volodymyr Zelensky, NATO ở Vilnius tháng Bảy. Tuy ngoài mặt đều đoàn kết phía sau Ukraine, nhưng có những quan điểm rất khác nhau.

Có những người tin chắc Kiev sẽ giành lại được tất cả những lãnh thổ bị chiếm kể cả Crimea, Vladimir Putin sẽ ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), và Nga phải chi đến đồng rúp cuối cùng để tái thiết Ukraine. Cách nhìn này thống trị nơi Trung Âu và các nước Baltic, dựa trên niềm tin đạo đức và lịch sử hơn là tương quan lực lượng cụ thể. Nhưng ai sẽ "giải giao" Putin cho ICC ? Bại trận có nghĩa thế nào đối với một cường quốc nguyên tử như Nga ?

Ngược lại, có những chính khách "thực tế" như Emmanuel Macron - và vài người khác tuy không nói ra - cho rằng cần phải giúp đỡ để phần thắng nghiêng về Ukraine, và Kiev có thể thương lượng trên thế thượng phong. Họ chỉ thấy lối thoát duy nhất là đàm phán, có nghĩa là phải nhân nhượng một điều gì đó.

Còn người Ukraine thì bị giằng co giữa giấc mơ chiến thắng mà họ sẵn sàng trả cái giá tối hậu, và sự sáng suốt. Rốt cuộc theo L'Obs, Kiev có lý nhất : chiến đấu để giành chiến thắng quân sự nhưng vẫn mở ngỏ cho đàm phán, nếu có thể tìm lại chủ quyền và hội nhập Châu Âu từ bàn hội nghị. Trong tiếng súng ầm vang, cũng không nên quên rằng chữ "chiến thắng" mang tính chính trị lẫn quân sự.

Thổ Nhĩ Kỳ : Cuộc bầu cử thuộc loại quan trọng nhất thế giới năm 2023

Nhìn sang Thổ Nhĩ Kỳ, L’Express nhận thấy "Erdogan theo đuổi hào quang của Atatürk", tổng thống đầu tiên được coi là "quốc phụ" của đất nước. Courrier International dành hẳn một hồ sơ mang tên "Erdogan liệu sẽ rơi đài hay không ?". Trên những đường phố Istanbul và Ankara, duy nhất một người có thể cạnh tranh với Recep Tayyip Erdogan. Trên những pa-nô khổng lồ, ở những cơ quan chính phủ hay trên các quảng cáo, hình ảnh ông Mustafa Kemal Atatürk hiện diện khắp nơi nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng trong các sách lịch sử, từ nhiều năm qua "người cha dân tộc" đã bị Erdogan tiếm ngôi.

Trong 20 năm, cậu bé Istanbul xưa kia bán bánh mì bên bờ sông Bosphore đã Hồi giáo hóa xã hội, bóp méo các quy định kinh tế, đè bẹp báo chí và đối lập… Nhưng ông còn muốn đi xa hơn : thay thế Mustafa Kemal Atatürk trong trái tim người Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi ngày ông lại đẩy lùi ra xa kỷ niệm về một nước Thổ thế tục, tân tiến và thân phương Tây mà Atatürk xây dựng, lại đi tìm vinh quang trong quá khứ, hướng về phương đông. Một mình tổng thống nắm luôn quân đội, tư pháp, đảng cầm quyền, nhưng Erdogan sắp phải chịu thử thách trước lá phiếu.

Chủ nhật 14/05 trên 64 triệu cử tri chọn lựa tổng thống và Quốc hội. Đây là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất trong năm 2023, được quan sát nhiều nhất bởi cộng đồng quốc tế và báo chí các nước. Gần 600.000 quân nhân và cảnh sát được triển khai trên toàn quốc, còn phe đối lập huy động hàng trăm ngàn người giám sát để chống gian lận.

Lần đầu tiên kể từ hai thập niên quyền lực của Erdogan bị lung lay, đối lập có cơ may chiến thắng. Theo thăm dò thì ứng cử viên Kemal Kiliçdaroglu trội hơn một chút, cán cân có thể thay đổi nhờ lá phiếu của 6 triệu cử tri mới, 3 triệu người Thổ ở nước ngoài và nhất là người Kurdistan hiện chiếm 20% dân số. Là thành viên NATO nhưng lại thân thiết với Nga, nên mọi cặp mắt đều hướng về số phận của Erdogan. Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị một bước ngoặt, và nền dân chủ mong manh của nước này cũng vậy.

Darmanin, Wauquiez, Erdogan, Musk : Các nhân vật chiếm trang nhất

Không hẹn mà nên, chân dung các chính khách, doanh nhân chiếm trang bìa các tuần báo kỳ này. L’Obs đăng ảnh bộ trưởng nội vụ, với câu hỏi "Gérard Darmanin sẽ đi đến đâu", cho rằng "sê-ríp" đứng đầu nước Pháp có tham vọng kế nhiệm Emmanuel Macron. Le Point phỏng vấn ông Laurent Wauquiez, chính khách cánh hữu nói về những dự định nếu đắc cử tổng thống. Courrier International quan tâm đến nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ, trên trang bìa là biếm họa ông Recep Tayyip Erdogan đứng trên chiếc cột cao ngất chỉ với một chân, chạy tựa "Erdogan : Sụp đổ ?". L’Express đăng trích đoạn độc quyền cuốn sách điều tra về nhà tỉ phú Mỹ Elon Musk, với những dự án trí thông minh nhân tạo, Twitter, tên lửa, Hỏa tinh…

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 137 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)