Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/05/2023

Điểm báo Pháp - Bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

RFI tiếng Việt

Bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ : Hy vọng kín đáo của phương Tây

Bầu cử tại Thổ Nhĩ Kỳ, tại Thái Lan vào ngày Chủ nhật 14/05 tới là những thời sự quốc tế nổi bật trên các báo Pháp ra hôm nay. Những cuộc tuyển cử này được cho là cơ hội mang lại thay đổi chế độ ở hai nước vẫn bị coi là độc tài, đồng thời cũng có không ít thách thức cho mỗi nước.

turquie0

Danh sách bốn ứng cử viên tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - một ứng cử viên, ông Murrahem Ince, đã tự ý rút lui 3 ngày trước ngày bầu cử sẽ diễn ra ngày 14/05/2023. (ảnh AFP)

Cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ được các báo Pháp đề cập rộng rãi hơn so với sự kiện diễn ra cùng ngày ở quốc gia Đông Nam Á Thái Lan.

Nhật báo La Croix dành trang nhất cho hàng tựa lớn có chút hy vọng:  "Thổ Nhĩ Kỳ : Làn gió thay đổi" với nhận định chung : "Tổng thống Recep Tayyp Erdogan, cầm quyền từ 20 năm nay, sẽ có thể bị mất lòng tin từ giới trẻ ngay từ vòng đầu của cuộc bầu cử tổng thống ngày Chủ nhật tới".

Đặc phái viên của tờ báo tại Kayseri, Anatoli, thành trì của đảng cầm quyền AKP, có bài phóng sự : "Giới trẻ Thổ Nhĩ Kỳ muốn sang trang Erdogan". Tờ báo cho biết, sát ngày bầu cử Chủ nhật 14/05, ứng cử viên nào thuyết phục được giới trẻ sẽ có nhiều cơ hội trở thành tổng thống thứ 13 của Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc tranh luận về việc bầu lại tổng thống mãn nhiệm Erdogan, hay chọn một nhân vật mới, Kemal Kiliçdaroglu, lãnh đạo liên minh đối lập, đang diễn ra sôi động. Tại Kayseri, không ít cử tri trẻ đã từng ủng hộ ông Erdogan trong các kỳ bầu cử trước giờ tỏ ra lưỡng lự vì họ nhận thấy "cần có sự thay đổi, năng lực của Erdogan đã tới giới hạn", như ý kiến của một cử tri 23 tuổi có công việc ổn định.

Tuy nhiên, những người ủng hộ tổng thống mãn nhiệm Erdogan vẫn còn đông đảo. Theo ghi nhận của Le Figaro, mặc dù sau trận động đất hồi tháng hai năm nay, uy tín bị sụt giảm rõ rệt, Erdogan vẫn tập hợp được cử tri. Những người ủng hộ ông cho rằng lúc này trợ cấp xã hội còn quan trọng hơn là dân chủ. Trong các vùng bị tai họa động đất, nỗi phẫn nộ đã qua và người ủng hộ tiếp tục trung thành với ông Erdogan.

Trong khi đó phóng sự của nhật báo Libération ghi nhận, ít ngày trước cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội, với những người ủng hộ phe đối lập, dường như chiến thắng chưa bao giờ gần như lúc này. Một số người thậm chí đã nói đến thời kỳ "hậu Erdogan".

Theo Libération, các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu cho thấy hai ứng viên chỉ cách nhau rất ít điểm ở vòng đầu : Ứng viên Kemal Kiliçdaroglu có thể thu được 49,3% phiếu bầu, tổng thống mãn nhiệm được 43,3%.

Phương Tây kín đáo theo dõi

Trên góc độ quốc tế, cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được phản ánh qua bài bình luận mang tiêu đề "Erdogan và hy vọng kín đáo của các nước phương Tây" của tác giả Philippe Ricard trên nhật báo Le Monde.

Tác giả bài báo trích dẫn nhận định của chuyên gia Marc Pierini, cựu đại sứ của Liên Hiệp Châu Âu tại Ankara : "Chiến thắng của Erdogan có thể cũng sẽ là chiến thắng của Putin".  Theo Le Monde, giả thuyết về thay đổi chính quyền ở Ankara, lâu nay vẫn là hão huyền, giờ là vấn đề nghiêm túc, thậm chí còn kín đáo được hy vọng, cho dù vẫn còn nhiều hoài nghi về cuộc bầu cử. Đến giờ Châu Âu cũng như các nước phương Tây khác cố gắng không để bị cho là can thiệp vào cuộc bầu cử của nước này. Bài báo trích dẫn nhận định của cựu ngoại trưởng Tây Ban Nha, bà Arancha Gonzalez : "Nếu các cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đẩy được Erdogan ra khỏi phủ tổng thống, thì đó sẽ là bước ngoặt địa chính trị lớn".

Tác giả bài viết nhận thấy, qua hai thập kỷ cầm quyền, tổng thống Tayyp Erdogan đã không ít lần thách thức các lãnh đạo phương Tây. Cuộc chiến tranh Ukraine càng cho thấy rõ trò chơi hai mặt của Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Erdogan, vẫn là một đồng minh trong NATO. Ankara lên án cuộc xâm lược của Nga, cung cấp drone cho Kiev, đóng eo biển với các tàu chiến Nga, nhưng lại không theo phương Tây trừng phạt Moskva. Thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ còn bị tố giúp Nga lách lệnh trừng phạt. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thường xuyên cho thấy là một đồng minh ngang ngược nhất trong NATO. Erdogan là lãnh đạo duy nhất của NATO không có một biện pháp nào để bảo đảm an ninh sườn phía đông của Liên Minh trước mối đe dọa của Nga.  Một nguồn tin ngoại giao của Liên Âu được tờ báo trích dẫn khẳng định : "Nếu Erdogan thất bại và chấp nhận thất bại, sẽ có nhiều thay đổi. Cho dù kết quả bầu cử ra sao, chúng ta nên khởi động lại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ". Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc bầu cử này vẫn sẽ còn là mối bận tâm lớn của Liên Âu cũng như các nước phương Tây nói chung.

Thái Lan : Hy vọng dân chủ trở lại

Ngày Chủ nhật tới, cử tri Thái Lan sẽ đi bầu lại Quốc hội, một cuộc bầu cử được mong đợi từ nhiều năm nay kể từ sau cuộc đảo chính quân sự 2014. Năm 2019, một Quốc hội mới đã được bầu, nhưng vẫn dưới sự kiểm soát của phe quân sự.

Les Echos ghi nhận "Thái Lan : Trở lại nền dân chủ, thách thức của cuộc bầu cử Chủ nhật". Trước tiên đó là thách thức chính trị, hai đảng ủng hộ dân chủ Move Forward Party và Pheu Thai, muốn giành thắng lợi để chấm dứt chính quyền bảo thủ do giới quân sự và những thành phần bảo hoàng kiểm soát.

Đảng Pheu Thai dự tính dành được 200 trên 500 ghế tại Quốc hội. Lãnh đạo của Pheu Thai, Peathongtarn Shinawatra, chính là con gái của Thaksin và cháu của Yingluck. Hai thủ tướng anh em này đã lần lượt bị đảo chính quân sự lật đổ và nay phải sống lưu vong ở nước ngoài. Hy vọng phục thù của gia đình Shinawatra đang được đặt vào cô cháu gái 36 tuổi, mới bước chân vào con đường chính trị.

Vẫn liên quan đến cuộc bầu cử tại Thái lan, La Croix có bài phóng sự : "Với cuộc bầu cử lập pháp, hy vọng dè dặt về sự đổi mới dân chủ ở Thái Lan". Tờ báo ghi nhận, vấn đề quyết định kết quả cuộc bầu cử lần này là kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh đất nước 70 triệu dân này vẫn đang chật vật gượng dậy sau khủng hoảng Covid-19 mà nạn nhân chính là tầng lớp bình dân có đời sống bấp bênh. Vấn đề trợ cấp xã hội trở thành chủ đề trọng tâm của cuộc tranh cử. Vẫn có một bộ phận không nhỏ ở Thái Lan vẫn muốn duy trì giới quân nhân trong chính quyền vì muốn có sự ổn định đất nước. Đó chính là thách thức cho liên minh hai đảng ủng hộ dân chủ đối mặt với đảng của thủ tướng đương nhiệm Prauyut Chan-o-Cha, tác giả cuộc đảo chính năm 2014.

Một thách thức khác là bóng đen binh biến luôn ám ảnh chính trường Thái Lan, mà từ năm 1932 đã có 19 lần đảo chính, trong đó có 12 cuộc thành công. Ngoài ra, 250 thượng nghị sĩ do quân đội chỉ định có quyền bỏ phiếu cùng với 500 dân biểu sẽ được bầu để chọn vị thủ tướng tương lai sau cuộc bầu cử. Như vậy liên minh đối lập muốn cầm quyền phải dành được 376  phiếu ủng hộ.

Nhật Bản bất lực với gián điệp Trung Quốc ?

Cũng liên quan đến Châu Á, Le Figaro có bài mang tựa đề gây chú ý "Gián điệp : Nhật Bản bị tước vũ khí trước Trung Quốc".

Bài báo cho thấy một thực tế là từ năm 2015, Bắc Kinh đã bắt 17 người Nhật bị quy tội làm gián điệp, đồng thời Trung Quốc cũng gầy dựng một mạng lưới điệp viên ở Nhật Bản mà không bị Tokyo quy tội.

Le Figaro dẫn lời một nhân vật quan trọng của tình báo Nhật khẳng định "không có một nước nào có kiều dân bị Trung Quốc bắt giam vì tội gián điệp nhiều như Nhật". Hiện tại vẫn còn 5 người Nhật bị giam biệt tăm ở Trung Quốc. Tờ báo nêu trường hợp một trong số người có số phận tương tự là ông Hideji Suzuki, đã được trả tự do sau 6 năm bị Bắc Kinh giam giữ. Ông  cho biết đã phải sống 6 năm ở địa ngục trong sự thời ơ gần như hoàn toàn của  nước ông. Một điều gây ngạc nhiên là cách quản lý vấn đề gián điệp nước ngoài của chính phủ Nhật đặc biệt có lợi cho người Trung Quốc bị tình nghi làm gián điệp ở Nhật.

Le Figaro dẫn lời Nobukatsu Kanehara, cựu phó giám đốc văn phòng tình báo và nghiên cứu của thủ tướng : "Tội gián điệp không tồn tại ở nước tôi. Người ta có thể trừng phạt một quan chức cao cấp vì cung cấp bí mật cho một nhân viên tình báo nước ngoài, nhưng lại không có một cơ sở pháp lý nào để trừng phạt nhân viên kia. Sau chiến tranh, công luận luôn phản đối luật chống gián điệp đó. Vấn đề này hiện không phải là ưu tiên của thủ tướng Fumio Kishida".  Shigeru Kitamura, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Nhật Bản, cũng khẳng định "có nhiều gián điệp Trung Quốc tại Nhật, nhưng người Nhật chống lại sự phục hồi loại tội danh này". Đây chính là lỗ hổng để gián điệp Trung Quốc hoành hành gần như tự do tại Nhật. Chính vì thế mà mỗi khi có công dân của mình bị bắt tại Nga hay tại Trung Quốc vì cáo buộc làm gián điệp, người Nhật thường lúng túng, vì họ không hề có kinh nghiệm đàm phán về các trường hợp như vậy.

Trong khi đó, theo Le Figaro, Trung Quốc đang phát triển các cơ sở điệp viên của họ tại Nhật. Theo tổ chức phi chính phủ Safeguard Defender, Trung Quốc đã triển khai một hệ thống, bên cạnh các hoạt động lãnh sự, để kiểm soát theo dõi, hăm dọa, trấn áp, thậm chí bắt cóc các công dân ly khai với Bắc Kinh. Đó là những "đồn cảnh sát" của Bắc Kinh cắm ở nước ngoài, một hành động vi phạm Công ước Vienna 1963 về quan hệ lãnh sự. 

Châu Âu tự tiến tới luật hóa về AI

Nhật báo Kinh tế Les Echos cho biết : "Châu Âu trang bị để quản lý trí thông minh nhân tạo". Theo tờ báo, Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục công việc dài hơi và vất vả để trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới luật hóa các quy định về quản lý trí tuệ nhân tạo. Ngày 11/05/2023, với đa số áp đảo, các nghị sĩ Châu Âu đã thông qua các quy định trong tương lai, được Ủy Ban Châu Âu đề xuất từ năm 2021, bao gồm hơn 2000 điều khoản nhằm đưa các hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào một khuôn khổ pháp lý rõ ràng. Việc cập nhật các quy định về trí tuệ nhân tạo giờ đây được áp đặt cho rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực công nghệ, cũng như kinh tế. Ngày càng có nhiều nước nhìn nhận trí tuệ nhân tạo như một cơ hội nhưng cũng là nguy cơ đối với xã hội hiện nay. 

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 295 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)